TCCSĐT - Tuần qua, Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) cho hay, thế giới có thể đối mặt với một cuộc khủng hoảng lương thực mới tương tự như cuộc khủng hoảng năm 2007-2008, nếu nhiều nước triển khai các biện pháp cấm xuất khẩu ngũ cốc trong bối cảnh giá lương thực tăng vọt trên toàn cầu.
1. Tổng Thư ký Liên hợp quốc yêu cầu loại bỏ vũ khí hạt nhân

 
Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon: “…loại bỏ các loại vũ khí hạt nhân là đúng đắn...

Ngày 6-8-2012, đánh dấu 67 năm ngày Mỹ ném bom nguyên tử xuống thành phố Hiroshima, Nhật Bản, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã kêu gọi tất cả các nước tới Lễ tưởng niệm Hòa bình Hiroshima để tưởng nhớ những nạn nhân của thảm họa ngày 6-8-1945, khi một quả bom nguyên tử của Mỹ được thả xuống thành phố Hiroshima, ông Ban Ki-moon khẳng định thảm họa Hiroshima cách đây nhiều thập kỷ tiếp tục vang vọng đến hôm nay. Thế giới không được để xảy ra một cuộc tấn công hạt nhân khác tương tự như cuộc tấn công trên. Xóa bỏ các loại vũ khí hạt nhân không những là một mục tiêu lâu dài mà còn là biện pháp tin cậy nhất để ngăn chặn việc sử dụng chúng trong tương lai. Tổng thư ký Liên hợp quốc nhấn mạnh, mọi người cần hiểu rằng, các loại vũ khí hạt nhân không thể được sử dụng bởi vì chúng có những tác hại rất lớn đến cuộc sống của người dân, loại bỏ các loại vũ khí hạt nhân là đúng đắn về phương diện đạo đức và cần thiết trong việc bảo vệ con người. Trong bức thông điệp gửi Diễn đàn Thế giới 2012 chống bom nguyên tử, được tổ chức sau Lễ tưởng niệm Hòa bình Hiroshima, Tổng Thư ký Ban Ki-moon cho rằng việc đạt được một tương lai không có các loại vũ khí hạt nhân sẽ đòi hỏi sự hợp tác quốc tế và các nước hợp tác nhằm xóa bỏ mối đe dọa của các loại vũ khí hạt nhân. Trong thông điệp gửi cần hành động hướng tới mục tiêu này.


2. S&P hạ triển vọng xếp hạng tín dụng dài hạn của Hy Lạp xuống mức tiêu cực


Ngày 7-8-2012, hãng xếp hạng tín dụng Standard & Poor's (S&P) đã hạ thấp triển vọng của Hy Lạp xuống mức tiêu cực và cho rằng đất nước nợ nần chồng chất của Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) này cần được các chủ nợ quốc tế giúp đỡ nhiều hơn.Giải thích lý do hạ thấp triển vọng của Hy Lạp, S&P nêu rõ, với việc chậm trễ triển khai các biện pháp củng cố ngân sách và nền kinh tế ngày càng tồi tệ, Hy Lạp nhiều khả năng phải yêu cầu cứu trợ tài chính bổ sung trong năm 2012 theo chương trình của Liên minh châu Âu - Quỹ Tiền tệ quốc tế (EU - IMF). Việc S&P tuyên bố hạ triển vọng xếp hạng tín dụng dài hạn của Hy Lạp xuống tiêu cực, phản ánh khả năng hạ bậc nếu Athens không thể giành được khoản cứu trợ tiếp theo từ chương trình của EU - IMF. Hy Lạp hiện chưa đạt được các mục tiêu mà chính phủ liên minh ở nước này nhất trí nhằm được giải ngân phần cứu trợ tiếp theo trong khuôn khổ gói cứu trợ tài chính thứ hai trị giá 130 tỉ euro mà EU - IMF đã nhất trí dành cho nước này. Việc nối lại cứu trợ phụ thuộc vào báo cáo tiến triển của các kiểm toán viên từ EU, IMF và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), dự kiến sẽ không thực hiện được trước tháng 9. S&P dự báo trong hai năm 2012-2013, nền kinh tế Hy Lạp sẽ thâm hụt từ 10 đến 11%. S&P cũng xác nhận xếp hạng tín nhiệm "CCC" của Hy Lạp. Trong khi đó, hãng Moody's xếp hạng "C" và Fitch thì xếp hạng "CCC" đối với Hy Lạp.

3. Hệ thống Hội nhập Trung Mỹ bàn an ninh khu vực

Ngày 8-8-2012, tại thủ đô Managua của Nicaragua, Hệ thống Hội nhập Trung Mỹ (SICA) đã chính thức tiến hành hội nghị thượng đỉnh tập trung vào chiến lược an ninh khu vực và đẩy mạnh cuộc chiến chống ma túy và tội phạm. Tham gia hội nghị có sự hiện diện của Tổng thống chủ nhà, đồng thời là Chủ tịch luân phiên SICA, Daniel Ortega, và những người đồng cấp Mauricio Funes của El Savador; Porfirio Lobo của Honduras và Tổng Thư ký Tổ chức các nhà nước châu Mỹ (OAS), ông José Miguel Insulza. Vì lịch trình làm việc khác nhau và điều kiện thời tiết không thuận lợi do cơn bão Ernesto gây ra, các nước thành viên như Costra Rica, Guatemala, Cộng hòa Dominica và Panama cử Ngoại trưởng làm đại diện. Hội nghị họp kín trong một ngày và dự định ra tuyên bố chung liên quan đến lịch trình hành động của SICA trong sáu tháng cuối năm nay. Cuộc họp lần này trùng với lễ kỷ niệm 25 năm ngày ký Hiệp định Hòa bình Exquipulas II do cựu Tổng thống Guatemala Vinicio Cerezo khởi xướng. Hiệp định Hòa bình Exquipulas II được ký và đưa vào thực hiện ngày 1-8-1987 với mục đích tối cao là thiết lập cơ sở bảo đảm hòa bình và an ninh tại khu vực Trung Mỹ. Chính thức đi vào hoạt động từ năm 1993, SICA hiện nay bao gồm các nước Belize, Costa Rica, El Savador, Guatemala, Honduras, Nicaragua và Panama. Cộng hòa Dominica là thành viên liên kết, trong khi Mexico, Chile và Brazil là quan sát viên trong khu vực. Tây Ban Nha, Đức, Đài Loan (Trung Quốc) và Nhật Bản là quan sát viên ngoài khu vực.

4. Kỷ niệm trọng thể 45 năm ngày thành lập ASEAN


 
Tổng Thư ký Surin Pitsuwan: “…ASEAN ngày nay đã trở thành một tổ chức khu vực có uy tín, vai trò và vị thế quan trọng ở Đông Nam Á và châu Á - Thái Bình Dương…”

Ngày 8-8-2012, Lễ kỷ niệm lần thứ 45 ngày thành lập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã được tổ chức trọng thể tại trụ sở Ban Thư ký ASEAN tại thủ đô Jakarta và tại các nước thành viên Lễ kéo cờ ASEAN cùng nhiều hoạt động kỷ niệm khác đã được tổ chức. Phát biểu khai mạc, Tổng Thư ký Surin Pitsuwan đã điểm lại chặng đường phát triển vượt qua nhiều thăng trầm của ASEAN trong 45 năm qua; nhấn mạnh ASEAN ngày nay đã trở thành một tổ chức khu vực có uy tín, vai trò và vị thế quan trọng ở Đông Nam Á và châu Á - Thái Bình Dương, nhân tố quan trọng hàng đầu trong việc bảo đảm môi trường hòa bình, an ninh, ổn định và hợp tác vì sự phát triển ở khu vực, có các mối quan hệ nhiều mặt với các đối tác quan trọng trên thế giới. các cơ chế hợp tác khu vực như ASEAN+1, ASEAN+3, Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) và các cơ chế hợp tác liên khu vực như Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Hợp tác Á - Âu (ASEM), Hợp tác Đông Á -Mỹ Latinh (FEALAC) đã khẳng định vai trò tích cực, chủ động và trung tâm của ASEAN trong khu vực và trong cấu trúc Đông Á đang định hình, cũng như vai trò của ASEAN trên trường quốc tế. Tổng Thư ký Surin Pitsuwan nhấn mạnh rằng, kỷ niệm 45 năm ngày thành lập ASEAN không chỉ là dịp để ASEAN khẳng định những thành tựu và thành công của mình, mà còn để tăng cường sự đoàn kết, tính thống nhất, củng cố quyết tâm và niềm tin hoàn thành mục tiêu chung xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015, thông qua đẩy nhanh việc thực hiện các mục tiêu lớn trên cả ba trụ cột chính trị-an ninh, kinh tế và văn hóa - xã hội.

5. FAO: Thế giới đối mặt với khủng hoảng lương thực

 
Thế giới có thể đối mặt với một cuộc khủng hoảng lương thực mới

Ngày 9-8-2012, Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) cho hay, thế giới có thể đối mặt với một cuộc khủng hoảng lương thực mới tương tự như cuộc khủng hoảng năm 2007-2008, nếu nhiều nước triển khai các biện pháp cấm xuất khẩu ngũ cốc trong bối cảnh giá lương thực tăng vọt trên toàn cầu. Trong tháng 7-2012, chỉ số giá lương thực thực phẩm của FAO - chỉ số biểu thị sự thay đổi giá hàng tháng của giỏ lương thực, thực phẩm trên thế giới, trong đó có ngũ cốc, hạt có dầu, bơ sữa, thịt và đường - trung bình tăng 12 điểm (6%) lên 213 điểm, sau khi giảm trong ba tháng trước đó, do thời tiết khắc nghiệt ở một số nước trong thời gian gần đây. Tuy con số này có thấp hơn mức kỷ lục 238 điểm hồi tháng 2-2011, nhưng vẫn cao hơn so với thời điểm khủng hoảng giá lương thực năm 2007-2008. Giá ngũ cốc đã tăng vọt trước những đồn đoán rằng các nước sản xuất ngũ cốc ở biển Đen, nhất là Nga, có thể hạn chế xuất khẩu do hạn hán tác động đến mùa vụ. Chỉ số giá ngũ cốc trong tháng 7-2012 đã tăng tới 17% so với tháng trước đó, trong đó giá ngô tăng gần 33% và giá lúa mì tăng 19%. Chỉ số giá đường trong cùng thời gian này tăng 12%, do mưa trái mùa đã ảnh hưởng đến việc thu hoạch mía ở Brazil - nước sản xuất đường lớn nhất thế giới. Ngoài ra, mùa gió mùa đến muộn lại ít mưa ở Ấn Độ và tình trạng thiếu mưa tại Australia cũng là nhân tố ảnh hưởng đến vụ mía đường của hai quốc gia này. Tuy nhiên, chỉ số giá gạo, sữa và các sản phẩm làm từ sữa vẫn duy trì sự ổn định trong tháng 7-2012, trong khi chỉ số giá thịt các loại giảm 1,7% do giá thịt lợn giảm mạnh. Giá lương thực thực phẩm tăng cao sẽ ảnh hưởng đến những nước nghèo nhất trên thế giới bởi những nước này sẽ phải chi nhiều tiền hơn để nhập khẩu, do sản lượng trong nước không đủ đáp ứng nhu cầu. Tổ chức Oxfam cho biết tình trạng giá ngũ cốc tăng cao có nguy cơ đẩy hàng triệu người trên toàn thế giới vào tình trạng bị đói và thiếu dinh dưỡng, trong bối cảnh thế giới hiện đã có gần 1 tỷ người lâm vào tình cảnh này.

6. Hội nghị quốc tế về Syria tại Iran


Trong ngày 9 và 10-8-2012, Hội nghị quốc tế do Iran chủ trì bàn về cuộc xung đột tại Syria đã được tổ chức tại thủ đô Tehran với sự tham dự của đại biểu đến từ gần 30 nước, trong đó có Nga, Pakistan, Afghanistan và Iraq. kết thúc hội nghị Ngoại trưởng Iran Ali Akbar Salehi khẳng định rằng, kế hoạch hòa bình Syria do ông Annan đề xuất vẫn có hiệu lực, và việc ông K.Annan rút khỏi cương vị đặc phái viên sẽ không làm đổ vỡ kế hoạch này. Ông A.Salehi cũng khẳng định, Chính phủ Syria sẽ không từ bỏ quyền lực do sức ép quốc tế, đồng thời nhấn mạnh mọi sự can thiệp từ bên ngoài sẽ chỉ càng làm tình hình Xyri thêm tồi tệ. cựu Bộ trưởng Ngoại giao Angiêri, ông Lakhdar Brahimi dự kiến sẽ giữ cương vị đặc phái viên chung của Liên hợp quốc và Liên đoàn Arập (AL) về Syria, thay ông Kofi Annan sẽ chính thức rút khỏi cương vị này vào ngày 31-8 tới. Ông L.Brahimi năm nay 78 tuổi, giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao Angiêri từ năm 1991 - 1993. Ông từng giữ các cương vị đặc phái viên Liên hợp quốc tại Afghanistan sau các vụ tấn công khủng bố 11-9 tại Mỹ năm 2011, đặc phái viên tại Iraq trong cuộc chiến do Mỹ phát động năm 2003 và phái viên của AL tại Libanon hồi những năm 80 của thế kỷ trước. Dự kiến quyết định cuối cùng về việc bổ nhiệm ông L.Brahimi sẽ được đưa ra tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an vào ngày 16-8 tới.

7. Thiên tai gây thiệt hại nặng cho nhiều quốc gia

Ngày 11-8-2012, với cường độ mạnh đã phá hủy nhiều ngôi làng tại khu vực Tây Bắc Iran, khiến 153 người thiệt mạng và hơn 700 người bị thương. Theo Cơ quan Khảo sát Địa chất của Mỹ, trận động đất đầu tiên đo được với cường độ là 6,4 độ Ríchte đã xảy ra ở khu vực gần thành phố Tabri, Tây Bắc Iran. Tâm chấn của trận động đất cách thành phố này 60 km về phía Đông Bắc, ở độ sâu 9,9 km. Đã có 6 ngôi làng tại đây bị phá hủy hoàn toàn và một số khu vực lân cận cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Trận động đất thứ hai xảy ra sau đó khoảng 11 phút, có cường độ 6,3 độ Ríchte, với tâm chấn cách thành phố Tabri 49 km về phía Đông Bắc, ở độ sâu tương tự. Tại Ấn Độ, tai nạn giao thông thảm khốc tại bang Himachal Pradesh đã khiến 52 người thiệt mạng và 45 người khác bị thương. Được biết chiếc xe chở tới hơn 100 người, trong đó có nhiều người ngồi trên nóc xe. Hiện nguyên nhân tai nạn chưa được làm rõ nhưng một số người chứng kiến cho hay chiếc xe đã bị mất lái khi đi đến một khúc cua tay áo và lao xuống vực. Tại khu vực xảy ra tai nạn có mưa lớn trong mấy ngày gần đây. Tại Mexico, sau 24 giờ đổ bộ vào lãnh thổ nước này, cơn bão nhiệt đới Ernesto đã gây lũ lụt trên diện rộng tại nhiều tỉnh, thành ở miền Trung và miền Nam nước này. Ít nhất 9 người đã thiệt mạng, hơn 400.000 hộ gia đình bị mất dịch vụ điện nước, gần 1.000 ngôi nhà bị phá hủy. Thiệt hại về kinh tế ước tính lên tới hàng chục triệu USD. Mặc dù đã được báo trước và có kế hoạch phòng chống bão Ernesto, song các bang Veracruz, Tabasco và Chiapas vẫn bị thiệt hại nặng nề nhất trong tổng số 16 bang chịu ảnh hưởng của cơn bão này. Trước đó, bão Ernesto cũng đã gây mưa lớn tại một số quốc gia Trung Mỹ, trong đó có Guatemala, Honduras và El Sanvado. Cùng ngày, một trận động đất mạnh 6,2 độ Ríchte đã làm rung chuyển quần đảo Aleutian thuộc bang Alaska của Mỹ. Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ (USGS) cho biết tâm chấn của trận động đất nằm ở độ sâu 13,1 km, cách thành phố Nikolski của bang 97 km về phía Đông-Đông Nam. Hiện chưa có thông báo về số thương vong và thiệt hại do động đất gây ra cũng như chưa có cảnh báo sóng thần.

8. Tổng Thư ký Liên hợp quốc giới thiệu sáng kiến bảo vệ đại dương


Ngày 12-8-2012, tại Hội nghị về hàng hải ở Hàn Quốc, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã đưa ra sáng kiến trong việc bảo vệ đại dương, chống ô nhiễm môi trường biển, chống lại việc đánh bắt hải sản quá mức và chống lại sự dâng cao của mực nước biển, đe dọa hàng trăm triệu người. Mục đích của Sáng kiến bảo vệ đại dương của ông Ban Ki-moon là nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm và nhận thức về tầm quan trọng của đại dương, nhất là tăng cường tính hiệu quả trong các hoạt động quản lý, khai thác và bảo vệ tài nguyên biển. Đây cũng chính là nghĩa vụ của mỗi công dân trên toàn cầu, nhất là những người dân sống ven biển. Tổng Thư ký Ban Ki-moon nhấn mạnh việc cần thiết phải có sự điều phối trong các nỗ lực bảo tồn đại dương giữa các quốc gia. Ông Ban Ki-moon cảnh báo, chúng ta cần hành động ngay để cứu đại dương đang ngày một bị xâm hại và đang ngày càng có nhiều biến đổi. Những biến đổi này đang dần phá hủy đại dương và hệ sinh thái biển. Hơn nữa, mực nước biển đang dâng lên đe dọa nhiều vùng đất của thế giới, nhất là những đảo nhỏ và vùng duyên hải. Theo Tổng Thư ký Liên hợp quốc, sắp tới, cần phải lập ra một Ủy ban cấp cao gồm nhiều chuyên gia, nhà khoa học về biển, cùng sự tham gia của các chính trị gia, đại diện của Liên hợp quốc, các tổ chức xã hội… nhằm xây dựng một kế hoạch hành động. Đến năm 2025, các nước cần đặt ra mục tiêu cụ thể trong việc giảm việc thải chất gây ô nhiễm./.