Gia đình Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước

ThS. Tuệ Minh (Theo: Hồ sơ - Sự kiện)
21:31, ngày 15-02-2013
Chỉ thị số 49-CT/TW ngày 21-2-2005 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng “Về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” xác định: “gia đình là một trong những nhân tố quan trọng quyết định sự thành công của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội”.

Về vai trò của gia đình

 

Thứ nhất, gia đình là nền tảng, là tế bào của xã hội. Ở bất kỳ giai đoạn nào, gia đình đều giữ vai trò là nền tảng, là tế bào của xã hội, là một trong những nhân tố quyết định sự hưng thịnh của quốc gia. Muốn có một xã hội phát triển lành mạnh, trước hết từng “tế bào” phải phát triển lành mạnh, bền vững. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ rõ: “nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt hơn, hạt nhân của xã hội là gia đình. Chính vì vậy, muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội là phải chú ý hạt nhân cho tốt”.

 

Đại hội XI của Đảng xác định: “xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, thật sự là tế bào lành mạnh của xã hội”(1). Gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc chính là “tế bào lành mạnh”, tạo thành “nền tảng vững chắc” cho một xã hội xã hội chủ nghĩa “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

 

Thứ hai, gia đình là nơi cung cấp nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nguồn nhân lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay ngày càng đòi hỏi trình độ và yêu cầu cao, đó phải là những người “giàu lòng yêu nước, có ý thức làm chủ, trách nhiệm công dân; có tri thức, sức khỏe, lao động giỏi; sống có văn hóa, nghĩa tình; có tinh thần quốc tế chân chính”(2). Gia đình chính “là môi trường quan trọng, trực tiếp giáo dục nếp sống và hình thành nhân cách”(3) để hình thành nên những phẩm chất tốt đẹp của mỗi cá nhân, mỗi con người, góp phần đắc lực vào chiến lược phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

 

Thứ ba, gia đình là nơi nuôi dưỡng, bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Trải qua nhiều thế hệ, gia đình Việt Nam được hình thành và phát triển với những chuẩn mực giá trị tốt đẹp, góp phần xây dựng bản sắc văn hóa dân tộc. Những giá trị truyền thống quý báu như lòng yêu nước, yêu quê hương, yêu thương, đùm bọc lẫn nhau, thủy chung, hiếu nghĩa, hiếu học, cần cù và sáng tạo trong lao động, bất khuất kiên cường vượt qua mọi khó khăn thử thách đã được gia đình Việt Nam gìn giữ, vun đắp trong suốt quá trình lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc và phát huy trong giai đoạn hiện nay.

 

Xây dựng gia đình Việt Nam trong giai đoạn hiện nay

 

Để thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phấn đấu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại thì bên cạnh các nhân tố khác, gia đình chính là nhân tố quan trọng. Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa và hội nhập quốc tế tạo ra nhiều cơ hội và điều kiện thuận lợi, đồng thời cũng đặt gia đình và công tác gia đình trước nhiều khó khăn, thách thức. Mặt trái của cơ chế thị trường và lối sống thực dụng tác động mạnh tới các giá trị đạo đức truyền thống và lối sống. Sự phân hóa giàu nghèo sẽ tiếp tục tác động vào số đông các gia đình. Nhiều gia đình nếu không được hỗ trợ, không được chuẩn bị đầy đủ các yếu tố giá trị cần thiết (cả về vật chất và tinh thần) sẽ không đủ năng lực đối phó với những thay đổi nhanh chóng về kinh tế - xã hội và không làm tròn các chức năng vốn có của mình. Trong thời gian tới, nếu chúng ta không quan tâm củng cố, ổn định và xây dựng gia đình, những khó khăn và thách thức nêu trên sẽ tiếp tục làm suy yếu gia đình, suy yếu động lực của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

 

Do đó, để phát huy vai trò của mỗi gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:

 

Một là, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách và hệ thống dịch vụ xã hội liên quan đến gia đình, đặc biệt ở những vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, khu công nghiệp, các nơi phải nhường đất sản xuất cho đô thị hóa, phát triển công nghiệp và các hộ di dân. Triển khai và mở rộng các loại hình dịch vụ an sinh xã hội để nâng cao năng lực tự chủ của mỗi gia đình, bảo đảm cho các gia đình có cơ hội tiếp cận sự bảo trợ của Nhà nước, ổn định cuộc sống, chăm lo giáo dục con cái và chăm sóc người cao tuổi.

 

Hai là, nâng cao nhận thức của mỗi cá nhân cũng như toàn xã hội về vai trò, vị trí đặc biệt của gia đình đối với xã hội và trách nhiệm của gia đình và cộng đồng trong việc tuyên truyền pháp luật, chính sách liên quan đến vấn đề xây dựng gia đình, đặc biệt là Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục trẻ em, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Pháp lệnh Dân số,... Đưa chủ đề gia đình vào các chương trình tuyên truyền, nêu gương người tốt, việc tốt và phê phán những biểu hiện không lành mạnh ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình.

 

Ba là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng và chính quyền các cấp đối với công tác gia đình, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên; chủ động rà soát, đánh giá tình hình gia đình tại địa phương, xây dựng và triển khai các kế hoạch, đề án cụ thể giải quyết những khó khăn, thách thức về gia đình và công tác gia đình. Đặc biệt quan tâm xóa bỏ các hủ tục, tập quán lạc hậu trong hôn nhân và gia đình; tăng cường công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; có kế hoạch và biện pháp cụ thể phòng, chống bạo hành trong gia đình.

 

Bốn là, đẩy mạnh công tác nghiên cứu, điều tra, khảo sát toàn diện về gia đình, đặc biệt là nghiên cứu các giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình cần gìn giữ; phát huy những giá trị mới, tiên tiến cần tiếp thu; nghiên cứu xây dựng các mô hình gia đình Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và dự báo những biến đổi về gia đình trong thời kỳ mới./.

---------------------

1. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 77

2. Văn kiện đã dẫn, tr. 76-77

3. Văn kiện đã dẫn, tr. 77