Hội nghị thường niên lần thứ 35 của Hội đồng Quản trị Quỹ Phát triển Nông nghiệp Quốc tế (IFAD) đã khai mạc vào sáng 22-2 tại Rome, Italy.
Tham dự hội nghị (tổ chức trong 2 ngày 22 và 23-2) có Thủ tướng Italy Mario Monti, Tổng thống Rwanda Paul Kagame, lãnh đạo một số quốc gia và tổ chức quốc tế cùng đại diện của 167 nước thành viên IFAD.

Đoàn Việt Nam gồm 3 thành viên do Thứ trưởng Tài chính Trương Chí Trung dẫn đầu đã tham dự hội nghị. Chủ đề của hội nghị lần này là "Nuôi sống thế giới, bảo vệ hành tinh."

Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch IFAD, ông Kanayo F. Nwanze cho rằng việc phát triển nông thôn dài hạn là cách thức hiệu quả nhất để xóa đói giảm nghèo. Thay mặt IFAD, ông Noande cam kết sẽ đưa khoảng 90 triệu người trên thế giới thoát khỏi cảnh đói nghèo. Ngoài ra, ông đặc biệt nhấn mạnh vai trò quan trọng của các hộ nông dân sản xuất quy mô nhỏ trong việc góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và bảo đảm an ninh lương thực.

Ông Nwanze cũng hoan nghênh việc các nước thành viên đã cam kết thực hiện Đợt đóng góp ngân quỹ bổ sung lần thứ 9 cho IFAD trị giá 1,5 tỷ USD (tăng 25% so với Đợt đóng góp bổ sung lần thứ 8) để tài trợ cho các dự án nông nghiệp và phát triển nông thôn trên toàn thế giới.

Về phần mình, Thủ tướng Italy Mario Monti đã nhấn mạnh mối quan hệ giữa an ninh lương thực với an ninh toàn cầu và tương lai của hành tinh. Theo ông, một thế giới đói khổ là một thế giới bất công và không ổn định. Vì lý do này, ông kêu gọi phải đưa an ninh lương thực trở thành một ưu tiên chính trị của tất cả các nước.

Trong ngày đầu thảo luận về chủ đề "Nuôi sống thế giới, bảo vệ hành tinh," đại diện Liên đoàn Nông nghiệp Italy cho rằng cần phải xác định một chiến lược chung phù hợp để hạn chế tác động mang tính thảm hoạ do khủng hoảng lương thực gây ra và làm cho nông nghiệp thích ứng với những biến đổi khí hậu, đồng thời ủng hộ các chính sách nhằm tăng năng suất nông nghiệp ở các nước đang phát triển.

Theo Liên đoàn Nông nghiệp Italy, trước sự biến động quá mức của giá hàng hóa, tình trạng dân số gia tăng, nhu cầu lương thực lên cao ở các nước mới nổi cùng với các thảm hoạ do biến đổi khí hậu gây ra, thế giới sẽ có nguy cơ đối mặt với tình trạng thiếu lương thực thực sự, nhất là vào năm 2050 khi dân số toàn cầu dự kiến lên đến 9 tỷ người.

Quỹ Phát triển Nông nghiệp Quốc tế (IFAD) là cơ quan chuyên môn của Liên hợp quốc có trụ sở đóng tại Rome. Khởi đầu ý tưởng thành lập IFAD được nêu ra tại Hội nghị Lương thực thế giới năm 1974. Ngày 13-6-1976, Hiệp định về thành lập Quỹ được thông qua, tiếp đó tới ngày 20-12-1976 được ký chính thức và có hiệu lực từ ngày 30-11-1977.

Kể từ năm 1978 đến nay, IFAD đã đầu tư khoảng 13,7 tỷ USD dưới hình thức các khoản viện trợ và cho vay với lãi suất thấp cho các nước đang phát triển thông qua nhiều dự án, tạo điều kiện thuận lợi để khoảng 405 triệu người thoát khỏi cảnh nghèo đói.

IFAD hiện có 167 thành viên, gồm những nước thuộc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) và những nước đang phát triển. Việt Nam là thành viên của IFAD kể từ năm 1997./.