Nguồn vốn đầu tư FDI của các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào tỉnh Bình Dương hiện chiếm tỷ lệ nhiều nhất trong số các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào tỉnh. Đến thời điểm này, các doanh nghiệp Nhật Bản có 167 dự án đầu tư còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đạt hơn 3,1 tỷ USD, chiếm hơn 18% tổng nguồn vốn đầu tư FDI vào tỉnh.

Bên cạnh các dự án tập trung vào các ngành sản xuất có hàm lượng công nghệ cao và khả năng cạnh tranh lớn như sản xuất ôtô, linh kiện phụ tùng, thực phẩm chế biến, nước giải khát, hàng tiêu dùng... thời gian gần đây các doanh nghiệp Nhật Bản còn đầu tư vào lĩnh vực đô thị, thương mại và dịch vụ.

Năm 2012, trong số các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Bình Dương, Tập đoàn Tokyu đã liên doanh với Tổng công ty Becamx IDC (Bình Dương) đầu tư dự án Khu đô thị Tokyu Bình Dương tại trung tâm thành phố mới Bình Dương với tổng vốn đầu tư hơn 1,2 tỷ USD, hiện dự án đã được khởi công. Về quy mô, dự án được xây dựng trên diện tích gần 71,5 ha bao gồm khoảng 7.500 căn hộ, nhà ở, các cơ sở giải trí, thương mại, văn phòng. Đây được xem là dự án khu đô thị lớn nhất tại tỉnh và là dự án có vốn FDI lớn nhất trên địa bàn tỉnh tính đến thời điểm hiện nay.

Ở lĩnh vực thương mại dịch vụ, Tập đoàn Aeon - nhà bán lẻ nổi tiếng của Nhật Bản đầu tư dự án Trung tâm thương mại với số vốn đầu tư 95 triệu USD được triển khai xây dựng kế cận khu công nghiệp VSIP 1 (Thị xã Thuận An) với diện tích 6 ha, quy mô xây dựng 3 tầng với tổng diện tích xây dựng lên đến 75.000m2; trong đó diện tích kinh doanh 45.000m2. Khi đi vào hoạt động sẽ tạo việc làm ổn định cho trên 1.500 lao động.

Các nhà đầu tư mới khác như Tập đoàn Dai Nippon Printing đầu tư dự án sản xuất các loại tấm film ghép tổng hợp với vốn đầu tư 35 triệu USD; công ty Trách nhiệm hữu hạn Meiwa đầu tư dự án sản xuất máy cắm chíp, robot công nghiệp, linh kiện xe hơi với vốn đầu tư mới 6 triệu USD.

Cùng với các nhà đầu tư mới, năm 2012 vừa qua, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản cũng tăng vốn nhằm mở rộng sản xuất kinh doanh như: Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nitto Denko tăng vốn 24,5 triệu USD để sản xuất mạch in dẻo, vật liệu điện tử chính xác; công ty Trách nhiệm hữu hạn II-VI Việt Nam tăng vốn gần 16 triệu USD để tăng năng lực sản xuất kính hồng ngoại; công ty Trách nhiệm hữu hạn Uchihashi tăng vốn 4,1 triệu USD để sản xuất các thiết bị cảm ứng.

Đặc biệt, công ty Trách nhiệm hữu hạn Sài Gòn Stec hoạt động sản xuất bản mạch điện tử camera đã tăng thêm 175 triệu USD vốn đầu tư để mở rộng sản xuất, kinh doanh; công ty Trách nhiệm hữu hạn Wonderful Sài Gòn Electrics, bổ sung thêm 150 triệu USD để tăng năng lực sản xuất camera module, sản xuất các loại vi mạch tích hợp dung lượng cao, sản xuất các loại bo mạch điện tử dùng cho thiết bị mạng thế hệ mới.

Ông Mitsuhiro Mori, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại TP.Hồ Chí Minh cho rằng môi trường đầu tư của Bình Dương hấp dẫn, các nhà đầu tư Nhật Bản tin tưởng Bình Dương là vùng đất tốt để doanh nghiệp Nhật phát triển lâu dài./.