TCCSĐT - Ngày 21-3-2013, Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng đã tổ chức Hội thảo thông tin chuyên đề: “Nghiên cứu tế bào gốc - khía cạnh xã hội của vấn đề” nhằm cung cấp những thông tin, tư liệu khoa học cho cán bộ, đảng viên trong các cơ quan Đảng về kết quả nghiên cứu tế bào gốc, ý nghĩa xã hội của nó, tạo cơ sở cho việc liên hệ, vận dụng trong công tác chuyên môn ở các cơ quan Đảng Trung ương.

Tham dự Hội thảo có các đồng chí: Đinh Văn Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương; PGS,TS. Vũ Văn Phúc, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương; Nguyễn Quốc Triệu, Trưởng Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương; Nguyễn Hồng Vinh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương; Phạm Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Chuyên trách Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương; Phạm Anh Tuấn, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương, cùng nhiều cán bộ, đảng viên trong các cơ quan Đảng. 

Với sự phát triển như vũ bão của khoa học - kỹ thuật, nghiên cứu tế bào gốc ngày nay đã trở thành chủ đề “nóng” trong nhiều diễn đàn quốc tế, được các quốc gia trên thế giới quan tâm, coi đây như một công nghệ của thế kỷ XXI. 

Bằng sự trình bày mạch lạc, có hệ thống, PGS, TS. Lê Văn Đông, Phó Chủ nhiệm bộ môn Miễn dịch, Học viện Quân y, Bộ Quốc phòng, Ủy viên thư ký Ban Điều phối chương trình nghiên cứu tế bào gốc, Bộ Khoa học - công nghệ đã cho thấy bức tranh khái quát về nghiên cứu tế bào gốc trên thế giới và ở Việt Nam hiện nay, đi từ khái niệm tế bào gốc, chức năng của nó…

Công nghệ tế bào gốc là sự phát hiện, phân lập và duy trì tế bào gốc; chế tạo các sản phẩm từ tế bào gốc nhằm tăng sinh số lượng và biệt hóa tế bào gốc, tạo mô/cơ quan từ tế bào gốc và việc ứng dụng tế bào gốc, sản phẩm của nó vào các mục đích khác nhau.

Hoạt động nghiên cứu tế bào gốc sẽ giúp nhân loại có thêm tri thức; hình thành đội ngũ những nhà khoa học nghiên cứu chuyên sâu về ứng dụng tế bào gốc vào lĩnh vực y - sinh học, từ đó giúp chữa được nhiều căn bệnh nan y, cũng như làm đẹp, trẻ hóa và hỗ trợ sinh sản cho con người…

Tuy nhiên, do nghiên cứu tế bào gốc rất phức tạp. Đây là hoạt động nghiên cứu đa ngành; đa dạng; sản phẩm làm ra cũng rất phong phú, mức độ tác động, ảnh hưởng đến xã hội rất khác nhau, có những mặt trái nếu đứng trên góc độ xã hội, nên việc triển khai nghiên cứu tế bào gốc vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với các chủ thể liên quan - đó chính là khía cạnh xã hội của vấn đề.

Đối với các nhà đầu tư: nếu Nhà nước đầu tư nghiên cứu thì sẽ nâng cao được tiềm lực nghiên cứu đa ngành trong y - sinh học, thu hút được bệnh nhân nước ngoài đến chữa bệnh và tránh chảy máu chất xám của đất nước. Song, đối với nhiều quốc gia, đầu tư nghiên cứu lĩnh vực này cũng gặp nhiều thách thức bởi nền tảng công nghệ của đất nước thấp, trong khi nghiên cứu cơ bản khá tốn kém. Nếu tư nhân đầu tư sẽ dễ chiếm lĩnh thị trường, có cơ hội thuận lợi về giá cả và độc quyền khai thác công nghệ. Nhưng, đây cũng là sự đầu tư mạo hiểm và thời kỳ đầu phải hoàn thiện công nghệ, khó thu hồi được vốn ngay.

Về chủ thể sử dụng tế bào gốc: có nhiều cơ hội chữa bệnh nan y, được làm đẹp, trẻ hóa như mong muốn. Tuy nhiên, dù sao đây còn là công nghệ mới, nhiều sản phẩm mới trong giai đoạn thử nghiệm nên khó tránh khỏi sự rủi ro, hoặc muốn sử dụng lại gặp khó khăn vì những hành lang pháp lý và các vấn đề nhạy cảm liên quan (như hủy phôi, nhân bản vô tính...).

Vì vậy, trách nhiệm của các nhà quản lý là cần phải cập nhật những kiến thức mới nhất về tiến bộ của công nghệ này, phát hiện ra các mặt trái của nó để tham mưu cho Đảng, Nhà nước, sao cho vừa phát triển khoa học - công nghệ, giúp đất nước “đi tắt đón đầu”, người dân được thụ hưởng thành tựu của khoa học hiện đại, đồng thời vẫn bảo đảm việc sử dụng tế bào gốc trong khuôn khổ pháp luật, thực sự có ích cho con người./.