Đẩy mạnh hoạt động đối ngoại của Quốc hội góp phần thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ đối ngoại do Đại hội XI của Đảng đề ra

Trần Văn Hằng Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội
18:09, ngày 26-03-2012
TCCS - Trải qua hơn 65 năm xây dựng và phát triển, Quốc hội Việt Nam đã có nhiều đóng góp to lớn vào sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Nhìn lại chặng đường đã qua, chúng ta vui mừng nhận thấy hoạt động đối ngoại của Quốc hội, cùng với đối ngoại của Đảng, ngoại giao của Nhà nước và đối ngoại nhân dân, đã góp phần hỗ trợ thiết thực, hiệu quả cho việc phát triển kinh tế và thúc đẩy quá trình hội nhập khu vực và quốc tế của đất nước.

Kể từ Quốc hội khóa đầu tiên của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (năm 1946), tuy mức độ và phạm vi hoạt động có lúc khác nhau do hoàn cảnh cụ thể của đất nước và bối cảnh quốc tế, song kênh đối ngoại của Quốc hội luôn là một bộ phận không thể thiếu và không tách rời của nền ngoại giao Việt Nam. Trên đà hội nhập sâu rộng với thế giới, hoạt động đối ngoại của Nhà nước ta ngày càng thu được nhiều thành quả rực rỡ, trong đó không thể không nhắc đến những thành tựu quan trọng về hoạt động đối ngoại của Quốc hội nhờ vận dụng sáng tạo tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh và đường lối đối ngoại mà Đảng đề ra, trên cơ sở nắm bắt được xu thế và chiều hướng phát triển của quan hệ quốc tế.

Ngoại giao hiện đại và nhiệm vụ đối ngoại của Đảng đề ra

Trong bối cảnh thế giới diễn biến nhanh và phức tạp hiện nay, quan niệm về ngoại giao hiện đại đã có những chuyển biến sâu sắc. Xu thế toàn cầu hóa buộc mọi quốc gia phải thay đổi nhận thức về quan hệ quốc tế và cách hành xử trên trường quốc tế và trong nội bộ từng nước. Hội nhập, hay nói cách khác là tham gia quá trình toàn cầu hóa, là vấn đề sống còn đối với các nước nhỏ vì nó cho phép các nước này tận dụng được môi trường quốc tế và các mối quan hệ đan xen để bảo vệ lợi ích và đứng vững trước sức ép từ các nước lớn.

Kế đến, có thể thấy sự thẩm thấu và tác động qua lại đã làm ranh giới giữa các vấn đề đối nội và đối ngoại gần như bị dỡ bỏ và khó phân biệt. Nếu như trước đây, ngoại giao chủ yếu là chính trị, thì ngày nay ngoại giao mở rộng trên mọi lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội... Đặc biệt, khi đối mặt với những vấn đề toàn cầu, như dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, khủng bố, biến đổi khí hậu…, tất yếu sẽ cần có sự hài hòa giữa định hướng hành động chung trên phạm vi khu vực và toàn cầu với những chính sách trong nội bộ mỗi quốc gia.

Nền ngoại giao thế giới cũng thay đổi căn bản với sự tham gia của nhiều chủ thể, như ngoại giao của các đảng chính trị, ngoại giao nghị viện, ngoại giao nhân dân… trên nhiều kênh, nhiều lớp. Đây là một xu thế khách quan bởi các mối quan hệ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quân sự… ngày càng đa dạng và phức tạp. Ngay chính bản thân một nhà nước, khi thực hiện các quan hệ ngoại giao của mình cũng có nhiều chủ thể tham gia, từ việc hoạch định cho đến thực hiện đường lối, chính sách đối ngoại.

Nhận thức sâu sắc về những chuyển biến trong quan hệ quốc tế hiện đại, nhằm phát huy tổng lực sức mạnh ngoại giao của đất nước, Đảng ta đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc “phối hợp chặt chẽ hoạt động đối ngoại của Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân”. Đây là thế kiềng ba chân vững chắc của nền ngoại giao Việt Nam trong bối cảnh mới, là khuôn khổ chung để từ đó các lực lượng khác có thể tham gia, hỗ trợ, góp sức nhằm phát huy thế mạnh của Việt Nam trên trường quốc tế, tranh thủ những điều kiện quốc tế thuận lợi phục vụ công cuộc bảo vệ và phát triển đất nước.

Trên cơ sở mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020, căn cứ vào những dự báo nghiêm túc và khách quan về đặc điểm và xu thế của thế giới, Báo cáo chính trị tại Đại hội XI của Đảng đã xác định chủ trương đối ngoại là “mở rộng hoạt động đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế” với những nhiệm vụ căn bản, mang tính định hướng để mọi chủ thể tham gia hoạt động đối ngoại của nước ta có căn cứ thực hiện. Xuyên suốt những nhiệm vụ đó là mục tiêu bảo vệ và mở rộng lợi ích quốc gia, lợi ích của dân tộc. Lợi ích sống còn của Nhà nước ta và cũng là của dân tộc ta hiện nay là bảo đảm sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng Cộng sản Việt Nam trong chiến lược phát triển, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, phấn đấu vì một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Vai trò của hoạt động đối ngoại của Quốc hội trong bối cảnh mới

Trước đây, phần lớn công việc ngoại giao của một đất nước do chính phủ - cơ quan hành pháp quyết định; nghị viện thường ít can dự, thậm chí chưa được coi trọng. Ngày nay, trong các chủ thể tham gia nền ngoại giao hiện đại, sự tham gia của nghị viện ngày càng trở nên quan trọng, nhất là trong việc phê chuẩn và thực hiện các điều ước quốc tế, quyết định ngân sách cho việc thực thi các cam kết quốc tế. 

Trong bối cảnh nước ta, hoạt động đối ngoại của Quốc hội thể hiện rõ tính đa dạng về nội dung, linh hoạt về hình thức bởi đây là kênh đối ngoại vừa có tính chất nhà nước, vừa có tính chất nhân dân, hoạt động được cả trên các kênh song phương và đa phương. Trong nhiều văn kiện của Quốc hội, công tác đối ngoại của Quốc hội được coi trọng và đánh giá cao, nhiều lần được nhấn mạnh như một trong bốn trụ cột hoạt động chính. Những năm gần đây, Quốc hội nước ta ngày càng tham gia sâu rộng hơn vào các cơ chế nghị viện đa phương, đa dạng hóa và làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác song phương, đóng góp có hiệu quả cho việc hoạch định và thực thi đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước, đặc biệt trong bối cảnh thế giới toàn cầu hóa đầy biến động và đất nước ta đang hội nhập mạnh mẽ vào khu vực và quốc tế.

Tuy nhiên, hoạt động đối ngoại của Quốc hội ta cũng còn gặp nhiều khó khăn, trở ngại và bộc lộ một số hạn chế nhất định, như thiếu các vị đại biểu Quốc hội có kinh nghiệm về đối ngoại, có trình độ ngoại ngữ; công tác nghiên cứu về ngoại giao nghị viện còn chưa có điều kiện đầu tư thỏa đáng; thông tin đối ngoại cho bạn bè quốc tế và cho các đại biểu Quốc hội Việt Nam còn chưa hiệu quả về nội dung và chưa đa dạng về hình thức… Mặc dù có nhiều cố gắng nhưng việc quản lý thống nhất và sự phối hợp liên ngành giữa đối ngoại của Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại  nhân dân vẫn chưa được như mong muốn.

Phương hướng hoạt động đối ngoại của Quốc hội

Là một thành viên quan trọng của mặt trận đối ngoại Việt Nam, hoạt động đối ngoại của Quốc hội luôn tuân thủ chặt chẽ đường lối và chính sách đối ngoại của Việt Nam do Đảng đề ra. Hoạt động đối ngoại của Quốc hội luôn được đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch Quốc hội với đầu mối tham mưu, triển khai là Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội. Để khắc phục những khó khăn, tồn tại và phát huy thế mạnh riêng của kênh đối ngoại nghị viện, góp phần thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ đối ngoại mà Đại hội XI của Đảng đã đề ra, hoạt động đối ngoại của Quốc hội trong thời gian tới sẽ tập trung vào một số phương hướng lớn nhằm tăng cường nhận thức sâu sắc hơn nữa về vai trò của ngoại giao Quốc hội trong thời kỳ mới, xác định rõ những nhiệm vụ trọng tâm và tăng cường năng lực nguồn nhân lực làm công tác đối ngoại.

Trước tiên, Quốc hội cần tiếp tục thể chế hóa quan điểm chỉ đạo của Đảng về thống nhất quản lý hoạt động đối ngoại thông qua các công cụ lập pháp và các hình thức giám sát. Đây là nhiệm vụ được ưu tiên hàng đầu bởi chỉ có Quốc hội mới có thẩm quyền lập pháp để tạo khuôn khổ pháp lý cho việc thực hiện đường lối và chính sách đối ngoại, bảo đảm tính thống nhất quản lý hoạt động đối ngoại. Đảng đóng vai trò lãnh đạo toàn diện đối với hệ thống chính trị nước ta. Trong công tác đối ngoại, Đảng không chỉ trực tiếp hoạch định chính sách đối ngoại mà còn chỉ đạo quá trình triển khai thực hiện, biểu hiện cụ thể là Quy chế quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại được Bộ Chính trị ban hành tháng 3-2010. Quán triệt các nguyên tắc đó, công tác xây dựng pháp luật trong lĩnh vực đối ngoại đã được Quốc hội chú trọng theo hướng: tăng cường nhận thức về bản chất và nội dung của đối ngoại; quán triệt đầy đủ và sâu sắc đường lối và chính sách đối ngoại; phân công, phân nhiệm rõ ràng. Luật Cơ quan đại diện ngoại giao nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài (năm 2009) là một ví dụ cụ thể về việc thể chế hóa một bước quan điểm thống nhất quản lý hoạt động đối ngoại của Đảng. Tuy nhiên, để bảo đảm luật được thực hiện nghiêm túc với mục tiêu tập hợp và phát huy đầy đủ sức mạnh của các lực lượng tham gia trên mặt trận đối ngoại, Quốc hội nói chung và cụ thể là Ủy ban Đối ngoại cần tiến hành công tác giám sát sâu rộng và tổng thể. Đây cũng là quá trình nắm bắt thực tiễn để kịp thời đưa ra những điều chỉnh phù hợp với bối cảnh quốc tế đang diễn biến nhanh và khó lường hiện nay.

Hai là, hoạt động đối ngoại của Quốc hội cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với đối ngoại của Đảng, đối ngoại của các chủ thể khác trong kênh ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân. Có thể thấy trong những năm qua, các hoạt động đối ngoại của Quốc hội đã góp phần quan trọng vào những thành quả kinh tế đối ngoại, cả về vận động hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), kêu gọi đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), góp phần mở rộng thị trường cho xuất khẩu. Đặc biệt, với thẩm quyền phê chuẩn các điều ước quốc tế được quy định trong Hiến pháp và cụ thể hóa trong Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (năm 2005), Quốc hội đã phát huy vai trò quan trọng của mình trong lĩnh vực kinh tế đối ngoại với việc phê chuẩn việc Việt Nam gia nhập WTO. Trong tương lai, chắc chắn vai trò của Quốc hội trong lĩnh vực kinh tế đối ngoại còn tiếp tục được nâng cao theo hướng chủ động hơn nữa. Với đặc thù đa dạng về nội dung và linh hoạt về hình thức, hoạt động đối ngoại của Quốc hội trên cả kênh song phương và đa phương sẽ được chú trọng để hỗ trợ kênh ngoại giao của Chính phủ nhằm bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia và lợi ích của dân tộc. Các hoạt động đối ngoại song phương của Quốc hội tập trung tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị, hiểu biết lẫn nhau và trao đổi kinh nghiệm chuyên môn trong công tác lập pháp, giám sát… nhưng cũng đồng thời giúp tháo gỡ những vướng mắc nếu có trong quan hệ song phương, tạo và mở rộng khuôn khổ quan hệ với các nước. Sự tham gia của Quốc hội Việt Nam trên các diễn đàn liên nghị viện cũng cần tiếp tục được tăng cường bởi đây là cơ hội để thể hiện vị thế và trách nhiệm của Việt Nam trong khu vực và quốc tế, đồng thời cũng là nơi tham khảo quan điểm của các nước đối với các vấn đề gắn với lợi ích trực tiếp và gián tiếp của ta. Cả hai kênh đối ngoại này của Quốc hội đều cần có sự phối hợp sâu sắc và toàn diện với các cơ quan đối ngoại của Đảng và Chính phủ.

Ba là, Quốc hội cần phát huy kênh đối thoại nghị viện về những vấn đề hệ trọng. Trong bối cảnh hiện nay, nước ta đang tập trung giải quyết một số vấn đề đối ngoại hệ trọng liên quan tới chủ quyền trên biển và đấu tranh trên lĩnh vực dân chủ, nhân quyền. Vấn đề chủ quyền trên biển đã kéo dài hàng thập niên, nay đang nóng lên với nhiều động thái xấu đe dọa ổn định và hòa bình khu vực nếu các bên không tự kiềm chế. Vấn đề dân chủ, nhân quyền tiếp tục bị các nước phương Tây lợi dụng để tiến hành “diễn biến hòa bình”, hòng can thiệp vào công việc nội bộ của ta. Nếu giải pháp cho vấn đề dân chủ, nhân quyền chủ yếu phụ thuộc vào bản thân nước ta thì ngược lại, việc giải quyết chủ quyền trên biển sẽ cần có những giải pháp được các bên cùng chấp nhận. Trước tình hình đó, đối thoại và xây dựng lòng tin trở nên vô cùng quan trọng và ngày càng có nhiều chủ thể tham gia  tiến trình này. Ngoại giao nghị viện nói chung và đối thoại nghị viện nói riêng có vai trò rất quan trọng vì nằm giữa kênh chính thức giữa các quan chức chính phủ và các kênh khác. Ngoại giao nghị viện có thể giúp tìm hiểu, tiếp xúc với nhiều luồng quan điểm của các đảng phái chính trị khác nhau trong nghị viện của các đối tác. Đối với các vấn đề hệ trọng, đối thoại nghị viện có những lợi thế nhất định, vừa có thể chuyển tải thông điệp của chính phủ, trao đổi quan điểm chính thức với các nghị viện đối thoại, vừa xây dựng lòng tin, củng cố hiểu biết lẫn nhau hay giảm bớt căng thẳng, hiểu lầm nếu có. Thông qua đối thoại nghị viện, việc thăm dò và thử nghiệm các giải pháp cũng có thể được thực hiện. Đôi khi, đối thoại nghị viện có thể giúp khai thông những bế tắc trong quan hệ song phương. Ngoài những biện pháp đối thoại truyền thống giữa lãnh đạo Quốc hội ta với các nước, cơ chế đối thoại giữa các cá nhân đại biểu Quốc hội hoặc các nhóm nghị sĩ hữu nghị với các nước sẽ cần được chú trọng, đi vào thực chất hơn trong thời gian tới, đóng góp vào nỗ lực chung giải quyết những vấn đề đối ngoại hệ trọng của nước nhà.

Bốn là, hoạt động đối ngoại của Quốc hội cần chú trọng tạo dựng và nâng cao vị thế đất nước. Với vai trò và kinh nghiệm thu được trong thời gian qua, Quốc hội Việt Nam ngày nay có nhiều thế mạnh trong việc tạo dựng và nâng cao vị thế và hình ảnh của Việt Nam trong thời kỳ hội nhập. Người dân ở nơi nào trên thế giới cũng mong muốn hòa bình, hạnh phúc, ấm no và quốc hội nước nào cũng đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân nên kênh đối ngoại của quốc hội dễ tìm được điểm chung, dễ đi vào lòng người. Công tác thông tin, tuyên truyền đối ngoại sẽ đạt hiệu quả thiết thực hơn thông qua các kênh đối ngoại của Quốc hội, hoạt động của các tổ chức nghị sĩ hữu nghị, quan hệ ngoại giao cá nhân giữa các đại biểu Quốc hội Việt Nam với các nghị sĩ quốc tế nhằm quảng bá hình ảnh Việt Nam có rất nhiều tiềm năng phát triển, nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, người dân Việt Nam yêu chuộng hòa bình, mong muốn làm bạn và đối tác tin cậy của bạn bè quốc tế… Đây chính là một trong những phương thức hiệu quả góp phần phát huy thế mạnh của đối ngoại nghị viện nhằm tạo dựng và nâng cao vị thế đất nước.

Năm là, nhằm khắc phục những hạn chế trong hoạt động đối ngoại của Quốc hội, vấn đề nguồn nhân lực đóng vai trò hết sức quan trọng. Nguồn nhân lực cần được tăng cường trên cả hai phương diện bao gồm đại biểu Quốc hội và đội ngũ cán bộ giúp việc về đối ngoại của Quốc hội. Các đại biểu Quốc hội, dù không phải là các nhà ngoại giao chính thức nhưng đều cần được trang bị kiến thức và kỹ năng quan hệ quốc tế, chính sách đối ngoại và những hiểu biết về ngoại giao nói chung. Trong thời kỳ hội nhập quốc tế, khả năng giao tiếp bằng ngoại ngữ nhất là tiếng Anh của các vị đại biểu Quốc hội, cần được cải thiện hơn nữa. Vế thứ hai của công tác thông tin đối ngoại là cung cấp thông tin cho chính các đại biểu Quốc hội Việt Nam cần được tiếp tục đẩy mạnh, giúp các vị đại biểu Quốc hội có thêm hiểu biết về nội tình các đối tác, văn hóa, phong tục tập quán và ứng xử ngoại giao với các đối tác nước ngoài. Đối với các vấn đề nhạy cảm, phức tạp cần có sự tham gia của các đại biểu chuyên gia, đồng thời giỏi ngoại ngữ để có thể đối thoại trực tiếp với nghị sĩ nước ngoài... Về phía đội ngũ cán bộ tham mưu, giúp việc cho công tác đối ngoại của Quốc hội, có thể thấy rõ vai trò quan trọng của họ trong việc chuẩn bị và triển khai các hoạt động cụ thể. Đây phải là những cán bộ đối ngoại thực thụ, thậm chí phải chuyên nghiệp. Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ tham mưu, giúp việc cần được thực hiện ngay từ khâu tuyển dụng. Trong quá trình công tác, tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ đối ngoại của Quốc hội có thể được thực hiện bằng cách vừa đào tạo bài bản và liên tục về ngoại giao, vừa tạo điều kiện để cọ sát thực tế, luân chuyển công tác tại các cơ quan đại diện ngoại giao của ta ở nước ngoài để tích lũy kinh nghiệm.

Hoạt động đối ngoại của Quốc hội Việt Nam là một bộ phận trong tổng thể nền ngoại giao Việt Nam, đóng góp vào việc phát huy sức mạnh tổng hợp của mặt trận đối ngoại, phục vụ cho công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước, phục vụ cho hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Với những phương hướng và nhiệm vụ nêu trên, hoạt động đối ngoại của Quốc hội nhiệm kỳ  khóa XIII sẽ tiếp tục được đẩy mạnh và tăng cường một cách thực chất, góp phần thực hiện thành công những nhiệm vụ đối ngoại mà Đại hội XI của Đảng đã đề ra./.