TCCSĐT - Trong 2 ngày 23 và 24-02-2013 tại Thủ đô Mát-xcơ-va đã diễn ra Đại hội lần thứ 15 Đảng Cộng sản Liên bang Nga. Tại Đại hội, Chủ tịch Đảng Cộng sản Liên bang Nga G. Ziu-ga-nốp khẳng định: Đảng Cộng sản Liên bang Nga vẫn trung thành với tư tưởng của Lê-nin và con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội.

1. Hội nghị Tư lệnh cảnh sát các nước ASEAN lần thứ 33 

Từ ngày 18 đến ngày 22-02-2013 đã diễn ra Hội nghị Tư lệnh cảnh sát các nước ASEAN lần thứ 33 tại tỉnh Chon-bu-ri, cách Băng Cốc 160km về phía Đông Nam. Sau các phiên thảo luận kín, 10 nước ASEAN đã nhất trí ra Tuyên bố chung với các nội dung quan trọng, trong đó nhấn mạnh việc xây dựng cơ chế trao đổi thông tin, ủng hộ việc trao đổi nhanh những thông tin chính xác và có chất lượng phục vụ phòng, chống tội phạm, hỗ trợ công tác điều tra, thu thập chứng cứ, bắt giam các loại tội phạm xuyên quốc gia. Các nước tham gia Hội nghị cũng nhất trí nâng cấp Trung tâm dữ liệu cảnh sát ASEAN, lấy đó làm cơ sở để các nước có thể hợp tác và sử dụng hiệu quả trong việc phòng, chống tội phạm quốc tế. Trước tình hình tội phạm ma túy phát triển ngày càng tinh vi và hình thành các đường dây ma túy xuyên quốc gia, đại biểu các nước tán thành hợp tác chặt chẽ trên mọi phương diện nhằm đạt mục tiêu một ASEAN không có ma túy vào năm 2015. Dựa trên thực tế cấp thiết về nhu cầu học hỏi, trao đổi kiến thức và kinh nghiệm giữa các nước trong công tác phòng, chống các loại tội phạm, các nước ASEAN nhất trí xem xét đề xuất của nước chủ nhà Thái Lan trong việc thành lập Học viện khoa học hình sự ASEAN.

2. Đối thoại  Ấn Độ - ASEAN, ASEAN - Niu Di-lân

Ngày 19-02-2013, Đối thoại Ấn Độ - ASEAN lần thứ 5 đã diễn ra tại Thủ đô Niu Đê-li, Ấn Độ với chủ đề “Ấn Độ - ASEAN: Tầm nhìn về đối tác và thịnh vượng”. Đối thoại lần này tập trung thảo luận các chủ đề: “Hợp tác an ninh Ấn Độ - ASEAN: Tiến tới hòa bình và ổn định”; “Những thách thức an ninh không truyền thống: an ninh lương thực, quản lý nguồn nước và dịch bệnh”; “Tương lai của thị trường năng lượng toàn cầu: vai trò của năng lượng mới và năng lượng tái tạo trong phát triển bền vững”; “Hợp tác giữa các nước Cam-pu-chia, Lào, Mi-an-ma, Việt Nam và khu vực Đông Bắc Ấn Độ: Những cơ hội và thách thức”; và chủ đề “Mở rộng các mạng lưới thông qua kết nối: Trên bộ, trên biển và trên không”. 

Cùng ngày tại Oeo-linh-tơn, Niu Di-lân đã diễn ra cuộc đối thoại lần thứ 20 giữa ASEAN - Niu Di-lân, nhằm xem xét những kết quả đã đạt được và đánh giá tiến độ thực hiện Chương trình Bốn sáng kiến chủ đạo giữa đôi bên, bao gồm hợp tác trong lĩnh vực cấp học bổng, quản lý rủi ro thiên tai, hỗ trợ các nhà lãnh đạo doanh nghiệp trẻ và ngoại giao nông nghiệp, cũng như tiến độ thực hiện Kế hoạch hành động của Tuyên bố chung Quan hệ Đối tác toàn diện ASEAN - Niu Di-lân 2010 - 2015.

3. Liên hợp quốc hỗ trợ các nước xây dựng chiến lược nền kinh tế xanh

Ngày 19-02-2013, Liên hợp quốc công bố chương trình Quan hệ đối tác Hành động vì Kinh tế Xanh (PAGE), theo đó sẽ hỗ trợ 30 quốc gia xây dựng các chiến lược nền kinh tế xanh nhằm tạo nhiều công ăn việc làm, thúc đẩy công nghệ sạch và giảm thiểu các rủi ro môi trường trong 7 năm tới. Chương trình PAGE của Liên hợp quốc sẽ giúp nhiều nước chuyển đổi các nguồn đầu tư và định hướng chính sách theo hướng tạo nên công nghệ sạch, cơ sở hạ tầng tài nguyên hiệu quả, lao động lành nghề, quản lý tốt và nhiều dịch vụ khác. Đây là lần đầu tiên 4 cơ quan Liên hợp quốc gồm: Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) và Viện Nghiên cứu và đào tạo Liên hợp quốc (UNITAR) cùng phối hợp chuyên môn và các nguồn lực ở cấp độ quốc gia. Theo Tổng Giám đốc ILO Gai Rai-đơ (Guy Ryder), ILO dự kiến ít nhất ½ lực lượng lao động trên toàn cầu (tương đương 1,5 tỷ người), có thể bị ảnh hưởng vì tiến trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh. PAGE sẽ thúc đẩy các chính sách đúng đắn và các cơ hội ở cấp quốc gia ngay khi các nước triển khai các kế hoạch kinh tế xanh, bảo đảm tiến trình chuyển đổi sẽ tạo thêm nhiều việc làm và các lợi ích xã hội khác. Trong 2 năm đầu của quan hệ đối tác, PAGE sẽ tập trung vào 7 nước thí điểm, sau đó sẽ mở rộng quy mô hỗ trợ tới 30 nước khác vào năm 2020.

4. Hội nghị về giảm bớt rủi ro thiên tai và Chương trình Phát triển sau năm 2015

Ngày 19-02-2013, Hội nghị tham vấn chuyên đề toàn cầu về “Giảm bớt rủi ro thiên tai và Chương trình Phát triển sau năm 2015” do Chính phủ In-đô-nê-xi-a và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) phối hợp tổ chức, đã diễn ra tại trung tâm Thủ đô Gia-các-ta. Hội nghị tham vấn tập trung thảo luận tình hình phát triển và những thách thức nổi bật đối với phát triển sau năm 2015; xác định khả năng trụ vững và các biện pháp bảo đảm trụ vững trước thảm họa thiên tai; chia sẻ quan điểm và kinh nghiệm về việc thực hiện các Mục tiêu thiên niên kỷ liên quan đến các thảm họa thiên tai và xung đột; thảo luận các mục tiêu cụ thể về giảm bớt rủi ro thiên tai và gắn nội dung này cùng với quản lý rủi ro thiên tai vào Chương trình Phát triển sau năm 2015. Các đại biểu cũng nhấn mạnh đến vai trò của các nước châu Á - Thái Bình Dương trong bối cảnh khu vực này đang trở thành động lực chủ chốt cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong thế kỷ XXI, song cũng là nơi sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi những tác động bất lợi do biến đổi khí hậu gây ra trong tương lai. 

5. Diễn đàn cấp bộ trưởng Nga - Arập 

Ngày 20-02-2013, tại Diễn đàn cấp bộ trưởng Nga - Arập ở Thủ đô Mát-xcơ-va, Nga và Liên đoàn các nước Arập (AL) đã ra tuyên bố chung, theo đó nêu rõ Nga và các nước AL có chung quan điểm đối với các vấn đề quốc tế và các biện pháp giải quyết chúng, đều ủng hộ việc giải quyết mọi cuộc khủng hoảng và xung đột trên cơ sở nghiêm chỉnh tôn trọng luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc với vai trò điều tiết trọng tâm của Liên hợp quốc. Nga và các nước AL kiên quyết đấu tranh chống mọi biểu hiện hoặc hành động khủng bố, ủng hộ giải pháp toàn diện cho cuộc xung đột I-xra-en - Pa-lét-xtin trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế, ủng hộ việc chấm dứt mọi hành động đơn phương đang ngăn cản việc thực hiện các nghị quyết Liên hợp quốc nhằm giải quyết hòa bình cuộc xung đột I-xra-en - Arập. Tuyên bố nhấn mạnh Nga và các nước AL ủng hộ việc triệu tập hội nghị quốc tế về Trung Đông tại Mát-xcơ-va, ủng hộ việc nhanh chóng chấm dứt bạo lực tại Xy-ri và bắt đầu đối thoại giữa Chính phủ và phe đối lập Xy-ri trên cơ sở Tuyên bố Giơ-ne-vơ ngày 30-6-2012, ủng hộ việc nhanh chóng triệu tập hội nghị về không phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt tại Trung Đông. Nga và các nước AL ủng hộ giải pháp hòa bình cho các cuộc xung đột tại Y-ê-men, Xu-đăng, Xô-ma-li và cho chương trình hạt nhân của I-ran, ủng hộ việc củng cố lòng tin và ổn định trong quan hệ quốc tế. Kế hoạch hành động chung Nga - AL khẳng định các bên sẽ nỗ lực phối hợp cho đối thoại chính trị cấp bộ trưởng, đặc phái viên và cấp chuyên viên, sẽ cùng nhau thực hiện các biện pháp nhằm mở rộng hợp tác kinh tế, năng lượng, giao thông vận tải, viễn thông, thủy lợi, nông nghiệp, sinh thái, du lịch, văn hóa và giáo dục. Nga và các nước AL cũng sẽ tăng cường đối thoại giữa các tổ chức xã hội, hỗ trợ hoạt động của các hội hữu nghị, soạn thảo chương trình trao đổi thanh niên - sinh viên.

6. Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác Nam Mỹ - châu Phi 

Ngày 22-02-2013, Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 3 của Diễn đàn hợp tác Nam Mỹ - châu Phi (ASA) đã bế mạc tại Thủ đô Ma-la-bô của Cộng hòa Ghi-nê Xích đạo, với cam kết tăng cường thúc đẩy hợp tác giữa hai khu vực trong khuôn khổ hợp tác Nam - Nam. Tại Hội nghị, các nhà lãnh đạo và đại diện của hơn 60 nước tại hai khu vực đã thảo luận các biện pháp biến ý chí chính trị thành những chương trình hợp tác cụ thể trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư, du lịch, năng lượng, khai khoáng, vận tải, kết cấu hạ tầng, khoa học và công nghệ. Nam Mỹ và châu Phi sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên lớn nhất thế giới, vì vậy các đại biểu tham dự Hội nghị nhấn mạnh sự cần thiết tăng cường phát triển công nghiệp chế biến nhằm tận dụng 100% tiềm năng các nguồn tài nguyên đó phục vụ lợi ích của nhân dân. Trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao này còn diễn ra một loạt các diễn đàn kinh tế và văn hóa nhằm thúc đẩy trao đổi giữa hai khu vực theo tinh thần chủ đề của Hội nghị là tăng cường hợp tác Nam - Nam. ASA được thành lập năm 2006 theo sáng kiến của Ni-giê-ri-a và Bra-xin, với sự tham gia của 54 quốc gia châu Phi và 12 quốc gia Nam Mỹ, là các thành viên của Liên minh châu Phi (AU) và Liên minh các nước Nam Mỹ (Unasur). Tại Hội nghị này, Tổng thống nước chủ nhà Tê-ô-đô-rô Ô-bi-ang N-gu-ê-ma (Teodoro Obiang Nguema) đề xuất mở rộng ASA với việc kết nạp thêm các nước ở Trung Mỹ và vùng Ca-ri-bê.

7. Tuyến đường sắt Trung Quốc - ASEAN đã hoạt động

Ngày 23-02-2013, tuyến đường sắt nối tỉnh Vân Nam của Trung Quốc với một số nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã chính thức đi vào hoạt động sau 7 năm xây dựng. Tuyến đường sắt này dài 141km, được thiết kế theo tiêu chuẩn tàu hỏa có thể đạt vận tốc tối đa 120km/h và là một phần trong tuyến đường sắt miền Đông của mạng lưới đường sắt xuyên Á. Tuyến đường này chạy qua 35 đường hầm và 61 cây cầu, chiếm 54,95% tổng chiều dài tuyến đường sắt miền Đông của Trung Quốc. Theo giới chuyên gia, với việc đưa tuyến đường sắt Trung Quốc - ASEAN vào hoạt động và sau này là tuyến đường sắt miền Đông của mạng lưới đường sắt xuyên Á, Trung Quốc và ASEAN sẽ cải thiện đáng kể tình trạng giao thông và thúc đẩy phát triển kinh tế dọc theo các tuyến đường này. Mạng lưới đường sắt xuyên Á gồm ba tuyến đường sắt miền Đông, miền Trung và miền Tây. Đây là dự án đường sắt quốc tế nhằm đưa Trung Quốc xích gần hơn với khu vực Đông Nam Á.

8. Đại hội lần thứ 15 Đảng Cộng sản Liên bang Nga 

Trong 2 ngày 23 và 24-02-2013 tại Thủ đô Mát-xcơ-va đã diễn ra Đại hội lần thứ 15 Đảng Cộng sản Liên bang Nga. Diễn ra đúng dịp tròn 20 năm Đảng Cộng sản Liên bang Nga được thành lập lại sau khi Liên bang Xô Viết tan rã, Đại hội đã dành nhiều thời gian để nhìn lại những thành tựu không chỉ của một nhiệm kỳ vừa qua, mà của cả một quá trình dài. Trong Báo cáo chính trị tại Đại hội, Chủ tịch Đảng Cộng sản Liên bang Nga, G. Ziu-ga-nốp (G. Zuganov) nhấn mạnh trong bối cảnh chung của thế giới hiện nay, Đảng Cộng sản Liên bang Nga sẽ đề ra những nhiệm vụ cụ thể để củng cố, phát triển đội ngũ, tham gia mạnh mẽ hơn vào đời sống chính trị, kinh tế và xã hội của đất nước. Chủ tịch G. Ziu-ga-nốp cũng khẳng định: Đảng Cộng sản Liên bang Nga vẫn trung thành với tư tưởng của Lê-nin và con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội. Chủ tịch G. Ziu-ga-nốp cũng đề ra những kế hoạch cụ thể cho nhiệm kỳ mới nhằm tăng thêm hiệu quả cho hoạt động của Đảng và làm cho Đảng ngày càng trở nên vững mạnh, đặc biệt chú trọng công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế trong bối cảnh đầy thách thức hiện nay./.