TCCSĐT - Ngày 9-9-2012, các nhà lãnh đạo 21 nền kinh tế thành viên Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) đã ra tuyên bố chung kết thúc Hội nghị Cấp cao thường niên lần thứ 20 diễn ra tại thành phố Vla-đi-vô-xtốc (Vladivostok) ở miền Viễn Đông của Nga.
1. Moody's hạ bậc xếp hạng nợ của Liên minh châu Âu xuống tiêu cực

 
Hãng đánh giá tín dụng Moody's đã hạ bậc xếp hạng nợ dài hạn của Liên minh châu Âu từ “ổn định” xuống “tiêu cực”

Ngày 3-9-2012, Hãng đánh giá tín dụng Moody's (Moody's Investors Service) đã hạ bậc xếp hạng nợ dài hạn của Liên minh châu Âu (EU) từ “ổn định” xuống “tiêu cực”, qua đó phát đi lời cảnh báo về khả năng hạ bậc xếp hạng tín nhiệm Aaa của khối này. Tuyên bố của Moody's cho hay: “Triển vọng tiêu cực về tín nhiệm dài hạn của EU phản ánh viễn cảnh ảm đạm đối với mức xếp hạng AAA của các nước thành viên đóng góp nhiều cho ngân sách EU như Đức, Pháp, Anh và Hà Lan - những nước cung cấp khoảng 45% ngân sách EU”. Trước đó, Moody's cũng đã hạ triển vọng cả bốn nước này xuống mức tiêu cực. Động thái của Mút-đi được đưa ra ngay trước thềm một hội nghị của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), theo kế hoạch diễn ra vào ngày 6-9-2012, nơi ECB dự kiến sẽ tiếp tục đối mặt với sức ép đưa ra một kế hoạch mới nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng nợ hiện nay của khu vực đồng euro. Trước đó, ngày 24-2012, Moody's đã hạ triển vọng của Quỹ Bình ổn tài chính châu Âu (EFSF) từ mức “ổn định” xuống “tiêu cực,” đồng thời cảnh báo quỹ cứu trợ trị giá 500 tỉ ơ-rô này có thể mất vị trí xếp hạng tín nhiệm cao nhất AAA hiện nay nếu tình hình kinh tế các nước lớn trong khu vực tiếp tục xấu đi. Quyết định hạ triển vọng EFSF của Moody's phản ánh những biến động về triển vọng của Đức, Hà Lan và Lúc-xem-bua (Luxembourg), ba nền kinh tế vốn được coi là ổn định nhất trong Khu vực sử dụng đồng ơ-rô (Eurozone), song cũng vừa bị hãng tín dụng này hạ triển vọng từ “ổn định” xuống “tiêu cực” vào ngày 23-7-2012.

2. Cu-ba dẫn đầu thế giới về hoàn thành các chỉ tiêu phát triển con người 

Trong báo cáo mới đây của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) về công tác trẻ em, lĩnh vực chăm sóc sức khỏe trẻ em Cu-ba cũng như thực hiện các chỉ tiêu phát triển con người của Cu-ba được đánh giá rất cao. Theo báo cáo, UNICEF khẳng định những thành công trong lĩnh vực chăm sóc và bảo vệ sức khỏe trẻ em của Cu-ba là nhờ những nỗ lực không mệt mỏi của chính phủ trong việc cải thiện dinh dưỡng cho các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất, đặc biệt là trẻ em. Hiện nay Chính phủ nước này vẫn tiếp tục bảo đảm khẩu phần lương thực cơ bản cho mọi đối tượng, khuyến khích việc nuôi con bằng sữa mẹ cho tới ít nhất là tháng thứ tư của trẻ sơ sinh và bổ sung thêm các loại thực phẩm khác cho tới khi trẻ được sáu tháng tuổi. Cu-ba tiếp tục là nước duy nhất ở khu vực Mỹ La-tinh và Ca-ri-bê không có trẻ em suy dinh dưỡng. Trong khi đó, Tổ chức Nông lương của Liên hợp quốc (FAO) cũng công nhận Cu-ba là quốc gia đi đầu ở khu vực Mỹ La-tinh và Ca-ri-bê trong cuộc chiến chống suy dinh dưỡng và là một trong những nước tiên phong trên thế giới trong việc hoàn thành các chỉ tiêu phát triển con người. Điều này đặc biệt có ý nghĩa khi Hòn đảo Tự do vẫn phải gồng mình để vượt qua những khó khăn do chính sách bao vây cấm vận của Mỹ gây ra trong suốt nửa thế kỷ qua. Theo báo cáo của UNICEF, hiện nay trên thế giới vẫn còn khoảng 146 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng, trong đó 28% ở châu Phi, 17% ở Trung Đông và 15% ở châu Á. Tỷ lệ này ở các nước khu vực Mỹ La-tinh và Ca-ri-bê là 7%, Trung Âu là 5%. Các nước đang phát triển khác chiếm 27%.

3. Hội nghị hợp tác khu vực sông Mê kông - sông Hằng

Từ ngày 3 và 4-9-2012, tại Ấn Độ, đã diễn ra Hội nghị khu vực sông Mê-kông - sông Hằng (MGC) lần thứ sáu, tại thủ đô Niu Đê-li (New Delhi). Trong hai ngày làm việc, quan chức ngoại giao các nước cùng những người đồng cấp Ấn Độ đánh giá lại sự hợp tác giữa các nước thành viên MGC; xem xét việc thực hiện các quyết định được đưa ra tại Hội nghi MGC lần thứ năm và vạch ra phương hướng tương lai cho cơ chế này nhằm tăng cường hợp tác trong khu vực. Ấn Độ đề nghị Hội nghị rà soát lại các hoạt động đã triển khai theo những quyết định được đưa ra trước đây như kế hoạch thành lập một Viện Bảo tàng dệt truyền thống châu Á của MGC tại Xiêm Riệp của Cam-pu-chia; Bảo tồn các di sản thế giới tại các nước thành viên MGC; phát triển đường cao tốc nối Ấn Độ - Mi-an-ma và Thái Lan; Cấp 50 học bổng của Hội đồng Ấn Độ về quan hệ văn hóa (ICCR). Về phương hướng hoạt động trong tương lai, Hội nghị sẽ thảo luận những lĩnh vực hợp tác mới gồm: cân nhắc thành lập một Nhóm làm việc về nghiên cứu y tế thích hợp với khu vực, chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn về kiểm soát dịch bệnh; cân nhắc thành lập một Nhóm làm việc về hợp tác giữa các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME); triển khai những dự án có tác dụng nhanh như tiếng Anh hội nhập; phát triển doanh nghiệp và các chương trình đào tạo hướng nghiệp; gợi ý về sự hợp tác trong tương lai đối với các cơ chế xây dựng và chia sẻ kinh nghiệm phát triển; hợp tác đa dạng sinh thái; hợp tác về sản xuất lúa gạo; thành lập một trung tâm nguồn lưu trữ chung tại trường Đại học Na-lan-đa thuộc bang Bi-ha-rơ (Bihar), Ấn Độ. MGC được thành lập ngày 10-11-2000 tại Viêng chăn, (Lào), nhằm mục đích vạch ra tầm nhìn cho sự hợp tác giữa Ấn Độ và năm nước thành viên thuộc khu vực sông Mê kông. Cho đến nay có bốn lĩnh vực được xác định ưu tiên hợp tác giữa các thành viên MGC là du lịch, giáo dục, phát triển nguồn nhân lực và giao thông liên lạc.

4. Hội nghị quốc tế về Biển Đông lần hai tại Ma-lai-xi-a

Trong hai ngày 4 và 5-9-2012, Hội nghị quốc tế về Biển Đông lần thứ hai do Viện Nghiên cứu Biển Malaysia (MIMA) tổ chức đã diễn ra tại thủ đô Kua-la Lăm-pơ (Kuala Lumpur), thu hút sự tham gia của gần 150 học giả, chuyên gia nghiên cứu, các nhà ngoại giao đến từ 20 quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Với chủ đề “Những phát triển địa chiến lược và triển vọng quản lý tranh chấp”, Hội nghị đã tập trung vào sáu phần chính, bao gồm vấn đề tranh chấp ở Biển Đông và ảnh hưởng đối với môi trường an ninh trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đánh giá tình hình địa chính trị hiện nay ở Biển Đông, luật pháp quốc tế, cơ chế giải quyết tranh chấp, các giải pháp lâu dài, và thảo luận nhóm về hướng giải quyết tranh chấp. Tại hội nghị, các học giả và các chuyên gia nghiên cứu đến từ Bru-nây, Cam-pu-chia, Ma-lai-xi-a, In-đô-nê-xi-a, Phi-líp-pin, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Ô-xtrây-li-a, Xin-ga-po và Việt Nam đã trình bày tham luận, chia sẻ thông tin và đưa ra những đề xuất, biện pháp cụ thể nhằm kiểm soát, quản lý tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông trong bối cảnh địa chính trị trong khu vực đang có nhiều biến động. Các đại biểu cũng tập trung thảo luận về việc xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), cho rằng đây là thời điểm chín muồi để ASEAN và Trung Quốc bàn thảo với nhau để sớm hoàn tất bộ quy tắc này. Các đại biểu đánh giá cao vai trò của ASEAN, cho rằng ASEAN đã đi đúng hướng khi thúc đẩy xây dựng COC. Dự thảo về các thành tố cơ bản của COC mà ASEAN đã đạt được cơ bản đi đúng hướng và phù hợp với tình tình và thực tiễn tranh chấp đang xảy ra ở Biển Đông hiện nay.

5. Liên hợp quốc hối thúc các nước phê chuẩn Hiệp ước cấm thử hạt nhân

Ngày 6-9-2012, trước Đại hội đồng Liên hợp quốc nhằm hướng tới kỷ niệm Ngày quốc tế chống thử hạt nhân (29-8), Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-mun (Ban Ki-moon) đã đưa ra thông điệp: Các vụ thử hạt nhân vẫn là mối đe dọa đối với sức khỏe loài người và sự ổn định trên toàn cầu, và các quốc gia trên thế giới cần tham gia ký kết và phê chuẩn Hiệp ước toàn cầu về cấm thử nghiệm hạt nhân. Ông Ban Ki-mun kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường những nỗ lực nhằm hướng tới mục tiêu về “một thế giới không có vũ khí hạt nhân” khi nói rằng: “Các vụ thử hạt nhân là mối đe dọa đối với sức khỏe con người và sự ổn định trên toàn cầu. Nó để lại những hậu quả tai hại và lâu dài. Hiệp ước cấm thử nghiệm hạt nhân toàn diện nhận được sự ủng hộ đông đảo trên toàn cầu, nhưng nó vẫn chưa có hiệu lực. Tôi hối thúc các nước vẫn chưa ký kết và phê chuẩn Hiệp ước này không nên trì hoãn thêm nữa. Trong khi chờ đợi Hiệp ước này có hiệu lực, tôi kêu gọi tất cả các quốc gia trên toàn thế giới ủng hộ lệnh cấm hiện nay đối với các vụ nổ thử nghiệm hạt nhân”.

6. OECD hạ dự báo tăng trưởng của hàng loạt nền kinh tế lớn thế giới 

Ngày 6-9-2012, Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) nhận định, cuộc khủng hoảng nợ công tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã kéo theo những nguy cơ đe dọa nền kinh tế toàn cầu, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đà tăng trưởng của hàng loạt nền kinh tế lớn trên thế giớ và đòi hỏi các nước cần phải hành động mạnh mẽ hơn nữa để ngăn chặn các tác động tiêu cực. Trong báo cáo của mình, OECD đã hạ dự báo tăng trưởng của Đức - động lực tăng trưởng chính trong Eurozone - từ mức 1,2% xuống còn 0,8% trong năm nay. Trong khi đó, Anh được dự báo sẽ không tăng trưởng, mà suy giảm tới 0,7% - bước trượt dài so với dự báo tăng trưởng 0,5% mà tổ chức này đưa ra hồi tháng 5 vừa qua. Các nền kinh tế lớn khác của châu Âu như Pháp được dự báo tăng trưởng 0,1% (giảm 0,5% so với dự báo trước đó), trong khi mức suy giảm kinh tế của I-ta-li-a được dự báo tồi tệ hơn nhiều, từ 1,7% xuống tới 2,4%. OECD cũng dự báo Mỹ - nền kinh tế đầu tàu của thế giới - sẽ tăng trưởng 2,3% trong năm nay, giảm nhẹ so với mức dự báo trước đó là 2,4%. Trong khi đó, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Ca-na-đa được dự báo sẽ tăng 1,9% thay vì mức tăng 2,2% mà OECD đưa ra trước đó. Đối với Nhật Bản - nền kinh tế lớn thứ ba trên thế giới - mức dự báo tăng trưởng được OECD điều chỉnh tăng từ 2% lên 2,2% do những tác động tích cực từ quá trình tái thiết nền kinh tế sau thảm họa kép động đất gây sóng thần hồi tháng 3 năm ngoái. Báo cáo của OECD được công bố vào thời điểm Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đang có cuộc họp nhằm đưa ra những kế hoạch mới để mua trái phiếu của một số nước thành viên Eurozone đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng nợ công. 

7. Hàn Quốc chuẩn bị về khả năng thống nhất hai miền

Ngày 7-9-2012, tại cuộc họp của Ủy ban chiến lược trung và dài hạn, Bộ trưởng Pắc Gie-hoan (Park Jae-hwan) chỉ rõ, Bộ trưởng Kế hoạch và Tài chính Hàn Quốc, Xơ-un cần phải đối phó với sự thống nhất hai miền Triều Tiên trong tương lai gần. Hiện có ba xu thế ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế Hàn Quốc trong thời gian tới, đó là sự thống nhất hai miền Nam - Bắc Triều Tiên, biến đổi khí hậu và cấu trúc dân số. Dự kiến ủy ban này sẽ công bố báo cáo chiến lược trung và dài hạn vào tháng 10 tới, bao gồm bốn vấn đề chủ chốt là dân số, năng lượng, biến đổi khí hậu và tài chính. Tháng 4-2012, Chính phủ Hàn Quốc đã thành lập Ủy ban chiến lược trung và dài hạn, bao gồm 21 ủy viên cấp bộ trưởng và 20 ủy viên khác chuyên về các ngành giáo dục, truyền thông và các cơ quan nghiên cứu. Ủy ban này có nhiệm vụ đánh giá tình hình trong và ngoài nước, kiểm tra những yếu tố rủi ro tài chính gây ảnh hưởng cho đất nước với chiến lược trung và dài hạn, cũng như giải quyết những vấn đề quốc gia như tỷ lệ sinh thấp, lão hoá, gia đình đa văn hoá, nguồn nhân lực mới và năng lượng.

8. Hội nghị Cấp cao APEC thứ 20 

 
 Hội nghị APEC lần thứ 20 tại Nga

Từ ngày 8 và 9-9-2012, tại thành phố Vla-đi-vô-xtốc (Vladivostok) miền Viễn Đông Liên bang Nga đã diễn ra Hội nghị cấp cao thường niên Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 20. Với chủ đề “Liên kết để tăng trưởng, Sáng tạo để thịnh vượng”, các nhà lãnh đạo đã cam kết cùng nhau nỗ lực hỗ trợ tăng trưởng và khôi phục niềm tin tại các thị trường tài chính, ủng hộ tự do thương mại, cải cách kinh tế, đối phó với cuộc khủng hoảng nợ tại khu vực đồng euro và củng cố tài chính công. Trong tuyên bố kết thúc hội nghị, các nhà lãnh đạo APEC cũng hoan nghênh những cam kết của giới lãnh đạo châu Âu nhằm nỗ lực ổn định Khu vực sử dụng đồng tiền chung ơ-rô (Eurozone), cảnh báo tình trạng “quá mong manh” và bất ổn của các thị trường tài chính. Các nhà lãnh đạo APEC tuyên bố sẽ hợp tác để giảm thâm hụt thâm ngân sách và tình trạng mất cân bằng tài chính tại các nền kinh tế thành viên. Các nhà lãnh đạo APEC cũng tái khẳng định cam kết phản đối các biện pháp bảo hộ, đồng thời nhất trí rằng thương mại, đầu tư quốc tế và hội nhập kinh tế mạnh mẽ chính là những xung lực chủ đạo để đạt được tăng trưởng cân bằng, bền vững và năng động. Tuyên bố chung cũng nhắc lại cam kết tăng cường hệ thống thương mại đa phương, tăng trưởng “xanh” và thúc đẩy các vòng đàm phán Đô-ha (Doha). Hội nghị Cấp cao APEC tiếp theo sẽ diễn ra tại đảo nghỉ mát Ba-li (Bali) của In-đô-nê-xi-a vào năm 2013./.