TCCSĐT - Với nhận thức nguồn nhân lực của mỗi địa phương nói riêng, của đất nước nói chung có vai trò hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng, những năm qua, Thành phố Hồ Chí Minh luôn chú trọng đến phát triển nguồn nhân lực đúng hướng, đạt trình độ cao nhằm tạo ra giá trị “hàng hóa đặc biệt”. Đó là điều kiện cơ bản để Thành phố xứng đáng là trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học công nghệ lớn của đất nước và khu vực Đông Nam Á.

Đột phá từ khâu tạo nguồn và sử dụng cán bộ trẻ

Sau khi Bộ Chính trị khóa IX ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 25-01-2002 về “luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý”, Nghị quyết số 42, ngày 30-11-2004 về “công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức nghiên cứu, quán triệt và xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Trung ương. Bám sát đặc thù của địa phương, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách, quy định, quy chế phù hợp... tạo điều kiện thuận lợi cho các cấp ủy, lãnh đạo địa phương, cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện đồng bộ công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, luân chuyển cán bộ.

Theo báo cáo của Ban Tổ chức Thành ủy, việc chủ động xây dựng và thực hiện công tác quy hoạch cán bộ nguồn dài hạn, chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ trẻ (chương trình mang tính đột phá của Thành ủy về công tác cán bộ), sau hơn 10 năm thực hiện, đến nay Thành phố đã xây dựng được một đội ngũ cán bộ trẻ tuổi có số lượng tương đối khá, được đào tạo cơ bản, có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, góp phần bổ sung đội ngũ cán bộ trẻ tuổi, có chuyên môn cao tham gia cấp ủy quận, huyện, đảm nhận chức danh chủ chốt các phòng, ban thuộc sở, ngành, quận, huyện và các chức danh do Thành ủy quản lý. Chủ trương thu hút, sử dụng chuyên gia, sinh viên được đào tạo chính quy có học lực đạt loại khá - giỏi vào làm việc, tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý tại các đơn vị, địa phương cũng là cách làm đột phá sáng tạo, thể hiện sự quyết tâm, quan điểm đúng đắn của Thành ủy đối với việc tạo nguồn cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển Thành phố thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế. Từ năm 2001 đến nay, Thành phố đã đưa vào nguồn quy hoạch dài hạn hơn 1.300 cán bộ là công chức trẻ tuổi đã qua công tác đoàn thể, công tác quản lý ở cơ sở và có nhiều triển vọng, là con em gia đình có công với cách mạng; sinh viên có học lực khá, giỏi, có tư cách, năng khiếu lãnh đạo, quản lý (trong đó có hơn 840 cán bộ, công chức, chiếm 64,18% và 470 cán bộ được xét chọn từ nguồn sinh viên, chiếm 35,82%). Thành phố đã tuyển chọn để đưa đi đào tạo tiến sĩ 59 người, đào tạo thạc sĩ 580 người; hiện có 400 học viên hoàn thành chương trình học tập. Sau khi được đào tạo, có 330 cán bộ trình độ thạc sĩ được bố trí công tác tại các sở, ban, ngành, quận, huyện, doanh nghiệp; đáng chú ý có 210 cán bộ được kết nạp Đảng, chiếm 58,64%; 130 cán bộ được bổ nhiệm giữ chức trưởng, phó trưởng phòng sở, ngành, quận, huyện, chiếm 37,39%... Phần lớn cán bộ trẻ tuổi có nhiều nỗ lực trong công tác, học tập và rèn luyện; có khả năng điều hành, quản lý, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Kết quả này đã phần nào khẳng định: công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở Thành phố Hồ Chí Minh luôn gắn với công tác tạo nguồn, quy hoạch và yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Với việc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác quy hoạch cán bộ trong thời gian qua và sự thuận lợi trong sắp xếp, bố trí, kiện toàn đội ngũ cán bộ, chất lượng đội ngũ cán bộ trong quy hoạch ngày càng được nâng lên, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ chính trị của đơn vị, địa phương. Đặc biệt, đã kịp thời bổ sung, tăng cường đội ngũ chuyên gia, cán bộ kỹ thuật phục vụ yêu cầu quản lý, phát triển đô thị... để góp phần thực hiện tốt chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, 12 chương trình, công trình trọng điểm, 5 công trình đòn bẩy, 6 chương trình đột phá đã được Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố đề ra trong Nghị quyết Đại hội lần thứ VII, VIII, IX đồng thời góp phần khẳng định Nghị quyết số 20 của Bộ Chính trị là đúng đắn và sáng tạo. Chính nhờ làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển cán bộ nên việc chuẩn bị nhân sự cấp ủy cho các nhiệm kỳ sau ngày càng thuận lợi, chất lượng đội ngũ cán bộ tham gia cấp ủy các cấp được nâng lên, đáp ứng yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Một số hạn chế

Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định trong công tác quy hoạch, tạo nguồn, từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong toàn hệ thống chính trị, nhưng đánh giá một cách khách quan và tổng thể, nguồn nhân lực chất lượng cao của Thành phố hiện nay vẫn còn tình trạng chưa đáp ứng kịp tốc độ phát triển ngày càng nhanh của địa phương nói riêng, cũng như của đất nước và khu vực nói chung; việc thu hút, đào tạo đội ngũ chuyên gia, lao động kỹ thuật cao còn ít, trong khi ở Thành phố đã và đang hình thành những ngành có hàm lượng công nghệ cao; đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trẻ có lúc, có nơi chưa đáp ứng nhu cầu bố trí theo quy định của Trung ương.

Nguyên nhân chính là do Thành phố chưa có chế độ, chính sách đủ mạnh để thu hút và giữ chân những cán bộ giỏi, người tài; chế độ tiền lương trong hệ thống các cơ quan Đảng, Nhà nước còn nhiều bất cập; nhận thức của nhiều cấp ủy, lãnh đạo của một số địa phương, đơn vị về sự cần thiết, cũng như tầm quan trọng trong việc thu hút cán bộ trẻ, giỏi, người tài vào làm việc trong cơ quan, đơn vị chưa đúng mức… Do đó, công tác tuyển dụng cán bộ, công chức chưa thực sự hiệu quả, thiếu tính cạnh tranh.

Mục tiêu phấn đấu và một số giải pháp thực hiện

Thành phố Hồ Chí Minh đã xác định: phát triển nguồn nhân lực là yếu tố then chốt có ý nghĩa quyết định, là nhiệm vụ có tính chiến lược lâu dài, vừa có tính thường xuyên, liên tục; vừa là mục tiêu, vừa là động lực cho phát triển, nhân tố quyết định tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững. Phát triển nhân lực phải đi trước, đón đầu, đáp ứng các yêu cầu phát triển toàn diện con người, phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống nhân dân và bảo đảm an ninh - quốc phòng trên địa bàn Thành phố. Do vậy, từ nay đến năm 2015, Thành phố Hồ Chí Minh phấn đấu hoàn thành 7 chỉ tiêu về công tác cán bộ: Thứ nhất, bảo đảm 100% cán bộ đương nhiệm, dự bị các chức danh lãnh đạo, quản lý các tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể chính trị - xã hội đạt trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, ngoại ngữ, tin học theo tiêu chuẩn quy định đối với từng loại chức danh cán bộ; Thứ hai, có 100% cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập từ ngạch chuyên viên và tương đương trở lên có trình độ đại học chuyên ngành quản lý, chuyên môn phù hợp với nhiệm vụ đang đảm nhận; Thứ ba, có 100% cán bộ chủ chốt cơ sở phường - xã, thị trấn dưới 50 tuổi có trình độ đại học, cao cấp lý luận chính trị - hành chính; Thứ tư, đào tạo 100 tiến sĩ, thạc sĩ chuyên ngành công nghệ sinh học ở nước ngoài; Thứ năm, đào tạo đội ngũ kỹ sư, thạc sĩ tin học, điện tử… phục vụ công tác quản lý, vận hành, khai thác các chương trình phần mềm ứng dụng trong quản lý Nhà nước; Thứ 6, phấn đấu tỷ lệ cán bộ trẻ tuổi tham gia vào cấp ủy các cấp nhiệm kỳ tới đạt quy định của Trung ương; Thứ bảy, thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo 100 cán bộ lãnh đạo, quản lý xuất thân từ công nhân.

Trong thời gian tới, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác tạo nguồn, quy hoạch và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa của đất nước, Thành phố Hồ Chí Minh đang và sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ cơ bản sau:

Một là, có chính sách (chế độ tiền lương, tiền thưởng, điều kiện làm việc,…) để thu hút những người có phẩm chất và trình độ cao và phù hợp để bố trí vào làm việc tại các tổ chức trong hệ thống chính trị, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, chuyên gia, cán bộ khoa học đầu ngành; xem trọng công tác tạo nguồn cán bộ trẻ tuổi ở cơ sở.

Hai là, tiến hành quy hoạch tổng thể công tác đào tạo cán bộ, công chức, xác định cụ thể chương trình đào tạo theo công việc, chức danh của người học, không đào tạo dàn trải, tràn lan; chú trọng gắn đào tạo, bồi dưỡng với bố trí, sử dụng, khắc phục tình trạng bố trí không đúng ngành nghề đào tạo.

Ba là, bổ nhiệm cán bộ phải theo đúng tiêu chuẩn chức danh được bổ nhiệm và phải được đào tạo, bồi dưỡng đầy đủ, nghiêm túc nghiệp vụ, kỹ năng; tổ chức đào tạo lại sao cho phù hợp với vị trí mới khi thực hiện luân chuyển, điều động. Cán bộ dự bị, sinh viên trong diện cán bộ nguồn sau khi hoàn thành chương trình đào tạo dài hạn sẽ được bổ nhiệm đúng chức danh sau thời gian tập sự, nếu không phát huy năng lực trong công việc sẽ phải bố trí lại.

Bốn là, chú trọng ứng dụng công nghệ - thông tin phục vụ đào tạo từ xa, đáp ứng nhu cầu học tập của cán bộ, công chức; đổi mới chính sách sử dụng cán bộ theo hướng coi trọng phẩm chất và năng lực thực tế, thực hiện tuyển dụng công chức theo hình thức thi tuyển công khai, bảo đảm tiêu chuẩn quy định. Thi tuyển các chức danh công chức từ phó trưởng phòng trở lên. Bố trí cán bộ đúng chuyên môn đào tạo, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho cán bộ thực hiện tốt nhiệm vụ.

Năm là, tập trung xây dựng và triển khai thực hiện các quy định, quy chế về tiêu chuẩn chức danh cán bộ; về tiêu chí đánh giá cán bộ đối với tất cả các chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị để làm cơ sở đánh giá, đào tạo, bồi dưỡng và bố trí sử dụng cán bộ; quy định góp ý, lấy phiếu tín nhiệm hằng năm đối với chức danh lãnh đạo trong cơ quan Đảng, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội; quy định thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu trong đánh giá, quy hoạch, luân chuyển và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử; quy định (bổ sung, sửa đổi) về phân cấp quản lý cán bộ… để kiện toàn tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, đào tạo, quản lý, đánh giá, luân chuyển, bố trí, sử dụng cán bộ.

Sáu là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và Nhà nước về công tác tổ chức cán bộ nhằm góp phần phòng ngừa sai phạm của cán bộ, đảng viên, gắn với việc thực hiện có hiệu quả các nhóm giải pháp đề ra trong Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” để xây dựng, chỉnh đốn Đảng, làm cho Đảng bộ Thành phố mạnh hơn, cán bộ, đảng viên gương mẫu hơn; tổ chức Đảng có sức chiến đấu cao hơn; đoàn kết nội bộ tốt hơn; gắn bó với nhân dân mật thiết hơn; thúc đẩy thực hiện nhiệm vụ chính trị đạt kết quả cao hơn./.