Năm nay, Việt Nam kỷ niệm 31 năm gia nhập Liên hợp quốc với vị thế ngày càng được khẳng định và nâng cao trên thế giới. Trong vai trò là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an (nhiệm kỳ 2008-2009), Việt Nam đã và đang có những đóng góp tích cực, chủ động, hiệu quả vào các hoạt động của cơ quan quyền lực nhất trong hệ thống Liên hợp quốc.

Với tư cách thành viên đầy đủ, Việt Nam đã thực hiện mạnh mẽ các cam kết, những nguyên tắc và mục tiêu trong Hiến chương Liên hợp quốc, cũng như các trách nhiệm và nghĩa vụ của một thành viên. Đó là nhận xét của đại diện Cơ quan Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, ông Giôn Hân-đra (John Hendra) trong cuộc gặp báo chí cách đây một năm. Và cũng chính ông Giôn Hân-đra đã nhận xét về việc Việt Nam tham gia vào hoạt động của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, như sau:

“Kể từ tháng Một năm nay, Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng cho hoạt động của Hội đồng Bảo an và ngày càng để lại dấu ấn của mình với tư cách là một thành viên tích cực của cộng đồng quốc tế nói chung và của Liên hợp quốc nói riêng. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng là một thành viên tích cực trong việc thực hiện trụ cột thứ 3 của Liên hợp quốc đó là thúc đẩy và bảo về quyền con người”.

Nhận xét trên được nhiều các nhà quan sát tại Niu Oóc chia sẻ, đặc biệt, sau khi Việt Nam kết thúc 1 tháng đảm nhiệm trọng trách Chủ tịch luân phiên của Hội đồng Bảo an, tháng 7 vừa qua. Cho dù sứ mệnh chủ trì Hội đồng Bảo an chỉ kéo dài một tháng, nhưng những dấu ấn của Việt Nam tại cơ quan quyền lực này đã chứng tỏ bản lĩnh và trách nhiệm của Việt Nam đối với hoà bình và an ninh quốc tế.

Dấu ấn lớn của Việt Nam trong tháng 7 vừa qua chính là sáng kiến tổ chức phiên thảo luận mở về chủ đề “Trẻ em trong xung đột vũ trang”. Thành công của phiên thảo luận mở này là việc Hội đồng Bảo an thông qua Tuyên bố của Chủ tịch Hội đồng Bảo an do Việt Nam soạn thảo, trong đó, không chỉ khẳng định lại cam kết của cộng đồng quốc tế về vấn đề này mà còn đưa ra những định hướng hành động mới như cải thiện các điều kiện y tế, giáo dục, huy động thêm các nguồn lực và hỗ trợ kỹ thuật cho các chương trình xã hội để giải quyết những hậu quả lâu dài của xung đột vũ trang đối với trẻ em và thúc đẩy việc thực hiện các văn kiện pháp lý có liên quan.

Khi tham gia vào công việc của Liên hợp quốc, đặc biệt là của Hội đồng Bảo an, Việt Nam luôn chủ trương giải quyết các cuộc tranh chấp bằng biện pháp hoà bình, thông qua đối thoại, trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và không can thiệp vào công việc nội bộ nước khác. Việt Nam cũng khẳng định quan điểm, Hội đồng Bảo an và Liên hợp quốc chỉ có thể hoạt động hiệu quả, đóng góp thiết thực vào việc gìn giữ hoà bình và an ninh quốc tế khi tuân thủ những nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc. Chính đường lối đối ngoại nhất quán này đã làm nên thành công của Việt Nam, thể hiện bản lĩnh của Việt Nam trong vai trò là Chủ tịch Hội đồng Bảo an.

Trong vòng 31 ngày của tháng 7, Hội đồng Bảo an dưới sự chủ trì của Việt Nam đã họp 40 cuộc họp cấp đại sứ, thông qua 6 nghị quyết và 5 tuyên bố báo chí. Việt Nam cũng bày tỏ quan điểm khi bỏ phiếu hơn 20 nghị quyết và 20 bản tuyên bố chung nhân danh Chủ tịch Hội đồng Bảo an về nhiều vấn đề liên quan đến các nước và các xung đột khu vực. Chính do những kết quả đó mà các nhà quan sát đã ghi nhận Việt Nam đảm trách nghiêm túc và có trách nhiệm chức vụ của mình trên rất nhiều vấn đề, đặc biệt là những vấn đề có độ nhạy cảm cao như: vấn đề hạt nhân của I-ran, tình hình Dim-ba-bu-ê, Mi-an-ma.

Ba mươi mốt năm qua, kể từ khi trở thành thành viên của Liên hợp quốc, Việt Nam đã chủ động tham gia ngày càng tự tin và tích cực vào các hoạt động của tổ chức quốc tế lớn nhất thành tinh này. Những thành công trong cuộc đấu tranh xoá đói giảm nghèo của Việt Nam là một minh chứng đã được khẳng định trong Báo cáo phát triển con người năm 2004 của Liên hợp quốc: "Những thành tựu giảm nghèo của Việt Nam là một trong những câu chuyện thành công nhất trong phát triển kinh tế”.

Kết quả xoá đói giảm nghèo đã góp phần ổn định chính trị, tăng trưởng kinh tế của đất nước, thu hút vốn đầu tư nước ngoài, thực hiện cam kết thiên niên kỷ, góp phần nâng cao uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Việt Nam cũng tích cực tham gia vào tiến trình cải tổ Liên hợp quốc và được Liên hợp quốc chọn để thực nghiệm sáng kiến “Một Liên hợp quốc”.

Những thành tựu về xoá đói giảm nghèo, thành công của hơn 20 năm đổi mới, thành tựu về kinh tế, sự ổn định về chính trị, xã hội đã tạo thế cho Việt Nam khi ra “biển lớn” ở năm thứ 31 trong Liên hợp quốc: Đó là đảm nhiệm vai trò Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và vai trò Chủ tịch Hội đồng Bảo an, với sự tự tin góp phần tạo nâng cao vai trò của mình trong các vấn đề quốc tế. Còn các nhà phân tích quốc tế cho rằng, trong vai trò Ủy viên không thường trực tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Việt Nam đang tạo một tư thế của một nước có tiếng nói trên trường quốc tế./.