Bão lại nổi giữa “sân sau” của Mỹ

Lê Sơn
16:51, ngày 19-09-2008

Ai là người gieo gió…

Việc Bô-li-vi-a trục xuất đại sứ Mỹ vì lý do “hỗ trợ và kích động các nhóm đối lập ở Bô-li-vi-a biểu tình bạo loạn chống Chính phủ”, và tiếp đến là Vê-nê-xu-ê-la cũng có hành động tương tự, khiến Mỹ đã “trả đũa” bằng cách trục xuất đại sứ các nước này; rồi đến việc Tổng thống Ni-ca-ra-goa Đa-ni-en Oóc-tê-ga từ chối lời mời của Tổng thống Mỹ Gioóc-giơ Bút-sơ; sự phản đối của Bộ Ngoại giao Ác-hen-ti-na về việc một thẩm phán tiểu bang Flo-ri-đa (Mỹ) cho rằng, nữ Tổng thống của nước này, bà Crít-ti-na Kít-nơ (Cristina Kirchner), có can dự đến một vụ buôn lậu ngoại tệ, mà theo Bộ Ngoại giao Ác-hen-ti-na là Mỹ đã cố tình chính trị hóa những vấn đề kinh tế,…chỉ là những giọt nước cuối cùng làm tràn ly mối quan hệ vốn dĩ “cơm chẳng lành, canh không ngọt” giữa Mỹ và khu vực “sân sau” của họ.

Có lẽ những “chiến lợi phẩm” thu được sau chiến tranh thế giới thứ hai và những thành tựu vượt bậc trong hơn nửa thế kỷ qua vẫn chưa làm Mỹ thỏa mãn. Với tư cách là một nước lớn, có nền kinh tế lớn nhất thế giới, Mỹ tự cho mình quyền áp đặt một “lối chơi kẻ cả”, có lợi cho mình nhất đối với phần còn lại của thế giới. Để có được một nền kinh tế hùng mạnh nhất thế giới, Mỹ đã tìm mọi cách để duy trì nó từ nhiều thập kỷ nay. Điều đó, cả thế giới phải thừa nhận. Cũng giống như cơ thể con người, càng to lớn bao nhiêu thì nhu cầu bảo đảm năng lượng để duy trì hoạt động của nó càng lớn bấy nhiêu. Nhu cầu về năng lượng để phát triển nền kinh tế của mỗi quốc gia cũng tỷ lệ thuận với tầm vóc, trình độ và tính chất trong tiến trình phát triển của nền kinh tế đó. Đấy chính là nguyên nhân sâu xa khiến Mỹ phải quan tâm và vươn tay đến những vùng đất có nhiều tiềm năng về năng lượng. Theo dự báo của các nhà khoa học, phải mất hàng thế kỷ nữa con người mới có thể tìm ra nguồn năng lượng thay thế cho nguồn nhiên liệu hiện thời mà chúng ta đang sử dụng là dầu mỏ, khí hóa lỏng và than đá dù vẫn biết đây là nguồn năng lượng ẩn chứa quá nhiều tác dụng phụ như làm suy thoái môi trường tự nhiên một cách nhanh chóng, làm nảy sinh các xung đột địa chính trị mang tính khu vực và trên phạm vi toàn cầu...

Với bản tính thực dụng, Mỹ dường như đã đi trước một bước so với nhiều quốc gia khác về lĩnh vực năng lượng. Để làm chủ và kiểm soát được nguồn năng lượng, Mỹ là nước đầu tiên và có thể là duy nhất đưa ra một chiến lược đầy tham vọng mang tính toàn cầu, bắt cả thế giới phải tham gia vào dòng xoáy đó, dù muốn hay không. Nếu nước nào, đặc biệt là các nước nhỏ và đang phát triển, có biểu hiện ngăn cản Mỹ thực hiện tham vọng toàn cầu của mình, thì ngay lập tức sẽ bị Mỹ “xem xét lại” bằng cách “thổi” vào chính thể nước đó những luồng gió trái chiều nhau, hòng làm cho tình hình kinh tế, chính trị - xã hội tại đây luôn bất ổn.

Như vậy, thực chất, chính Mỹ chứ không phải ai khác đã “gieo gió” ở các quốc gia Nam Mỹ.

... Người ấy ắt phải chịu bão

Ai cũng biết, trong chuyến công du 5 nước Mỹ La-tinh gần đây là Bra-xin, U-ru-goay, Cô-lôm-bi-a, Oan-tê-ma-la và Mê-hi-cô, Tổng thống Mỹ Bút-sơ đã tuyên bố tại Bra-xin rằng, “Mỹ không quên các nước Mỹ La-tinh”, và ông tỏ ra lấy làm tiếc là các nước Mỹ La-tinh đã không nhận được đủ tiền để cải thiện đời sống người dân ở khu vực này. Ông G. Bút-sơ viện dẫn bằng chứng: Mỹ đã ký với Bra-xin một hiệp định về nguyên liệu thay thế mà theo đó, Mỹ sẽ mua của nước này một khối lượng đáng kể ê-tha-nôn, một loại phụ gia sinh học pha vào xăng dầu dùng cho các loại động cơ đốt trong. Nói vậy thôi, chứ thực ra khối lượng dầu ê-tha-nôn mà Bra-xin sản xuất không phải là nhiều, nên khối lượng bán cho Mỹ cũng chẳng đáng là bao.

Ông Bút-sơ còn nhấn mạnh rằng, trong năm qua, Mỹ đã viện trợ cho khu vực này tăng gấp đôi kể từ khi ông nắm quyền điều hành đất nước. Theo các nhà nghiên cứu, nguồn viện trợ 1,6 tỉ USD của Mỹ cho khu vực này không phải là số liệu của năm 2007, mà là của năm 2001. Ông đưa ra số liệu đó để “lấy lòng” một số nước Mỹ La-tinh, mà ông thấy cần phải và có thể lôi kéo được họ nhằm nhổ “cái gai” trong mắt mình là một nước Mỹ La-tinh khác - Vê-nê-xu-ê-la. Phát biểu trong một buổi họp báo với Tổng thống nước chủ nhà Bra-xin Lu-i I-na-xi-ô Lu-la đa Sin-va (Luiz Inacio Lula da Silva), ông Bút-sơ nói đại ý, chuyến thăm này của ông nhằm tái khẳng định một lần nữa quan điểm nhất quán và rõ ràng của Mỹ là luôn “hào phóng và nhiệt tình” đối với các nước Mỹ La-tinh.

Thế nhưng, theo một tài liệu của Cơ quan Phát triển Quốc tế của Mỹ, chính ông Bút-sơ là người ký quyết định chi 26 triệu USD để trợ giúp cho các đảng phái chống đối Chính phủ Vê-nê-xu-ê-la từ năm 2002 đến nay. Số tiền trên được phía Mỹ gọi là “hỗ trợ dân chủ” cho quốc gia này, nhưng thực chất là để trợ giúp cho các cuộc hội thảo về nhân quyền, đào tạo những phần tử lật đổ chính phủ đương nhiệm ở Vê-nê-xu-ê-la. Vậy đây có phải là sự quan tâm, sát cánh hay sự hào phóng và nhiệt tình của Mỹ hay không?

Còn Tổng thống Vê-nê-xu-ê-la Hu-gô Cha-vét, trong một bài phát biểu tại Bu-ê-nô E-rét (Ác-hen-ti-na), lại cho rằng, mục đích chuyến đi này của ông Bút-sơ là “nhằm chia rẽ và che mắt các quốc gia Mỹ La-tinh”.

Sự tẩy chay của nhiều quốc gia Mỹ La-tinh đối với chính quyền đương nhiệm của ông Bút-sơ cho thấy, hệ quả tất yếu mà Mỹ phải gánh chịu là các “cơn bão” chính trị của Nam Mỹ dường như đang tàn phá chính trường Mỹ.

Một xu hướng đối đầu khó tránh khỏi

Một nguồn tin cho biết, đầu quý II năm 2008, giới lãnh đạo Hải quân Mỹ tuyên bố sẽ hiện đại hóa Hạm đội IV. Đây là Hạm đội chuyên thực hiện các chiến dịch quân sự tại vùng biển Ca-ri-bê và các nước Mỹ La-tinh. Điều này cho thấy, Mỹ đã chủ động gia tăng mối đe dọa quân sự đối với khu vực Mỹ La-tinh, nơi Mỹ luôn cho là “sân sau” của mình.

Để hợp pháp hóa hành động của mình, các phương tiện thông tin đại chúng của Mỹ luôn đưa tin rằng, hàng loạt quốc gia như Vê-nê-xu-ê-la, Cô-lôm-bi-a, Bra-xin, Ê-cu-a-đo,... đang không ngừng hiện đại hóa nền quân sự của mình bằng việc tăng thêm ngân sách quốc phòng hằng năm, đặc biệt là các quốc gia theo đường lối cánh tả, nổi bật nhất là Vê-nê-xu-ê-la. Theo tin từ Mỹ, Vê-nê-xu-ê-la chi hàng trăm triệu đô la để mua sắm 3 giàn ra-đa chiến lược loại JVL-1 và thuê vệ tinh của nước ngoài giám sát toàn bộ đường biên giới quốc gia. Tổng thống Vê-nê-xu-ê-la Hu-gô Cha-vét dự kiến sẽ mua của Ác-hen-ti-na một lò phản ứng hạt nhân. Còn Ác-hen-ti-na, đồng minh thân thiết của Vê-nê-xu-ê-la, đã ký với Pháp một thỏa thuận mua sắm máy bay chiến đấu tàng hình hiện đại vào loại bậc nhất hiện nay - "Mirage-2000", và dùng khoản vay của Vê-nê-xu-ê-la mua máy bay trực thăng, ra-đa, pháo tự hành và xe bọc thép do một số nước châu Âu sản xuất.

Chương trình chấn hưng quân sự của Ác-hen-ti-na đã khiến Chi-lê phải giật mình. Mấy năm vừa qua, Chi-lê dốc ngân sách quốc gia mua nhiều loại vũ khí tiên tiến, và gần đây, cùng quốc gia láng giềng Bra-xin ký một bản hiệp định quân sự, trong đó cam kết nếu Chi-lê bị nước thứ ba tấn công thì Bra-xin được quyền xuất quân ứng cứu.

Trong khi đó, vài năm trở lại đây, Mỹ công khai trang bị quân sự cho Cô-lôm-bi-a, với tham vọng sẽ biến nước này thành một “I-xra-en” ở khu vực Nam Mỹ để đe dọa quốc gia ngay sát nách là Vê-nê-xu-ê-la. Đáp lại sự đe dọa của Mỹ, Tổng thống Vê-nê-du-ê-la Hu-gô Cha-vét tuyên bố, nếu Mỹ có bất kỳ động thái nào xâm phạm đến lợi ích quốc gia của Vê-nê-du-ê-la, thì nước này sẽ ngừng cung cấp dầu mỏ cho Mỹ ngay lập tức.

Ở một diễn biến khác, trong bài phát biểu trên truyền hình, Tổng thống Cha-vét đã lên án Mỹ có kế hoạch lật đổ chính phủ một số nước tại Mỹ La-tinh. Theo tờ Tin tức Cu-ba, ông Cha-vét sẵn sàng ủng hộ các phong trào vũ trang để bảo vệ chính quyền ở khu vực này. Ông Cha-vét còn cho biết, lực lượng an ninh Vê-nê-xu-ê-la đã bắt giữ một số sĩ quan quân đội đang thực hiện âm mưu ám sát ông, trong đó có sự hậu thuẫn của các thế lực bên ngoài.

Chưa bao giờ mà cùng một lúc, cả ba nước Bô-li-vi-a, Vê-nê-xu-ê-la và Ác-hen-ti-na đều có những tuyên bố thách thức Mỹ như thời gian gần đây, vì các nước này đều biết rõ Mỹ đã có âm mưu lũng đoạn nội bộ của họ. Vê-nê-du-ê-la còn công khai thách thức Mỹ bằng việc cho hai máy bay phản lực ném bom có thể chở 40 tấn bom và mang theo đầu đạn hạt nhân TU 160 của Nga hạ cánh tại một sân bay quân sự ở miền Bắc nước này để tham gia tập trận chung với quân đội Vê-nê-xu-ê-la.

Nhằm giảm bớt căng thẳng ở khu vực “sân sau”, gần đây người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định, họ chỉ có “âm mưu” là cam kết củng cố nền dân chủ cho người dân và cuộc “lật đổ” duy nhất mà họ tìm kiếm là lật đổ sự đói nghèo ở các nước Mỹ La-tinh. Mỹ cũng không quên cáo buộc rằng, một số quan chức Vê-nê-xu-ê-la đã hỗ trợ cho quân nổi dậy và cung cấp vũ khí cho những kẻ buôn lậu ma túy ở Cô-lôm-bi-a. Để ngăn chặn nguồn tài chính cung cấp cho quân nổi dậy và những băng nhóm buôn bán ma túy ở Cô-lôm-bi-a, Chính phủ Mỹ đã ban bố lệnh cấm toàn bộ các công dân Mỹ có quan hệ làm ăn với một số quan chức dính líu đến vụ việc này.

Những động thái mới của Mỹ và các nước Mỹ La-tinh đã làm cho tình hình trong khu vực ngày càng thêm căng thẳng. Xu hướng đối đầu giữa Mỹ và các nước Nam Mỹ ngày càng bộc lộ rõ hơn và là một xu hướng tất yếu không thể nào cưỡng lại. Điều này cho thấy đã xuất hiện rõ dấu hiệu chấm dứt việc các quốc gia Nam Mỹ là những người “dễ bảo” như thời kỳ trước những năm 80 của thế kỷ XX. Và thế là, “sân sau” của Mỹ dường như đang trở thành tâm bão, đe dọa nghiêm trọng tầm kiểm soát và ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực này, khiến dư luận quốc tế không thể không quan tâm./.