TCCSĐT - Là một tỉnh đất không rộng, người không đông, không có lợi thế về tài nguyên khoáng sản và mới được tái lập năm 1997 trong điều kiện rất nghèo và nhiều khó khăn, nhưng chỉ với 10 năm tăng tốc, hiện Vĩnh Phúc đang là một trong số tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước về phát triển kinh tế - xã hội. Có được thành tựu to lớn vượt bậc này là do Đảng bộ, chính quyền và các đoàn thể chính trị - xã hội của tỉnh đã xây dựng và thực thi một chiến lược phát triển mới phù hợp; đã phát huy được sự đồng thuận giữa ý Đảng và lòng dân. Đặc biệt, việc thực hiện tốt Quy chế Dân chủ ở cơ sở đã thực sự là động lực mạnh mẽ thúc đẩy sự phát triển vượt bậc của Vĩnh Phúc.

Sau mười năm thực hiện nghiêm túc các chỉ thị của Đảng, các nghị định của Chính phủ và Pháp lệnh của Quốc hội về xây dựng và thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở, Vĩnh Phúc đã đạt được những thành tựu rất quan trọng, làm thay đổi một cách toàn diện đời sống kinh tế - xã hội của địa phương.

Mười năm qua, kinh tế Vĩnh Phúc liên tục tăng trưởng cao, bình quân tăng 17,5%/năm (công nghiệp - xây dựng tăng 33%, dịch vụ tăng 15,3%, nông - lâm - thủy sản tăng 5,4%); bình quân 3 năm gần đây tăng 19%; đặc biệt, năm 2007 mức tăng đạt 22%, trở thành một hiện tượng tăng trưởng mang tính đột biến, cao nhất trong cả nước; năm 2008, mặc dù trong bối cảnh suy thoái kinh tế chung, Vĩnh Phúc vẫn đạt mức tăng 14,78% - đây là chỉ số tăng gấp 2 lần mức tăng trung bình của cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa: công nghiệp - dịch vụ chiếm 84%, nông - lâm nghiệp còn 16%. Trong 10 năm qua, Vĩnh Phúc thu hút được 600 dự án, với tổng số vốn đăng ký gần 4 tỉ USD, hiện đang triển khai 400 dự án với tổng vốn đăng ký là 3 tỉ USD.

Do sự phát triển mạnh mẽ của mọi lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội trong tỉnh nên an ninh - quốc phòng được củng cố, tăng cường; trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm, giữ vững; văn hóa - xã hội phát triển toàn diện, mạnh mẽ, những giá trị văn hóa tinh thần truyền thống được quan tâm bảo tồn và phát huy; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao, cải thiện, thu nhập bình quân đầu người đạt 1.250 USD, tăng gấp mười lần so với khi tái lập tỉnh (năm 1997, thu nhập bình quân đầu người là 140USD).

Thực tế cho thấy, thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở đã làm thay đổi, chuyển biến một cách cơ bản nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong các cấp lãnh đạo Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong tỉnh. Đồng thời, đã làm thay đổi nhận thức và tăng thêm sự hiểu biết của mọi tầng lớp nhân dân về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; người dân đã từng bước có nhận thức đúng về quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của mình đối với Đảng, Nhà nước, cộng đồng và xã hội.

Thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở đã góp phần nâng cao quyền và vai trò của người dân trong giải quyết các vấn đề quan trọng của địa phương. Chính vì thế, đã phát huy được sức mạnh, khai thác được nguồn lực, khơi dậy được tiềm năng sáng tạo, thúc đẩy, động viên nhân dân hăng hái thi đua lao động sản xuất. Người dân phấn khởi, tích cực tham gia vào các quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Qua đó, họ trở thành chủ thể thực sự trực tiếp quyết định sự phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh, trật tự, an toàn xã hội, củng cố quốc phòng. Cũng qua đó, họ nhiệt tình, tích cực tham gia xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và phát triển cộng đồng.

Thực hiện tốt Quy chế Dân chủ ở cơ sở không chỉ làm cho bầu không khí dân chủ trong xã hội được phát huy mà bản thân sự dân chủ trong Đảng cũng được mở rộng và nâng lên một trình độ mới. Vì lẽ đó, những khó khăn, vướng mắc, những thách thức, cản trở trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương đã được bàn bạc, thảo luận trên tinh thần thực sự dân chủ giữa người dân và các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, giữa người dân với doanh nghiệp, giữa người dân với nhau. Từ đó, những vấn đề gay gắt, mâu thuẫn, bức xúc trong đời sống xã hội đã được giải quyết kịp thời, thấu tình đạt lý trên cơ sở sự đồng thuận, nhất trí cao. Vĩnh Phúc là một tỉnh có sự phát triển mạnh mẽ và nhanh chóng về công nghiệp, do đó, việc xây dựng khu công nghiệp, thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, đền bù, thu hút lao động, tạo việc làm, thu nhập cho người dân luôn là những vấn đề dễ làm nảy sinh bức xúc, nhưng do thực hiện tốt Quy chế Dân chủ ở cơ sở nên thời gian qua, tỉnh đã giải quyết tốt những vấn đề này. Đây là một mô hình thành công, xứng đáng là một bài học kinh nghiệm quý hiện nay.

Thực hiện tốt Quy chế Dân chủ ở cơ sở, giải quyết tốt những vấn đề xã hội nảy sinh đã tạo ra không khí phấn khởi, tích cực trong đời sống cộng đồng, và đó chính là một động lực mới cho sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Quyền và nghĩa vụ của công dân ngày càng được thể hiện tốt hơn. Vai trò, uy tín của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể ngày càng được nâng cao. Nó đã thực sự tạo ra một khí thế mới, động viên, lôi cuốn mọi tầng lớp xã hội nhiệt tình tham gia các phong trào xã hội như: xóa đói giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, tự quản cộng đồng, đền ơn đáp nghĩa... Trong bối cảnh đó, 10 năm qua, Vĩnh Phúc đã huy động được sự đóng góp của người dân hàng trăm tỉ đồng để phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn như: giao thông, trường học, trạm xá, các công trình thể thao, nhà sinh hoạt cộng đồng, nhà tình nghĩa...

Một điều dễ nhận thấy là, thực hiện tốt Quy chế Dân chủ ở cơ sở đã góp phần củng cố và tăng cường mối quan hệ mật thiết, gắn bó giữa Đảng, Nhà nước, các đoàn thể chính tri - xã hội với nhân dân. Qua đó, từng bước đổi mới phong cách, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy; thay đổi, cải cách lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức ở cơ sở theo hướng ngày càng gần dân, sát dân, biết tôn trọng, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của người dân, không ngừng quan tâm đến quyền lợi của họ. Chính vì thế, ngày càng củng cố được niềm tin cậy của nhân dân vào Đảng, chính quyền và chế độ ta.

Sau 10 năm thực hiện Quy chế Dân chủ cơ sở, mặc dù đạt được những thành tích bước đầu rất quan trọng nêu trên, nhưng Vĩnh Phúc vẫn còn bộc lộ một số hạn chế sau: Vẫn còn tình trạng một số cấp ủy, chính quyền, một số cán bộ lãnh đạo chưa nhận thức đúng ý nghĩa và tầm quan trọng của việc triển khai thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở trong tình hình hiện nay.  Đó là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng buông lỏng, triển khai Quy chế một cách hình thức; thiếu chỉ đạo sát sao, đồng bộ, không có sự kiểm tra, kiểm soát. Công tác phối hợp chỉ đạo, lãnh đạo triển khai thực hiện Quy chế giữa các đơn vị, tổ chức, các đồng chí lãnh đạo ở một số nơi còn mang tính phong trào, hình thức, tùy tiện. Tình trạng triển khai không đầy đủ, đồng bộ các quy định trong Quy chế là khá phổ biến; vẫn còn tình trạng người dân bị bưng bít, che dấu thông tin, chưa công khai đến dân, thiếu minh bạch với dân. Hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân ở đa số các cấp ở cơ sở còn yếu, và thiếu về chuyên môn, năng lực.. Chính vì lẽ đó, mặc dù có triển khai thực hiện Quy chế nhưng không ít địa phương chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp của người dân, cộng đồng để tạo thành phong trào thi đua yêu nước trong sản xuất và đời sống xã hội.

Tổng kết 10 năm thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở, trên cơ sở nhận thức đúng những thành công đã đạt được, nhận diện đúng những hạn chế, yếu kém của việc triển khai Quy chế trong các công tác chỉ đạo và công tác thực tiễn, để tiếp tục thực hiện tốt Quy chế, tạo động lực phát triển mới, cần thực hiện một số giải pháp cơ bản sau:

- Tiếp tục quán triệt một cách sâu sắc các chỉ thị, nghị quyết, nghị định của Đảng, Chính phủ, Pháp lệnh của Quốc hội về việc xây dựng và thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở một cách sâu rộng để mọi cán bộ, đảng viên và nhân dân đều thấm nhuần nội dung của các văn bản này. Qua đó, tạo ra một nhận thức chung của cả xã hội về sự cần thiết, vai trò và ý nghĩa của việc triển khai thực hiện Quy chế trong thời kỳ cách mạng mới.

- Củng cố, kiện toàn Ban chỉ đạo thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở và Ban Thanh tra nhân dân ở các cấp, tạo cho các tổ chức này những năng lực, khả năng mới để hoàn thành tốt nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

- Nâng cao trách nhiệm của các tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể quần chúng về thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở. Đánh giá chất lượng và năng lực hoạt động của các tổ chức này và đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức qua việc triển khai thực hiện Quy chế. Gắn thực hiện Quy chế với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) về đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở; Nghị quyết Trung ương 6 (khóa X) về nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng của đội ngũ cán bộ, đảng viên.

- Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị cơ sở trong việc thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở; coi đây là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên và lâu dài của toàn bộ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, vận động quần chúng nhân dân trong sự nghiệp cách mạng của Đảng thời kỳ đấy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước./.