Vì khó buộc phải khôn

Quách Quỳnh
18:18, ngày 10-02-2012

TCCSĐT - NATO lại một lần nữa “luẩn quẩn” và sa đà trong cuộc tranh luận về chiến lược chung cho tương lai. Chiến lược ấy, hay nói đúng hơn là những điều chỉnh mới từ chiến lược cũ, được NATO dự định thông qua tại Hội nghị cấp cao dự kiến tổ chức ở Chicago (Mỹ) vào tháng 5 tới. Việc điều chỉnh này đã trở nên cần thiết vì bối cảnh hiện nay đã có nhiều thay đổi đối với NATO.

Vấn đề lớn đối với tất cả các thành viên NATO là khó khăn về tài chính đã khiến ngân sách quốc phòng của tổ chức này gần như chỉ giảm chứ không tăng so với trước. Tiết kiệm chi tiêu, cắt, giảm thâm hụt ngân sách và xử lý vấn đề nợ công đã làm cho dẫu có muốn, các thành viên NATO cũng không thể gia tăng tiềm lực quân sự của NATO bằng cách tăng chi phí quốc phòng.

NATO phụ thuộc rất đáng kể vào Mỹ, song nhu cầu giảm thâm hụt ngân sách và kiềm chế vay nợ công ở Mỹ hiện nay còn cấp thiết hơn nhiều so với ở các thành viên khác của NATO. Nước Mỹ lại sắp có bầu cử tổng thống, vì thế xu thế hướng nội sẽ nhiều hơn hướng ngoại.

Chính phủ Mỹ mới rồi đã tuyên cáo chủ định coi trọng và ưu tiên nhiều hơn trước cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Những cuộc chiến tranh mà Mỹ và NATO tiến hành ở bên ngoài đã hoặc đều đang đi vào hồi kết. Khả năng tài chính bị hạn chế. Các chiến dịch quân sự ở bên ngoài dần kết thúc. Những nguy cơ và các thách thức an ninh mới từ đó đang được định hình. Sự bất đồng quan điểm trong nội bộ NATO đã được bộc lộ ngày càng sâu sắc về những định hướng chiến lược và chia xẻ gánh nặng tài chính trong thời gian tới đang làm NATO thay đổi về nhiều phương diện.

Giải pháp được NATO đưa ra trong tình cảnh này được đặt tên là "Phòng thủ thông minh" (smart defence). Triết lý ẩn sau giải pháp này là một khi không thể làm được nhiều hơn từ nguồn tài chính ít thì phải chuyển sang sử dụng tốt hơn nguồn tài chính hạn hẹp đó.

Phòng thủ thông minh có nghĩa là kết hợp khả năng và ưu thế của tất cả các thành viên NATO để tạo ra hiệu ứng cộng hưởng và tác dụng tổng hợp, cùng nhau vũ trang và sử dụng thiết bị quân sự, liên kết quân đội và mở rộng quan hệ đối tác an ninh trên phạm vi toàn cầu. Đó cũng là cách NATO tiếp tục ràng buộc và dựa cậy vào Mỹ; đồng thời, giúp Mỹ buộc các thành viên khác trong NATO đảm nhận chi phí nhiều hơn bởi phòng thủ thông minh không có nghĩa là không tốn kém gì đối với NATO.

Nghe thì hay và có lý đối với NATO, nhưng thực hiện cụ thể thì sẽ không dễ dàng và xuôn xẻ như thế. Lợi ích riêng của thành viên này hay thành viên khác trong NATO luôn đe dọa làm phá sản chiến lược chung của NATO mà mới nhất là việc Pháp và Mỹ chủ định chấm dứt sự can dự quân sự ở Afghanistan sớm hơn đã nhất trí trong NATO. Hay như việc Mỹ rút bớt quân khỏi châu Âu và tăng cường hiện diện quân sự ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng làm nội bộ NATO bị phân rẽ. Phòng thủ thông minh vì thế chỉ có thể được xem là giải pháp tình thế hơn là chiến lược lâu dài của NATO./.