TCCSĐT - Ngày 20-9-2012, hơn 60 nhà ngoại giao đến từ các quốc gia thuộc nhóm "Những người bạn của Xy-ri" đã nhóm họp gần thành phố La Hay (Hague) của Hà Lan để thảo luận về các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với chế độ cầm quyền tại Đa-mát (Damacus). Nhóm này tập hợp hơn 70 nước và các tổ chức, nhóm họp định kỳ thảo luận về vấn đề Xy-ri.

Cuộc họp lần này tập trung vào thắt chặt các chế tài, thực thi những biện pháp trừng phạt hiện nay bao gồm cả cấm vận vũ khí và dầu mỏ. Hãng tin Pháp AFP dẫn lời Ngoại trưởng Hà Lan U-ri Rô-xen-than (Uri Rosenthal) phát biểu khai mạc cuộc họp cho rằng "các biện pháp trừng phạt tài chính không chỉ nhằm làm giảm sức mạnh quân sự của chính quyền Đa-mát mà cuối cùng còn nhằm lật đổ Tổng thống Ba-sa An Át-xát (Bashar al-Assad)". Theo Ngoại trưởng này, Xy-ri đang tìm "các đường thoát" để bán dầu mỏ. Ông Rô-xen-than nhấn mạnh "các nước cần phối hợp nhằm cô lập chế độ của Tổng thống B.Át-xát".

Cuộc họp của nhóm "Những người bạn của Xy-ri" diễn ra sau khi trong tháng này, Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí cần tăng cường các trừng phạt chống Đa-mát trong bối cảnh cộng đồng quốc tế vẫn chưa thể giải quyết được cuộc khủng hoảng đẫm máu kéo dài 18 tháng qua ở Xy-ri. EU cũng như Liên đoàn Arập (AL) đã áp đặt nhiều lệnh trừng phạt mà ngoài cấm vận vũ khí, dầu mỏ còn là cấm đi lại nước ngoài với các thành viên gia đình ông Átxát và các quan chức cấp cao của Xy-ri. Các chuyên gia thuộc lĩnh vực tài chính sẽ thảo luận tại cuộc họp này những cách thức tăng cường trừng phạt kinh tế, trong đó có phong tỏa tài sản.

Cùng ngày, Bộ Thông tin Xy-ri cho biết, máy bay trực thăng quân sự bị rơi ở gần thủ đô Đa-mát hôm 20-9 là do đâm vào đuôi một máy bay chở khách, song máy bay chở 200 hành khách này đã thoát hiểm và hạ cánh an toàn. Các phần tử chống đối đã dùng súng máy cự li xa bắn chiếc trực thăng quân sự, buộc phi công phải bay cao né tránh và đâm vào đuôi máy bay chở khách. Phi công cùng ba trợ lý đều thiệt mạng khi trực thăng quân sự này rơi xuống.

Theo Tổ chức Giám sát nhân quyền Xy-ri (trụ sở tại Anh), tính đến ngày 19-9 đã có hơn 29.000 người thiệt mạng ở Xy-ri kể từ khi nổ ra làn sóng chống đối hồi tháng Ba năm ngoái. Trong các thương vong này có 20.755 dân thường, 1.148 binh sĩ đào ngũ và 7.095 binh sĩ quân đội. Tổ chức này thống kê dựa trên nhiều nguồn, song đây là con số chưa được kiểm chứng độc lập. Liên hợp quốc nhận định thương vong trong cuộc khủng hoảng đang tiếp diễn tại Xy-ri là hơn 20.000 người thiệt mạng.

Trước đó, trong chuyến công du đầu tiên tới thủ đô Đa-mát trên cương vị Đặc phái viên chung Liên hợp quốc - Liên đoàn Arập (AL) về Xy-ri, ông La-khơ-đa Bra-hi-mi (Lakhdar Brahimi) đã nhận định cuộc xung đột tại quốc gia Trung Đông này "đang ngày càng xấu đi". Phát biểu khi tới sân bay Đa-mát, ông L.Bra-hi-mi cho rằng "đang có một cuộc khủng hoảng lớn và ngày càng trầm trọng tại Xy-ri" khi bạo lực tiếp diễn tại các điểm nóng trên cả nước làm nhiều người thiệt mạng. Ông nhấn mạnh cần ngăn chặn tình trạng đổ máu và khôi phục sự hòa hợp, đồng thời cho biết ông sẽ nỗ lực hết sức để sứ mệnh của mình thành công.

Ông L.Bra-hi-mi đến Xy-ri trong chuyến công du kéo dài ba ngày. Ông đã gặp Đại sứ Iran tại Xy-ri Mô-ha-mát Ri-đa Sai-ba-ni (Mohammad Rida Shaibani) và Ngoại trưởng Xy-ri Oa-lít An Mô-a-lem (Walid al-Moallem). Phát biểu sau cuộc gặp với ông L.Bra-hi-mi, Đại sứ M.Sai-ba-ni cho biết, I-ran ủng hộ các nỗ lực của Đặc phái viên chung nhằm tìm ra một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng tại Xy-ri, đồng thời kêu gọi ông L.Bra-hi-mi lắng nghe tất cả các ý kiến và quan điểm của các bên, đặc biệt lưu ý những yếu tố đã khiến kế hoạch của người tiền nhiệm Cô-phi An-nan (Kofi Annan) thất bại. Theo ông M.Sai-ba-ni, cuộc gặp với Đặc phái viên L.Bra-hi-mi đã diễn ra tốt đẹp và hiệu quả.

Tại cuộc gặp với Ngoại trưởng Xy-ri O.Mô-a-lem, ông L.Bra-hi-mi đã bày tỏ lo ngại về cuộc sống của người dân Xy-ri. Ông cho biết trong sứ mệnh của mình, ưu tiên hàng đầu của ông là cuộc sống tốt đẹp, sự ổn định và an ninh cho nhân dân Xy-ri. Ông cũng kêu gọi các nước sử dụng ảnh hưởng với các bên xung đột tại Xy-ri để chấm dứt bạo lực đổ máu tại nước này. Về phần mình, Ngoại trưởng O.Mô-a-lem cho rằng thành công của sứ mệnh Đặc phái viên chung phụ thuộc vào sự nghiêm túc của các nước đã chỉ định ông Brahimi vào cương vị này cũng như mức độ chân thành của các nước này trong việc giúp đỡ Xy-ri.

Trước khi tới Xy-ri, ông L.Bra-hi-mi đã thăm Ai Cập và gặp các quan chức Liên đoàn Arập (AL) và một số lãnh đạo Ai Cập. Phát biểu trong họp báo tại Cai-rô, ông L.Bra-hi-mi nhấn mạnh không có giải pháp "kỳ diệu" để chấm dứt cuộc khủng hoảng tại Xy-ri.

Sau phát biểu của ông L.Bra-hi-mi, Ngoại trưởng Nga Xéc-gây La-vrốp (Sergei Lavrov) tuyên bố Mát-xcơ-va cho rằng "không có lý do gì để Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua một nghị quyết về Xy-ri trên cơ sở Hiến chương Liên hợp quốc". Theo ông La-vrốp, một số nước muốn can thiệp quân sự từ bên ngoài vào Xy-ri đang tìm cách đưa ra một nghị quyết dựa trên Điều VII của Hiến chương Liên hợp quốc cho phép sử dụng vũ lực. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh "chúng ta đang xử lý một cuộc khủng hoảng nội bộ và không có lý do gì để can thiệp theo hướng thiên vị một bên. Điều cần thiết là làm cho tất cả các bên ngừng giao tranh ngay lập tức và ngồi vào bàn đàm phán". Ngoại trưởng Nga lưu ý rằng, Hội đồng Bảo an đã thông qua hai nghị quyết về Xy-ri đều đề cập việc chuyển giao quyền lực do người Xy-ri tự tiến hành. Tháng 6 vừa qua, một nhóm hành động tại Giơ-ne-vơ (Geneve) đã thông qua một thông cáo cũng đề cập việc chuyển giao quyền lực này. Nga đã đề nghị Hội đồng Bảo an thông qua thông cáo Giơ-ne-vơ, nhưng Mỹ phản đối với lý do văn bản này không có nội dung đe đọa cũng như các biện pháp trừng phạt chính quyền Xy-ri. Ông La-vrốp khẳng định thông cáo này chứa đựng một cách tiếp cận cân bằng nhằm chấm dứt bạo lực tại Xy-ri. Hiện các biện pháp đối với Xy-ri đang tiếp tục được các nước tranh luận./.