Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 19-3 đến ngày 25-3-2012)
TCCSĐT - Ngày 25-3-2012, tại Dushanbe (Tajikistan), bốn nước Trung Á gồm Tajikistan, Afghanistan, Iran và Pakixtan đã đạt được thỏa thuận về tăng cường hợp tác kinh tế và chống khủng bố, chủ nghĩa cực đoan và bảo đảm an ninh trong khu vực. Nguyên thủ 4 nước Trung Á đã nêu ra các ưu tiên hợp tác gồm năng lượng, xây dựng đường sắt, xây dựng hạ tầng cơ sở giao thông trong khu vực và đảm bảo tiếp cận nước sinh hoạt sạch.
1. Bảng xếp hạng mới các nền kinh tế lớn trên thế giới
Ngày 19-3-2012, Ngân hàng Pháp Societe Generale đã công bố bảng xếp hạng thời sự nhất về 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới và dự báo chiều hướng biến động của các nền kinh tế ấy cho tới năm 2016. Theo ngân hàng này, thứ tự 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới năm 2007 là Mỹ, Nhật bản, Trung quốc, Đức, Anh, Pháp, Itala, Tây Ban Nha, Canada và Brazil. Ngân hàng này xếp hạng mười nền kinh tế lớn nhất thế giới năm 2012 như sau: Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Đức, Pháp, Brazil, Anh, Italia, Nga và Ấn Độ. Sự thay đổi so với năm 2007 còn ở chỗ Trung Quốc vượt Nhật bản và Anh bị cả Pháp lẫn Brazil đẩy xuống vị trí thứ 7. Societe Generale dự báo đến năm 2016, Brazil sẽ vượt Pháp và Itala sẽ tụt xuống vị trí thứ 10. Khi đó, thứ tự các nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ là Mỹ, Trung Quốc, Nhật bản, Đức, Brazil, Pháp, Anh, Nga, Ấn Độ và Italia. Theo xếp hạng mới này, ngay từ năm nay, bốn trong số 5 thành viên của Nhóm BRICS đã thuộc diện 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới và Canada vốn là thành viên của Nhóm G8 đã không còn trong diện ấy nữa. Ngân hàng này còn công bố một so sánh khá thú vị. Nếu lấy GDP của các nước năm 2007 làm cơ sở (100%) thì GDP của Trung Quốc năm 2012 tăng lên 152% và năm 2016 dự báo đạt gần gấp đôi (198%), tiếp đến Ấn Độ với 134% và 172%, Brazil với 114 % và 129%, Nga với 109% và 130%, sau đó mới đến Đức, Mỹ, Nhật bản, Pháp và Anh.... với mức độ tăng thấp hơn. Những số liệu của Societe Generale khẳng định chiều hướng biến động trong tương quan lực lượng giữa các nền kinh tế này với nhau.
2. Châu Á đứng đầu thế giới về nhập khẩu vũ khí
Châu Á đã vượt các khu vực khác trong lĩnh vực nhập khẩu vũ khí. |
Ngày 19-3-2012, theo một báo cáo của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Thụy Điển (SIPRI), châu Á đã vượt các khu vực khác trong lĩnh vực nhập khẩu vũ khí. Báo cáo cho biết trong giai đoạn năm năm qua (2007-2011), châu Á - Thái Bình Dương chiếm 44% tổng lượng nhập khẩu vũ khí thông thường của thế giới, trong khi châu Âu chiếm 19%, Trung Đông (17%), Bắc và Nam Mỹ (11%) và châu Phi (9%). Ấn Độ là nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới trong khoảng thời gian trên với 10% tổng lượng vũ khí, tiếp theo là Hàn Quốc (6%), Trung Quốc và Pakistan (đều 5%), Singapore (4%). Tính tổng cộng, 5 nước này chiếm tới 30% tổng lượng vũ khí nhập khẩu trên thế giới. Theo báo cáo trên, tổng khối lượng vũ khí thông thường được chuyển giao trên thế giới trong giai đoạn 2007-2011 tăng 24% so với giai đoạn 2002-2006. Trung Quốc từng là nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới trong các năm 2006 và 2007. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng là nước xuất khẩu vũ khí lớn thứ 6 toàn cầu, đứng sau Mỹ, Nga, Đức, Pháp và Anh.
3. Đại hội đồng thông qua 2 nghị quyết tăng cường hệ thống Liên hợp quốc
Ngày 19-3-2012, tại Liên hợp quốc, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã nhất trí thông qua hai nghị quyết nhằm thúc đẩy các nỗ lực tăng cường hệ thống Liên hợp quốc. Nghị quyết về “Tăng cường năng lực dân sự sau xung đột” nhằm thiết lập khuôn khổ chính trị rõ ràng và khả thi để tất cả các bên đối tác cùng hợp tác tạo ra các khả năng dân sự hiệu quả rất cần thiết cho các nước vừa ra khỏi xung đột; đồng thời nhấn mạnh các nhân tố chủ chốt như nhu cầu tôn trọng đầy đủ quyền sở hữu quốc gia, các tiến trình phổ quát nhằm phát triển các kỹ năng và các khả năng dân sự. Đại hội đồng Liên hợp quốc yêu cầu Tổng Thư ký Liên hợp quốc tổ chức các cuộc tư vấn định kỳ về tăng cường các khả năng dân sự để thúc đẩy hợp tác chặt chẽ với các nước thành viên Liên hợp quốc nhằm phát triển các sáng kiến hỗ trợ khả năng dân sự của các nước sau xung đột. Bên cạnh đó, Đại hội đồng Liên hợp quốc cũng nhất trí thông qua nghị quyết “Liên hợp quốc trong quản trị toàn cầu” khẳng định hệ thống Liên hợp quốc phải là nền tảng của quản trị toàn cầu, cung cấp lộ trình để cải thiện và tăng cường Liên hợp quốc theo định hướng này. Nghị quyết cũng khẳng định với cộng đồng quốc tế về vai trò và quyền lực của Liên hợp quốc trong các vấn đề toàn cầu. Đại hội đồng Liên hợp quốc cũng quyết định đưa vào chương trình nghị sự khoá họp thứ 67 đề mục “Vai trò trung tâm của Liên hợp quốc trong quản trị toàn cầu”.
4. Hội nghị Ngoại trưởng các nước thuộc Hệ thống Hội nhập Trung Mỹ
Ngày 19-3-2012, Hội nghị Ngoại trưởng các nước thuộc Hệ thống Hội nhập Trung Mỹ (SICA) diễn ra tại thủ đô Sal Salvador của El Salvador đã nhất trí đẩy mạnh quá trình hội nhập và hợp tác khu vực, đặc biệt trên lĩnh vực an ninh. Thông báo của Ngoại trưởng nước chủ nhà Hugo Martinez cho biết hội nghị đã thống nhất triển khai 8 dự án liên quan đến cuộc chiến chống tội phạm trong 6 tháng đầu năm 2012, các hình thức phòng ngừa tội phạm, cải tạo phạm nhân và tái hòa nhập cộng đồng, và quá trình củng cố các cơ quan hữu quan. Ngoại trưởng các quốc gia thành viên SICA cũng dành thời gian đánh giá kết quả của các Nhóm tư vấn chịu trách nhiệm về Dự án Xây dựng và phát triển Trung Mỹ được thông qua từ tháng 12-2011 ngay sau khi khu vực chịu nhiều thiệt hại do thiên tai gây ra. Ngoài ra, lãnh đạo ngành ngoại giao các nước cũng thảo luận công tác chuẩn bị cho việc ký kết Hiệp định Đối tác giữa Trung Mỹ và Liên minh châu Âu (EU). Theo kế hoạch, tất cả những nội dung và thỏa thuận đạt được tại Hội nghị Ngoại trưởng SICA sẽ được trình lên Hội nghị thượng đỉnh khu vực dự kiến được tổ chức vào ngày 24-3-2012 tại thành cổ Guatemala, cách thủ đô Guatemala City khoảng 40 km về phía Tây Nam.
5. Liên minh châu Âu tăng cường các biện pháp trừng phạt Iran
Liên minh châu Âu sẽ tăng cường các biện pháp trừng phạt đối với Iran do những vi phạm về nhân quyền xảy ra tại nước này. |
Ngày 20-3-2012, Liên minh châu Âu (EU) ra thông báo sẽ tăng cường các biện pháp trừng phạt đối với Iran do những vi phạm về nhân quyền xảy ra tại nước này. Theo đó, EU bổ sung 18 cá nhân vào danh sách những người vi phạm nghiêm trọng vấn đề nhân quyền và nâng tổng số danh sách này lên 79 người. Những cá nhân nằm trong danh sách này bị cấm nhập cảnh vào lãnh thổ EU và tất cả tài sản của những người này cũng bị phong tỏa. Ngoài ra, EU sẽ cấm xuất khẩu vào Iran tất cả các thiết bị cũng như những phần mềm được sử dụng vì mục đích giám sát và ngăn chặn quá trình sử dụng liên lạc Internet cũng như điện thoại tại Iran. Các biện pháp trừng phạt mới này sẽ được thông qua mà không phải thảo luận tại cuộc họp Hội đồng các vấn đề đối ngoại của EU diễn ra ngày 22 và 23-3-2012. Theo ông Michael Mann, phát ngôn viên của bà Catherine Ashton - Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại EU, sở dĩ EU đưa ra các biện pháp trừng phạt mới là do những lo ngại sâu sắc về vấn đề nhân quyền tại Iran sau khi Hội đồng nhân quyền của Liên hợp quốc công bố số vụ hành quyết tại Iran trong năm 2011 lên tới 670 trường hợp. Cùng ngày, trong một diễn biến liên quan, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cho biết Washington dự định miễn cho Nhật Bản và 10 nước châu Âu khỏi danh sách phải áp dụng các lệnh trừng phạt tài chính mới nhằm vào Iran. Hiện Tokyo đang nỗ lực giành sự miễn trừ cho các ngân hàng Nhật Bản trước các lệnh trừng phạt của Mỹ với điều kiện Tokyo sẽ cắt giảm nhập khẩu dầu thô của quốc gia Trung Đông này.
6. IDD 2012 tăng cường an ninh và ổn định khu vực
Từ ngày 21 đến 23-3-2012, Diễn đàn Đối thoại Quốc phòng quốc tế Jakarta lần thứ hai (IDD 2012) đã diễn ra tại Trung tâm Hội nghị quốc tế ở thủ đô Jakarta của Indonesia. Diễn đàn năm nay tập trung vào chủ đề tăng cường an ninh và ổn định tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng như trên toàn cầu trong bối cảnh tình hình địa chính trị thế giới có nhiều biến động nhanh và phức tạp. Phát biểu tại diễn đàn, Tổng Thư ký Ban Ki-moon nhấn mạnh những diễn biến bất ổn tại khu vực Trung Đông và Bắc Phi, nhất là tình hình hiện nay ở Syria, vấn đề hạt nhân của Iran và Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, tình hình tại châu Phi và Mỹ Latinh… cho thấy, Liên hợp quốc cần phải dành ưu tiên nhiều hơn cho việc bảo vệ quyền con người và gìn giữ hòa bình, an ninh, ổn định trên thế giới. Ông Ban Ki-moon kêu gọi các thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tìm tiếng nói chung cho vấn đề Syria, đồng thời kêu gọi các nước tăng cường tham gia và hỗ trợ sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Ông cũng nhấn mạnh tới tầm quan trọng của Hội nghị thượng đỉnh An ninh hạt nhân sẽ diễn ra vào ngày 26-3-2012 tại thủ đô Seoul của Hàn Quốc. Về phần mình, Tổng thống nước chủ nhà Susilo Bamban Yudhoyono cũng nhấn mạnh đến ý nghĩa và tầm quan trọng của IDI 2012, vì diễn đàn này tạo ra cơ chế đối thoại cho các bên liên quan. Theo ông S. Yudhoyono, các nước cần phải đẩy mạnh nỗ lực hợp tác toàn cầu mới có thể giải quyết được những thách thức truyền thống và phi truyền thống hiện nay như an ninh lương thực, an ninh năng lượng, khủng bố, cướp biển, biến đổi khí hậu, cứu trợ nhân đạo, giải trừ quân bị, phi vũ khí hạt nhân…
7. Hội thảo quốc tế về quy tắc ứng xử trên Biển Đông
Ngày 22-3-2012, tại Phnom Penh, Campuchia, Trung tâm Nghiên cứu chiến lược châu Á (CASS) của Ấn Độ và Viện Hợp tác hòa bình Campuchia (CICP) đã tổ chức hội thảo quốc tế nhân dịp kỷ niệm 10 năm ASEAN ký kết Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) với chủ đề “ASEAN và kỷ niệm 10 năm ký kết DOC”. Tại Hội thảo, các diễn giả tập trung đánh giá về tiến trình 10 năm ký kết và thực hiện DOC giữa ASEAN và Trung Quốc, cũng như kiến nghị các giải pháp giải quyết tranh chấp. Hội thảo khẳng định, qua 10 năm ký kết DOC, Tuyên bố này có vai trò nhất định trong việc góp phần duy trì, hòa bình và ổn định tại Biển Đông và khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, ASEAN và Trung Quốc cần nhanh chóng tiến tới xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) nhằm đảm bảo hòa bình và ổn định lâu dài cho khu vực. Các tham luận tại Hội thảo nhất trí rằng, DOC là một văn kiện quan trọng, thể hiện quyết tâm của các bên liên quan trong việc thúc đẩy hòa bình, ổn định và tin tưởng lẫn nhau, hướng tới giải quyết hòa bình tranh chấp trên Biển Đông; thực hiện đầy đủ và hiệu quả góp phần củng cố mối quan hệ đối tác chiến lược ASEAN - Trung Quốc vì hòa bình và thịnh vượng. Trên cơ sở phân tích ý kiến của các diễn giả, hội thảo đi đến kết luận rằng để giải quyết cơ bản và lâu dài những nguy cơ bất ổn hiện nay trên Biển Đông, các bên liên quan cần nhanh chóng xây dựng một bộ quy tắc ứng xử mang tính ràng buộc pháp lý, khắc phục được những hạn chế của DOC trên cơ sở luật pháp quốc tế.
8. Myanmar phụ trách Cộng đồng an ninh ASEAN
Ngày 22-3-2012 tại trụ sở Ban Thư ký ASEAN ở Jakarta, ông Nyan Lynn, nguyên Đại sứ Myanmar tại ASEAN đã tuyên thệ nhậm chức Phó Tổng thư ký ASEAN phụ trách Cộng đồng An ninh Chính trị ASEAN (APSC). Ông N.Lynn, đã được Chính phủ Myanmar chỉ định giữ chức vụ Phó Tổng Thư ký ASEAN nhiệm kỳ 2012-2015, thay ông Sayakane Sisouvong, đại diện của Lào nhiệm kỳ 2009-2012, và đã được Hội đồng Điều phối ASEAN phê chuẩn trong cuộc họp lần thứ 9 vào ngày 16-11-2011 tại Indonesia. Theo quy định của Hiến chương ASEAN, Phó Tổng Thư ký Lynn sẽ hỗ trợ Tổng Thư ký ASEAN lãnh đạo thực hiện kế hoạch APSC và quản lý Ủy ban APSC, bao gồm bốn bộ phận là hợp tác chính trị, hợp tác an ninh, hợp tác chính trị với bên ngoài và hợp tác an ninh với bên ngoài. Ông N.Lynn cũng có nhiệm vụ tư vấn chiến lược cho Tổng Thư ký ASEAN trong các vấn đề APSC, đóng góp cho xây dựng cộng đồng ASEAN và tăng cường quan hệ của ASEAN với các đối tác đối thoại và cộng đồng quốc tế. Cũng theo Hiến chương ASEAN, Tổng Thư ký được trợ giúp bởi bốn Phó Tổng Thư ký có quốc tịch khác nhau và khác Tổng Thư ký. Trong đó, hai Phó Tổng Thư ký do chính phủ các nước thành viên đề cử trên nguyên tắc quay vòng, nhiệm kỳ ba năm và không kéo dài, và hai Phó Tổng Thư ký được tuyển chọn công khai, thời hạn cũng là ba năm song có thể được kéo dài thêm một nhiệm kỳ ba năm.
9. Liên minh châu Phi tuyên bố đình chỉ tư cách thành viên đối với Mali
Liên minh châu Phi đã tuyên bố đình chỉ tư cách thành viên của Mali |
Ngày 23-3-2012, tại cuộc họp của Hội đồng Hòa bình và An ninh Liên minh châu Phi (PSC) ở thủ đô Addis Ababa của Ethiopia, Liên minh châu Phi (AU) đã tuyên bố đình chỉ tư cách thành viên của Mali sau khi các binh sỹ nổi loạn tiến hành cuộc đảo chính quân sự chống chính phủ và làm cho đất nước rơi vào hoảng loạn. Tuyên bố nêu rõ, cuộc đảo chính ở Mali diễn ra ngay trước cuộc bầu cử tổng thống dự kiến ngày 29-4-2012, gây nguy hại nghiêm trọng cho tiến trình dân chủ ở nước này. Theo quyết định của PSC, Mali phải ngừng tham gia mọi hoạt động của AU cho đến khi khôi phục trật tự hiến pháp có hiệu quả. PSC cũng yêu cầu các binh sỹ chấm dứt ngay việc cướp bóc và ngược đãi ở thủ đô Bamako và các khu vực khác ở Mali. Cộng đồng kinh tế các nước Tây Phi (ECOWAS) cũng ra tuyên bố lên án cuộc đảo chính tại Mali, nước thành viên ECOWAS. Trong khi đó, Nam Phi đã quyết định đóng cửa Cơ quan đại diện ngoại giao tại Mali, đồng thời kêu gọi các thủ lĩnh lãnh đạo cuộc đảo chính nhanh chóng chuyển giao quyền lực cho chính phủ hợp pháp. Cùng ngày 23-3, Mỹ cảnh báo rằng, khoản viện trợ kinh tế và quân sự trị giá 70 triệu USD của Mỹ dành cho Mali có nguy cơ không được thực hiện nếu những người làm đảo chính ở Mali không khôi phục chính quyền dân sự ở nước này. Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng phát triển châu Phi cũng quyết định ngừng các khoản viện trợ phát triển cho Mali. Mặc dù nhiều nước và tổ chức trên thế giới lên án cuộc đảo chính ở Mali, tối 23-3, đụng độ vẫn tiếp tục xảy ra giữa các binh sỹ nổi loạn và quân lính trung thành với Tổng thống Toure ở gần khu vực phủ tổng thống.
10. Nhật theo đuổi vai trò chủ động về an ninh châu Á
Ngày 24-3-2012, Bản dự thảo Báo cáo thường niên về chính sách ngoại giao của Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết, nước này sẽ tăng cường liên minh với Mỹ và theo đuổi vai trò chủ động về an ninh tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương trước việc tăng cường quân sự của Trung Quốc. Dự thảo của “Sách Xanh Ngoại giao năm 2012” nói rằng, Nhật Bản sẽ “có những nỗ lực chủ động” liên quan đến an ninh khu vực, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết của các cuộc đối thoại giữa Nhật Bản, Mỹ và Trung Quốc nhằm thể hiện lập trường “vừa cứng rắn vừa mềm mỏng” của Chính phủ Nhật Bản trong chính sách với Trung Quốc. Để đạt được điều này, Tokyo sẽ “ủng hộ sự hiện diện quân sự ổn định của Mỹ tại Nhật Bản để đảm bảo tính răn đe”. Về Trung Quốc, dự thảo như thường lệ kêu gọi Bắc Kinh minh bạch, nhấn mạnh rằng “sự tăng cường tiềm lực quốc phòng một cách không minh bạch và việc gia tăng các hoạt động trên biển là những vấn đề quan ngại với cộng đồng quốc tế”, nhưng cũng cho rằng vai trò của Trung Quốc trong việc đảm bảo trật tự tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương là “không thể thiếu”. Dự thảo cũng cho biết, Nhật Bản sẽ xây dựng “tiềm lực quốc phòng năng động và linh hoạt” để có thể có những phản ứng linh hoạt hơn trước các mối đe doạ từ bên ngoài. Sách Xanh dự kiến sẽ được Ngoại trưởng Nhật Bản Koichiro Gemba trình lên cuộc họp nội các vào ngày 6-4-2012.
11. Bốn nước Trung Á hợp tác tăng cường an ninh và chống khủng bố
Ngày 25-3-2012, tại Dushanbe (Tajikistan), bốn nước Trung Á gồm Tajikistan, Afghanistan, Iran và Pakixtan đã đạt được thỏa thuận về tăng cường hợp tác kinh tế và chống khủng bố, chủ nghĩa cực đoan và bảo đảm an ninh trong khu vực. Nguyên thủ 4 nước Trung Á gồm Tổng thống Tajikistan Emomali Rahmon, Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai, Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad và Tổng thống Pakistan Asif Ali Zardari đã nêu ra các ưu tiên hợp tác gồm năng lượng, xây dựng đường sắt, xây dựng hạ tầng cơ sở giao thông trong khu vực và đảm bảo tiếp cận nước sinh hoạt sạch. Tổng thống nước chủ nhà Emomali Rahmon nhấn mạnh đây là cuộc họp thượng đỉnh đầu tiên giữa 4 nước, cho thấy vai trò ngày càng tăng của 4 nước trong thế giới Hồi giáo cũng như trên trường quốc tế. Cùng ngày, nguyên thủ 3 nước Tajikistan, Afghanistan và Iran cũng tiến hành cuộc họp 3 bên và ký thỏa thuận dài hạn về hợp tác kinh tế, gồm xây dựng đường sắt từ Iran sang Afghanistan và Tajikistan, thiết lập hệ thống năng lượng thống nhất và thực hiện các dự án chung lớn khác. Nguyên thủ các nước Trung Á tới Tajikistan để tham dự Hội nghị hợp tác khu vực về Afghanistan lần thứ 5, khai mạc ngày 26-3 tại Dushanbe nhằm thảo luận về các biện pháp khôi phục Afghanistan và sự tham gia tích cực hơn của cộng đồng quốc tế trong việc trợ giúp kinh tế đối với nước này cũng như xem xét việc thực hiện Tuyên bố Istanbul được thông qua tháng 11-2011 tại Hội nghị hợp tác khu vực về Afghanistan lần thứ 4 ở Thổ Nhĩ Kỳ, tình hình và triển vọng hợp tác kinh tế trong khu vực, các dự án đầu tư lớn trong lĩnh vực năng lượng, giao thông và hạ tầng cơ sở./.
Ngày 27-3, xét xử sơ thẩm vụ án cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam  (26/03/2012)
Khai mạc Hội nghị thượng đỉnh An ninh hạt nhân tại Hàn Quốc  (26/03/2012)
Việt Nam - Nhật Bản hợp tác ứng dụng công nghệ thông tin trong tiết kiệm năng lượng và quản lý môi trường  (26/03/2012)
Trao Giải thưởng 26-3 cho 81 Bí thư Đoàn cơ sở toàn quốc xuất sắc  (26/03/2012)
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
- Đóng góp của phụ nữ Việt Nam qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới
- Một số nội dung chủ yếu trong đường lối, chủ trương của Đảng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa liên quan đến chuyển đổi công nghiệp
- Mối quan hệ giữa già hóa dân số và tăng trưởng kinh tế: Kinh nghiệm của Nhật Bản và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên