TCCSĐT - Ngày 28-03-2013, Hội thảo về Biển Đông với chủ đề “Biển Đông và môi trường an ninh khu vực của Ô-xtrây-li-a” đã diễn ra tại Thủ đô Can-bơ-rơ. Việt Nam tham gia với bài tham luận về quá trình đòi chủ quyền tại Biển Đông và những văn bản pháp lý chứng minh chủ quyền của Việt Nam tại Biển Đông.

1. ASEAN và ECO tăng cường hợp tác

Ngày 25-03-2013, Ban Thư ký Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Đại sứ quán 7 nước thành viên Tổ chức Hợp tác kinh tế (ECO) tại In-đô-nê-xi-a, gồm Áp-ga-ni-xtan, A-déc-bai-dan, I-ran, Ca-dắc-xtan, Pa-ki-xtan, Thổ Nhĩ Kỳ và U-dơ-bê-ki-xtan, đã phối hợp tổ chức lễ hội Nowruz tại trụ sở Ban Thư ký ASEAN ở Gia-các-ta. Lễ hội Nowruz là lễ đón ngày xuân đầu tiên của năm mới ở các khu vực Trung Đông, Trung Á và Nam Á. Lễ hội Nowruz Gia-các-ta diễn ra với nhiều hoạt động phong phú, mang đậm bản sắc truyền thống văn hóa dân tộc của các nước thành viên ECO, như triển lãm hàng thủ công mỹ nghệ, triển lãm ảnh, giới thiệu đất nước, con người qua video và các món ăn dân tộc, biểu diễn nghệ thuật độc đáo và đặc sắc với các bài dân ca và điệu múa dân tộc.

2. ASEAN tăng cường năng lực ứng phó rủi ro thiên tai

Từ ngày 26 đến ngày 30-03-2013, Ủy ban Quản lý rủi ro thiên tai của Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ACDM) vừa tổ chức Diễn đàn xây dựng năng lực ASEAN đánh giá rủi ro thiên tai, với chủ đề “Kết nối khoa học và thực tiễn trong quản lý rủi ro thiên tai hướng tới xây dựng khả năng trụ vững của cộng đồng” tại Băng-cốc, Thái Lan. Các đại biểu tham dự Diễn đàn đã tập trung trao đổi và thảo luận các vấn đề thiết thực như phát triển khuôn khổ đối thoại giữa quản lý rủi ro thiên tai và cộng đồng khoa học trong ASEAN, thông tin về rủi ro trên cơ sở khoa học, trách nhiệm trong quản lý rủi ro thiên tai, và tìm hiểu về các công cụ đánh giá rủi ro như Tiếp cận toàn diện đánh giá xác xuất rủi ro (CAPRA), Đánh giá các kịch bản động đất ở In-đô-nê-xi-a (InaSAFE), Phần mềm mã nguồn mở đánh giá rủi ro thiên tai và các mối nguy hiểm địa chấn. Trong khuôn khổ Diễn đàn, đã diễn ra cuộc họp không chính thức của Nhóm Công tác ACDM về giám sát, đánh giá rủi ro và cảnh báo sớm thiên tai, nhằm xác định các lĩnh vực hợp tác cụ thể, tăng cường liên kết và nâng cao trách nhiệm của 3 cơ quan ngành của ASEAN gồm ACDM, Mạng lưới các trường đại học ASEAN (AUN) và Ủy ban Khoa học và Công nghệ ASEAN (COST).

3. Hội nghị thượng đỉnh AL tại Đô-ha

Ngày 26-03-2013, Hội nghị thượng đỉnh Liên đoàn Arập (AL) lần thứ 24 tại Thủ đô Đô-ha, Ca-ta đã bế mạc sớm hơn kế hoạch một ngày. Kết thúc Hội nghị, lãnh đạo 15 nước đã ra nghị quyết cho phép các quốc gia thành viên cung cấp cho người dân và phe đối lập Xy-ri các biện pháp tự vệ, trong đó có vũ khí. Tuy nhiên, văn bản này cũng nhấn mạnh cần ưu tiên các nỗ lực nhằm đạt được một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng hiện nay ở Xy-ri. Tại Hội nghị, các nhà lãnh đạo A-rập cũng xác nhận Liên minh Dân tộc cách mạng và Các lực lượng đối lập Xy-ri (gọi tắt là Liên minh Dân tộc Xy-ri - SNC - hiện đang lưu vong tại Thổ Nhĩ Kỳ) được giữ ghế của Xy-ri tại AL và trong các tổ chức thuộc liên đoàn cho đến khi tiến hành các cuộc bầu cử để thành lập một chính phủ mới. Hội nghị cũng hối thúc các tổ chức khu vực và quốc tế công nhận SNC là “đại diện hợp pháp duy nhất” của người dân Xy-ri. Phản ứng về việc này, Chính phủ Xy-ri và một số đảng phái đối lập trong nước đã lên tiếng phản đối. Cựu đại sứ của Xy-ri tại AL, Y-u-xép An A-mét (Yousef al-Ahmed) cho rằng động thái trên cho thấy AL đã “tự biến mình thành một phần của cuộc xung đột, chứ không phải là giải pháp cho xung đột này”. Vì vậy, mọi quyết định của AL sẽ bị Xy-ri coi là vô nghĩa và không có hiệu lực pháp lý. Ông Y. A-mét cũng nhấn mạnh rằng việc AL cho phép các nước thành viên vũ trang cho phe đối lập Xy-ri là “hành động nguy hiểm và vi phạm trắng trợn Hiến chương của Liên đoàn”.

4. Hội nghị thượng đỉnh BRICS tại Nam Phi

Ngày 27-03-2013, Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 5 Nhóm các nước mới nổi phát triển nhất thế giới (BRICS) đã bế mạc tại thành phố cảng Đơ-ban của Nam Phi với việc nhất trí trên nguyên tắc thành lập một ngân hàng phát triển và một Quỹ dự phòng rủi ro (CRA). Tuy nhiên, các chi tiết cụ thể của hai định chế này cần đàm phán thêm tại cuộc gặp của BRICS vào tháng 9 tới tại Nga, bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước mới nổi và phát triển (G-20). Về đối ngoại, BRICS cảnh báo các mối đe dọa sử dụng vũ lực cũng như các lệnh trừng phạt đơn phương chống lại I-ran, đồng thời kêu gọi chính quyền Xy-ri tạo điều kiện để các tổ chức nhân đạo quốc tế làm việc, trợ giúp người dân nước này. Phát biểu tại phiên bế mạc Hội nghị, các nhà lãnh đạo BRICS kêu gọi giải quyết bế tắc về chương trình hạt nhân của I-ran “bằng các biện pháp chính trị và ngoại giao”, đồng thời phản đối việc phương Tây kêu gọi lật đổ Tổng thống Xy-ri Ba-sa An Át-xát (Bashar al-Assad).Tuyên bố chung của Hội nghị nhấn mạnh mục tiêu đưa BRICS trở thành một cơ chế phối hợp thường xuyên và dài hạn trong các vấn then chốt của kinh tế và chính trị thế giới.

5. Việt Nam đăng cai Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới lần thứ 132

Ngày 27-03-2013, Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới lần thứ 128 (IPU-128) tại Thủ đô Ki-tô của Ê-qua-đo đã thông qua việc Việt Nam đăng cai Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 132 (IPU-132) vào đầu năm 2015. Tháng 8-2012, Quốc hội Việt Nam đã chính thức đề nghị đăng cai IPU-132. Đầu năm nay, Ban Thư ký IPU đã tiến hành khảo sát sơ bộ về cam kết và năng lực tổ chức sự kiện này của Việt Nam. Với cam kết chính trị cao và sự chuẩn bị kỹ lưỡng, Kế hoạch sơ bộ tổ chức IPU-132 của Việt Nam đã được Ban Thư ký IPU đánh giá cao. Kết quả, tại IPU-128 lần này, toàn thể các nước trong cơ chế ASEAN+3, Nhóm địa chính trị châu Á - Thái Bình Dương (APG) đã bày tỏ sự ủng hộ tuyệt đối với việc Việt Nam đăng cai IPU-132. Sau phiên họp của Hội đồng Điều hành, Đại hội đồng IPU-128 đã tiến hành phiên họp toàn thể để thông qua các nghị quyết của IPU-128 về hòa bình, an ninh quốc tế, thương mại và phát triển bền vững, cũng như nhân quyền.

6. Châu Âu hứng chịu đợt tấn công mạng lớn nhất từ trước tới nay

Ngày 27-03-2013, hãng cung cấp các dịch vụ an ninh mạng của Mỹ CloudFlare cho biết một vụ tấn công mạng được cho là lớn nhất từ trước tới nay đã làm nghẽn mạng in-tơ-nét ở châu Âu trong nhiều ngày qua. Theo CloudFlare, các cuộc tấn công mạng nhằm vào Spamhaus, một tổ chức tình nguyện có trụ sở tại Giơ-nevơ, Thụy Sỹ chuyên theo dõi các trang mạng để lọc bớt thư rác. Theo Spamhaus, hiện vẫn chưa xác định được thủ phạm, song tổ chức này cho rằng đứng đằng sau vụ việc có thể là hãng cung cấp các dịch vụ cho thuê máy chủ Cyberbunker, cấu kết với các nhóm tội phạm từ Đông Âu. Spamhaus nêu rõ hệ thống mạng của họ bị tấn công hồi tuần trước, sau khi tổ chức này đưa Cyberbunker vào “danh sách đen” gồm các đối tượng chuyên gửi thư rác gây phiền hà người sử dụng in-tơ-nét.

7. IMF kêu gọi các nước điều chỉnh chính sách trợ cấp năng lượng

Ngày 27-3-2013, trong báo cáo “Cải cách Trợ cấp năng lượng: Bài học và tác động”, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết việc chính phủ trợ cấp cho các ngành khai thác, chế biến và sản xuất dầu mỏ, xăng và điện năng là nhằm hỗ trợ người tiêu dùng. Song, mặt trái của chính sách này là làm tăng thêm gánh nặng cho ngân sách, không khuyến khích đầu tư tư nhân dẫn tới sự độc quyền, thiếu tính cạnh tranh, kéo theo cắt giảm ngân sách dành cho các lĩnh vực ưu tiên như sức khỏe, giáo dục và cơ sở hạ tầng, ảnh hưởng đến đà phát triển của nền kinh tế quốc gia. Ngoài ra, trợ cấp năng lượng tạo tâm lý ỷ lại, dẫn tới việc sử dụng lãng phí, gây ô nhiễm môi trường và đẩy nhanh tốc độ biến đổi khí hậu. Đa phần trợ cấp năng lượng dành cho các nhà xuất khẩu dầu mỏ và trở thành nhân tố gián tiếp làm kiệt quệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên,... Theo IMF, trợ cấp năng lượng là để hỗ trợ các hộ gia đình nghèo, nhưng thực tế các đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất từ các khoản trợ cấp này là tầng lớp trung lưu. Tại các nước có thu nhập thấp và trung bình, có tới 20% những hộ gia đình giàu nhất lại hưởng lợi từ trợ cấp năng lượng, gấp 6 lần so với 20% những hộ nghèo nhất. Phát biểu trong buổi công bố Báo cáo, Phó Giám đốc điều hành thứ nhất của IMF Đây-vít Líp-tơn (David Lipton) cho biết việc cắt giảm trợ cấp cho ngành năng lượng sẽ góp phần thúc đẩy cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu, nâng cao ý thức tiết kiệm của người tiêu dùng năng lượng,... Song, ông Đ. Líp-tơn cũng nhấn mạnh việc cải cách chính sách trợ cấp năng lượng không thể nóng vội mà cần một kế hoạch toàn diện với mục tiêu dài hạn, phân tích và bàn thảo kỹ lưỡng.

8. Ngân hàng thế giới cảnh báo tình trạng béo phì vì giá lương thực cao

Ngày 27-03-2013, Ngân hàng thế giới (WB) cho biết việc giá lương thực vẫn duy trì ở mức cao đang đẩy những người nghèo nhất thế giới vào tình trạng béo phì mà lại suy dinh dưỡng. Theo Phó Chủ tịch WB phụ trách Kinh tế và Giảm nghèo, Ô-ta-vi-a-nô Ca-nu-tô (Otaviano Canuto), nguyên nhân của tình trạng trên là do giá của thực phẩm không an toàn thường rẻ hơn những thực phẩm an toàn, có xuất xứ rõ ràng. Trong tình cảnh giá lương thực cao và ngày càng bất ổn, những người nghèo với thu nhập thấp ở các nước đang phát triển có xu hướng chọn những thực phẩm giá rẻ với lượng ca-lo cao nhưng không có nhiều giá trị dinh dưỡng. Thống kê của WB cho thấy, từ tháng 10-2012 đến tháng 02-2013, giá lương thực thế giới giảm 4%, một phần do giá lúa mì và đường giảm lần lượt 11% và 10% vì nhu cầu thức ăn chăn nuôi và sản xuất ê-tha-nôn từ ngô giảm, trong khi điều kiện thu hoạch lại được cải thiện. Tuy nhiên, giá lương thực vẫn ở mức rất cao, chỉ ít hơn 9% so với mức kỷ lục của tháng 08-2012. Ngoài ra, tình trạng khô hạn đang kéo dài ở Ác-hen-ti-na, Ô-xtrây-li-a và Nam Phi cũng có thể làm ảnh hưởng đến nguồn cung trong những tháng tới. Theo thống kê năm 2008, có khoảng 1,46 tỷ người thừa cân, trong đó có 508 triệu người bị béo phì. WB dự báo đến năm 2030, con số này có thể tăng lên 2,16 tỷ người lớn thừa cân và 1,12 tỷ người béo phì trên khắp thế giới, đặc biệt là ở các quốc gia tăng trưởng nhanh như Trung Quốc và Ấn Độ. Ông Ô. Ca-nu-tô cho biết một nửa số người thừa cân trên thế giới sẽ tập trung ở 9 nước là Trung Quốc, Mỹ, Đức, Ấn Độ, Nga, Bra-xin, Mê-hi-cô, In-đô-nê-xi-a và Thổ Nhĩ Kỳ.

9. Hội thảo về Biển Đông tại Ô-xtrây-li-a

Ngày 28-3-2013, Hội thảo về Biển Đông với chủ đề “Biển Đông và môi trường an ninh khu vực của Ô-xtrây-li-a” đã diễn ra tại Thủ đô Can-bơ-rơ. Tại Hội thảo, Việt Nam có bài tham luận về quá trình đòi chủ quyền tại Biển Đông và những văn bản pháp lý chứng minh chủ quyền của Việt Nam tại Biển Đông. Hội thảo đã nghe các diễn giả trình bày về nguồn gốc tranh chấp ở Biển Đông, vai trò của luật pháp và quản trị quốc tế, quan điểm của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và các bên tranh chấp về vấn đề Biển Đông, lợi ích của Mỹ tại Biển Đông, sự liên quan của Ô-xtrây-li-a tại Biển Đông và một số đề xuất giải pháp. Bài tham luận của Việt Nam về quá trình đòi chủ quyền tại Biển Đông trước và sau thời kỳ Đổi mới năm 1986 cùng những văn bản pháp lý chứng minh chủ quyền tại vùng biển tranh chấp đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt liệt của các đại biểu. Sau các phần hỏi đáp, Hội thảo đã đề xuất một số giải pháp cho vấn đề Biển Đông, trong đó nhấn mạnh sự ổn định, tránh xung đột tại Biển Đông là rất cần thiết. Các bên cần tuân thủ Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS), nhất trí với đề xuất của ASEAN về Bộ Quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC) cũng như các đề xuất về ngăn chặn xung đột, hợp tác thể chế hàng hải. Hội thảo nhấn mạnh quá trình tìm giải pháp cho tranh chấp ở Biển Đông cần sự tham gia tích cực của Trung Quốc.

10. Giao lưu thanh niên các nước ASEAN và Nhật Bản

Từ ngày 31-03 đến 07-04-2013, khoảng 80 sinh viên, thanh niên đến từ các nước Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã đến Nhật Bản theo chương trình Mạng lưới trao đổi sinh viên và thanh niên Đông Á - Nhật Bản (JENESYS) 2.0. Theo thông cáo báo chí của Ban Thư ký ASEAN, trong khuôn khổ chuyến thăm Nhật Bản, bên cạnh việc giao lưu văn hóa truyền thống với người dân địa phương, sinh viên, thanh niên các nước ASEAN đã được tham quan các khu vực Chư-bư (Chubu), Can-xai (Kansai) và Ki-ư-xư (Kyusyu) để tìm hiểu quy trình sản xuất, ứng dụng các sản phẩm công nghệ cao hỗ trợ cho ngành công nghiệp trong nước và ngành công nghiệp sáng tạo. Ban tổ chức hy vọng các hoạt động trong khuôn khổ chuyến thăm sẽ đem lại những trải nghiệm bổ ích cho lớp trẻ ASEAN, góp phần thúc đẩy cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) trong tương lai. JENESYS 2.0 là chương trình giao lưu thanh niên mới được Thủ tướng Nhật Bản Sin-dô A-bê (Shinzo Abe) công bố trong chuyến thăm In-đô-nê-xi-a ngày 18-01 vừa qua nhằm tăng cường hoạt động giao lưu, thúc đẩy hiểu biết lẫn nhau giữa lớp trẻ Nhật Bản và ASEAN. Dự kiến khoảng 30.000 thanh niên từ khu vực châu Á, châu Đại Dương, trong đó có 10.000 thanh niên các nước ASEAN sẽ có cơ hội thăm Nhật Bản trong năm nay theo chương trình JENESYS 2.0./.