TCCSĐT - Hội nghị đóng góp ý kiến của các nhân sĩ, trí thức về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tại Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh diễn ra trong không khí trao đổi dân chủ, thẳng thắn.

Sáng 1-2, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến của một số nhà khoa học, trí thức, đại diện các dân tộc, tôn giáo trên địa bàn thủ đô về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Các ý kiến đóng góp được trình bày tại Hội nghị gồm nhiều nội dung, trong đó tập trung vào một số vấn đề như: giáo dục, văn hóa, tôn giáo, quyền con người và nghĩa vụ công dân…

TS Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật thành phố Hà Nội cho rằng: Giáo dục đào tạo là vấn đề quan trọng, liên quan đến con người, nguồn nhân lực cho sự phát triển của đất nước, do đó Hiến pháp cần nêu rõ việc chịu trách nhiệm về giáo dục đào tạo. Trước thực trạng giáo dục hiện nay đang tồn tại nhiều bất cập, Điều 66 của Hiến pháp lần này cần thể hiện cụ thể triết lí giáo dục hiện đại. TS Lâm góp ý: “Chúng ta phải đặt ra yêu cầu giáo dục phải đào tạo ra những con người phục vụ CNH - HĐH trước, sau đó mới cụ thể là những con người biết tôn vinh những giá trị tốt đẹp của bản thân, gia đình, dân tộc, có khát vọng cống hiến cho xã hội; luôn sáng tạo trong mọi việc làm, mỗi người phải biết tự học suốt đời, tự vươn lên trong cuộc sống. Giáo dục phải mang đến niềm vui, niềm hạnh phúc cho mỗi người, mỗi gia đình”.

Trăn trở về nền văn hóa Việt Nam, Giáo sư sử học Lê Văn Lan rất quan tâm đến Điều 64. Ông mong muốn Hiến pháp thể hiện rõ quan điểm mới về văn hóa Việt Nam trong thời kì hội nhập.

Cụ thể, Hiến pháp cần khẳng định một cách mạnh mẽ văn hóa Việt Nam trong thời kì hội nhập phải là một nền văn hóa xã hội chủ nghĩa có kỉ cương, nhấn mạnh văn hóa là bản lĩnh Việt Nam chứ không chỉ là đậm đà bản sắc dân tộc.

Nhiều ý kiến tại hội nghị cũng thể hiện sự đồng tình với những quan điểm về quyền công dân ghi trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp, tuy nhiên đề nghị bổ sung công dân có quyền quyết định về phương diện chính trị, về những vấn đề lớn của đất nước.

Về Hội đồng Hiến pháp, các ý kiến cho rằng: Hội đồng này phải bao gồm nhiều thành phần đại diện cho cả nhân dân, là những đại biểu ưu tú của nhân dân chứ không chỉ là các đại biểu Quốc hội.

Về tôn giáo, các đại biểu cho rằng, bên cạnh việc khẳng định Nhà nước tôn trọng, đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân, cũng cần khẳng định cơ sở hợp pháp của tôn giáo, đó là tôn giáo được pháp luật bảo hộ…

Tất cả những ý kiến tâm huyết của các đại biểu sẽ được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội tập hợp đầy đủ gửi về Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hội đồng tư vấn Dân chủ Pháp luật, thuộc Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến các nhân sĩ, trí thức hàng đầu khu vực phía Nam về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Phát biểu tại Hội nghị, các đại biểu đánh giá bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 có nhiều điểm mới, đồng thời các đại biểu có những đóng góp quan trọng cho bản Dự thảo, trong đó một số ý kiến nêu bật vấn đề cần thể hiện rõ quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo trong bản Hiến pháp sửa đổi.

Đại biểu Nguyễn Hữu Danh, Ủy viên Hội đồng tư vấn Dân chủ và Pháp luật - Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết, trước tình hình phức tạp ở quần đảo Trường Sa và Hoàng sa hiện nay thì ngay trong lời nói đầu của Hiến pháp cần ghi rõ quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Theo ông Nguyễn Hữu Danh, lời nói đầu Dự thảo Hiến pháp sửa đổi có ghi “Hiến pháp này tiếp tục khẳng định ý chí của nhân dân và chủ quyền quốc gia; phát huy dân chủ, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc; xây dựng và bảo vệ Tổ quốc…” chưa thể hiện rõ thực hiện chủ quyền quốc gia tại các hải đảo ở Biển Đông. Do vậy, ông Nguyễn Hữu Danh đề nghị bổ sung cụm từ “chủ quyền quốc gia” là “Hiến pháp này tiếp tục khẳng định ý chí của nhân dân và chủ quyền quốc gia tại quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và các đảo khác tại Biển Đông.”

Cùng quan điểm này, Luật gia Hồ Ngọc Cử - Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng, lời nói đầu của Hiến pháp cần khẳng định chủ quyền quốc gia như tuyên ngôn độc lập đầu tiên của Việt Nam vào thời Lý. Luật gia Hồ Ngọc Cử cũng đề nghị bổ sung vào lời nói đầu của Hiến pháp sửa đổi, trong đó khẳng định việc bảo vệ chủ quyền quốc gia Việt Nam, bao gồm quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Ngoài vấn đề chủ quyền quốc gia được nhiều người quan tâm, một số đại biểu đã đóng góp các vấn đề liên quan quyền con người trong tố tụng hình sự.

Ông Võ Văn Thiện, Trưởng ban Công tác phía Nam Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cho rằng: Các quy định hiện nay của Hiến pháp, pháp luật liên quan đến Hội thẩm nhân dân đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng, tạo điều kiện đảm bảo ngày càng tốt hơn sự tham gia của nhân dân trong hoạt động giải quyết, xét xử các loại vụ án. Mặc dù vậy, nhưng trong thực tiễn cũng còn một số bất cập cần được khắc phục, ví dụ như Hiến pháp hiện hành mới chỉ quy định nguyên tắc về việc xét xử của Tòa án có Hội thẩm tham gia và địa vị pháp lý của Hội thẩm khi xét xử là ngang quyền với Thẩm phán. Với tầm quan trọng của chế định này, Hiến pháp sửa đổi cần thể hiện rõ bản chất của chế định Hội thẩm nhân dân như việc nhân dân tham gia vào thực hiện quyền lực nhà nước (quyền tư pháp).

Ông Thiện đề nghị quy định trong Hiến pháp: “Hội thẩm là những công dân tiêu biểu, có tinh thần kiên quyết bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, kiên quyết đấu tranh bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và nghĩa vụ hợp pháp của công dân, được bầu hoặc cử tham gia công tác xét xử của Tòa án”./.