Nhân kỷ niệm 65 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27-7-1947 – 27-7-2012), tối 26-7-2012, Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức cầu truyền hình mang tên "Bản hùng ca bất diệt".

Các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Lê Hồng Anh, Thường trực Ban Bí thư; Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an; Bí thư Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Ủy viên Trung ương Đảng Nguyễn Thiện Nhân, Phó Thủ tướng Chính phủ và nhiều đại diện ban ngành, đoàn thể tại Trung ương và các tỉnh, thành phố đã tham dự tại các điểm cầu.

Chương trình được tổ chức tại những địa danh lịch sử gắn liền với sự hy sinh bất khuất và truyền thống cách mạng của dân tộc như: Khu di tích An ninh Trung ương Cục miền Nam (Tây Ninh), khu di tích Nhà tù Phú Quốc (Kiên Giang), nghĩa trang Đường 9 (Quảng Trị), Nghĩa trang Mai Dịch (Hà Nội), Nghĩa trang liệt sỹ Điện Bàn (Quảng Nam); huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên - nơi diễn ra buổi lễ mít tinh đầu tiên kỷ niệm Ngày Thương binh toàn quốc. Tại mỗi điểm cầu là những đặc thù lịch sử địa danh riêng, với sự xuất hiện của những khách mời khác nhau nhằm tái hiện những trang sử hào hùng của dân tộc qua sự trung kiên, anh dũng của các chiến sĩ cách mạng. Đây cũng là dịp người dân trên cả nước, có hội tri ân những anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống cho sự nghiệp cách mạng, lại vừa hướng tới việc khơi gợi phong trào đền ơn đáp nghĩa của các thế hệ trẻ.

Chủ đề xuyên suốt của chương trình là nêu bật những chính sách chăm lo của Đảng, Nhà nước, phong trào toàn dân đối với thương binh, liệt sỹ, những người có công với cách mạng; lòng yêu nước và tinh thần hy sinh, bất khuất của nhiều thế hệ cha anh; thế hệ trẻ biết ơn, ghi công, sống xứng đáng với truyền thống anh hùng. Mở đầu chương trình, khán giả được chứng kiến Lễ tri ân các anh hùng liệt sỹ tại nghĩa trang Mai Dịch (Hà Nội)- một trong những nơi yên nghỉ của những người con ưu tú đã có nhiều đóng góp cho đất nước trên nhiều lĩnh vực.

Phát biểu tại buổi lễ ở đầu cầu Hà Nội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định: Đảng, Nhà nước và nhân dân ta hết sức trân trọng những cố gắng to lớn của những người có công đã vượt lên mọi đau thương mất mát, khắc phục khó khăn, thực hiện lời dạy của Bác Hồ: “Tàn nhưng không phế”, tiếp tục phát huy truyền thống “Anh bộ đội cụ Hồ”, góp phần xây dựng quê hương đất nước ngày càng giàu đẹp. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân biểu dương các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị, xã hội, đồng bào trong cả nước và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đã góp phần vào việc chăm lo đời sống vật chất và tinh thần đối với người có công với nước.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: Kế thừa và phát huy những kết quả đạt được trong công tác “Đền ơn đáp nghĩa” và thực hiện các Nghị quyết của Đảng, trong thời gian tới, các cấp ủy Đảng, chính quyền cần hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật và thực hiện tốt hơn nữa công tác ưu đãi người có công. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân mong muốn những bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, các đồng chí thương bệnh binh, Anh hùng liệt sỹ và người có công với cách mạng tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, trở thành những tấm gương sáng trong phong trào yêu nước, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc…

Cùng thời điểm này, Lễ thắp nến tri ân các anh hùng liệt sỹ cũng được triển khai hơn 3.000 nghĩa trang liệt sỹ trong cả nước. Hàng triệu ngọn nến tri ân được các bạn trẻ thắp sáng để tưởng nhớ đến hương hồn của những liệt sỹ đã được quy tụ trong các nghĩa trang, cùng tưởng niệm hàng trăm nghìn liệt sỹ vẫn còn nằm đâu đó trong lòng đất mẹ Việt Nam. Lễ thắp nến thể hiện tấm lòng của tuổi trẻ tri ân, tưởng nhớ tới các anh hùng liệt sỹ đã cống hiến, hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc.

Tại khu di tích Nhà tù Phú Quốc- nơi giam giữ những chiến sỹ cách mạng kiên trung trong những năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, đồng chí Lê Hồng Anh đã trao tặng những cán bộ chiến sĩ bị giam cầm tại nhà tù Phú Quốc danh hiệu "Anh hùng lực lượng vũ trang". Cũng tại điểm cầu này, khán giả cả nước được giao lưu với các nhân chứng lịch sử: ông Nguyễn Trọng Lượng, bộ đội chính quy bị bắt làm tù binh và là người bị tra tấn tàn bạo nhất, hiện là Chủ tịch hội chiến sỹ cách mạng bị bắt tù đầy tỉnh Thanh Hóa; ông Nguyễn Quý Toản, lính đặc công trốn thoát khỏi trại giam, tiếp tục bám trụ tại đảo và tổ chức đội đặc công tiếp tục chiến đấu đến ngày giải phóng miền Nam. Thông qua phóng sự và những câu chuyện cảm động của các cựu tù Phú Quốc, khán giả cảm nhận được sự hy sinh bất khuất, truyền thống cách mạng và chứng kiến sự thay đổi của Phú Quốc. Nơi đây đã được cả thế giới biết đến bởi sự tàn bạo đến tột cùng của nhà lao Mỹ - Ngụy đối với những người chiến sĩ cách mạng với “chuồng cọp kẽm gai”, “roi cá đuối”, “gõ thùng”, “bẻ răng”, “rút móng tay, móng chân”… và nhiều trò tra tấn tàn bạo khác. Thế nhưng, những đòn tra tấn ấy không thể khuất phục được ý chí, tinh thần bất khuất, kiên trung của những người chiến sĩ cách mạng.

Thông qua cầu truyền hình, khán giả được đến thăm Trung ương Cục miền Nam - một địa điểm đặc biệt chỉ nằm cách Sài Gòn gần 100 km nhưng trong suốt chiều dài của cuộc kháng chiến chống Mỹ, nơi luôn được bảo đảm an toàn, chưa bao giờ kẻ địch tiêu diệt được cơ quan đặc biệt này. Trong bão táp mưa sa của lịch sử, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ, những chiến công anh dũng của lực lượng Công an Nhân dân, cụ thể là Ban An ninh Trung ương cục miền Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ đã để lại sự kinh hoàng, khiếp vía cho kẻ thù. Gần 14.000 liệt sỹ công an Nhân dân từng chiến đấu, hy sinh qua các thời kỳ, đặc biệt là giai đoạn khốc liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Thực hiện lời dạy của Bác Hồ về “Tư cách người công an cách mệnh”, mỗi chiến sĩ công an Nhân dân dù phục vụ trong chiến tranh khốc liệt hay góp sức bảo vệ sự bình yên của cuộc sống cho nhân dân hôm nay đều ra sức xây dựng một lực lượng anh hùng, xứng đáng với niềm tin của Đảng, của Bác Hồ và của nhân dân. Một trong số những người tiêu biểu cho tinh thần xả thân vì Tổ quốc của Lực lượng Công an nhân dân là Anh hùng lực lượng vũ trang, đại tá Hà Minh Trí, tức Mười Thương, người đã ba lần ám sát Ngô Đình Diệm giao lưu cùng khán giả thông qua điểm cầu tại Tây Ninh.

Qua những phóng sự "Những liệt sĩ Quảng Trị", "Thuyền xuôi Thạch Hãn", "Người thứ 106"..., khán giả cả nước đến với mảnh đất bi hùng Quảng Trị. Những câu chuyện về lý do tại sao sông Thạch Hãn trở thành nghĩa trang thứ hai, nghĩa trang thiêng liêng trong tâm tưởng của Quảng Trị và cả nước; về ngôi mộ tập thể 105 liệt sỹ hy sinh trong chiến dịch 81 ngày đêm... là bằng chứng khốc liệt nhất mà chiến tranh ghi dấu. Cuộc trò chuyện với ông Đỗ Đình Du, đồng đội duy nhất còn sống của những chiến sĩ được an táng trong ngôi mộ tập thể, khán giả cảm nhận sâu sắc về sự mất mát, khốc liệt của chiến tranh và ý nghĩa của sự hy sinh, sự sống.

Lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ đã được trang trọng tổ chức tại nghĩa trang liệt sĩ Điện Bàn (Quảng Nam) - nơi yên nghỉ của gần 2 vạn liệt sỹ đã ngã xuống vì nền độc lập tự do của dân tộc, trong đó có những con người đã đi vào huyền thoại như: người con gái Việt Nam Trần Thị Lý, Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Thứ. Quảng Nam là một trong những địa phương chịu nhiều đau thương mất mát nhất, với hơn 64.000 người con ưu tú đã mãi mãi không về đoàn viên trong ngày đại thắng, đó cũng là lý do đây là nơi có số lượng bà Mẹ Việt Nam Anh hùng nhiều nhất cả nước - như nhà văn Chu Lai đã nói: “Đó là một kỷ lục về đau thương mà không ai dám nhận về mình”. Sau mấy chục năm sau chiến tranh, những câu chuyện của mảnh đất Quảng Nam với những con người kiên trung vẫn luôn ẩn chứa một sức sống mãnh liệt. Sức sống của quá khứ đang là động lực, sự thôi thúc để tỉnh Quảng Nam vươn mình mạnh mẽ trong xây dựng và phát triển, xứng đáng với những gì mà nhiều thế hệ đi trước phải trả giá bằng chính cuộc sống, tuổi thanh xuân của các anh hùng liệt sĩ cũng như sự hy sinh cao cả của các bà Mẹ Việt Nam Anh hùng.

Chương trình giao lưu nghệ thuật đặc biệt với chủ đề "Thế hệ trẻ tri ân các anh hùng liệt sỹ" do Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và tỉnh Thái Nguyên tổ chức tại huyện Đại từ - Thái Nguyên cũng đến với khán giả thông qua cầu truyền hình trực tiếp. Huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên là nơi cách đây 65 năm đã diễn ra mít tinh trọng thể, công bố bức thư gửi thương binh, liệt sỹ của Chủ tịch Hồ Chí Minh và quyết định chọn ngày 27-7-1947 là ngày Thương binh toàn quốc, đánh dấu sự ra đời Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27-7). Đây cũng là địa điểm đặt bát hương thờ vong linh các anh hùng liệt sỹ từ những nghĩa trang liệt sỹ tiêu biểu trên toàn quốc. Khán giả cũng có dịp giao lưu với nhóm bạn trẻ đã cùng thiết kế phần mềm Nghĩa thân nhân, gia đình liệt sỹ theo dõi được phần mộ cũng như công tác chăm sóc mộ liệt sỹ tại các nghĩa trang liệt sỹ trên toàn quốc.

Cũng tại chương trình, với những câu chuyện đầy góc cạnh, nhà văn Chu Lai và nhà sử học Dương Trung Quốc cũng giải đáp cho khán giả những câu hỏi làm thế nào để sự hy sinh xương máu của các anh hùng liệt sỹ trở thành "tài sản quý giá" trong các bài học lịch sử...

Cầu truyền hình trực tiếp "Bản hùng ca bất diệt" thực sự đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng nhân dân cả nước, là cầu nối quá khứ với hiện tại, tình cảm thiêng liêng không chỉ của hôm nay mà là các thế hệ tiếp nối đối với sự hy sinh của bao thế hệ cha anh cho đất nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất và trường tồn vững mạnh./.