TCCSĐT - Ngày 15-3-2012 đánh dấu tròn một năm xảy ra cuộc khủng hoảng chính trị và bạo loạn tại Syria, cướp đi sinh mạng của hơn 8.000 người và làm hàng chục nghìn người khác phải lánh nạn. Mặc dù cả Chính phủ Syria và cộng đồng quốc tế đã rất nỗ lực tìm kiếm giải pháp chấm dứt làn sóng này, song cho đến nay cuộc khủng hoảng tại Syria vẫn chưa có lối thoát.


1. Hội nghị “Bộ Tứ” vì hòa bình Trung Đông

 

Tình hình nghiêm trọng ở Dải Gaza và miền Nam Israel là nội dung chính của Hội nghị “Bộ Tứ” vì Trung Đông hôm 12-3-2012


Ngày 12-3-2012, trong một nỗ lực mới nhằm tìm kiếm giải pháp hòa bình cho Trung Đông, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã chủ trì Hội nghị “Bộ Tứ” gồm Liên hợp quốc, Mỹ, Nga và Liên minh châu Âu (EU). Hội nghị đã thảo luận tình hình nghiêm trọng ở Dải Gaza và miền Nam Israel đồng thời bày tỏ lo ngại sâu sắc về xung đột leo thang. “Bộ Tứ” kêu gọi Israel và Palestine nối lại đàm phán và kiềm chế các hành động khiêu khích lẫn nhau. “Bộ Tứ” đã đánh giá những diễn biến tại Trung Đông kể từ sau Tuyên bố ngày 23-9-2011 trong đó kêu gọi Israel và Palestine nối lại đàm phán song phương trực tiếp không chậm trễ và không điều kiện tiên quyết. Ông Ban Ki-moon nhấn mạnh cộng đồng thế giới phải tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc đàm phán thực chất giữa Israel và Palestine để giải quyết các vấn đề cốt lõi là lãnh thổ, an ninh, người tị nạn, quy chế đối với thành phố Jerusalem, đồng thời chấm dứt sự chiếm đóng của Israel kéo dài từ năm 1967 trên các vùng lãnh thổ Palestine.

2. Mỹ - Trung bắt đầu vòng tham vấn thứ ba về châu Á - Thái Bình Dương

Ngày 12-3-2012, Mỹ và Trung Quốc đã tổ chức vòng tham vấn thứ ba về các vấn đề châu Á - Thái Bình Dương tại Học viện Hải quân Mỹ ở Annapolis, bang Maryland của Mỹ. Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ, hai bên đã tiến hành các cuộc thảo luận “mang tính xây dựng” về những diễn biến ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Mỹ đã tái khẳng định cam kết sẽ nỗ lực xây dựng mối quan hệ đối tác hợp tác với Trung Quốc đồng thời hoan nghênh Trung Quốc đóng vai trò năng động và tích cực hơn trong các vấn đề quốc tế. Washington cũng nhấn mạnh ủng hộ việc củng cố và tăng cường vai trò của các thể chế tại khu vực châu Á đồng thời bày tỏ mong muốn hợp tác với Bắc Kinh để thúc đẩy mục tiêu đó. Cũng theo thông cáo trên, Mỹ và Trung Quốc đã thảo luận các biện pháp để hai nước thúc đẩy quan hệ hợp tác sâu rộng hơn trong những vấn đề cấp bách của khu vực. Ngoài ra, hai nước cũng thảo luận các mục tiêu của từng nước trong các vòng sắp tới của cuộc Đối thoại Chiến lược và kinh tế, Đối thoại An ninh chiến lược và Tham vấn về giao lưu giữa nhân dân hai nước. Được thiết lập tại vòng thứ ba Đối thoại Chiến lược và kinh tế tại thủ đô Washington của Mỹ hồi tháng 5-2011, cơ chế tham vấn Mỹ-Trung Quốc về châu Á - Thái Bình Dương được xem là một nền tảng để duy trì sự liên lạc chặt chẽ về tình hình khu vực và các chính sách của mỗi nước, tăng cường phối hợp, thúc đẩy sự hợp tác và đóng vai trò tích cực trong việc đảm bảo hòa bình, ổn định và sự thịnh vượng trong khu vực.

3. Hội nghị Bộ trưởng Nội vụ các nước Bắc Phi

Ngày 12-3-2012, tại Hội nghị Bộ trưởng Nội vụ các nước Bắc Phi diễn ra ở thủ đô Tripoli của Libya, các nước Bắc Phi đã nhất trí tăng cường và thắt chặt an ninh biên giới nhằm đối phó với các cuộc xung đột bùng phát trong các bộ lạc, và tình trạng buôn lậu vũ khí xuyên biên giới tại khu vực này. Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng nước chủ nhà Abdurrahim El-Keib cho rằng các nước Bắc Phi cần có sự phối hợp và tăng cường an ninh để bảo vệ đường biên giới chung. Theo ông A.Keib, nếu không có sự phối hợp và trao đổi thông tin tình báo chung, lực lượng an ninh các nước Bắc Phi sẽ không đủ khả năng bảo vệ an toàn đường biên giới riêng của mỗi nước. Ngoài ra, việc liên tục xảy ra các vụ đụng độ, cướp bóc tại các khu vực biên giới giữa các nước không có cảnh sát kiểm soát và tình hình buôn lậu vũ khí gia tăng tại khu vực biên giới giữa Ai Cập và Libya, đang đặt ra các yêu cầu phải có sự phối hợp kiểm soát biên giới giữa các nước tại khu vực này. Sau khi xảy ra các vụ bạo lực tại khu vực Bắc Phi năm 2011, tình trạng xung đột sắc tộc, vận chuyển vũ khí bất hợp pháp gia tăng tại khu vực biên giới giữa nhiều nước Bắc Phi, đặt ra thách thức lớn đối với lực lượng an ninh của các nước trong khu vực này. Đây là cuộc họp cấp bộ trưởng Nội vụ đầu tiên của các nước Bắc Phi nhằm thảo luận về các biện pháp bảo vệ biên giới.

4. Liên minh châu Âu trừng phạt Hungary

Ngày 13-3-2012, Bộ trưởng Tài chính các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã quyết định ngừng khoản tiền 495 triệu euro vốn đã được thoả thuận dành cho Hungary năm 2013 để phát triển những dự án thuộc về cơ sở hạ tầng và bảo vệ môi trường. Lý do là do Hungary, sau hai lần được gia hạn, đã không đáp ứng quy định của EU là thâm hụt ngân sách hằng năm dưới 3% và vay nợ công dưới 60% GDP. Theo tính toán của Ủy ban EU, mức độ nợ công hiện tại của Hungary là 82% và mức độ thâm hụt ngân sách thực tế là 6%, cho dù số liệu thống kê chính thức của Hungary công bố chỉ có 3%. Tuy nhiên, EU cũng quyết định tháng 6 tới sẽ xem xét lại biện pháp này, dành thời gian cho chính phủ Hungary có kế hoạch tăng cường giảm thâm hụt ngân sách. Số tiền 495 triệu euro trên tương đương với 0,5% GDP của Hungary và chiếm 29% tổng số tiền Hungary nhận được từ ngân quỹ EU dành cho các dự án về phát triển cơ sở hạ tầng và bảo vệ môi trường sinh thái. EU đề ra quy định này từ lâu và cho tới nay Hungary không phải là thành viên EU duy nhất không đáp ứng những tiêu chuẩn ấy. Nhưng đây là lần đầu tiên EU quyết định trừng phạt một thành viên vì đã không tuân thủ kỷ cương về tài chính ngân sách chung. Hungary gia nhập EU năm 2004 và từ đó đến nay chưa năm nào đáp ứng được những điều kiện và tiêu chí về phát triển ổn định của EU. Tuy nhiên, cả thủ tướng Hungary Viktor Orban lẫn Bộ trưởng Kinh tế Gyorgy Matolcsy đều tỏ ra lạc quan là sẽ đáp ứng mọi điều kiện của EU trong năm nay và sẽ không bị mất khoản tiền nói trên.

5. Nga coi Trung Quốc là đối tác quan trọng nhất

Ngày 14-3-2012, Chủ tịch Hạ viện Nga Valentina Matviyenko tuyên bố Trung Quốc là đối tác chiến lược quan trọng nhất của Nga và hai nước vẫn có tiềm lực lớn hơn để tăng cường các mối quan hệ song phương. Tại cuộc họp báo, bà V.Matviyenko nói rằng, hai nước đã thúc đẩy sự tin cậy lẫn nhau lên “tầm cao chưa từng thấy” đồng thời xây dựng “môi trường đáng tin cậy, hữu nghị và đầy hứa hẹn để tiến tới hợp tác hơn nữa”. Hai nước cũng đã đạt được sự đồng thuận trong hầu hết các vấn đề quốc tế và hợp tác song phương cũng sâu rộng trên mọi lĩnh vực. Bà V.Matviyenko đánh giá cao sự hợp tác với Trung Quốc, coi đây không chỉ là lợi ích của người dân hai nước mà còn là tạo điều kiện cho sự ổn định của quốc tế trong thế giới đa cực này. Về hợp tác kinh tế, bà Matviyenko tin tưởng hai nước có thể đạt được mục tiêu về kinh ngạch song phương mà Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào và các nhà lãnh đạo Nga đặt ra là 100 tỉ USD trong năm 2015 và 200 tỉ USD trong năm 2020. Bà cũng nhấn mạnh hai nước có thể củng cố hơn nữa quan hệ trên các lĩnh vực như đầu tư, công nghệ cao và hợp tác khu vực.

6. Tai nạn ô tô ở Thuỵ Sĩ làm cả châu Âu bàng hoàng

 

Tai nạn ô tô kinh hoàng tại Thụy Sĩ


Ngày 14-3-2012, Vương quốc Bỉ đã dành một ngày quốc tang tưởng niệm các nạn nhân vụ tai nạn giao thông thảm khốc làm 28 người Bỉ thiệt mạng tại Thụy Sĩ, trong đó có 22 học sinh. Nỗi đau đớn bao trùm cả đất nước Bỉ và nỗi ám ảnh đè nặng toàn châu Âu sau một trong những vụ tai nạn kinh hoàng nhất khu vực trong 12 năm qua. Chiếc xe chở 52 hành khách, trong đó đa số là giáo viên và học sinh đi từ Bỉ sang Thụy Sĩ dã ngoại đã chệch hướng và đâm vào vỉa bê tông trong một đường hầm tại Thụy Sĩ vào lúc 21h15 phút ngày 13-3 (theo giờ địa phương). Hình ảnh chiếc xe vỡ vụn xuất hiện trên truyền hình và báo chí khiến ai cũng bị ám ảnh. Nguyên nhân dẫn đến việc chiếc xe khách đâm vào vỉa bê tông đến nay vẫn chưa được xác định rõ ràng. Các điều tra cho thấy người lái xe không phóng quá nhanh. Thủ tướng Bỉ Elio di Rupo, trước khi có mặt tại Thụy Sĩ, đã triệu tập cuộc họp nội các khẩn cấp và tuyên bố ngày thứ tư 14-3-2012 là ngày quốc tang để tưởng niệm các nạn nhân sau vụ tai nạn thảm khốc. Ông nhấn mạnh đây là ngày đen tối với tất cả người dân Bỉ cùng chia sẻ nỗi đau đớn với gia đình nạn nhân. Nghị viện châu Âu ngày 14-3 đang có cuộc họp thường kỳ tại Bỉ, cũng đã dành một phút tưởng niệm các nạn nhân vụ tai nạn. Nhiều lãnh đạo các nước đã gửi lời chia buồn đến gia đình các nạn nhân. Chủ tịch Liên minh châu Âu Herman Van Rompuy, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Manuel Barroso đã bày tỏ sự tiếc thương trước thảm kịch giao thông này.

7. Syria đánh dấu tròn một năm bùng phát bạo loạn

Ngày 15-3-2012 đánh dấu tròn một năm xảy ra cuộc khủng hoảng chính trị và bạo loạn tại Syria, cướp đi sinh mạng của hơn 8.000 người và làm hàng chục nghìn người khác phải lánh nạn. Mặc dù cả Chính phủ Syria và cộng đồng quốc tế đã rất nỗ lực tìm kiếm giải pháp chấm dứt làn sóng này, song cho đến nay cuộc khủng hoảng tại Syria vẫn chưa có lối thoát. Phát biểu tại thủ đô Damascus nhân sự kiện này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Syria Jihad Makdissi cho rằng, cuộc khủng hoảng hiện nay “rất phức tạp” nhưng Syria vẫn muốn tự tìm giải pháp chứ không cần tới sự can thiệp từ bên ngoài. Ông khẳng định cam kết của Syria trong việc tiếp nhận hàng cứu trợ của cộng đồng quốc tế, với điều kiện chủ quyền của Syria phải được tôn trọng, đồng thời kêu gọi Mỹ và phương Tây giảm nhẹ áp lực để tạo cơ hội thúc đẩy tiến trình chính trị hòa bình. Trong một diễn biến liên quan, ngày 16-3-2012, Tổng Thư ký Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh Abdellatif al-Zayani cho biết, 6 nước Arập vùng Vịnh sẽ đóng cửa sứ quán của họ tại Syria để phản đối tình trạng bạo lực kéo dài một năm qua ở nước này. Ngày 17-3-2012, tại cuộc gặp ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), 5 nhóm đối lập ở Syria là Phong trào dân tộc tự do vì Sự thay đổi, Phong trào Hồi giáo vì Tổ quốc, Khối Tự do và Phát triển (đứng đầu là thủ lĩnh bộ tộc Nawaf al-Bashir), Khối Dân tộc người nói tiếng Turk và Phong trào người Cuốc vì Cuộc sống mới đã thông báo thành lập một liên minh mới, dấu hiệu cho thấy những khó khăn trong việc bắt tay hợp tác của lực lượng chống đối chính quyền Damascus, một năm sau khi nổ ra phong trào phản kháng chế độ ở nước này. Các nhóm này cho biết họ vẫn chưa đặt tên cho liên minh, song liên minh mới sẽ hành động độc lập với Hội đồng Dân tộc Syria (SNC) - liên minh đối lập chính được thành lập tháng 8-2011 để chống chế độ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

8. IMF phê chuẩn gói các cải tổ hạn ngạch và quản trị

Ngày 16-3-2012, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết, Hội đồng quản trị Quỹ đã phê chuẩn cả gói các cải tổ hạn ngạch và quản trị của thể chế tài chính quốc tế này. Tuy nhiên, để có hiệu lực, gói cải cách cần sự phê chuẩn của các nước thành viên. Hội đồng quản trị IMF đã xem xét các tiến bộ của tiến trình thực hiện gói cải tổ hạn ngạch và quản trị được đề nghị từ năm 2010 và nhận định các ngưỡng pháp lý cần thiết để cải tổ vẫn chưa đạt tới. Vì vậy, Hội đồng quyết định nỗ lực cao nhất để thúc đẩy quá trình hoàn tất các cải tổ này tại hội nghị duyệt xét hoạt động hằng năm của Quỹ vào tháng 10-2012. Cả 89 nước thành viên IMF, chiếm 53,14% quyền bỏ phiếu của tổ chức tài chính đa phương này, đã nhất trí tăng hạn ngạch của họ, trong khi 66 thành viên khác, chiếm 45,36 % quyền bỏ phiếu của Quỹ, cũng nhất trí chấp nhận đề nghị bổ sung để cải tổ Hội đồng quản trị 24 thành viên của Quỹ. Tổng Giám đốc IMF, Christine Lagarde, kêu gọi các nước thành viên còn lại nhanh chóng hoàn tất các biện pháp pháp lý cần thiết để thực hiện quyết định quan trọng của Hội đồng quản trị IMF trong khung thời gian đã thỏa thuận. Bà C.Lagarde nhấn mạnh gói các cải tổ hạn ngạch và quản trị Quỹ bao gồm để nghị sửa đổi cải tổ Hội đồng quản trị để thúc đẩy tạo ra một Hội đồng quản trị mới mang tính đại diện rộng rãi hơn với tất cả các thành viên của Hội đồng đều được bầu thông qua bầu cử của các nước thành viên; tăng gấp đôi hạn ngạch của IMF, đồng thời tăng hạn ngạch của các nền kinh tế thị trường mới nổi và các nước chưa được đại diện xứng đáng trong cơ cấu quản trị IMF.

9. Mỹ và Afghanistan tái khẳng định rút quân vào 2014

Ngày 16-3-2012, Tổng thống Mỹ Barack Obama và người đồng cấp Afghanistan Hamid Karzai đã tái khẳng định quân đội Mỹ sẽ rời Afghanistan vào trước cuối năm 2014 bất chấp những lời kêu gọi rút quân sớm hơn. Trong một tuyên bố, Nhà Trắng cho biết hai nhà lãnh đạo đã điện đàm trao đổi vào ngày 16-3 và tái khẳng định họ cam kết làm theo lịch trình đã được nhất trí, “theo đó lực lượng Afghanistan sẽ hoàn thành tiến trình chuyển giao và chịu toàn bộ trách nhiệm về an ninh tại nước này vào trước cuối năm 2014”. Phát ngôn viên Nhà Trắng Jay Carney cho biết thêm hai vị tổng thống đã thảo luận về mối quan ngại của ông H.Karzai “liên quan đến các cuộc đột kích ban đêm và lục soát nhà cửa” cũng như “sự hiện diện của quân đội nước ngoài tại các ngôi làng”. Hôm 15-3-2012, Tổng thống Hamid Karzai đã nói với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta rằng lực lượng quốc tế nên rời các ngôi làng ở Afghanistan, “trở lại căn cứ của họ” và rằng nước này đã sẵn sàng chịu trách nhiệm về an ninh. Ông H.Karzai nói rằng NATO nên bàn giao lại nhiệm vụ này cho lực lượng Afghanistan trong năm 2013.

10. Diễn đàn kinh tế châu Á - Campuchia

Trong hai ngày 17 và 18-3-2012, Diễn đàn Kinh tế châu Á-Campuchia lần thứ 8 đã khai mạc tại thủ đô Phnom Penh của Campuchia với chủ đề “ASEAN trong một cấu trúc khu vực đang thay đổi: Những cơ hội, thách thức và định hướng tương lai”. Theo Phó Thủ tướng Campuchia kiêm Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Keat Chhon, trong 44 năm qua, ASEAN đã đạt được những bước tiến quan trọng trên mọi lĩnh vực hợp tác cả ở cấp khu vực và quốc tế. Tuy nhiên, trước mắt Hiệp hội vẫn còn rất nhiều thách thức cần phải vượt qua. Vì vậy, ASEAN cần phải tiếp tục nâng cao hơn nữa khả năng tham gia tiến trình hợp tác giải quyết các vấn đề toàn cầu để qua đó, thể hiện sự đóng góp tích cực hơn và củng cố vai trò của Hiệp hội trên trường quốc tế. Theo Chủ tịch Diễn đàn Haruhisa Handa, trong hai ngày thảo luận, các đại biểu sẽ điểm lại quá trình hình thành và phát triển của ASEAN trong 44 năm qua, đồng thời thảo luận cách thức nhằm củng cố hơn nữa vai trò trung tâm của ASEAN trong một cấu trúc khu vực đang thay đổi cũng như sẽ tiến hành đánh giá về những cơ hội và thách thức mà Hiệp hội sẽ phải đối mặt trong quá trình xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015. Ngoài ra, các đại biểu cũng sẽ thảo luận chiến lược hợp tác của ASEAN với các đối tác đối thoại trong thời gian tới và cách thức để ASEAN tiếp tục giữ vai trò tích cực trong quan hệ với các nước lớn trong khu vực./.