TCCSĐT - Vừa qua, Nhật Bản đã có sự thay đổi chính sách lớn khi lần đầu tiên kể từ Thế chiến thứ 2, cho phép xuất khẩu vũ khí tới bất cứ nước nào. Ấn Độ là nước đầu tiên nằm trong danh sách mua vũ khí của Nhật. Động thái này được dư luận cho là một phần trong tầm nhìn chiến lược của Nhật Bản nhằm giảm sự ảnh hưởng đang ngày càng tăng của Trung Quốc ở châu Á.

1. Ca-na-đa và ASEAN ra tuyên bố tăng cường hợp tác

Ngày 24-9-2012, tại Ốt-ta-oa (Ottawa), Ca-na-đa, Ngoại trưởng Ca-na-đa Giôn Be-ơ (John Baird) và Tổng Thư ký Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) Su-rin Pít-su-oan (Surin Pitsuwan) đã ra tuyên bố chung khẳng định, quan hệ giữa ASEAN và Ca-na-đa trong giai đoạn hiện nay đang phat triển rất năng động. Trong lịch sử 35 năm thiết lập quan hệ, hai bên không ngừng thúc đẩy phát triển mối quan hệ này và hiện mở rộng trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa. Tuyên bố khẳng định cả Ca-na-đa và ASEAN hài lòng về những tiến bộ gần đây đang mang lại tương lai tươi sáng hơn cho quan hệ song phương, bao gồm việc bổ nhiệm Đại sứ Ca-na-đa đầu tiên tại ASEAN vào năm 2009; Ca-na-đa gia nhập Hiệp ước Hợp tác Thân thiện (TAC) ở Đông Nam Á năm 2010; và hai bên thông qua Tuyên bố chung về thương mại và đầu tư trong năm 2011. Trong những năm qua, Ca-na-đa đã thực hiện nhiều chuyến thăm cấp cao đến khu vực ASEAN, như chuyến thăm của Toàn quyền Ca-na-đa, Thủ tướng Xti-phơn Ha-pơ (Stephen Harper) và các đoàn bộ trưởng ngoại giao, ngoại thương...

2. ASEAN tăng cường chống tội phạm xuyên quốc gia

Ngày 25-9-2012, Hội nghị quan chức cấp cao ASEAN về tội phạm xuyên quốc gia (SOMTC) lần thứ 12 và các hội nghị SOMTC với các đối tác đối thoại của ASEAN đã bế mạc tại Băng Cốc (Thái Lan). Các thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã nhất trí tăng cường hợp tác trong khối và với các đối tác đối thoại trong cuộc chiến chống tội phạm xuyên quốc gia. Thông cáo báo chí ngày 26-9-2012 của Ban Thư ký ASEAN cho biết, Hội nghị SOMTC đã nghe báo cáo về tiến độ thực hiện Kế hoạch hành động ASEAN cho Chương trình chống tội phạm xuyên quốc gia, trong đó cập nhật những nỗ lực hợp tác của ASEAN trong giai đoạn 2010-2012 đối với tám lĩnh vực của tội phạm xuyên quốc gia, bao gồm khủng bố, buôn bán người, buôn bán ma túy, rửa tiền, cướp biển, buôn lậu vũ khí, tội phạm kinh tế quốc tế, và tội phạm mạng; Thảo luận về cách biện pháp nâng cao hiệu quả và chất lượng cho chương trình hợp tác trong giai đoạn 2013-2015. Hội nghị SOMTC với các đối tác đối thoại của ASEAN, bao gồm Ốt-xtrây-li-a (Australia), Trung Quốc, Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Niu Di Lân (New Zealand), Hàn Quốc, Nga và Mỹ đã tập trung thảo luận các cách thức tăng cường hợp tác trong các dự án chống tội phạm xuyên quốc gia, trong đó dành ưu tiên trước mắt cho các lĩnh vực chống khủng bố, buôn bán người, và tội phạm mạng.

3. WHO cảnh báo về loại virút mới

 

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo về sự xuất hiện của một loại vi-rút mới gây chết người


Ngày 25-9-2012, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo về sự xuất hiện của một loại vi-rút mới đã được phát hiện trên 1 bệnh nhân đang điều trị tại một bệnh viện ở thủ đô Luân Đôn (London), Anh. Virút này tương tự như virút gây bệnh hô hấp cấp (SARS) chết người lan rộng từ Hồng Kông đến hơn 30 quốc gia khác nhau trên khắp thế giới và khiến khoảng 800 người thiệt mạng. Bệnh nhân nhiễm loại virút mới này là người Ka-ta (Qatar), đã được đưa vào diện điều trị đặc biệt tại quê hương sau đó mới được đưa tới Anh và hiện đang được điều trị đặc biệt tại đây, với hội chứng suy hô hấp và suy thận. Đây là trường hợp thứ hai xác nhận có virút này sau khi một bệnh nhân tử vong ở Ả Rập. Phát biểu tại cuộc họp báo, người phát ngôn WHO, Gri-go-ri Hát-lờ (Gregory Hartl) cho biết đây là virút coronavirus, một loại virút mới gây bệnh viêm phổi và suy thận cấp và đến nay các chuyên gia tại đây cũng chưa biết rõ cơ chế hoạt động của loại virus mới này như cách thức chúng truyền bệnh như thế nào, truyền từ người sang người hay từ động vật sang người, tốc độ lây nhiễm của chúng ra sao…

4. Liên hợp quốc kêu gọi hỗ trợ khẩn cấp cho khu vực Sa-hen

 

Khu vực Sa-hen, châu Phi đang đứng trước nguy cơ khủng hoảng toàn diện


 Ngày 26-9-2012, tại phiên họp cấp cao về khu vực Sa-hen (Sahel), được tổ chức bên lề Đại hội đồng Liên hợp quốc lần thứ 67, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-mun (Ban Ki-moon) đã kêu gọi hỗ trợ quốc tế khẩn cấp cho người dân và các chính phủ khu vực Sa-hen châu Phi, đồng thời cảnh báo khu vực này đang ở giai đoạn nguy hiểm với 18 triệu người bị ảnh hưởng do khủng hoảng lương thực nghiêm trọng. Ông Ban Ki-mun cho biết, sự hỗn loạn chính trị, điều kiện thời tiết khắc nghiệt và kinh tế mong manh đang tạo nguy cơ một cuộc khủng hoảng toàn diện ở khu vực Sa-hen. Bên cạnh sự hỗn loạn chính trị và mất an ninh tại Ma-li (Mali), khu vực này còn đang đối mặt với tình trạng nghèo đói cùng cực khi mức phát triển thuộc hàng thấp nhất thế giới. Liên hợp quốc đang phát triển một chiến lược toàn diện cho khu vực Sa-hen nhằm tăng cường năng lực khu vực chống lại tình trạng mất an ninh, ngăn chặn và phản ứng với các cuộc khủng hoảng quy mô lớn; đồng thời thúc đẩy quản trị dân chủ và tôn trọng nhân quyền. Chiến lược này sẽ giúp các quốc gia vùng Sa-hen ngăn chặn mối đe dọa khủng bố, chống tội phạm có tổ chức và kiểm soát phổ biến vũ khí, chống nạn rửa tiền và cải thiện việc quản lý biên giới. Chiến lược cũng thúc đẩy sự hợp tác và hòa giải nhằm giảm căng thẳng giữa các quốc gia, tăng cường khả năng tập hợp cộng đồng đương đầu với điều kiện thời tiết khắc nghiệt và nhấn mạnh đến quản lý môi trường.

5. Liên hợp quốc công bố văn bản về quần đảo tranh chấp Trung-Nhật

Ngày 27-9-2012, Liên hợp quốc đã cho công bố bản đồ hải giới quần đảo mà phía Trung Quốc đã trình lên Liên hợp quốc cũng như văn bản phản đối bản đồ này của phía Nhật Bản. Việc công bố diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng xung quanh vấn đề chủ quyền đối với quần đảo Sen-ca-ku (Senkaku) theo cách gọi của Nhật Bản và Điếu Ngư theo cách gọi của Trung Quốc. Ngày 13-9-2012, Trung Quốc đã đệ trình lên Liên hợp quốc bản sao bản đồ hải giới, trong đó chính phủ Trung Quốc đặt tên và tuyên bố chủ quyền đối với 17 điểm cơ sở quanh quần đảo tranh chấp. Sau đó, ngày 25-9-2012, Chính phủ Nhật Bản đã trình Liên hợp quốc văn bản phản đối bản đồ này. Trước đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã tuyên bố sẽ sớm đệ đơn lên Ủy ban ranh giới thềm lục địa Liên hợp quốc xin mở rộng thềm lục địa của nước này ở biển Hoa Đông. Theo giới phân tích, vấn đề chủ quyền quần đảo Sen-ca-ku/Điếu Ngư có chiều hướng phát triển thành các cuộc tranh luận về mặt luật pháp quốc tế.

6. Diễn đàn quốc tế về Đông Bắc Á bàn về đàm phán sáu bên

Ngày 27-9-2012, tại thành phố cảng Đại Liên, miền Bắc Trung Quốc, các nhà ngoại giao của Trung Quốc, Nhật Bản và những nước khác tham gia các cuộc đàm phán sáu bên về phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên đã có cuộc gặp tại một diễn đàn nghiên cứu quốc tế về Đông Bắc Á. Theo Hãng tin Ki-ô-đô (Kyodo), đây là lần đầu tiên trong ba năm qua, CHDCND Triều Tiên cử hai nhà ngoại giao cấp cao tham dự hội thảo hai ngày của diễn đàn nêu trên, được tổ chức với sự bảo trợ của một nhóm chuyên gia tư vấn Mỹ. Trong khi đó, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga và Mỹ đều cử các quan chức từng tham gia các cuộc đàm phán sáu bên nhiều lần bị đình trệ này. Nhật Bản cử một nhà ngoại giao cấp cao của Đại sứ quán Nhật Bản tại Trung Quốc tới dự diễn đàn. Theo các nhà quan sát, diễn đàn trên, được tổ chức hằng năm ở những địa điểm khác nhau, là cơ hội để các nước tham gia đàm phán sáu bên cùng gặp gỡ để thảo luận, song ít có dấu hiệu cho thấy có thể đạt được bước đột phá trong tiến trình phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên sau khi các cuộc đàm phán đình trệ từ tháng 12-2008. Tháng trước, các nhà ngoại giao Triều Tiên và Nhật Bản từng có cuộc gặp gỡ song phương để tìm kiếm giải pháp hàn gắn quan hệ giữa hai nước, song việc Tô-ki-ô (Tokyo) cương quyết đưa vấn đề “các công dân Nhật Bản bị Triều Tiên bắt cóc trong quá khứ” vào chương trình nghị sự đã làm cho những triển vọng cải thiện quan hệ trở nên xa vời.

7. Quân đội Trung-Mỹ tổ chức hội nghị an ninh hàng hải

Trong hai ngày 27 và 28-9-2012, quân đội hai nước Trung Quốc và Mỹ đã tổ chức một hội nghị thường niên trong khuôn khổ Thỏa thuận tham vấn hàng hải quân sự Trung Quốc-Mỹ tại thành phố cảng Thanh Đảo. Quân đội hai nước đã nhất trí tăng cường tiếp xúc và liên lạc nhằm tăng cường sự tin cậy lẫn nhau và sự hợp tác trên quan điểm tôn trọng, bình đẳng, chủ động và mang tính xây dựng. Hai bên đã trao đổi quan điểm về tình hình an ninh hàng hải của hai nước từ năm 2010 và thảo luận các biện pháp chi tiết nhằm giải quyết những vướng mắc trong lĩnh vực này. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác quân đội với quân đội trong hoạt động chống cướp biển và viện trợ nhân đạo cũng như nỗ lực khắc phục thảm họa. Trung Quốc và Mỹ đã ký Thỏa thuận Tham vấn hàng hải quân sự Trung-Mỹ vào năm 1998 và cho đến nay đã tổ chức chín hội nghị thường niên đóng vai trò tích cực trong việc thúc đẩy an ninh hàng hải Trung Quốc-Mỹ.

8. Nhật Bản, Ấn Độ bắt tay tạo thế đối trọng với Trung Quốc

 

Nhật Bản tăng cường hợp tác với Ấn Độ nhằm giảm sự ảnh hưởng đang ngày càng tăng của Trung Quốc ở châu Á


Ngày 28-9-2012, Nhật Bản đã có sự thay đổi chính sách lớn khi lần đầu tiên kể từ Thế chiến thứ 2, cho phép xuất khẩu vũ khí tới bất cứ nước nào. Ấn Độ là nước đầu tiên nằm trong danh sách mua vũ khí của Nhật. Động thái này được dư luận cho là một phần trong tầm nhìn chiến lược của Nhật Bản nhằm giảm sự ảnh hưởng đang ngày càng tăng của Trung Quốc ở châu Á. Đây cũng được xem là minh chứng cho mối quan hệ hợp tác chiến lược ngày càng được tăng cường giữa hai nước. Quan hệ này không là kết quả của một sự tình cờ mà xuất phát từ sự cần thiết. Tình trạng bất ổn do nạn cướp biển ngày càng lan rộng (trong khi hai nước này lệ thuộc gần như hoàn toàn thương mại hàng hải), những đe dọa từ bán đảo Triều Tiên với các vụ thử hạt nhân, bắn tên lửa liên lục địa… đã dẫn hai nước đến chỗ có cùng quan điểm và lợi ích chiến lược chung. Nhưng đó chưa phải là những lý do chính yếu nhất khiến hai nước này sát lại gần nhau. “Sự trỗi dậy” mạnh mẽ của Trung Quốc với việc tăng cường sức mạnh quân sự của mình ở khu vực châu Á trong thời gian qua mới là lý do khiến cả Nhật Bản và Ấn Độ không thể “ngồi yên”. Ngoài việc bắt tay trong việc mua bán vũ khí, vào cuối năm nay, lần đầu tiên, Ấn Độ và Nhật Bản sẽ tiến hành một cuộc tập trận hải quân quy mô lớn. Ngoài ra các cuộc thảo luận cấp phái đoàn giữa lực lượng hải quân hai nước dự kiến cũng sẽ diễn ra tại Tô-ki-ô (Tokyo) vào cuối tháng 11 tới. Năm nay là năm kỷ niệm lần thứ 60 ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Ấn Độ-Nhật Bản, do đó có thể sẽ có rất nhiều sự kiện và hợp tác song phương giữa hai nước, vốn đã rất ấn tượng, có thể phát triển sâu rộng hơn, đặc biệt là trong lĩnh vực an ninh quốc phòng. Sự tăng cường hợp tác giữa hai nước này không chỉ có ý nghĩa song phương mà chắc chắn còn ảnh hưởng tới tương quan giữa các nước lớn trong khu vực trong thời gian tới.

9. Châu Âu trước nguy cơ suy thoái và khủng hoảng chính trị

Cuộc khủng hoảng nợ công tại nhiều nước châu Âu có nguy cơ đẩy khu vực này rơi vào suy thoái và bất ổn xã hội khi mà nhiều nước trong khu vực đã phải áp dụng các biện pháp thắt lưng buộc bụng nhằm kiểm soát thâm hụt ngân sách. Trong khi đó, những biện pháp này lại gây ra làn sóng phản đối mạnh mẽ của những người lao động với hàng loạt cuộc biểu tình tại các quốc gia là tâm điểm của cuộc khủng hoảng nợ công như Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha… Ngày 29-9-2012, tại thủ đô Ma-đrít (Madrid) của Tây Ban Nha, hàng nghìn người tập trung tại khu vực gần tòa nhà Quốc hội nhằm phản đối kế hoạch ngân sách năm 2013, trong đó nhiều khoản chi tiêu bị cắt giảm mạnh. Nhiều người biểu tình đã thể hiện thái độ giận dữ khi ném gạch đá vào lực lượng cảnh sát. Đây là cuộc biểu tình quy mô lớn thứ ba trong tuần qua nhằm phản đối các biện pháp thắt chặt chi tiêu. Hiện tỷ lệ thất nghiệp của Tây Ban Nha cao gấp đôi so với mức trung bình của các nước trong Liên minh châu Âu (EU) với một nửa số người lao động ở độ tuổi dưới 26 không thể tìm được việc làm. Cùng ngày, tại Bồ Đào Nha cũng đã diễn ra biểu tình với sự tham gia của hàng nghìn người nhằm phản đối việc chính phủ nước này thực hiện các biện pháp cắt giảm chi tiêu và tăng thuế để đổi lấy gói cựu trợ 78 tỉ ơ-rô. Các cuộc biểu tình hòa bình do Liên đoàn công nhân Bồ Đào Nha tổ chức. Cũng giống như Tây Ban Nha, hiện tỷ lệ thất nghiệp của Bồ Đào Nha đã tăng lên mức kỷ lục 15% trong bối cảnh nền kinh tế nước này đã rơi vào đợt suy thoái nghiêm trọng nhất kể từ năm 1970. Trong khi đó, Fitch - một trong ba hãng xếp hạng tín nhiệm lớn nhất thế giới - vừa cảnh báo có thể hạ mức tín nhiệm AAA của nền kinh tế Anh do nợ công gia tăng, trong khi tăng trưởng giảm sút khiến nước này đang mất dần vị thế là một trong những điểm đến an toàn cho các nhà đầu tư. Theo tính toán của Fitch, tổng nợ công quốc gia của Anh cho đến nay tương đương 97% GDP của nước này và nếu lên tới 100% GDP thì nguy cơ nền kinh tế Anh bị hạ mức tín nhiệm là rất cao.

10. Tết Trung thu tại một số nước châu Á

Đêm 30-9-2012, nhiều nước ở châu Á tưng bừng đón Tết Trung thu với nhiều hoạt động văn hóa truyền thống, ấm cúng và lung linh sắc màu. Riêng tại Trung Quốc, Tết Trung Thu luôn là một kỳ nghỉ lễ dài và năm nay kỳ nghỉ đó kéo dài tới tám ngày. Do đó, người dân có nhiều lựa chọn cho các hoạt động vui chơi đón Tết và vì vậy, sắc thái Tết Trung Thu tại quốc gia đông dân nhất thế giới cũng luôn được coi là đa dạng, phong phú và độc đáo nhất. Tại thành phố Hàng Châu, thủ phủ tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, các nghệ nhân đã công bố chiếc bánh Trung thu khổng lồ với đường kính 3,88 m và dày 8 cm. Chiếc bánh Trung Thu được tin là lớn nhất thế giới này, được trưng bày tại quảng trường thành phố, đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của người dân và các du khách. Trong khi đó, ở Hồng Kông, người ta đã bắt đầu lễ hội đón Tết Trung thu từ đêm thứ 7 bằng màn biểu diễn múa Rồng lửa truyền thống. Con Rồng lửa 133 tuổi, có chiều dài 67m, gồm 32 khúc nối với nhau, đầu làm bằng mây có hai mắt sáng lấp lánh và toàn thân được phủ bằng rơm. Trong lễ múa rồng, người ta thi nhau cắm những que hương vào thân Rồng lửa để đốt hương cầu may. Những ai có thể rút được những que hương đang cháy từ thân Rồng lửa, tức là đã lấy được vận may. Còn tại CHDCND Triều Tiên, cùng với các hoạt động vui đón trăng rằm, Tết Trung thu còn là dịp để người dân tưởng nhớ và tri ân các nhà lãnh đạo đất nước. Hàng ngàn người dân Triều Tiên đã tới đặt hoa tại nghĩa trang các chiến sỹ yêu nước ở thủ đô Bình Nhưỡng, tỏ lòng tôn kính và ghi nhớ công ơn những người đã hy sinh vì Tổ quốc./.