Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác Tuyên giáo năm 2012, triển khai nhiệm vụ năm 2013, thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng biểu dương những nỗ lực của toàn ngành Tuyên giáo trong năm qua đã hoàn thành một khối lượng công việc lớn; tham mưu, đề xuất giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các cấp ủy triển khai thực hiện tốt các chủ trương, chỉ thị, nghị quyết của Đảng mà nổi bật là việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI.

Sáng 9-1, sau bài phát biểu khai mạc của đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, các đại biểu đã được nghe đồng chí Vũ Ngọc Hoàng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương trình bày tóm tắt báo cáo tổng kết công tác Tuyên giáo năm 2012, triển khai nhiệm vụ năm 2013; đồng chí Phạm Văn Linh, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương điều hành phần tham luận. Cuối buổi sáng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Đạt kết quả toàn diện trong công tác tuyên giáo

Báo cáo Tổng kết do đồng chí Vũ Ngọc Hoàng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực trình bày đã điểm lại những kết quả chủ yếu của Ban Tuyên giáo Trung ương nói riêng và ngành Tuyên giáo nói chung trong năm 2012.

Năm 2012, ngành Tuyên giáo tiếp tục tổ chức tốt các hội nghị học tập, quán triệt và triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng; phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, địa phương thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp; coi trọng công tác tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc thực hiện nghị quyết. Xây dựng và nâng cao chất lượng tài liệu học tập, nghiên cứu; đổi mới một bước việc tổ chức, hướng dẫn học tập, quán triệt các Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3, 4, 5, 6 (khóa XI).

Ngành Tuyên giáo cả nước đã phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể, địa phương tuyên truyền việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI: "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay". Trong quá trình thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, nhất là sau Hội nghị Trung ương 6, trong cán bộ, đảng viên và nhân dân xuất hiện những ý kiến khác nhau, nhiều chiều, có mặt không thuận. Các thế lực thù địch, phản động, cơ hội nhân đó đẩy mạnh các hoạt động xuyên tạc, chia rẽ nội bộ. Tình hình đó đặt ra cho ngành Tuyên giáo và cả hệ thống chính trị khó khăn, thách thức khi giải quyết các vấn đề tư tưởng chính trị, tâm trạng xã hội, giữ gìn sự thống nhất trong Đảng và sự đồng thuận trong xã hội.

Ban Tuyên giáo Trung ương và toàn ngành Tuyên giáo đã kiên trì các nguyên tắc, quan điểm của Đảng; tích cực, chủ động chọn vấn đề, chọn cách làm phù hợp, góp phần ổn định tư tưởng, tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Ban tuyên giáo tỉnh ủy, thành ủy, đang ủy trực thuộc Trung ương đã tích cực tham mưu cho cấp ủy xây dựng, ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn việc thực hiện có kết quả các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, của cấp ủy địa phương.

Ban Tuyên giáo Trung ương và toàn ngành Tuyên giáo đã tích cực, chủ động tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các ban thường vụ, thường trực cấp ủy nâng cao năng lực, hiệu quả sự lãnh đạo của Đảng đối với các lĩnh vực công tác tư tưởng, lý luận, tuyên truyền, báo chí, xuất bản, văn hóa, văn nghệ, báo cáo viên, nghiên cứu dư luận xã hội, giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ, y tế, các vấn đề xã hội và thông tin đối ngoại.

Công tác tuyên giáo đã tích cực, chủ động bám sát tình hình, nhiệm vụ của đất nước, của ngành; tập trung tuyên truyền, cổ vũ việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt: nỗ lực cao nhất để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, không để lạm phát cao trở lại, bảo đảm an sinh xã hội, tái cấu trúc nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế; thực hiện các nhiệm vụ về văn hoá - xã hội, an ninh - quốc phòng, đối ngoại, xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước và hệ thống chính trị.

Trong công tác tuyên truyền, coi trọng việc cổ vũ, nêu gương các nhân tố mới, điển hình tiên tiến; phát hiện những bất cập, vướng mắc, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cho thị trường bất động sản, thúc đẩy xuất khẩu; thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, phù hợp với các cân đối vĩ mô, việc áp dụng trần lãi suất cho vay và giảm lãi suất cho vay giúp doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn tín dụng; việc tái cơ cấu các ngân hàng thương mại, nhất là các ngân hàng yếu kém. Tuyên truyền các biện pháp tăng thu ngân sách nhà nước, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tăng hiệu quả đầu tư công; các biện pháp đẩy mạnh quản lý, điều hành giá cả, chống gian lận thương mại. Tích cực tuyên truyền cổ vũ cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, ứng phó, giảm nhẹ hậu quả thiên tai, biến đổi khí hậu, giảm tai nạn giao thông.

Chỉ đạo, định hướng tuyên truyền tham gia giải quyết các vấn đề phức tạp, nổi cộm, bức xúc. Khi xuất hiện các vấn đề, sự việc phức tạp, nổi cộm, Ban Tuyên giáo Trung ương và ban tuyên giáo các cấp chủ động xin ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, thường trực cấp ủy để nắm bắt, tham mưu, xử lý kịp thời; trong trường hợp cần thiết, biên soạn tài liệu thông tin nhanh trong nội bộ Đảng, hệ thống chính trị và trong nhân dân. Việc nắm bắt tình hình, dư luận xã hội, chỉ đạo công tác báo chí, triển khai công tác tuyên truyền được tiến hành hàng ngày, chủ trì giao ban hàng tuần, tổ chức hội nghị báo cáo viên hàng tháng, tập trung, quyết liệt khi cần thiết. Tham mưu và phối hợp xử lý có kết quả các vấn đề phức tạp phát sinh trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa, xã hội, đối ngoại.

Ban và toàn Ngành tích cực tham mưu giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư, ban thường vụ cấp ủy chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XI), đưa việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trở thành công việc thường xuyên. Chuyên đề "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, suốt đời phấn đấu cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, làm người công bộc tận tụy, trung thành của nhân dân, đời tư trong sáng, cuộc sống riêng giản dị" được nhiều tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên tích cực hưởng ứng và xuất hiện những điển hình, mô hình, những cách làm hay, nhiều sáng tạo.

Trong năm qua, Ban Tuyên giáo Trung ương và toàn Ngành đã thực hiện tốt nhiệm vụ đối ngoại và tuyên truyền đối ngoại. Khẳng định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; giữ vững môi trường hòa bình để xây dựng đất nước, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế. Tổ chức, chỉ đạo công tác đấu tranh phản bác quan điểm, luận điệu sai trái, âm mưu, thủ đoạn "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch; những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ; bảo vệ nền tảng tư tưởng và đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Tiếp tục nâng cao bản lĩnh, năng lực của ngành Tuyên giáo trong tình hình mới

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã biểu dương những nỗ lực của toàn ngành Tuyên giáo trong năm qua đã hoàn thành một khối lượng công việc lớn; tham mưu, đề xuất giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các cấp ủy tổ chức triển khai thực hiện tốt các chủ trương, chỉ thị, nghị quyết của Đảng mà nổi bật là việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI. Kịp thời tuyên truyền, định hướng tư tưởng, thông tin và dư luận xã hội; đấu tranh phản bác quan điểm, luận điệu sai trái, thù địch. Đồng thời xây dựng tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ cán bộ tuyên giáo đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao; tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị về "Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh".

Đồng thời, Tổng Bí thư cũng đã chỉ rõ một số hạn chế của công tác tuyên giáo: việc tổ chức học tập, quán triệt, hướng dẫn tuyên truyền và kiểm tra thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng chưa có nhiều cách làm mới cho nên hiệu quả chưa cao. Công tác tham mưu của ngành, của Ban cho Đảng, Nhà nước có việc chưa sắc bén, kịp thời, có trường hợp còn lúng túng. Công tác tuyên truyền, tham mưu giúp việc, tổ chức thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị về "Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" chưa đạt kết quả như mong muốn. Công tác đấu tranh phản bác quan điểm, luận điệu sai trái của các thế lực phản động, thù địch, cơ hội thực hiện chưa đủ mạnh, chưa đủ nhiều, thiếu sắc bén, tính thuyết phục chưa cao, chưa tạo thành một trận tuyến rộng khắp, thiếu sự phối hợp, liên kết chặt chẽ từ trung ương đến địa phương...

Phân tích tình hình trong nước và quốc tế năm 2013 ảnh hưởng đến đời sống, tư tưởng, tâm trạng của nhân dân, Tổng Bí thư nhấn mạnh: tình hình mới vừa là cơ hội, vừa là thách thức lớn đối với bản lĩnh, phẩm chất, năng lực của những người làm công tác tuyên giáo trong năm 2013. Trước tình hình đó, Tổng Bí thư yêu cầu ngành Tuyên giáo cần nhận thức đầy đủ hơn nữa, sâu sắc hơn nữa vị trí, vai trò công tác tuyên giáo nói chung, công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng nói riêng. Tổng Bí thư yêu cầu bám sát nhiệm vụ chính trị của năm 2013, nắm bắt đúng tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân; triển khai đồng bộ các hoạt động, thực hiện tốt các nhiệm vụ của ngành một cách bài bản, có chất lượng, hiệu quả cao với nhiều hình thức phương pháp phù hợp hơn. Thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, sơ kết, tổng kết việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị và kết luận của Đảng trong lĩnh vực tuyên giáo; đẩy mạnh nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, giải đáp có căn cứ khoa học những vấn đề lớn mà thực tiễn đất nước đang đặt ra, cung cấp luận cứ khoa học cho những quyết sách của Đảng.

Tổng Bí thư cũng yêu cầu Ban Tuyên giáo Trung ương cần làm tốt công tác chuẩn bị những đề án quan trọng để trình các Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương năm 2013.

Để hoàn thành những nhiệm vụ, trọng trách trên, Tổng Bí thư lưu ý ngành Tuyên giáo cần chú ý công tác xây dựng nội bộ ngành, trong đó tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, trung thành tuyệt đối, có dũng khí đấu tranh và có trình độ chuyên môn giỏi. Phải nâng cao vai trò trách nhiệm lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng, trước hết là người đứng đầu; các đồng chí bí thư cấp ủy phải là người trực tiếp làm công tác tư tưởng. Bên cạnh đó, cần đổi mới nội dung, phương thức, phương pháp tuyên giáo, nhất là phải nâng cao năng lực dự báo, kịp thời phát hiện những vấn đề mới nảy sinh trong xã hội, chủ động nắm bắt tình hình, tham gia giải quyết những điểm nóng, bức xúc trong xã hội; Nâng tầm chất lượng tham mưu, tính thuyết phục và tính chiến đấu cao trong công tác chính trị, tư tưởng; Chủ động, nhạy bén, sắc sảo, linh hoạt trong đấu tranh chống âm mưu "diễn biến hoà bình".

Thay mặt lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, đồng chí Đinh Thế Huynh đã tiếp thu ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và đề nghị đưa các nội dung gợi ý của đồng chí Tổng Bí thư vào thảo luận tại Hội nghị, góp phần hoàn thiện các nội dung, nâng cao chất lượng công tác Tuyên giáo năm 2013.

Theo chương trình, chiều 9-01, các đại biểu tiếp tục phát biểu tham luận tại Hội trường và lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương sẽ phát biểu bế mạc Hội nghị./.