TCCSĐT - Từ ngày 13 đến ngày 18-9-2012, tại Thủ đô Tô-ki-ô và thành phố Phu-cu-ô-ca (Fukuoka) của đất nước mặt trời mọc diễn ra sự kiện "Gặp gỡ Việt-Nhật 2012". Sự kiện này được mong chờ như một hoạt động nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Nhật Bản, trong đó đặc biệt chú trọng thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại giữa hai nước.

Đây cũng là dịp Việt Nam quảng bá hình ảnh, tiềm năng đất nước con người và giao lưu văn hóa nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước. Sự kiện này cũng nằm trong khuôn khổ các hoạt động hướng tới kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước trong năm 2013.

 

Sự kiện “Gặp gỡ Việt-Nhật 2012” sẽ có quy mô lớn nhất kể từ trước tới nay.


Đối với Việt Nam, Nhật Bản hiện là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu trên các lĩnh vực thương mại, đầu tư, du lịch, lao động và là nhà tài trợ ODA song phương lớn nhất của Việt Nam. Đây cũng là nước G7 đầu tiên công nhận qui chế kinh tế thị trường của Việt Nam. Nhật Bản luôn là một trong những đối tác hàng đầu về thương mại và là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Việt Nam. Năm 2011, kim ngạch thương mại hai nước đạt gần 21,2 tỷ USD, trong đó, xuất và nhập của hai bên khá tương đương. Con số này của 5 tháng đầu năm nay đạt gần 9,7 tỷ USD, trong đó giá trị xuất siêu của Việt Nam đạt gần 1 tỷ USD. Hai bên đang đặt mục tiêu, đến năm 2020, đưa kim ngạch thương mại hai chiều song phương tăng ít nhất gấp 2 lần, dự kiến đạt 40 tỷ USD

Đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam hiện lớn nhất tính cả về tổng số vốn đăng ký cũng như vốn thực hiện. Trong 5 tháng đầu năm nay, FDI của Nhật Bản đạt 3,68 tỷ USD, đứng thứ 1/39 về vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm trị giá, chiếm 61% tổng vốn đầu tư và Việt Nam, trong đó đăng ký mới có 81 dự án với tổng số vốn gần 3,3 tỷ USD.

Nhật Bản là nước viện trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam, chiếm khoảng 30% tổng cam kết ODA của cộng đồng quốc tế. Từ năm 1992 đến tháng 3 năm 2012, tổng tín dụng vốn vay và tín dụng đặc biệt mà Nhật đã cam kết đạt khoảng 24 tỷ USD ODA cho Việt Nam. Năm 2011, dù phải khắc phục hậu quả nặng nề của động đất, sóng thần và sự cố hạt nhân, Nhật Bản vẫn cam kết dành cho Việt Nam 2,7 tỷ USD vốn vay ODA, mức cao nhất từ trước đến nay.

Quan hệ hợp tác giáo dục và đào tạo giữa hai nước đã phát triển dưới nhiều hình thức và hai bên xác định đây là một trong những lĩnh vực ưu tiên trong phát triển hợp tác hai bên trong thời gian tới. Số lượng lao động và thực tập sinh Việt Nam sang Nhật Bản đạt 30.000 người trong giai đoạn 2006-2011. Hiện có khoảng 4.000 lưu học sinh Việt Nam đang học tập tại Nhật Bản. Đây cũng là đất nước luôn nằm trong tốp 5 nước có lượng khách du lịch vào Việt Nam nhiều nhất và chiếm khoảng 10% tổng lượng khách vào Việt Nam...

Quan hệ kinh tế song phương giữa Việt Nam và Nhật Bản vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển. Sự kiện "Gặp gỡ Việt - Nhật 2012" là cơ hội thuận lợi để thúc đẩy hợp tác giữa hai nước. Vì vậy, việc triển khai các hoạt động xúc tiến tổng hợp mang tầm quốc gia của Việt Nam tại Nhật Bản sẽ là thông điệp mạnh mẽ về mong muốn tăng cường hợp tác song phương trên các lĩnh vực, nhất là kinh tế, tạo sự gắn kết với cộng đồng doanh nghiệp và người dân Nhật Bản.

Chương trình "Gặp gỡ Việt - Nhật 2012" gồm 4 hoạt động chính: Chương trình biểu diễn nghệ thuật "Hương sắc Việt Nam" sẽ được mở đầu tại Tô-ki-ô (ngày 13-9) và khép lại tại Phu-cu-ô-ca (ngày 18-9) Đoàn nghệ thuật Nhà hát ca múa nhạc nhẹ Việt Nam sẽ mang lại cho công chúng Nhật Bản và bà con kiều bào những tiết mục biểu diễn đặc sắc, thể hiện nét đặc trưng văn hóa của cả ba miền Bắc-Trung-Nam Việt Nam.

Diễn đàn xúc tiến đầu tư vào khu công nghiệp, khu kinh tế ven biển với trọng điểm là công nghiệp phụ trợ dự kiến diễn ra ngày 13-9, thu hút hơn 400 đại biểu là các nhà hoạch định chính sách, các nhà đầu tư, các doanh nghiệp lớn tại Nhật Bản tham dự. Diễn đàn là dịp để giới thiệu với các nhà đầu tư Nhật Bản về định hướng, chính sách phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế ven biển và công nghiệp phụ trợ của Việt Nam đồng thời cung cấp các thông tin về môi trường đầu tư, điều kiện, chính sách phát triển của Việt Nam.

Tọa đàm hợp tác Việt - Nhật về đào tạo nghề và phát triển nguồn nhân lực, dự kiến diễn ra ngày 14-9 với sự tham gia của lãnh đạo Bộ Y tế, Lao động, Phúc lợi, Cục phát triển nguồn nhân lực Nhật Bản, tổ chức JICA và đại diện của 6 trường Cao đẳng nghề và Trung cấp nghề tại các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hải Phòng. Tọa đàm nhằm đánh giá nhu cầu, tiềm năng và đề xuất các biện pháp hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực đào tạo nghề.

Điểm nhấn của Chương trình là Lễ hội Việt Nam sẽ diễn ra trong hai ngày 15 và 16-9-2012 tại Tô-ki-ô gồm nhiều hoạt động ngoài trời như biểu diễn văn hóa nghệ thuật đặc trưng Việt Nam, giới thiệu các nét văn hóa truyền thống cũng như đương đại độc đáo qua biểu diễn nghệ thuật, trình diễn áo dài, giới thiệu nghệ thuật ẩm thực. Điểm mới của Lễ hội năm nay là sự mở rộng các hoạt động theo hướng tăng cường các hoạt động quảng bá du lịch, giới thiệu đặc trưng của các địa phương thông qua việc trưng bày và giới thiệu sản phẩm hàng hóa đặc sắc, tiềm năng du lịch...

Cũng tin liên quan, chiều 12-9, tại trụ sở Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã diễn ra Lễ ký Biên bản ghi nhớ giữa Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) về thúc đẩy đầu tư các dự án cơ sở hạ tầng ở Hà Nội được triển khai theo phương thức công tư hợp doanh (PPP) hoặc theo hình thức BOT.

Theo đó, hai bên sẵn sàng hợp tác trong khuôn khổ luật và quy định cho phép, nhằm tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế ở Hà Nội thông qua việc thúc đẩy đầu tư các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng ở Hà Nội do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tiến hành. Trong đó bao gồm nhưng không giới hạn ở các dự án cơ sở hạ tầng ở khu vực tư nhân mà các công ty Nhật Bản tham gia hoặc quan tâm tham gia trong vai trò là nhà đầu tư hoặc nhà thầu; ngoài ra còn có các dự án tiềm năng đủ điều kiện được nhận sự hỗ trợ tài chính của JBIC.

Hai bên cũng sẽ nỗ lực tạo điều kiện cho khu vực tư nhân tham gia vào các dự án cơ sở hạ tầng, công nghiệp ở Hà Nội hoặc do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội thực hiện để phát triển dự án tiềm năng. Đồng thời thông tin về các dự án tiềm năng trong giai đoạn chuẩn bị dự án, phạm vi dự án, phương thức sở hữu và hình thức triển khai (BOT, PPP...), các tài liệu dự án và cơ chế chia sẻ rủi ro giữa các bên liên quan, tính khả thi, tính bền vững và khả năng tài chính của dự án, cũng như những quan điểm thích hợp khác với mục tiêu tạo thuận lợi cho các dự án này...

Trước đó, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã giao Quỹ đầu tư Phát triển thành phố làm đầu mối quan hệ-hợp tác với JBIC; các sở, ngành liên quan phối hợp tham gia và thực hiện quản lý nhà nước về quan hệ hợp tác với JBIC về các dự án kết cấu hạ tầng giao thông đô thị, trong đó ưu tiên lựa chọn tuyến số 5 - Dự án xây dựng đường sắt Metro Hà Nội đầu tư theo hình thức PPP./.