Huy động các nguồn lực trong nhân dân tham gia đóng góp để xây dựng, chỉnh trang đô thị

Trong những năm qua, với sự quan tâm đầu tư của Trung ương, của tỉnh và sự nỗ lực phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân thành phố, diện mạo, cảnh quan đô thị đã có nhiều đổi mới, ngày càng sáng, xanh, sạch, đẹp hơn. Trong những năm tới, để tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại II, yêu cầu đặt ra là cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân thành phố cần tích cực đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp xây dựng và phát triển thành phố. Về vấn đề này, theo tôi, cùng với thu hút sự quan tâm đầu tư của Trung ương, của tỉnh, thành phố nên tăng cường kêu gọi xã hội hóa công tác đầu tư, khuyến khích các thành phần kinh tế, cá nhân tham gia đầu tư phát triển các ngành có lợi thế như thương mại, dịch vụ, các công trình phục vụ dân sinh. Cùng với đó là đẩy mạnh huy động nguồn lực trong nhân dân tham gia vào việc nâng cấp, chỉnh trang đô thị theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Cụ thể là vận động nhân dân đóng góp để làm đường giao thông, cống rãnh thoát nước, nhà văn hóa phố, thôn, trường học... Trở thành đô thị loại II sẽ tạo điều kiện để thành phố phát triển nhanh hơn, bền vững hơn trong giai đoạn tiếp theo. 

Phạm Văn Xuyên 
Tổ trưởng tổ dân phố 3, phường Đông Thành, TP. Ninh Bình  


Tăng cường phối hợp với các doanh nghiệp trong công tác dạy nghề, giải quyết việc làm


Thành phố Ninh Bình đang trong quá trình đô thị hóa nhanh, diện tích đất nông nghiệp dần thu hẹp. Điều này đặt ra bài toán khó cho các cấp ủy Đảng, chính quyền trong công tác dạy nghề, giải quyết việc làm, nhất là việc làm cho lao động diện thu hồi đất. ở phường chúng tôi, những năm qua, chính quyền địa phương đã phối hợp với các ngành chức năng của thành phố tổ chức các lớp dạy nghề mây giang đan, thêu ren, đan bèo bồng xuất khẩu. Tuy nhiên, những nghề này không phù hợp với lao động thành phố vì thu nhập thấp, mất nhiều thời gian học và làm nghề. Thời gian gần đây, chính quyền, các đoàn thể trong phường đã phối hợp với một số doanh nghiệp trên địa bàn để tư vấn, giới thiệu và hướng cho nhân dân, nhất là lực lượng lao động trẻ học nghề mới như may mặc, xây dựng, cơ khí, gò hàn. Các nghề trên rất phù hợp với lao động thành phố, hơn nữa các doanh nghiệp hiện nay cũng đang thiếu lao động ở lĩnh vực này. Từ thực tế trên thấy rằng, các cấp ủy Đảng, chính quyền nên tăng cường phối hợp với các doanh nghiệp trên địa bàn trong công tác dạy nghề, giải quyết việc làm, định hướng cho người lao động học các nghề mà các doanh nghiệp đang cần tuyển dụng.

Phạm Ngọc Lợi
Chủ tịch Hội CCB phường Bích Đào, thành phố Ninh Bình