Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) ngày 12-11-2012 công bố bản báo cáo đánh giá hàng năm, trong đó xác định Mỹ sẽ vượt A-rập Xê-út (Saudi Arabia) và Nga vào năm 2017 để trở thành quốc gia sản xuất dầu lớn nhất thế giới.

Đây là một dự báo cho thấy, nước Mỹ không còn bao lâu nữa sẽ đạt tới mục tiêu mà mới gần đây cũng ít người nghĩ tới, đó là sự độc lập về năng lượng. Độc lập về năng lượng là chủ đề được nhấn rất nhiều lần trong thời gian vận động tranh cử của cả Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma (Barack Obama) và đối thủ Đảng Cộng hòa Mít Rôm-ni (Mitt Romney).

 

Phóng viên TTXVN tại Mỹ dẫn báo cáo của Tổ chức IEA có trụ sở tại Pa-ri (Paris, Pháp) chuyên làm tư vấn về chính sách năng lượng cho các nước công nghiệp, cho biết tốc độ phát triển trong lĩnh vực năng lượng ở Mỹ trong những năm qua rất sâu rộng và hiệu quả do cập nhật ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ. Sản lượng thăm dò và khai thác dầu khí ở Mỹ, nhất là trong các điều kiện khó khăn về địa nhưỡng, đã có những phát triển vượt bậc với chi phí rẻ hơn và tạo cho Mỹ một ưu thế cạnh tranh lớn hơn.

 

Phát biểu trong cuộc họp báo ở Pa-ri, nhà kinh tế trưởng của IEA, ông Pha-tít Bi-rôn (Fatih Birol), cho biết sản lượng khai thác dầu của Mỹ dự kiến sẽ vượt Nga vào năm 2015 và đến năm 2017 sẽ vượt cả A-rập Xê-út, trở thành nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới. Với kim ngạch nhập khẩu dầu thô liên tục giảm trong vài năm qua, IEA dự báo, đến năm 2030 Mỹ sẽ từ nước nhập khẩu trở thành nước xuất khẩu dầu của thế giới. Đánh giá lạc quan này của IEA tương phản hoàn toàn với báo cáo lần trước, trong đó xác định đến năm 2035 A-rập Xê-út vẫn là quốc gia sản xuất dầu lớn nhất thế giới.

 

Theo báo cáo của IEA, lượng dầu nhập khẩu của Mỹ hiện chiếm khoảng 20% nhu cầu tiêu thụ nội địa, nhưng đến năm 2035, nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể đạt được mục tiêu hoàn toàn độc lập về năng lượng, bao gồm các nguồn như dầu thô, khí đốt và than. Ông Bi-rôn cho biết lý do IEA có đánh giá lạc quan này là vì ở Mỹ trong năm qua chứng kiến sự bùng nổ về các dự án khai thác nguồn dầu đá phiến (shale oil), một lĩnh vực đòi hỏi công nghệ rất cao. Với đà đẩy mạnh khai thác như hiện nay, đến năm 2015, sản lượng khai thác dầu của Mỹ có thể đạt 10 triệu thùng/ngày, đạt 11,1 triệu thùng/ngày vào năm 2020 và đến năm 2035 sẽ nâng lên mức 12,3 triệu thùng/ngày. Trong khi đó, sản lượng khai thác của Nga, quốc gia trong thập kỷ qua vươn lên ngang tầm, thậm chí sắp vượt cả A-rập Xê-út, đến năm 2020 dự báo vẫn giữ ở mức trên 10 triệu thùng/ngày, sau đó đến năm 2035 sẽ giảm xuống 9 triệu thùng/ngày. Trong thời gian từ nay đến 2035, Nga sẽ trở thành nước xuất khẩu năng lượng lớn nhất thế giới, bao gồm cả dầu, khí đốt và than, dự kiến nguồn thu tăng từ 380 tỷ USD năm 2011 lên 410 tỷ USD vào năm 2035.

 

Sự bùng nổ về sản lượng khai thác dầu khí ở Mỹ cũng sẽ làm chuyển hướng nguồn dầu xuất khẩu của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu của thế giới (OPEC), theo đó vào năm 2035 sẽ có 90% nguồn dầu từ Trung Đông được xuất sang thị trường châu Á. Theo dự báo của IEA, kim ngạch nhập khẩu dầu của Trung Quốc đến năm 2015 sẽ ngang bằng với Mỹ và đến năm 2035 sẽ thay thế Mỹ trở thành nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới. Với dân số dự kiến tăng thêm 1,8 tỷ người, lên 8,6 tỷ người, nhu cầu tiêu thụ dầu của thế giới sẽ tăng từ hơn 88 triệu thùng/ngày năm 2011 lên 99 triệu thùng/ngày vào năm 2035, đẩy giá dầu thô lên cao. Theo dự báo của IEA, giá dầu thô trên thị trường thế giới vào năm 2035 có thể ở mức 215 USD/thùng, tương đương với mức giá 125 USD/thùng tính theo thời giá 2011, nhưng nếu cộng cả chi phí giảm chất thải độc hại thì giá thành có thể lên tới 250 USD/thùng./.