TCCSĐT - Năm 2013, lần đầu tiên Liên bang Nga đảm nhận vai trò Chủ tịch Diễn đàn các nước phát triển và các nước có nền kinh tế mới nổi (G20), với kỳ vọng về một chương trình nghị sự phong phú, tích cực, thiết thực và có hiệu quả nhằm giải quyết các vấn đề chung liên quan đến tất cả các nước trên thế giới, đồng thời sẽ khai thác vai trò Chủ tịch G20 để giải quyết các vấn đề quốc gia dài hạn, củng cố vị thế của Nga trong hoạt động quản lý nền kinh tế toàn cầu.
Quan điểm chỉ đạo của Tổng thống Nga V. Pu-tin

Trong một bài viết nhân sự kiện Nga đảm nhận vai trò Chủ tịch Diễn đàn G20 trong năm 2013, Tổng thống Nga V. Pu-tin nhận định, kể từ khi được thành lập vào năm 2008 đến nay, G20 đã trở thành công cụ chống khủng hoảng quan trọng của thế giới. Nhờ hoạt động phối hợp của các nước thành viên, trong một thời gian ngắn, G20 đã góp phần ngăn chặn được đà suy thoái kinh tế và tăng cường giám sát đối với các hệ thống tài chính quốc gia, cải tổ cấu trúc hệ thống kinh tế - tài chính quốc tế phù hợp với yêu cầu của thế kỷ XXI, bước đầu xây dựng các cơ chế cho phép tránh rủi ro đến mức tối đa, cũng cố niềm tin, tạo xung lực để phát triển bền vững và cân bằng nền kinh tế toàn cầu.

Tổng thống Nga V. Pu-tin cho rằng, Nga đã sẵn sàng phối hợp hoạt động và hợp tác với tất cả các nước để giải quyết các nhiệm vụ đề ra cho G20. Để nâng cao hiệu quả, tính minh bạch và niềm tin đối với hoạt động của G20, Nga sẽ tiến hành tham vấn rộng rãi với tất cả các bên có liên quan, trong đó có cả các nước không thuộc khối này, các tổ chức quốc tế, công đoàn và giới chuyên gia, giới doanh nghiệp, xã hội dân sự và thanh niên. Theo ông V. Pu-tin, thực tiễn đã chứng minh, các biện pháp mang tính toàn cầu chỉ có thể mang lại kết quả nếu dựa vào ý kiến và tính đến lợi ích của các nhóm xã hội khác nhau. Phía Nga cho rằng, vai trò Chủ tịch G20 sẽ cho phép Nga phối hợp nỗ lực của các nước thành viên để đạt được mục tiêu chung như giải quyết các vấn đề cấp bách nhất của nền kinh tế toàn cầu, bảo đảm phát triển bền vững vì lợi ích của cả cộng đồng thế giới, nâng cao mức sống của hàng triệu người trên hành tinh. Nhằm mục đích đó, Nga sẵn sàng đối thoại và cùng phối hợp hoạt động sáng tạo.

 
 Hội nghị quốc tế bàn về vai trò của Nga Chủ tịch G-20 trong năm 2013.

Tổng thống Nga V. Pu-tin xác định, các chủ đề cơ bản và ưu tiên trong năm Nga đóng vai trò Chủ tịch G20 là tập trung nỗ lực của diễn đàn này để soạn thảo các biện pháp nhằm giải quyết các vấn đề tài chính và kinh tế then chốt có ý nghĩa quyết định sự tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm ở tất cả các nước trên thế giới. Trong đó có 3 hướng ưu tiên là (1) kích thích đầu tư; (2) tạo niềm tin và tính minh bạch trên thị trường; (3) nâng cao hiệu quả quản lý. Ngoài 3 hướng ưu tiên đó sẽ có 8 chủ đề sẽ được thảo luận gồm: (1) phân tích hiện trạng và triển vọng của nền kinh tế thế giới, hiện thực hóa Hiệp định khung về bảo đảm tăng trưởng bền vững; (2) tạo việc làm; (3) cải tổ hệ thống tiền tệ quốc tế; (4) cải tổ hệ thống điều chỉnh và giám sát tài chính; (5) phát triển bền vững thị trường năng lượng toàn cầu; (6) hỗ trợ sự phát triển quốc tế; (7) củng cố hệ thống thương mại đa phương và (8) chống tham nhũng (*).

Những nội dung cơ bản sẽ bàn thảo tại Diễn đàn G20 năm 2013


- Hiệp định khung về bảo đảm tăng trưởng tự tin, ổn định, cân bằng và bảo đảm tài chính cho đầu tư

Kể từ năm 2008 tới nay, G20 đã từng áp dụng các biện pháp quyết liệt để phục hồi và cũng cố tăng trưởng kinh tế thế giới, bảo đảm sự phát triển ổn định. Tuy nhiên, nhịp độ tăng trưởng kinh tế thế giới vẫn chưa đủ để có thể nói tới sự phục hồi tự tin sau khủng hoảng. Trong tương lai, thế giới vẫn đứng trước nguy cơ của làn sóng suy thoái mới. Do đó cần phải tiến hành phân tích chất lượng chính sách kinh tế của các nước G20 và bảo đảm phối hợp có hiệu quả hoạt động của các nước thành viên. Việc giải quyết các nhiệm vụ hướng tới sự tăng trưởng bền vững thông qua thực hiện Hiệp định khung là một trong những ưu tiên trong năm nước Nga làm Chủ tịch G20.

Nhóm công tác về thực hiện Hiệp định khung trong năm 2013 sẽ phải giải quyết những vấn đề sau: (1) xem xét lại các chỉ tiêu ngắn hạn và dài hạn liên quan đến nợ công trong từng nước cụ thể và soạn thảo chiến lược nhằm đạt được các chỉ tiêu đó; (2) hoàn thiện các quá trình đánh giá sự tiến triển và báo cáo về việc thực hiện Hiệp định khung bằng cách gia tăng số lượng các chỉ tiêu để có thể phân tích một cách sâu sắc và chính xác hơn về kinh tế vĩ mô; (3) phân tích sự mất cân đối vẫn còn tồn tại giữa các nước thuộc G20 trong lĩnh vực tài chính - ngân sách, tiền tệ - tín dụng, chính sách tiền tệ và cải cách cơ cấu.

Trong năm 2013, Nhóm công tác sẽ tiến hành ít nhất 2 cuộc gặp kết hợp với các hội nghị từ xa. Cuối năm 2013, Nhóm công tác về thực hiện Hiệp định khung sẽ đệ trình dự thảo Kế hoạch hành động Pê-téc-bua (Peterburg) của G20, trong đó có nội dung phân tích những nguy cơ toàn cầu quan trọng nhất đe dọa sự tăng trưởng bền vững và danh mục các biện pháp có thể thực hiện nhằm vô hiệu hóa những nguy cơ đó. Ngoài ra, sẽ có bản báo cáo bổ sung về sự mất cân đối giữa các nước thuộc nhóm G20 trong lĩnh vực kinh tế, sơ đồ quá trình đánh giá và báo cáo tổng quan về việc thực hiện các thỏa thuận trước đây của nhóm.

Bảo đảm tài chính cho hoạt động đầu tư là tiền đề quan trọng nhất đối với sự tăng trưởng kinh tế và là yếu tố chủ chốt để tạo việc làm. Do đó, theo quan điểm của Nga, nhiệm vụ chủ yếu của G20 là hỗ trợ để tạo điều kiện tốt nhất cho hoạt động bảo đảm tài chính cho đầu tư, phát hiện các nguồn đầu tư dài hạn trong bối cảnh kinh tế hiện nay để kích thích sự tăng trưởng tin cậy, ổn định và cân bằng. Trong thời gian đóng vai trò Chủ tịch G20 của Nga, những vấn đề được thảo luận nhiều nhất là phân tích chính sách của nhà nước trong lĩnh vực này, vai trò đối tác giữa nhà nước và tư nhân và các nguồn tài chính dài hạn phi truyền thống, đánh giá khả năng tìm kiếm các nguồn lực để đầu tư cho các cam kết trên các thị trường nợ và chứng khoán trong điều kiện hiện nay cũng như các vấn đề liên quan đến đầu tư trực tiếp nước ngoài. Nhóm các nước G20 sẽ chú ý những chủ đề như ảnh hưởng của cải cách hệ thống điều chỉnh tài chính đối với hoạt động bảo đảm tài chính cho đầu tư, những khả năng và rào cản hiện có trong lĩnh vực ngân hàng, khả năng tác động tới các ngân hàng đa phương và ngân hàng quốc gia, thu hút tiềm năng quốc tế để bảo đảm tài chính cho hoạt động đầu tư.

Cùng với nhóm các tổ chức quốc tế lớn nhất như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OEDC), Hội đồng Ổn định tài chính, Liên hợp quốc và các tổ chức khác, nhóm các nước G20 sẽ đầu tư nỗ lực tối đa để đạt được một số kết quả nhất định và dự kiến sẽ trình bày tại Hội nghị cấp cao vào tháng 9-2013 ở Pê-téc-bua các nội dung: (1) tăng cường chính sách quốc gia và hoàn thiện cơ chế đối tác nhà nước - tư nhân để kích thích hoạt động bảo đảm tài chính cho hoạt động đầu tư; (2) các biện pháp nhằm thu hút đầu tư cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp mới; (3) các biện pháp bổ sung để bảo đảm cấp vốn ở mức độ cần thiết cho các ngân hàng quốc tế; (4) các kiến nghị về thay đổi cơ sở tiêu chuẩn pháp lý của các thành viên G20 nhằm biến đổi mô hình tiến hành dịch vụ ngân hàng đối với hoạt động bảo đảm tài chính cho lĩnh vực kinh tế thực; (5) phân tích vai trò các nguồn tài chính có thể có cho hoạt động đầu tư; (6) phân tích các xu hướng, mô hình và các kết quả khác nhau trên thị trường đầu tư trực tiếp nước ngoài nhằm sử dụng có hiệu quả đến mức tối đa để đẩy nhanh sự tăng trưởng kinh tế; (7) các kiến nghị nhằm nâng cao khả năng tín dụng của các ngân hàng phát triển đa phương.

- Tạo việc làm

Các biện pháp tích cực và chủ động của các quốc gia thuộc nhóm G20 nhằm vượt qua tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu đã góp phần cải thiện điều kiện trên thị trường lao động đối với đa số các nước. Tuy nhiên, ở một số nước, tỷ lệ thất nghiệp vẫn gia tăng, trong đó có hàng triệu người vẫn đứng trước nguy cơ bị đẩy ra đường do thiếu việc làm.

Do đó, trong năm 2013, Nhóm công tác về việc làm của G20 sẽ nỗ lực giải quyết các nhiệm vụ sau: (1) tạo việc làm thông qua thực hiện chính sách tài chính - ngân sách và tiền tệ - tín dụng có cơ sở và thực hiện cải cách cơ cấu nhằm kích thích hoạt động đầu tư và phát triển doanh nghiệp nhỏ; (2) kích thích và thúc đẩy hoạt động lao động của các nhóm dân cư dễ bị tổn thương; (3) quản lý sự phát triển thị trường lao động và kiểm soát quá trình thực hiện các thoả thuận trước đây trong khuôn khổ G20.

Nhóm công tác về việc làm sẽ tiến hành 3 cuộc họp của trong tháng 02, tháng 06 và tháng 10 để đến cuối năm 2013 sẽ đệ trình một số văn kiện lên Hội nghị cấp cao G20: (1) Tuyên bố của các Bộ trưởng Lao động G20; (2) cơ sở dữ liệu tổng hợp kinh nghiệm tiên tiến trong lĩnh vực chính sách hỗ trợ tạo việc làm và kích thích hoạt động lao động; (3) tổ hợp các kiến nghị về việc thực hiện chính sách nhằm kích thích hoạt động tạo việc làm và kích thích thị trường lao động; (4) báo cáo về quá trình thực hiện các thỏa thuận trong khuôn khổ G20 liên quan đến việc bảo đảm việc làm cho thanh niên.

- Cải cách hệ thống tiền tệ - tài chính quốc tế


Chủ đề cải cách hệ thống tiền tệ quốc tế là một trong những ưu tiên cơ bản của G20, bao gồm nhiều vấn đề: (1) quản lý các thể chế tài chính quốc tế và tính hợp pháp của các thể chế đó; (2) các tiêu chuẩn đa phương có hiệu lực cũng như những nguyên tắc chỉ đạo và các kiến nghị có hiệu quả; (3) những vấn đề toàn cầu liên quan đến tính thanh khoản, dòng vốn, dự trữ ngoại tệ quốc tế, tỷ giá...

Theo quan điểm của Nga, để đạt được mục đích cải cách hệ thống tài chính - tiền tệ quốc tế, tạo cơ sở để củng cố nền kinh tế thế giới và xây dựng cấu trúc tài chính quốc tế cân bằng hơn và có hiệu quả hơn, cần tiếp tục hành động nhằm nâng cao hiệu quả và tính hợp pháp của cơ cấu quản lý Quỹ Tiền tệ quốc tế như hoàn thiện cơ chế quyền bỏ phiếu và quản lý Quỹ được khởi động từ năm 2010 nhằm tăng gấp đôi vốn dự trữ của Quỹ Tiền tệ quốc tế và xem xét lại công thức tính quyền bỏ phiếu trong Quỹ nhằm phản ánh cơ cấu cổ đông hiện nay

Liên bang Nga chủ trương tiếp tục hành động nhằm tăng cường cơ chế giám sát và phân tích đa phương về hoạt động Quỹ Tiền tệ quốc tế, trong đó, có việc đánh giá kết quả gián tiếp của các biện pháp đã được thông qua và soạn thảo chỉ tiêu về tính thanh khoản toàn cầu. Theo quan điểm của Nga, một trong những khía cạnh quan trọng nhất của G20 phải là tiếp tục nghiên cứu soạn thảo các thoả thuận tài chính khu vực và làm sâu sắc sự hợp tác với Quỹ Tiền tệ quốc tế. Liên bang Nga chủ trương hỗ trợ việc thông qua biện pháp bổ sung nhằm thực hiện Kế hoạch hành động của G20 về phát triển thị trường công trái trong nước. Trong bối cảnh đó, với vai trò là Chủ tịch G20, Nga dự kiến thúc đẩy thảo luận về các vấn đề quản lý nợ công và sự ổn định của các hệ thống cho vay của nhà nước.

Dự kiến, Nhóm công tác về cải cách hệ thống tài chính tiền tệ sẽ đạt được một số kết quả vào cuối năm 2013: (1) hoàn thiện cải cách cơ chế bỏ phiếu và quản lý Quỹ Tiền tệ quốc tế được đề ra từ năm 2010; (2) xem xét lại công thức phân bổ quyền bỏ phiếu trong Quỹ Tiền tệ quốc tế và tiến hành vòng đàm phán lần thứ 15 về cơ chế này vào tháng 01-2014; (3) thúc đẩy hoạt động trong lĩnh vực xác định chỉ tiêu thanh khoản toàn cầu; (4) kết thúc việc thực hiện Kế hoạch hành động hỗ trợ phát triển thị trường tiền tệ quốc gia; (5) tiếp tục nghiên cứu soạn thảo các cơ chế tài chính khu vực và thiết lập sự hợp tác giữa các tổ chức tài chính khu vực và Quỹ Tiền tệ quốc tế; (6) xem xét lại các kiến nghị về quản lý nợ công do Quỹ Tiền tệ quốc tế và Ngân hàng thế giới đề xuất vào năm 2001.

- Cải cách hệ thống quản lý và giám sát tài chính

Để ngăn chặn khủng hoảng tài chính thế giới tái phát, điều quan trọng là G20 cần đặc biệt chú ý tới vấn đề củng cố hệ thống quản lý tài chính. Do đó, một trong những nhiệm vụ cơ bản của G20 trong bối cảnh đó là tạo điều kiện thuận lợi để Hội đồng Ổn định tài chính thực hiện các cải cách cần thiết. Dự kiến, năm 2013, Hội đồng này đạt được kết quả trong các lĩnh vực sau đây: (1) quản lý quá trình thực hiện Thỏa thuận Bazell III về giám sát tài chính được thông qua trong 2 năm 2010 - 2011 với các thành viên tham gia thỏa thuận này; (2) thông qua phương pháp luận lựa chọn các thể chế tài chính có ý nghĩa khu vực D-SIFIs (Domestically Systemically Significant Financial Institutions) và áp dụng chế độ giám sát phù hợp đối với các thể chế đó; (3) khởi động các biện pháp nhằm kiểm soát hoạt động ngân hàng ngầm; (4) nghiên cứu xây dựng hệ thống thống nhất toàn cầu về những người có tư cách pháp nhân để tạo sự minh bạch và khả năng quản lý các thị trường tài chính thế giới; (5) chấm dứt việc sử dụng cách đánh giá uy tín một cách máy móc do các cơ quan đánh giá uy tín tín dụng áp đặt; (6) hoàn thiện các thể chế tài chính bên ngoài thị trường chứng khoán: (7) hoàn thiện việc cải tiến Hội đồng Ổn định tài chính thành một tổ chức quốc tế có quyền hạn đầy đủ và nghiên cứu soạn thảo các quy định nội bộ đối với hoạt động của Hội đồng.

Dự kiến, đến Hội nghị cấp cao của G20 tại Nga vào cuối năm 2013 sẽ hoàn thành các nội dung: (1) tạo lập vị thế pháp lý cho Hội đồng Ổn định tài chính; (2) phát triển và quản lý Hệ thống điều chỉnh các thể chế tài chính có ý nghĩa hệ thống, trong đó có việc đánh giá độc lập về các kế hoạch làm lành mạnh Hội đồng Ổn định tài chính và các thỏa thuận về hợp tác với tất cả các thể chế tài chính có ý nghĩa hệ thống toàn cầu, áp dụng nguyên tắc xác định các ngân hàng nội địa có ý nghĩa hệ thống và thực hiện các biện pháp giám sát đối với hoạt động của các ngân hàng đó; (3) thông qua các kiến nghị nhằm tăng cường giám sát hoạt động ngân hàng ngầm; (4) đạt được kết quả sơ bộ về việc xây dựng hệ thống thống nhất toàn cầu về những người có tư cách pháp nhân để tạo sự minh bạch và khả năng quản lý các thị trường tài chính thế giới.

- Phát triển ổn định thị trường năng lượng toàn cầu


Nhóm công tác về năng lượng bền vững của G20 năm 2013 sẽ nghiên cứu các chủ đề sau đây: (1) nâng cao mức độ minh bạch và có thể dự báo trước của các thị trường hàng hoá và nhiên liệu; (2) tạo động lực nhằm tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng và phát triển năng lượng xanh; (3) điều chỉnh hợp lý nhằm phát triển hạ tầng cơ sở năng lượng; (4) bảo đảm duy trì môi trường biển khi khai thác thềm lục địa.

Ngoài 2 cuộc gặp vào tháng 02 và tháng 6-2013 các chuyên gia thuộc Nhóm công tác về năng lượng bền vững của G20 sẽ tiến hành các cuộc tham vấn từ xa để đến cuối năm có thể hoàn thiện các tài liệu: (1) Báo cáo của các bộ trưởng tài chính về quá trình thực hiện các biện pháp để G20 đóng góp vào việc tăng cường tính minh bạch và chức năng của các thị trường năng lượng và hàng hoá; (2) Các chỉ định và kiến nghị về việc xây dựng các mô hình dự báo tính minh bạch trên các thị trường nhiên liệu; (3) Đề án về các nguyên tắc điều chỉnh có hiệu quả đối với thị trường tài nguyên năng lượng để kích thích đầu tư vào hạ tầng cơ sở và đưa các ưu tiên về phát triển năng lượng xanh và phát triển bền vững vào các kế hoạch quốc gia nhằm tái cải cách cơ cấu kinh tế; (4) Các kiến nghị về quá trình đánh giá tự nguyện và độc lập về hiệu quả hỗ trợ trong lĩnh vực các nguồn nhiên liệu đã được khai phá; (5) Báo cáo về quá trình thực hiện các biện pháp do Tổ chức sáng kiến phối hợp thực hiện về thống kê dầu mỏ và đánh giá sơ bộ về đề án thực hiện sáng kiến phối hợp về thống kê khí đốt; (6) Kế hoạch sơ bộ về việc xây dựng cơ sở dữ liệu trong lĩnh vực trao đổi kinh nghiệm tiên tiến về phương pháp luận điều chỉnh và quản lý trong lĩnh vực phát triển năng lượng xanh và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng để các thành viên của G20 sử dụng trong tương lai; (7) hoàn thiện trang web của Nhóm công tác về bảo vệ môi trường biển và sử dụng nó làm công cụ để thực hiện Sáng kiến toàn cầu về bảo vệ môi trường biển nhằm trao đổi kinh nhiệm trong lĩnh vực cảnh báo và khắc phục hậu quả có thể xảy ra khi khai thác thềm lục địa trên biển.

- Hỗ trợ phát triển quốc tế

Để kích thích tăng trưởng kinh tế, cần phát triển hạ tầng cơ sở và mở rộng quyền tiếp cận của người dân đối với những lợi ích cơ bản. Do đó, một trong những ưu tiên của Nga trong vai trò Chủ tịch G20 là hỗ trợ phát triển quốc tế.

Nhóm công tác về hỗ trợ phát triển dự kiến nghiên cứu về các chủ đề sau: (1) an ninh lương thực với trọng tâm là gia tăng khối lượng sản xuất lương thực và giải quyết các vấn đề liên quan đến thiếu dinh dưỡng đối với dân cư ở nhiều khu vực trên thế giới; (2) phát triển tài nguyên con người nhằm mục tiêu hàng đầu là phát triển cơ sở dữ liệu toàn cầu về các tập quán truyền thống; (3) mở rộng quyền tiếp cận đối với các dịch vụ tài chính, đặc biệt nhấn mạnh việc nâng cao hiểu biết về tài chính và mở rộng quyền tiếp cận các dịch vụ tài chính cho phụ nữ, người di cư và thanh niên; (4) phát triển kết cấu hạ tầng với chủ đề ưu tiên là bảo đảm cung cấp tài chính dài hạn cho các dự án hạ tầng cơ sở; (5) tham gia xây dựng chương trình nghị sự "Mục tiêu phát triển thiên nhiên kỷ" cho thời kỳ sau năm 2015 với vai trò lãnh đạo của Liên hợp quốc: (6) nghiên cứu soạn thảo cơ chế báo cáo để đánh giá quá trình thực hiện những cam kết đã được G20 thông qua trước đây.

- Củng cố thương mại đa phương


Việc xác định các chế độ ngoại thương trên cơ sở các bên đều có lợi sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các nước đáp ứng các lợi ích chung của G20 có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc nhanh chóng khôi phục nền kinh tế thế giới.

Một trong những ưu tiên của Nga với vai trò Chủ tịch G20 là củng cố sự hợp tác đa phương nhằm tìm kiếm các giải pháp toàn cầu cho các vấn đề kinh tế và các rủi ro hiện có cũng như không để xảy ra tình hình dẫn đến sự căng thẳng trong quan hệ thương mại giữa các thành viên G20. Thành công của vòng đàm phán Đô-ha trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cũng có ý nghĩa quan trọng để đạt được mục đích này.

Theo quan điểm của Nga, G20 có nhiệm vụ kích thích mạnh mẽ nhu cầu đối với sự phát triển thương mại và đầu tư như là một trong những yếu tố của sự tăng trưởng, còn điều kiện cần phải có để đạt được mục đích bảo đảm tăng trưởng và việc làm là xây dựng hệ thống thương mại đa phương có hiệu quả.

Trong năm 2013, nhóm các nước G20 kỳ vọng tạo ra xung lực mới cho quá trình đàm phán trong khuôn khổ vòng đàm phán Đô-ha và phối hợp nỗ lực để giải quyết các nhiệm vụ sau đây: (1) đấu tranh chống lại các biện pháp bảo hộ; (2) củng cố và phát triển hệ thống thương mại đa phương; (3) phát triển chuỗi các giá trị toàn cầu.

Trong năm 2013 dự kiến tiến hành nhiều biện pháp phối hợp của G20 và các tổ chức quốc tế khác có liên quan, trong đó quan trọng nhất sẽ là xuất bản Báo cáo phối hợp lần thứ 9 của WTO về các biện pháp trong lĩnh vực điều chỉnh thương mại và đầu tư sẽ được G20 thông qua vào tháng 6-2013 và Hội nghị cấp bộ trưởng của WTO vào tháng 12-2013. Tại Hội nghị thượng đỉnh của G20 tại Nga sẽ thông qua Báo cáo về các hiệp định cơ bản đề ra trong báo cáo phối hợp lần thứ 9 của WTO, các bản báo cáo về hiện trạng giải quyết các vấn đề liên quan đến việc bãi bỏ các biện pháp bảo hộ trong thương mại đa phương và củng cố hệ thống thương mại đa phương.

- Chống tham nhũng


Tham nhũng là một trong những rào cản rất lớn đối với sự phát triển kinh tế thế giới. Do đó, ưu tiên của Nga với vai trò Chủ tịch G20 là đối phó có hiệu quả và không khoan nhượng đối với tham nhũng. Nhóm công tác về chống tham nhũng tiếp tục hoạt động theo các chủ đề cơ bản sau đây: (1) thực hiện kế hoạch chống tham nhũng của G20 trong những năm 2013 - 2014 (dự kiến soạn thảo các kiến nghị và khởi động việc thực hiện các hoạt động phối hợp của các nước thành viên G20 trong các lĩnh vực như thống nhất các quy định trong Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng, bảo đảm tính độc lập của các cơ quan chống tham nhũng, chống hối lộ liên quan đến các quan chức nước ngoài, chống rửa tiền và thu nhập do hoạt động tham nhũng, hạn chế việc di chuyển của các quan chức nhà nước phạm tội tham nhũng…); (2) thực hiện các biện pháp chống tham nhũng để xây dựng một xã hội không có tham nhũng; (3) mở rộng việc huy động cộng đồng doanh nghiệp vào cuộc chiến chống tham nhũng; (4) bảo đảm tính minh bạch của các số liệu tài chính và công khai thông tin về các quan chức nhà nước; (5) tổ chức và tiến hành các biện pháp quốc tế trên quy mô lớn để chống tham nhũng.

Dự kiến, đến cuối năm 2013, Nhóm công tác về chống tham nhũng sẽ đệ trình các tài liệu sau: (1) Báo cáo lần thứ 3 về việc thực hiện Kế hoạch chống tham nhũng; (2) Giáo trình đào tạo chuẩn hóa về chống tham nhũng để áp dụng tại các nước thuộc G20; (3) Các kiến nghị nhằm ngăn chặn tội phạm tham nhũng trong khuôn khổ G20, tiến hành các biện pháp quốc tế chống tham nhũng.

Hội nghị cấp cáo nguyên thủ các quốc gia và chính phủ các nước G20 dự kiến tổ chức trong 2 ngày 5 và 6-9-2013. Trong suốt cả năm 2013 sẽ tiến hành 5 cuộc gặp ở cấp chuyên gia và 5 cuộc gặp bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương, cuộc gặp phối hợp các bộ trưởng tài chính và các bộ trưởng lao động, nhiều cuộc đàm phán và hội nghị của các Nhóm công tác và nhiều biện pháp phối hợp về các vấn đề cụ thể trong hoạt động của G20. Liên bang Nga sẽ khởi động một trang web đặc biệt về vai trò Chủ tịch G20, trong đó công bố những tin tức mới nhất về lộ trình và địa điểm tiến hành các biện pháp cũng như các văn kiện chính thức và thông tin cập nhật về hoạt động của nhóm.

Mở đầu năm Liên bang Nga đóng vai trò Chủ tịch G20, ngày 13-02-2013, tại Mát-xcơ-va đã diễn ra Hội nghị quốc tế đầu tiên của Nhóm công tác về cấu trúc tài chính quốc tế IFA (International Financial Architecture) với vai trò Chủ tịch G20 của Liên bang Nga, với sự tham dự của các Bộ trưởng Tài chính, Thống đốc các ngân hàng trung ương và các chuyên gia đến từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế OECD (Organisation for Economic Co-operation and Development), Ngân hàng định cư quốc tế BIS (Bank for International Settlements) và Nhóm các nước đang phát triển G24. Hội nghị của IFA đã bàn về các hướng ưu tiên của G20 trong năm Liên bang Nga đóng vai trò Chủ tịch Diễn đàn này (**, ***)./.

---------------------------------
Tài liệu tham khảo

(*) Phát biểu của Tổng thống Nga V. Pu-tin nhân mở đầu năm Nga đóng vai trò Chủ tịch G20 (Обращение Владимира Путина по случаю начала председательства России в «Группе двадцати». http://ru.g20russia.ru/news/20121201/781005589.html

(**) Quan điểm của Nga với vai trò Chủ tịch G20 (Концепция председательства России в «Группе двадцати»). http://ru.g20russia.ru/docs/g20_russia/outline.html

(***) Chương trình Nghị sự của G20 trong năm 2013 (Программа мероприятий). http://ru.g20russia.ru/events/