Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có bài phát biểu lịch sử ở Yangon ngày 19-11-2012, trong đó ca ngợi “những tiến bộ rõ rệt” ở Myanmar.

“Hôm nay, tôi tới đây để giữ lời hứa của mình, để chìa ra đôi tay của tình hữu nghị”, ông Obama nói, theo những đoạn trích từ bài phát biểu. “Nhưng hành trình đáng nhớ này chỉ mới bắt đầu và vẫn còn một chặng đường dài phía trước”.

 

Ông Obama là Tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên đặt chân đến Myanmar. Sau lễ đón trọng thể ở sân bay, ông Obama đã được hàng ngàn người dân nước này chào đón trong sự hân hoan, trước khi gặp gỡ với Tổng thống Thein Sein, ca ngợi những cải cách của ông này, trước khi gặp lãnh đạo dân chủ Aung Suu Kyi.

 

“Thay vì bị áp bức, quyền của người dân tập hợp lại với nhau giờ sẽ được tôn trọng đầy đủ”, ông Obama nói trong bài diễn văn ở đại học Yangon. “Thay vì được dựng lên, bức màn kiểm duyệt truyền thông sẽ được từng bước dỡ bỏ”.

 

Trong một nhận xét khác liên quan tới xung đột tôn giáo đẫm máu xảy ra gần đây tại bang miền Tây Rakhine, ông Obama sẽ hối thúc Myanmar “biến sự đa dạng thành điểm mạnh, chứ không phải điểm yếu”.

 

“Mỗi quốc gia đều gặp khó khăn trong việc định hình tư cách công dân của người dân. Nước Mỹ từng có những cuộc tranh cãi lớn về vấn đề này, và tiếp tục tới ngày nay. Nhưng một số nguyên tắc mang tính toàn cầu, quyền của người dân được sống mà không bị đe dọa rằng gia đình của họ sẽ bị làm hại hay nhà của họ sẽ bị phá hủy chỉ vì họ là ai hay họ xuất thân từ đâu”, ông Obama nói.

 

Sau khi có bài phát biểu nói trên, ông Obama cũng đã có chuyến thăm ngắn tới chùa Shwedagon, ngôi chùa Vàng nổi tiếng được coi là trung tâm của Phật giáo Myanmar.

 

Hai làn sóng bạo lực bùng phát giữa người Hồi giáo và Phật giáo ở Rakhine từ tháng 6 đã khiến 180 người thiệt mạng và hơn 110.000 mất nhà cửa. Hầu hết những người mất nhà cửa là cộng đồng Hồi giáo thiểu số Rohingya, một cộng đồng đã bị phân biệt đối xử nhiều thập kỷ tại Myanmar.

 

Ngay trong ngày 19-11, ông Obama cũng bay tới Campuchia để tham dự Hội nghị Thượng Đỉnh Đông Á./.