Để thiết thực bảo vệ sức khỏe công nhân, lao động và quan tâm tới thế hệ tương lai
15:08, ngày 09-01-2013
TCCSĐT - Hiện nay, mất an toàn vệ sinh thực phẩm và thiếu dinh dưỡng trong bữa ăn ca của công nhân, người lao động đang là vấn đề có tính thời sự cũng như lâu dài đối với các bộ, ngành có liên quan. Nếu không giải quyết tốt vấn đề này, sẽ không chỉ gây tác hại cho sức khỏe đội ngũ công nhân, lao động hiện thời, mà còn ảnh hưởng xấu tới các thế hệ tương lai của đất nước.
Do tính chất lao động công nghiệp, nên đã từ lâu việc tổ chức bữa ăn ca (ăn trưa) tại chỗ cho người lao động (NLĐ) đã được các doanh nghiệp quan tâm và thực hiện tốt. Nhiều doanh nghiệp đã tổ chức tốt bữa ăn ca, có mức hỗ trợ tiền ăn cao, đủ về định lượng, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng, nâng cao sức khỏe cho NLĐ. Việc tổ chức bữa ăn ca cho NLĐ vừa thể hiện sự quan tâm của doanh nghiệp, vừa giúp NLĐ giảm thời gian đi lại, tiết kiệm được chi phí, bảo đảm vệ sinh và phù hợp với đặc thù sản xuất theo ca, kíp.
Tuy nhiên, tại một số doanh nghiệp bữa ăn ca không được đầu tư đúng mức, vừa không bảo đảm cả về chất và lượng theo yêu cầu của từng loại lao động; giá trị bữa ăn thấp nhưng không được điều chỉnh kịp thời với sự leo thang của giá cả thị trường. Một số doanh nghiệp không có điều kiện tổ chức bữa ăn ca, nhưng lại hỗ trợ tiền ăn ca cho NLĐ quá thấp, không đủ để họ tự lo bữa ăn trên thị trường. Từ đó, dẫn đến nhiều vụ ngộ độc tập thể do việc cung cấp bữa ăn công nghiệp đã xảy ra, tuy ít có thương vong về người, nhưng đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe NLĐ và sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Theo điều tra của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, 10 tháng qua, cả nước có 3.400 trường hợp bị ngộ độc thực phẩm, mà chủ yếu là công nhân, lao động (CNLĐ) các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra ngày 27-9-2012 tại Công ty Hannsoll Vina (Khu công nghiệp Sóng Thần - Bình Dương) đã khiến gần 2.000 công nhân phải nhập viện. Nguyên nhân gây ngộ độc là do doanh nghiệp chi tiền cho bữa ăn ca của NLĐ quá thấp, dẫn tới chất lượng dinh dưỡng ăn và an toàn, vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) không bảo đảm.
Theo Bộ Y tế, có nhiều NLĐ kêu đói, nhưng đó chỉ mới là cái cảm giác đói do thiếu hụt về khối lượng thực phẩm, còn cái đói khác luôn tiềm ẩn và nguy hại hơn cho sức khoẻ mà họ chưa thấy, đó là cái đói các vi chất cần thiết cho cơ thể. Bữa ăn của NLĐ hiện nay có tới 72% là tinh bột, đường, thiếu chất dinh dưỡng, đặc biệt thiếu kẽm, sắt là những thành phần rất quan trọng cho sức khỏe. Những thiếu hụt này trong thời gian dài sẽ gây thiếu máu và đương nhiên dễ dẫn đến hiện tượng chóng mặt, ngất(1). Nếu các doanh nghiệp tổ chức tốt bữa ăn cho NLĐ, sẽ giúp NLĐ duy trì được sức khỏe tốt, trí tuệ minh mẫn và sức bền của cơ trong suốt thời gian lao động, và chính điều này sẽ mang lại năng suất lao động cũng như lợi nhuận cho doanh nghiệp.
Mặt khác, hiện nay NLĐ trong các khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN, KCX) đa phần là trẻ, đang trong độ tuổi sinh sản, góp phần tạo nên thế hệ tương lai của đất nước, do đó việc bữa ăn của họ thấp về chất lượng và nghèo về dinh dưỡng còn gây ảnh hưởng xấu tới các thế hệ tương lai. Do đó, đây là vấn đề rất đáng lưu tâm của các cấp, các bộ, ban, ngành.
Công tác bảo đảm ATVSTP nhằm bảo vệ sức khỏe nhân dân nói chung và NLĐ trong các doanh nghiệp được quy định trong Luật An toàn thực phẩm, quy định về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong bảo đảm an toàn thực phẩm; điều kiện bảo đảm an toàn đối với thực phẩm, sản xuất, kinh doanh thực phẩm và xuất, nhập khẩu thực phẩm; nguy cơ đối với an toàn thực phẩm; biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và khắc phục sự cố về an toàn thực phẩm; trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm,… Thế nhưng, trên thị trường hiện nay, các thực phẩm không bảo đảm chất lượng đang được “phù phép” để đưa vào các bếp ăn công nhân và khu nhà trọ, như các cơ sở thu gom da lợn, nội tạng bẩn, bốc mùi, phân hủy đã trở thành đặc sản; hoa, quả, rau, củ… bị nhiễm bẩn, nhiễm độc bởi chất bảo quản, chất kích thích tăng trưởng đang tràn lan trên thị trường, khó kiểm soát đang bao vây hầu hết các KCN, KCX. CNLĐ không có lựa chọn nào khác, khi làm ca về đã tối, mua vội vàng mớ rau, quả trứng, bìa đậu không an toàn, nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe là rất cao.
Tháng 6-2012, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tiến hành khảo sát, với 1.800 phiếu hỏi đối với NLĐ, tại 60 doanh nghiệp trên địa bàn 12 tỉnh, thành phố. Kết quả, có 46,9% số NLĐ được hỏi cho biết, doanh nghiệp tự tổ chức nấu ăn, được chia theo mâm hoặc khay cho NLĐ. 6,6% số NLĐ được hỏi cho biết thiếu cơm và 24,4% cho rằng thiếu thức ăn, nên họ phải ăn thêm kẹo, bánh rán,…để bảo đảm sức khỏe nhằm tiếp tục làm ca chiều. Khẩu phần ăn của NLĐ tại một số khu công nghiệp mới chỉ đáp ứng được 89,7% nhu cầu về năng lượng; khẩu phần ăn của lao động nữ bị thiếu năng lượng nhiều hơn so với khẩu phần ăn của lao động nam, theo tỷ lệ 85,6% và 93,7% so với nhu cầu khuyến nghị năng lượng cần thiết cho NLĐ. Đặc biệt là, khẩu phần của lao động nữ ở mức lao động nhẹ chỉ đáp ứng được 77,7% nhu cầu năng lượng. Bữa ăn của NLĐ không chỉ thấp về chất lượng mà còn nghèo về giá trị dinh dưỡng. Trong thành phần bữa ăn chỉ có 12% là prô-tê-in; 16% là chất béo, còn lại 72% là các chất bột đường từ gạo, ngô, khoai(2).
Chất lượng cơm, thức ăn không bảo đảm, mất an toàn vệ sinh, dẫn đến nguy cơ dịch bệnh. Đồng thời, việc phân công cán bộ theo dõi cũng có tính chất tương đối và còn nặng về hình thức, vì thực tế việc định lượng khẩu phần, giá trị bữa ăn vẫn do doanh nghiệp quyết định, làm ảnh hưởng trực tiếp đến việc tổ chức và chất lượng, vệ sinh bữa ăn ca, nên một số nơi đã xảy ra tranh chấp, dẫn đến việc công nhân phản đối, bỏ bữa vì chất lượng bữa ăn không bảo đảm. Trong khi đó, công tác kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng về thực hiện bữa ăn của NLĐ tại doanh nghiệp còn nhiều hạn chế, việc xử lý, khắc phục chưa hiệu quả, kịp thời. Theo số liệu của Bộ Y tế, năm 2011 số vụ ngộ độc thực phẩm bếp ăn tập thể tăng 31,8% so với năm 2010, với số người bị ngộ độc là 1.045 người. Trong 4 tháng đầu năm 2012, cả nước xảy ra 26 vụ ngộ độc thực phẩm với 1.332 người bị ngộ độc; 980 người nhập viện và 7 trường hợp tử vong(3).
Vì vậy, vấn đề bảo đảm ATVSTP đã trở thành mối quan tâm hàng đầu của các ngành, các cấp và của toàn xã hội, vì mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống con người, ổn định phát triển sản xuất, kinh doanh. Để làm tốt điều này, theo chúng tôi, cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Thứ nhất, Chính phủ sớm có văn bản quy định về bữa ăn giữa ca trong các loại hình doanh nghiệp, hoặc khi công bố mức lương tối thiểu cần công bố mức bữa ăn ca tối thiểu của từng vùng.
Thứ hai, trong quá trình xây dựng Luật Tiền lương tối thiểu cần có những quy định bắt buộc doanh nghiệp phải cung cấp bữa ăn giữa ca cho NLĐ và cần quy định mức ăn ca thấp nhất bằng 1% tiền lương tối thiểu vùng.
Thứ ba, Chính phủ cần có quy định khi xây dựng quy hoạch các KCN, KCX, cần dành quỹ đất để cho các doanh nghiệp hoặc cho các KCN xây dựng bếp ăn tập thể cho NLĐ. Có cơ chế, chính sách ưu đãi và khuyến khích (về đất đai, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế kinh doanh…) đối với các doanh nghiệp tổ chức bếp ăn tập thể, các KCN tập trung tổ chức cơ sở cung cấp suất ăn sẵn ngay tại chỗ.
Thứ tư, hoàn thiện và sớm ban hành Thông tư quy định về điều kiện ATVSTP của bếp ăn tập thể và cơ sở cung cấp suất ăn sẵn; ban hành các tiêu chí xây dựng bếp ăn tập thể đạt chuẩn. Trong đó, quy định cụ thể điều kiện ATVSTP theo quy mô cung cấp suất ăn, theo hình thức tổ chức bếp ăn.
Thứ năm, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định về ATVSTP, có chế tài xử phạt nghiêm và kiên quyết đối với những vi phạm liên quan đến an toàn thực phẩm./.
---------------------------------------------
---------------------------------------------
(1) Nguồn: Viện Dinh dưỡng (Bộ Y tế), Báo cáo thực trạng và giải pháp đảm bảo dinh dưỡng và ATVSTP, năm 2012
(2) Nguồn: Viện Dinh dưỡng (Bộ Y tế), Báo cáo thực trạng và giải pháp đảm bảo dinh dưỡng và ATVSTP, năm 2012
(3) Nguồn: Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), Báo cáo tình trạng ngộ độc thực phẩm bếp ăn tập thể 2012.
Bồi dưỡng tầm nhìn mới và phương pháp mới  (09/01/2013)
Chống tiêu cực trong tuyển công chức bằng cách thi mới  (09/01/2013)
Chủ tịch nước kiểm tra Nghị quyết Trung ương 5 tại Đà Nẵng  (09/01/2013)
Chủ tịch Quốc hội CHDCND Lào thăm, làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh và Tiền Giang  (09/01/2013)
Thị trường EU tiêu thụ nhiều nhất hàng Việt Nam xuất khẩu  (09/01/2013)
Nhật Bản xem xét sửa đổi chính sách quốc phòng  (09/01/2013)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên