TCCSĐT - Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương các nước thuộc Nhóm G20 cùng với Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) ở Mexico đã kết thúc sau hai ngày nhóm họp mà không đạt được kết quả cụ thể đáng kể nào ngoài việc thu hẹp được một chút sự bất đồng quan điểm giữa Mỹ, EU và các nền kinh tế mới nổi.

 

Nhóm G20 gồm 19 nền kinh tế phát triển và mới nổi, cùng với Liên minh châu Âu (EU), tập trung 2/3 dân số thế giới và nắm giữ 90% GDP toàn cầu

Cuộc khủng hoảng tài chính ở một số thành viên EU trong nhóm các thành viên sử dụng đồng euro (Nhóm Euro) và việc tăng cường khả năng tài chính cũng như tín dụng cho IMF là những nội dung chính trong chương trình nghị sự. Hội nghị này là sự chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao của G20 sẽ được tổ chức vào tháng 6 tới.

Bất đồng quan điểm rõ nét nhất giữa các thành viên Nhóm G20 được thể hiện trong chủ đề tăng thêm vốn cho IMF, cụ thể là đánh giá về những rủi ro đối với khu vực sử dụng đồng euro. EU muốn các thành viên khác đóng góp tài chính nhiều hơn cho IMF để IMF tham gia nhiều hơn vào việc khắc phục khủng hoảng tài chính trong EU và cứu đồng euro. Còn Mỹ và các thành viên không phải ở châu Âu trong Nhóm G20 lại muốn EU trước đó phải tăng khả năng tài chính cho các quỹ và cơ chế đã được thiết lập nhằm đối phó với khủng hoảng tài chính. Cuối cùng, thỏa hiệp được thông qua tại Hội nghị này là EU đưa ra cam kết chậm nhất cho tới cuối tháng 3-2012 sẽ xem xét mức vốn của các quỹ và cơ chế xử lý khủng hoảng tài chính đó. Trên cơ sở đó, Nhóm G20 sẽ đưa ra khuyến nghị tăng vốn cho IMF như thế nào.

Tại Hội nghị này, Nhóm G20 đánh giá triển vọng kinh tế thế giới có phần lạc quan hơn so với ở Hội nghị cấp cao năm ngoái tổ chức ở Cannes (Pháp). Các đại diện cho rằng, kinh tế thế giới chưa thoát được khỏi khu vực nguy hiểm nhưng đã có dấu hiệu phục hồi và tăng trưởng. Hai nhân tố tác động tiêu cực tới kinh tế thế giới là mức độ vay nợ công cao ở các nước công nghiệp phát triển và giá dầu lửa cao.

Trong tuyên bố cuối cùng, Hội nghị đã khẳng định quyết tâm thúc đẩy quá trình cải cách thị trường tài chính theo hướng tăng cường kiểm tra và giám sát thị trường tài chính, nâng cấp cơ quan thực hiện nhiệm vụ này là Hội đồng Ổn định tài chính (Financial Stability Board), trong đó có việc mở rộng danh sách những ngân hàng và thể chế tài chính lớn được coi là có tác động tới sự tồn vong của toàn bộ hệ thống tài chính và ngân hàng.

Cũng tại Hội nghị, các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển tiếp tục yêu cầu có được vai trò xứng đáng hơn trong các thể chế và tài chính quốc tế, đặc biệt trong IMF và WB. Các nước đang phát triển và mới nổi nhấn mạnh sự cần thiết phải kiên định cuộc cải tổ IMF và tăng trọng lực lá phiếu của họ trong IMF đồng thời, cũng nêu yêu cầu đề cử ứng cử viên của mình vào cương vị Chủ tịch WB kế nhiệm ông Robert Zoellick sẽ hết nhiệm kỳ vào tháng 4 tới. Cho tới nay, cương vị này đều do người Mỹ đảm nhiệm./.