Ninh Thuận phấn đấu phát triển nhanh và bền vững theo mô hình kinh tế xanh, sạch, gắn với bảo vệ môi trường.

Nguyễn Chí Dũng Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Thuận
17:05, ngày 13-02-2012
TCCS - “Nâng cao chất lượng tăng trưởng để tăng khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, gắn tăng trưởng kinh tế với phát triển xã hội và bảo vệ môi trường để thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ kinh tế - xã hội - môi trường”. Đó là mục tiêu tổng quát trong giai đoạn 2005 - 2010 theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Thuận lần thứ XI. Những kết quả bước đầu đã và đang tạo đà cho Ninh Thuận tiếp tục phát triển kinh tế theo mô hình xanh, sạch, gắn với bảo vệ môi trường.
Năm năm nhìn lại, kinh tế - xã hội của tỉnh đã có bước chuyển biến tích cực: tốc độ tăng trưởng đạt khá và từng bước nâng cao về chất lượng, GDP bình quân tăng 10,7%/năm, cao gấp 1,27 lần so với giai đoạn 2001 - 2005. Tổng sản phẩm nội tỉnh (GDP) theo giá so sánh năm 2010 gấp 1,65 lần so với năm 2005 (riêng trong năm 2010 tăng 11,8%); GDP bình quân đầu người năm 2010 đạt 11,7 triệu đồng. Cơ cấu kinh tế bước đầu chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng, từ 20,4% năm 2005 lên 22,2% năm 2010. 

Vị thế của tỉnh từng bước được nâng lên, hình ảnh và thương hiệu mới của tỉnh đã tạo bước chuyển biến mới trong thu hút đầu tư và cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh.

Môi trường đầu tư của tỉnh được cải thiện rõ rệt, chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh nâng từ hạng trung bình thấp năm 2006 lên hạng khá năm 2010 (vị trí 41/63 tỉnh); huy động được nhiều nguồn lực cho đầu tư phát triển, trong 5 năm huy động trên 17.700 tỉ đồng, vượt 61,3% mục tiêu kế hoạch đề ra, tăng bình quân 32%/năm. Thu hút đầu tư có chuyển biến tích cực, đã có 107 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư, với tổng vốn đăng ký 20.763 tỉ đồng (17 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, với tổng vốn 5.473 tỉ đồng); quy mô đầu tư ngày càng lớn, lĩnh vực đầu tư đa dạng hơn, tập trung các lĩnh vực tỉnh có lợi thế, như năng lượng sạch, du lịch, sản xuất công nghiệp, thủy sản. Thu ngân sách nhà nước những năm gần đây tăng nhanh, bình quân tăng 26,3%/năm. (Năm 2008 đạt 434 tỉ đồng; năm 2009: 576 tỉ đồng; năm 2010: 883 tỉ đồng) và đang tạo đà tăng nhanh hơn cho những năm tới. Đã phát triển được nguồn thu mới từ dịch vụ nhập khẩu xăng dầu, năm 2009 đã thành lập và đưa vào hoạt động Chi nhánh Hải quan Ninh Thuận, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong việc lập thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa và đóng góp cho ngân sách nhà nước. 

Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được chú trọng đầu tư, huy động các nguồn vốn triển khai đầu tư nhiều công trình quy mô lớn, như tuyến đường ven biển dài 116 km từ Bình Tiên đến Cà Ná, nâng cấp quốc lộ 27 đi Đà Lạt, hệ thống thủy lợi Tân Mỹ quy mô 219 triệu mét khối, sẽ tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững trong giai đoạn tới. 

Kinh tế, xã hội miền núi có chuyển biến trên nhiều mặt, nhất là kết cấu hạ tầng thiết yếu và phát triển sản xuất, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân thông qua lồng ghép các chương trình, dự án. Công tác khuyến nông, khuyến lâm được đẩy mạnh, chuyển giao kỹ thuật sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp cho đồng bào miền núi. Đến nay các xã miền núi đã tự túc được lương thực.

Văn hóa, xã hội được quan tâm đúng mức, các mục tiêu xã hội được thực hiện tốt, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và mức hưởng thụ văn hóa cho nhân dân. Đầu tư cho giáo dục tăng hằng năm, cơ sở vật chất trường lớp, thiết bị dạy học từng bước được chuẩn hóa. Mạng lưới trường lớp được mở rộng đến các vùng, miền, đáp ứng nhu cầu học tập cho con em trong tỉnh, chấm dứt tình trạng học ca 3, lớp tạm. Công tác đào tạo được quan tâm đầu tư và có bước phát triển, đầu tư nâng cấp trường Trung cấp nghề thành trường Cao đẳng nghề; thành lập phân hiệu Trường Đại học Nông lâm Thành phố Hồ Chí Minh tại tỉnh.

Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng được cải thiện, mạng lưới y tế cơ sở được củng cố và nâng cấp, đến nay 100% số xã, phường trong tỉnh có trạm y tế, 60% số xã, phường đạt chuẩn quốc gia về y tế (năm 2005 mới đạt 12,9%). Cơ sở vật chất khám, chữa bệnh được đầu tư, triển khai xây dựng mới nhiều cơ sở khám, chữa bệnh quy mô lớn theo hướng hiện đại, triển khai đầu tư mới bệnh viện đa khoa tỉnh quy mô 500 giường, đáp ứng tốt hơn nhu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân địa phương. 

Hoạt động văn hóa, thông tin và thể dục thể thao phát triển đa dạng, tổ chức thành công nhiều sự kiện văn hóa, lễ hội lớn, góp phần quảng bá hình ảnh con người, văn hóa, thiên nhiên và môi trường Ninh Thuận. Phong trào thể dục thể thao phát triển rộng khắp, tỷ lệ người dân thường xuyên tập luyện thể dục thể thao tăng nhanh qua các năm, đạt 20% dân số, tăng 4% so với năm 2005.

Giải quyết việc làm, giảm nghèo đạt kết quả tích cực. Huy động được nhiều nguồn lực chăm lo cho người nghèo, giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 21,29% năm 2005 xuống còn 11,05% năm 2010, các chính sách an sinh xã hội được triển khai đầy đủ, kịp thời giải quyết việc làm mới trong 5 năm trên 70 ngàn lao động, bình quân mỗi năm trên 14 ngàn lao động.

Nhận thức của các cấp, các ngành và nhân dân về nhiệm vụ bảo vệ môi trường để phát triển bền vững được nâng lên; công tác quản lý môi trường có chuyển biến tích cực, các dự án đầu tư đều được thẩm định và giám sát chặt chẽ về điều kiện môi trường; môi trường ở các khu đô thị và vùng nông thôn có bước cải thiện đáng kể, tỷ lệ thu gom rác thải đô thị đạt 90%, tỷ lệ cấp nước sinh hoạt nông thôn đạt 85%; tỷ lệ hộ gia đình nông thôn có công trình hợp vệ sinh đạt 70%, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân. 

Những kết quả đạt được trên đây mới chỉ là bước đầu, Ninh Thuận vẫn còn nhiều khó khăn cần sự nỗ lực lớn của toàn Đảng bộ và nhân dân cũng như sự hỗ trợ nhiều mặt của Trung ương và các tỉnh bạn.

Nhìn tổng quát, Ninh Thuận hiện nay vẫn là tỉnh khó khăn, GDP bình quân đầu người chỉ bằng 50% so với bình quân cả nước, do xuất phát điểm nền kinh tế thấp và quy mô nhỏ, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và doanh nghiệp còn hạn chế, kết cấu hạ tầng còn yếu kém và thiếu đồng bộ, nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh. Cơ cấu kinh tế còn lạc hậu; các cân đối lớn như vốn đầu tư, thu chi ngân sách là những thách thức lớn của tỉnh. Chất lượng nguồn nhân lực thấp, đời sống nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc miền núi còn nhiều khó khăn. 

Tầm nhìn chiến lược với cách tiếp cận và tư duy mới

Để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhanh và bền vững trong giai đoạn tới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII nhằm rút ngắn khoảng cách phát triển so với các tỉnh trong khu vực và cả nước, Ninh Thuận xác định phải có những bước đi riêng, khác biệt, có tính cạnh tranh cao, với tầm nhìn chiến lược với cách tiếp cận và tư duy mới, đón nhận những giá trị mới do quá trình toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế mang lại.

Được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Ninh Thuận là tỉnh đầu tiên của cả nước mạnh dạn thuê tư vấn nước ngoài (Tập đoàn Monitor của Mỹ và Arup của Anh) lập 3 quy hoạch trọng điểm của tỉnh, trong đó Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; quy hoạch phát triển thành phố Phan Rang - Tháp Chàm và quy hoạch phát triển dải ven biển đang khẩn trương hoàn tất các thủ tục và phê duyệt trong quý III/2011. 

Mục tiêu tổng quát trong giai đoạn tới là: “Xây dựng Ninh Thuận trở thành điểm đến của Việt Nam trong tương lai, có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, có khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng, tránh thiên tai; kinh tế phát triển nhanh, bền vững theo mô hình kinh tế “xanh, sạch”; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp và dịch vụ, gắn với giải quyết các vấn đề xã hội, bảo vệ môi trường, tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; bảo đảm quốc phòng an ninh, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội”. 

Một số chỉ tiêu chính được xác định là: Tốc độ tăng trưởng GDP đạt 16% - 18%/năm. GDP bình quân đầu người năm 2015 đạt trên 25 triệu đồng (tương đương 1.400 USD), gấp 2,2 lần so với năm 2010. Tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng đạt 40%; ngành nông, lâm, thủy sản đạt 25%; các ngành dịch vụ đạt 35%. Tổng thu ngân sách trên địa bàn đến năm 2015 đạt 1.700 tỉ đồng; tỷ lệ huy động GDP vào ngân sách đến năm 2015 đạt 10%. Tốc độ tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2011 - 2015 đạt 29% - 30%/năm; giá trị kim ngạch xuất khẩu đến năm 2015 đạt 180 triệu USD. Huy động vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2011 - 2015 đạt 60 nghìn tỉ đồng. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2015 đạt 50%, trong đó đào tạo nghề đạt 33%. Chuyển dịch mạnh cơ cấu lao động, phấn đấu đến năm 2015 tỷ trọng lao động làm việc trong khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản giảm còn 37%; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng lên 28%, khu vực dịch vụ tăng lên 35%...

Để đạt được những chỉ tiêu trên, trong quá trình triển khai tỉnh sẽ phải vượt qua không ít khó khăn, đồng thời phải tạo được sự đồng thuận cao của đội ngũ cán bộ và nhân dân về quyết tâm tìm hướng đi mới trong tư duy phát triển kinh tế mà từ trước đến nay chưa có tiền lệ. Kinh nghiệm cho thấy:

- Trước hết, đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt phải có tư duy nhanh nhạy, phát hiện những điểm mạnh, điểm yếu của nền kinh tế để đề xuất, thuyết phục tạo sự thống nhất trong tập thể lãnh đạo. Khi đã thống nhất chủ trương thì kiên quyết triển khai, tranh thủ sự hỗ trợ của các bộ, ngành Trung ương, của Chính phủ và các nhà đầu tư chiến lược cả về chủ trương, cơ chế và kinh phí.

- Trong chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội các ngành, các cấp phải thật sự chủ động, tích cực, bám sát các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, cụ thể hóa kịp thời theo tình hình thực tế của từng ngành và địa phương; có chương trình, kế hoạch toàn diện nhưng phải cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm, chọn ra những khâu đột phá và chỉ đạo quyết liệt trong tổ chức thực hiện, luôn bám sát cơ sở, tăng cường công tác kiểm tra để kịp thời chỉ đạo phù hợp với đòi hỏi của thực tiễn.

- Công tác cán bộ là yếu tố hết sức quan trọng để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đề ra. Từ khâu quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng và bố trí cán bộ phải khoa học, khách quan, phát huy được năng lực của từng cán bộ, đảng viên trong từng vị trí công tác; trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan nhà nước luôn được đề cao; tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ công chức trong thực thi công vụ phải tận tụy, sáng tạo, tư duy luôn được đổi mới để đáp ứng được yêu cầu tình hình mới hội nhập quốc tế; trong phối hợp, quan hệ giữa các ngành, các cấp đồng bộ, hiệu quả, trách nhiệm cao đối với công việc là yếu tố quyết định việc thực hiện nhiệm vụ.

Các giải pháp mang tính đột phá

Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu trên, tỉnh xác định tập trung triển khai hiệu quả 3 khâu đột phá sau đây: 

Thứ nhất, tiếp tục cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh, để khai thác tốt nhất nội lực và thu hút tối đa ngoại lực cho đầu tư phát triển, với trọng tâm là đẩy mạnh cải cách hành chính, phát huy hiệu quả hoạt động Văn phòng Phát triển kinh tế (EDO) theo cơ chế “một cửa liên thông” trên lĩnh vực đầu tư, đây là mô hình mới và đầu tiên trong nước được xây dựng theo mô hình của Xin-ga-po. Các nhà đầu tư khi đến Ninh Thuận chỉ tiếp xúc với EDO để thực hiện các thủ tục đầu tư từ khâu đầu đến khâu cuối. Với cách làm mới, qua một năm hoạt động, mô hình này đã khẳng định được hiệu quả, được cộng đồng các doanh nghiệp trong và ngoài nước đồng tình, ủng hộ và đánh giá cao, chỉ số PCI của tỉnh năm 2010 tăng 7 bậc so với năm 2009. 

Thứ hai, tập trung đầu tư nâng cấp kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, tạo kết nối khai thác lợi thế của vùng để phát huy tốt nhất lợi thế kinh tế của tỉnh, trọng tâm là đẩy nhanh tiến độ hoàn thành tuyến đường ven biển; triển khai nâng cấp tuyến quốc lộ 1A đoạn từ sân bay quốc tế Cam Ranh đến Phan Rang và một số công trình trọng điểm khác; chuẩn bị tốt các điều kiện để khởi công xây dựng các nhà máy điện hạt nhân tại tỉnh theo Quyết định của Chính phủ và Nghị quyết của Quốc hội, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. 

Thứ ba, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, mục tiêu là xây dựng Ninh Thuận trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trên một số lĩnh vực tỉnh có lợi thế; tăng cường hợp tác liên kết với các trường đại học có uy tín, có thương hiệu trong và ngoài nước để đầu tư xây dựng các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực tại tỉnh.

Đồng thời ưu tiên phát triển các ngành kinh tế trụ cột của tỉnh, gồm 4 nhóm ngành cơ bản, đó là: năng lượng sạch, du lịch, nông lâm thủy sản, sản xuất chế biến và 2 nhóm ngành phụ trợ là giáo dục - đào tạo và xây dựng, kinh doanh bất động sản. Mục tiêu phát triển của 6 cụm ngành trên sẽ đóng góp 91% GDP của tỉnh và giải quyết 85% lao động vào năm 2020.

Về năng lượng, mục tiêu là xây dựng Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng sạch của cả nước, chiếm từ 5% - 8% sản lượng điện quốc gia vào năm 2020, trọng tâm là điện hạt nhân và năng lượng tái tạo; cùng với việc tập trung đầu tư 2 nhà máy điện hạt nhân quy mô công suất 4.000 MW, phát triển năng lượng tái tạo bao gồm điện gió, điện mặt trời và phát triển thủy điện. 

Ngành nông nghiệp phát triển theo hướng nâng cao giá trị sản xuất, ứng dụng những thành tựu mới nhất của công nghệ sinh học để sản xuất sản phẩm sạch, có giá trị gia tăng cao, nâng cao năng suất cây trồng, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm. 

Công nghiệp phát triển theo hướng công nghiệp sạch, tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường; tập trung phát triển các khu công nghiệp trọng điểm của tỉnh, phát triển các sản phẩm công nghiệp có lợi thế của tỉnh, tạo giá trị gia tăng cao, đồng thời kêu gọi đầu tư phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, như sản xuất phụ tùng ô-tô (Huyndai) và sản xuất, chế tạo các sản phẩm cơ khí phục vụ cho các nhà máy điện gió và điện mặt trời. Phát triển mạnh các ngành tiểu, thủ công nghiệp đặc thù của tỉnh, theo hướng xây dựng mỗi huyện, thành phố có từ 3 - 5 làng nghề, mỗi làng nghề có từ 2 - 3 sản phẩm đặc thù, nhằm tạo thương hiệu cho các làng nghề và các sản phẩm đặc thù của tỉnh. 

Tập trung phát triển các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao, là thế mạnh của tỉnh, có nhiều tiềm năng và điều kiện phát triển, trong đó xác định du lịch là ngành kinh tế trụ cột, tập trung triển khai các dự án du lịch trọng điểm, nhằm tạo sự khác biệt có tính cạnh tranh cao, như Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp ở Vĩnh Hy và Mũi Dinh, Bình Tiên với tổng vốn đầu tư được đăng ký hàng tỉ USD và các dự án du lịch cao cấp khác.

Trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, y tế, hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao cho khu vực, Ninh Thuận đang kêu gọi các dự án đầu tư thành lập trường đại học, trường đào tạo nghề đạt chuẩn quốc tế, có tính cạnh tranh cao nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao cho phát triển của tỉnh và các tỉnh trong khu vực. Tập trung triển khai các dự án xây dựng các cơ sở đào tạo, y tế đạt tiêu chuẩn quốc tế gắn với du lịch nghỉ dưỡng.

Trong lĩnh vực xây dựng và kinh doanh bất động sản, phát triển các khu đô thị hiện đại: Phát triển ngành xây dựng trở thành ngành kinh tế mạnh, hình thành thị trường bất động sản có sức cạnh tranh cao và xây dựng môi trường sống tốt, theo hướng phát triển các khu đô thị, chung cư cao cấp cho người có thu nhập cao, xây dựng tòa nhà cao ốc phục vụ cho các chuyên gia, các tập đoàn kinh tế lớn đến sinh sống và làm việc tại tỉnh.

Phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường, tập trung triển khai cuộc vận động “Chung tay xây dựng Ninh Thuận xanh và sạch”, thân thiện với môi trường, tăng cường khả năng phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu. 

Với tư duy phát triển mới, hy vọng trong tương lai gần Ninh Thuận sẽ có sự đổi thay mạnh mẽ, tự tin cùng cả nước thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội XI của Đảng đã đề ra./.