Thắng lợi của Chiến dịch Phòng không Hà Nội, Hải Phòng tháng 12-1972 tạo bước ngoặt quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Sau 12 ngày đêm chiến đấu ngoan cường, dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, quân và dân Hà Nội, Hải Phòng và một số tỉnh, thành phố miền Bắc đã đánh bại sức mạnh của không lực Hoa Kỳ. 40 năm trôi qua, đã có nhiều tác phẩm, tổng kết của các nhà lãnh đạo, tướng lĩnh, nhà nghiên cứu lý luận quân sự trong và ngoài nước viết về Chiến dịch Phòng không Hà Nội, Hải Phòng tháng 12-1972. Có nhiều cách tiếp cận khác nhau, nhưng đều khẳng định Chiến dịch Phòng không Hà Nội, Hải Phòng tháng 12-1972 là chiến thắng của sức mạnh chính trị tinh thần, của trí tuệ Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, tiến hành chiến tranh nhân dân toàn diện, với nghệ thuật quân sự tài giỏi của một quân đội anh hùng.

Cho đến tháng 10-1972, cuộc tiến công chiến lược năm 1972 của quân và dân ta trên chiến trường miền Nam đã diễn ra hơn nửa năm và giành thắng lợi to lớn, làm thay đổi cục diện chiến trường. Trên miền Bắc, quân và dân ta đã đánh bại một bước quan trọng cuộc chiến tranh phá hoại của không quân và hải quân Mỹ; không ngừng tăng cường sức người, sức của vào tiền tuyến lớn, cùng quân và dân miền Nam phát triển cuộc tiến công chiến lược. Tại Pa-ri, cuộc đàm phán giữa ta và Mỹ kéo dài đã 4 năm. Ngày 8-10-1972, Chính phủ ta đưa ra bản dự thảo “Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam”, ta và Mỹ đã thỏa thuận hầu hết các nội dung của bản dự thảo, ấn định ngày 22-10-1972 ký tắt tại Hà Nội và ngày 31-10-1972 ký chính thức tại Pa-ri. Nhưng phía Mỹ cố tình dây dưa, muốn sử dụng thỏa thuận này để làm một cuộc nghi binh chiến lược tạo bất ngờ cho cuộc tiến công bằng không quân chiến lược vào Hà Nội và Hải Phòng, nhằm giành thế mạnh cả về quân sự và ngoại giao, ép ta phải nhân nhượng theo những điều kiện có lợi cho Mỹ.

 

Từ lâu, Chủ tịch Hồ chí Minh với thiên tài của mình đã nhận định: “Mỹ chỉ chịu thua ta khi chúng thua trên bầu trời Hà Nội”. Bộ Chính trị, Trung ương Đảng cũng nhận định: Địch sẽ đánh phá trở lại toàn miền Bắc với mức độ ác liệt hơn, có nhiều khả năng chúng sẽ dùng máy bay chiến lược B-52 đánh ồ ạt vào Hà Nội… Đúng như dự đoán của ta, ngày 17-12-1972, Tổng thống Mỹ Ních-xơn ra lệnh mở cuộc tập kích đường không chiến lược bằng máy bay B-52 mang tên “Lai-nơ-bếch-cơ II” vào Hà Nội, Hải Phòng và các vùng phụ cận...

 

Để chuẩn bị và đánh thắng B-52 của Mỹ trên bầu trời Hà Nội, Quân ủy Trung ương giao cho Quân chủng PK-KQ xây dựng kế hoạch tác chiến; đồng thời đã sớm điều Trung đoàn Tên lửa 238 vào chiến trường Nam Khu 4 nghiên cứu cách đánh B-52. Nhiều đoàn cán bộ PK-KQ cùng một số trung đoàn tên lửa và biên đội không quân tiêm kích cũng được cử vào Nam Khu 4 nghiên cứu cách đánh B-52.

 

Bộ Tổng tham mưu (BTTM) tổ chức Hội nghị chuyên đề tìm cách đánh B-52. Hội nghị đã phân tích tình hình, đặc tính kỹ thuật, chiến thuật của máy bay B-52, các phương án tác chiến và kinh nghiệm đánh B-52 từ thực tế trên chiến trường, trên cơ sở đó thống nhất cao về cách đánh, chuẩn bị chu đáo về con người và vũ khí trang bị kỹ thuật. Ngay sau hội nghị, BTTM chỉ thị cho các cơ quan, đơn vị thực hiện gấp việc nghiên cứu và triển khai kế hoạch đánh B-52. Bộ Tư lệnh Quân chủng PK-KQ chủ trì biên soạn lý luận chiến thuật đánh B-52; bổ sung kế hoạch, phương án tác chiến, điều chỉnh bố trí lực lượng đánh B-52, biên soạn tài liệu “Cách đánh B-52”, tổ chức huấn luyện và tiến hành tập huấn đánh B-52 trong các tình huống phức tạp. Phương án đánh B-52 được nhanh chóng hoàn thành theo đúng kế hoạch gọi là “Phương án tháng bảy”. Các đơn vị tên lửa, ra-đa, pháo 100mm mở đợt huấn luyện đột kích với nội dung, mục tiêu chủ yếu là đánh B-52. Bộ đội Không quân tích cực luyện tập theo phương án đánh B-52 trên năm hướng xung quanh Hà Nội, gọi là “Phương án năm cánh sao”. Phương án này được kết hợp chặt chẽ với hỏa lực của các binh chủng bạn, cả vòng trong và vòng ngoài, kết hợp cơ động và yếu địa, tuyến trước và tuyến sau, trên không và mặt đất...

 

Việc nghiên cứu chuẩn bị kế hoạch đánh máy bay B-52 được triển khai gấp rút và đã căn bản hoàn thành vào đầu tháng 9-1972. Dựa vào kinh nghiệm đã rút ra từ thực tiễn chiến đấu và những hiểu biết ngày càng nhiều về vũ khí, khí tài và thủ đoạn hoạt động của địch, tài liệu “Cách đánh B-52” sau nhiều lần bổ sung hoàn chỉnh đã góp phần nâng cao chất lượng huấn luyện, chiến đấu của bộ đội. Tháng 9-1972, BTTM chỉ đạo Quân chủng PK-KQ bổ sung và hoàn thiện phương án mới đánh B-52, được gọi là “Phương án tháng chín”; xác định những vấn đề cơ bản của nghệ thuật chiến dịch phòng không như phán đoán âm mưu, thủ đoạn, hướng và mục tiêu tiến công của địch, quyết định sử dụng lực lượng, cách đánh của ta. Nhờ nắm vững thực tế chiến trường, nghiên cứu đề ra phương án tác chiến đúng, điều chỉnh kịp thời, ta đã chủ động trong Chiến dịch Phòng không Hà Nội - Hải Phòng tháng 12-1972 và giành thắng lợi quyết định.

 

Để đánh thắng các đòn tập kích đường không bằng máy bay chiến lược B-52, Quân chủng PK-KQ tạo lập thế trận phòng không khu vực Hà Nội, Hải Phòng theo nguyên tắc tập trung có trọng điểm, hình thành ba cụm phòng không ôm sát ba khu vực mục tiêu bảo vệ: Cụm Hà Nội, cụm Hải Phòng và cụm phía Bắc đường 1, Thái Nguyên. Ba cụm phòng không này tạo ra thế “chân kiềng” liên kết hỗ trợ lẫn nhau, trong đó cụm phòng không Hà Nội là trọng điểm. Do ta tạo lập được thế trận phòng không liên hoàn đã bảo đảm cho cách đánh tập trung của các lực lượng phòng không rất có hiệu quả, giành quyền chủ động ngay từ đầu.

 

Trong quá trình tác chiến, ta chủ động chuyển hóa thế trận. Khi sang đợt 2 ta điều hai Tiểu đoàn tên lửa phòng không 71, 72 của Hải Phòng cho Hà Nội và đưa cả 3 tiểu đoàn của Trung đoàn Tên lửa 274 vào chiến đấu. Đồng thời, thay đổi sân bay cất cánh cho không quân ta đánh từ xa, gây bất ngờ lớn đối với địch. Giành thế chủ động đánh thắng trận then chốt quyết định vào đêm 26-12-1972.

 

Thắng lợi của Chiến dịch Phòng không Hà Nội, Hải Phòng, thể hiện nghệ thuật tác chiến phòng không tài tình, sáng tạo, phát huy sức mạnh tổng hợp của lực lượng phòng không ba thứ quân, lấy phòng không chủ lực làm nòng cốt, giải quyết đúng đắn và phát triển sáng tạo việc phát động toàn dân đánh máy bay địch. Đồng thời, đã xác định đúng nhiệm vụ cho lực lượng phòng không ba thứ quân. Để phát huy sức mạnh đánh địch, BTTM đã chỉ đạo chặt chẽ, phối hợp hoạt động tác chiến giữa phòng không chủ lực với phòng không địa phương, phòng không Dân quân tự vệ và đông đảo các tay súng bắn máy bay bằng súng bộ binh của các lực lượng khác, trong đó lực lượng phòng không chủ lực luôn giữ vai trò nòng cốt. Thực hiện kết hợp đánh rộng khắp với đánh tập trung, đánh nhỏ với đánh vừa và đánh lớn làm cho địch vô cùng hoảng sợ khi bay vào vùng trời Hà Nội, đồng thời cổ vũ tinh thần giữ vững ý chí quyết chiến quyết thắng của các lực lượng.

 

Trong Chiến dịch Phòng không này, lực lượng phòng không đã đánh và thắng kẻ địch mạnh và hiện đại gấp nhiều lần, một trong những nguyên nhân đó là ta biết kết hợp chặt chẽ các yếu tố lực, thế, thời, mưu. Sức mạnh tổng hợp của lực lượng phòng không tham gia chiến dịch được phát huy cao độ. Phong trào thi đua bắn rơi máy bay địch nói chung và B-52 đối với lực lượng chủ chốt chiến dịch đã lan tỏa trong từng thành phần lực lượng, từng đơn vị. Kết quả từ các lực lượng phòng không của Dân quân tự vệ đến các đơn vị phòng không, không quân chủ lực đều bắn rơi máy bay địch.

 

Chiến dịch Phòng không Hà Nội, Hải Phòng tháng 12-1972, quán triệt sâu sắc nghệ thuật chiến tranh nhân dân của Đảng, lấy ít địch nhiều, lấy nhỏ đánh lớn, lấy phương tiện vũ khí kém hiện đại thắng phương tiện vũ khí hiện đại. Chúng ta đã đánh giá đúng tình hình, đúng sự tương quan lực lượng và dự kiến được sự chuyển hóa tình hình, sự phát triển của địch. Trên cơ sở đó đã đề ra các biện pháp và động viên sự nỗ lực cao độ của toàn dân tham gia đánh địch, nhằm hạn chế những điểm mạnh của địch, đồng thời khoét sâu vào những điểm yếu của chúng, tạo nên thế trận có lợi, giành và giữ quyền chủ động trong tác chiến. Chiến dịch đã lựa chọn hình thức chiến thuật phù hợp; tổ chức sử dụng lực lượng hợp lý trong từng trận đánh; sáng tạo nhiều cách đánh hay, hiểm, tập trung tiêu diệt đối tượng chủ yếu của chiến dịch. Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” đã vượt ra khỏi phạm vi của một chiến dịch thông thường, góp phần quyết định “đánh cho Mỹ cút”, tạo tiền đề “đánh cho ngụy nhào” vào mùa Xuân 1975./.