Thực tiễn hiện đại hóa nông nghiệp đặc sắc Trung Quốc và kinh nghiệm rút ra cho Việt Nam

ThS. Lê Thế Cương Học viện Kinh tế chính trị, Trường Đại học Nhân dân Trung Quốc
14:38, ngày 11-01-2013
TCCSĐT - Sau 10 năm (kể từ Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) lần thứ XVI năm 2002) trở lại đây, Trung quốc kiên định hiện đại hóa nông nghiệp đặc sắc Trung Quốc, duy trì nông nghiệp phát triển ổn định, phồn vinh và tăng thu nhập cho nông dân, xây dựng nông thôn tiến bộ toàn diện. Trong phạm vi bài viết này, xin phân tích những nội dung mấu chốt từ thực tiễn con đường “hiện đại hóa nông nghiệp đặc sắc Trung Quốc”, trên cơ sở đó, rút ra một số bài học kinh nghiệm đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH-HĐH) nông nghiệp, nông thôn ở nước ta.

Con đường hiện đại hóa nông nghiệp đặc sắc Trung Quốc, xây dựng nông thôn phồn vinh, tiến bộ toàn diện


- Đẩy mạnh đổi mới, cải cách thể chế kinh tế nông thôn

Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ XVI (năm 2002) đề ra đường lối, chủ trương đẩy mạnh HĐH nông nghiệp. Sau 10 năm thực hiện, Trung Quốc đã đạt được những cải cách sâu sắc trong HĐH nông nghiệp, nông thôn; đổi mới thể chế, cơ chế, mở rộng quy mô, nâng cao trình độ tổ chức sản xuất - kinh doanh,…

 

Để bảo đảm quyền lợi bao thầu ruộng đất của nông dân, Trung Quốc không ngừng hoàn thiện thể chế kinh tế; đồng thời, hướng dẫn nông dân hoạt động theo pháp luật, tự nguyện; khuyến khích, giúp đỡ nuôi trồng quy mô lớn; khuyến khích hợp tác xã nông nghiệp phát triển, các công ty nông nghiệp, các hình thức kinh doanh; tích cực tìm tòi con đường HĐH nông nghiệp.

 

Hợp tác xã nông dân chuyên nghiệp (HTXNDCN) là bộ phận cấu thành quan trọng của nông nghiệp và kinh tế thị trường. Năm 2007, Trung Quốc bắt đầu phát triển tổ chức HTXNDCN, tham gia thị trường, vận dụng kỹ thuật tiên tiến, phát huy tính tích cực trong HĐH nông nghiệp, xây dựng xã hội. Đẩy mạnh sự vận hành của HTXNDCN, giúp đỡ các HTX này thành lập doanh nghiệp gia công, chế biến sản phẩm hoặc kết hợp doanh nghiệp chế biến nông sản, khích lệ các HTXNDCN phát triển theo hướng quy mô hóa. Ngoài ra, các địa phương cũng khuyến khích và hỗ trợ nông nghiệp hộ lớn phát triển, bao gồm hộ lớn trồng trọt hay hộ lớn chăn nuôi; hỗ trợ các công ty nông nghiệp phát triển, hình thành các doanh nghiệp “đầu tàu” ở các phạm vi khác nhau từ quốc gia đến địa phương, phát huy tác dụng liên kết các nông hộ đơn lẻ với thị trường; thúc đẩy xây dựng mô hình “nhất hương nhất phẩm” (một địa phương một sản phẩm).

 

- Đẩy mạnh đổi mới, cải cách, phát triển khoa học - kỹ thuật

 

Từ Đại hội CPC lần thứ XVI đến nay, Trung Quốc nỗ lực ứng dụng cơ giới hóa, tập trung phát triển kết cấu hạ tầng, thiết bị, phương tiện phục vụ nông nghiệp; tìm tòi những mô hình nông nghiệp cơ giới hóa; thúc đẩy hoạt động tín dụng hỗ trợ, khích lệ các nông hộ lớn, cơ giới hóa trong nuôi trồng,… từ đó tăng hiệu quả, thu nhập, làm thay đổi rõ rệt kinh tế, xã hội nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

 

Bên cạnh đó, Trung Quốc đầu tư phát triển, tăng hiệu quả của hệ thống phát thanh, truyền hình, điện thoại, máy vi-tính... Nông dân ngày càng có khả năng tự tiếp thu các thông tin quan trọng, như dự báo thời tiết, thông tin kinh tế,… thu hẹp khoảng cách sinh hoạt giữa nông thôn với thành thị, tạo được tiến bộ trong xây dựng cơ sở vật chất, phương tiện thiết bị phục vụ nông thôn. Hình thành hệ thống đường cao tốc và đường quốc lộ, giao thông nông thôn; thay đổi, cải cách kỹ thuật bảo quản, công cụ chuyên chở, từ đó mở rộng mối quan hệ mật thiết trong hoạt động sản xuất của các khu vực nông nghiệp với kinh tế thành thị.

 

Trung Quốc đã phát triển hệ thống các trường, viện nghiên cứu, trung tâm nghiên cứu nông nghiệp, các công trình nghiên cứu thực nghiệm trọng điểm quốc gia, hình thành lĩnh vực nghiên cứu toàn diện. Xây dựng những huyện cung cấp và trồng những loại sản phẩm tốt, chuyên canh, có chất lượng; trên cơ sở đó, nhân rộng ra các vùng quê khác. Khuyến khích sản xuất quy mô lớn, tăng sản lượng lương thực; “tỷ lệ bao phủ của cây lương thực có chất lượng giống đã đạt 85%, nhờ đó đã giúp tăng sản lượng cây lương thực trên 35% sản lượng”(1).

 

- Đào tạo, bồi dưỡng xây dựng tầng lớp nông dân kiểu mới

 

Sau 10 năm từ Đại hội CPC lần thứ XVI, các tỉnh, thành, khu tự trị của Trung Quốc phổ biến, triển khai rộng rãi kế hoạch “Tam chi nhất phù” (Tam chi - Đầu tư, hỗ trợ phát triển ba lĩnh vực: Giáo dục, y tế, kỹ thuật nông nghiệp; nhất phù - xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế nông thôn) và kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nông dân mới.

 

Năm 2006, các bộ gồm Bộ Nhân sự cán bộ, Bộ Giáo dục, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp, Bộ Y tế thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc cùng với Đoàn Thanh niên Cộng sản Trung ương Trung Quốc đã xây dựng, triển khai kế hoạch đưa sinh viên tốt nghiệp các trường đại học về các cơ sở nông thôn nhằm tăng cường, giúp đỡ phát triển giáo dục, kỹ thuật nông nghiệp, y tế và xóa đói, giảm nghèo. Kế hoạch được thực hiện trong 5 năm liên tục, mỗi năm tuyển 20.000 sinh viên tốt nghiệp, sắp xếp họ về những cơ sở nông thôn làm việc với chế độ đãi ngộ đặc biệt, như chế độ bảo hiểm thân thể, chế độ y tế với trợ cấp sinh hoạt phí, giao thông phí đặc biệt, được lấy từ ngân sách trung ương và chính quyền các cấp.

 

Bộ Nông nghiệp ban hành “Kế hoạch đào tạo khoa học kỹ thuật, mô hình mới nông dân toàn quốc giai đoạn 2003 - 2010”, mục đích triển khai đào tạo khoa học - kỹ thuật cho đại bộ phận nông dân. Kế hoạch này gồm: “Chương trình giấy chứng nhận xanh”, nhằm đào tạo viên chức, cán bộ sản xuất nông nghiệp, triển khai đào tạo chuyên môn kỹ thuật nông nghiệp; “Chương trình đào tạo khoa học kỹ thuật thanh niên nông dân thế kỷ” đào tạo khoa học - kỹ thuật tổng hợp cho thanh niên ưu tú, đào tạo những thủ lĩnh làm giàu, là lực lượng gắn bó, nhiệt huyết của nông thôn mới XHCN; “Chương trình đào tạo nhân tài mô hình mới nông dân lập nghiệp”. Từ những học viên của các chương trình trên, lựa chọn người ưu tú, giúp họ thành chủ mô hình kiểu mẫu nông trang, chủ doanh nghiệp chuyên nghiệp hóa sản xuất - kinh doanh; “Chương trình đào tạo nghề cho lao động thất nghiệp nông thôn” nhằm đào tạo lao động ở các lĩnh vực khác nhau; “Chương trình đào tạo nông nghiệp từ xa” trên phương tiện thông tin đại chúng, giáo dục khoa học - kỹ thuật nông nghiệp, tư vấn, cung cấp tin tức sản xuất - kinh doanh, thị trường tiêu thụ, thực hiện tuyên truyền những mô hình kỹ thuật nông nghiệp mới, phong trào xây dựng nông thôn mới XHCN…

 

Trung Quốc đã thực sự xây dựng và hình thành bước đầu một bộ phận lớn tầng lớp nông dân kiểu mới có trình độ, am hiểu khoa học và công nghệ, quản lý tốt, tạo được sự chuyển biến đáng kể để hiện đại hóa nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới XHCN.

 

- Đẩy nhanh và tăng thu nhập của nông dân nông thôn

 

Tăng thu nhập của người nông dân là mục tiêu của HĐH nông nghiệp, cũng là một bảo đảm quan trọng của việc HĐH nông nghiệp. Từ Đại hội CPC lần thứ XVI, Trung Quốc đã đưa ra nhiều chính sách mạnh mẽ, mang lại lợi ích cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

 

Chính quyền Trung ương đã thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ cho nông dân, như phân bổ các quỹ đặc biệt để thực hiện trợ cấp dầu, hạt giống đậu tương chất lượng cao, các giống lúa, lúa mì, ngô và các loại cây trồng chính khác, đầu tư trang bị, máy móc nông nghiệp, cải thiện và tăng cường chính sách hỗ trợ cấp trực tiếp… Theo số liệu thống kê, “năm 2011, Trung Quốc đã dùng nguồn tài chính Trung ương thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp lên đến 140,6 tỷ nhân dân tệ (tương đương 22 tỷ USD), tăng 18 tỷ nhân dân tệ so năm 2010, gấp 9,7 lần so năm 2004”(2). Trung Quốc còn thực hiện nhiều giải pháp nhằm giảm gánh nặng cho nông dân. Năm 2003, bãi bỏ học phí giáo dục ở các vùng nông thôn, các loại lệ phí chợ, cầu đường, giết mổ gia súc... Năm 2004, cải cách được tiếp tục thúc đẩy, chủ yếu là liên quan thống kê và giải quyết các khoản nợ xấu của các làng, bãi bỏ thuế chăn nuôi động vật. Ngày 1-1-2006, thuế nông nghiệp sau hơn 2.000 năm hình thành và thực thi được bãi bỏ “đã giảm gánh nặng cho nông dân Trung quốc khoảng 100 tỷ nhân dân tệ/năm, bình quân 120 nhân dân tệ/đầu người”(3). Thông qua việc thực thi hàng loạt dự án xóa đói, giảm nghèo ở nông thôn bằng những dự án phát triển, Trung Quốc cơ bản giải quyết vấn đề sinh sống và ấm no cho nông dân. Điều kiện sản xuất và sinh hoạt của các khu vực nghèo khó đã được cải thiện rõ rệt. “Từ năm 2001 đến năm 2010, ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương của Trung Quốc tổng cộng đầu tư 204,38 tỷ nhân dân tệ cho cải thiện cơ sở hạ tầng của các khu vực nghèo khó, phát triển ngành sản xuất đặc sắc, hoàn thiện hệ thống dịch vụ xã hội”(4). Nhờ có nguồn đầu tư lớn từ tài chính công, vấn đề đủ ăn, đủ mặc của cư dân nông thôn Trung Quốc cơ bản được giải quyết. “Dân số nông thôn nghèo khó ở Trung Quốc từ 94,22 triệu người tính đến cuối năm 2000, giảm xuống còn 26,88 triệu người năm 2010. Tỷ lệ dân số nông thôn nghèo khó trong tổng số dân nông thôn Trung Quốc từ 10,2% năm 2000, giảm xuống còn 2,8% năm 2010”(5).

 

Những bài học kinh nghiệm đối với xây dựng nông thôn ở nước ta

 

Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn là chủ chương lớn của Đảng và Chính phủ Việt Nam, thực hiện thành công chủ chương này có ý nghĩa sâu sắc, một trong những mắt xích quan trọng quyết định thắng lợi mục tiêu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

 

Xây dựng nông thôn ở Trung Quốc và Việt Nam có nhiều điểm tương đồng, xuất phát từ điều kiện kinh tế - xã hội của hai nước. Bởi vậy, từ nghiên cứu quá trình HĐH nông nghiệp đặc sắc Trung Quốc xin đưa ra một số bài học kinh nghiệm đối với quá trình CNH - HĐH nông nghiệp nông thôn ở nước ta.

 

- Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo chuyển biến một cách rõ rệt để nhận thức sâu sắc hơn vai trò, ý nghĩa của CNH - HĐH nông nghiệp, nông thôn trong cả hệ thống chính trị, đặc biệt chủ thể chính là cư dân khu vực nông nghiệp, nông thôn; bản thân người nông dân nắm được kỹ thuật nông nghiệp, nỗ lực tìm tòi, xây dựng mô hình, phát triển sản xuất, có ý thức cùng hệ thống chính trị hiện đại hóa nông nghiệp, xây dựng nông thôn toàn diện. Muốn đất nước trở thành nước công nghiệp thì nông nghiệp, nông thôn phải được hiện đại, nông thôn phải đổi mới, coi việc phát triển nông nghiệp, nông thôn mới XHCN là nhiệm vụ cấp bách, là một trong những nhiệm vụ trọng yếu nhất trong giai đoạn hiện nay.

 

- Hai là, đẩy mạnh đổi mới và hoàn thiện cơ chế chính sách, đổi mới cơ chế kinh tế nông nghiệp, nông thôn, thực hiện một cách đồng bộ, nghiêm túc, quyết liệt những chính sách và chương trình kế hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn đã ban hành. Thực hiện đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu lao động, nhất là lao động dư thừa trong khu vực kinh tế nông thôn sang các ngành khác, phấn đấu giảm nhanh đến mức hợp lý tỷ lệ lao động khu vực kinh tế nông nghiệp phù hợp với cơ cấu kinh tế quốc dân theo hướng hiện đại; làm tốt công tác quy hoạch, điều chỉnh chính sách đất nông nghiệp, “dồn điền, đổi thửa”, tăng diện tích đất canh tác trên một lao động; khuyến khích, hỗ trợ mở rộng quy mô sản xuất tập trung, chuyên nghiệp theo hướng hàng hóa, quy mô lớn.

 

- Ba là, đẩy mạnh phát triển chất lượng nhân lực, nguồn lực kỹ thuật các trường, viện, trung tâm nghiên cứu nông nghiệp; phát triển công tác nghiên cứu khoa học ứng dụng, thực nghiệm trọng điểm, nghiên cứu, tìm tòi, có kết quả nghiên cứu thực sự bằng phát minh, sáng chế các loại máy móc cơ giới, giống cây trồng, vật nuôi tốt, thuốc phòng trừ sâu bệnh, các mô hình phát triển… hỗ trợ nông dân kỹ thuật nông nghiệp, xây dựng, thực nghiệm mô hình, phát triển mở rộng mô hình thâm canh, nuôi trồng những loại hàng hóa chất lượng phù hợp với điều kiện của địa phương.

 

- Bốn là, xây dựng, hỗ trợ, phát triển các tổ chức kinh tế nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là các hợp tác xã chuyên nghiệp, các doanh nghiệp “đầu tàu” kinh doanh nông nghiệp trong các lĩnh vực sản xuất, thu mua, chế biến, bảo quản, thiết bị vật tư, cơ giới nông nghiệp... làm nhiệm vụ gắn kết người sản xuất với thị trường.

 

- Năm là, đẩy mạnh nguồn vốn đầu tư cho khu vực nông nghiệp, nông thôn; đồng thời gắn với công tác quy hoạch, nâng cao hiệu quả đầu tư của vốn nhà nước, đầu tư tập trung, không dàn trải, phát triển hạ tầng nông thôn, hỗ trợ nông dân vốn, dạy nghề, hỗ trợ kỹ thuật nông nghiệp, giống, phương tiện kỹ thuật cơ giới.

 

- Sáu là, đẩy nhanh phát triển y tế, giáo dục, xóa đói, giảm nghèo khu vực nông nghiệp, nông thôn; tiếp tục miễn giảm thuế nông nghiệp, miễn thủy lợi phí, chính sách giá cả, đền bù đất đai bị thu hồi một cách hợp lý, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, thu hẹp khoảng cách khu vực nông thôn với thành thị./.

-----------------

(1), (2), (3), (4) PGS. TS, Trương Quân: “Xây dựng nông thôn mới xã hội chủ nghĩa, lý luận, thực tiễn và chính sách”, Nxb. Đại học Hà Bắc, Hà Bắc, 2012, tr. 39, 114,  96, 85

(5) GS. Lưu Kiến Hoa - Đinh Trọng Dương: Giá trị lý luận nghèo đói trong kinh tế chủ nghĩa Mác