TCCSĐT - Ngày 23-1 vừa qua, Liên minh châu Âu (EU) đã phê chuẩn nghị quyết trừng phạt thương mại toàn diện chống Iran. Với hành động trừng phạt đó, các nước EU đã thể hiện rõ thái độ ủng hộ Mỹ trong việc ngăn cấm Teheran thực hiện chương trình hạt nhân. Thế nhưng, trên thực tế, họ cũng sẽ phải chịu hậu quả ngược lại.
Mấy thập kỷ gần đây, Iran đã nhiều lần bị trừng phạt kinh tế. Cựu Tổng thống Mỹ R. Reagan từng cấm nhập khẩu hàng hóa Iran vào Hoa Kỳ. Còn cựu Tổng thống Mỹ B. Clinton lại đi xa hơn nữa, năm 1995 đã đình chỉ mọi quan hệ kinh tế giữa hai nước. Hơn thế, ông còn ra lệnh trừng phạt tất cả những công ty nước ngoài nào buôn bán với Iran. Thời gian gần đây, mặc dù có nới lỏng đôi chút, nhưng thực chất, các nguyên tắc quan hệ thương mại giữa Mỹ với Iran vẫn không có gì thay đổi.

Khác với Mỹ, các nước EU chưa bao giờ thực hiện một đường lối cứng rắn đối với Iran. Các mối quan hệ buôn bán và hợp tác khoa học - kỹ thuật giữa đất nước Hồi giáo này với các nước châu Âu, đặc biệt là với Pháp và Cộng hòa liên bang Đức, vẫn được duy trì trong những năm đầu sau cuộc Cách mạng Hồi giáo ở Iran (năm 1979) và trong suốt thời gian chiến tranh Iran - Iraq. Thế nhưng, từ những năm 2000, sau khi Iran tiến hành chương trình hạt nhân, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc quyết định trừng phạt Iran, thì các nước EU đã hạn chế cung cấp cho Iran các sản phẩm công nghệ liên quan tới tên lửa đạn đạo.

 
Bây giờ các nước EU đã thống nhất với Mỹ trừng phạt thương mại toàn diện chống Iran. Họ chỉ duy trì một hành lang hẹp buôn bán với quốc gia Nam Á này đến hết tháng 6-2012. Từ ngày 1-7-2012, mọi quan hệ thương mại giữa EU với Tehran sẽ đóng băng. Ai cũng hiểu mục tiêu của cuộc trừng phạt là gây áp lực kinh tế, để buộc Tehran phải từ bỏ chương trình hạt nhân. Các nhà cầm quyền Mỹ và EU cho rằng, nếu không bán được dầu lửa và khí đốt, kinh tế của Iran sẽ sụp đổ hoàn toàn, không có cơ hội thực hiện chương trình hạt nhân.

Người chịu thiệt

Với quyết định như vậy của EU, quả thực Iran sẽ khốn đốn. Nguồn thu nhập chính của quốc gia Hồi giáo này là xuất khẩu dầu lửa; gần 90% kim ngạch xuất khẩu trông chờ vào tài nguyên hydrocarbon, các mặt hàng khác không đáng là bao. Hiện giờ nền kinh tế và hệ thống tài chính của Iran đã hết sức khó khăn, cho dù nghị quyết cấm vận của EU còn gần nửa năm nữa mới có hiệu lực. Chỉ trong vòng 3 ngày đầu, sau khi EU phê chuẩn nghị quyết cấm vận, giá trị đồng Rial (tiền Iran) đã giảm 20%. Ngoại tệ ở đất nước này không dễ mua, bởi từ lâu chính quyền đã cấm ngặt; ngoài chợ đen, ngoại tệ càng trở nên nóng bỏng. Bầu không khí chính trị - xã hội tại Thủ đô Tehran và nhiều thành phố khác ở Iran trở nên căng thẳng.

Tình hình kinh tế vĩ mô của Iran rất ảm đạm. Lâu nay các nước EU mua hơn 20% dầu lửa của Iran (trong tổng lượng xuất khẩu 2.150.000 thùng/ngày). Để điều chỉnh 20% lượng dầu lửa xuất khẩu đó sang các thị trường khác, đương nhiên không dễ, không thể nhanh chóng. Thêm nữa, các hợp đồng thương mại mới với các nước khác không thể dựa trên đồng tiền chuyển đổi USD và euro. Đây cũng sẽ là một rào cản vô cùng phức tạp, khó vượt qua.

Do thu nhập giảm mạnh, áp lực bổ sung ngân sách nhà nước ngày càng thêm khó khăn, mà vốn dĩ trong nhiều năm nay đã rất thiếu. Bởi thế, có lẽ chính phủ của ông Ahmadinejad sẽ buộc phải trì hoãn chương trình tăng giá sản phẩm dầu lửa đối với người dân. Trước đây, Tehran dự định sẽ trợ cấp bằng tiền ngân sách nhà nước cho người dân để bù đắp việc tăng giá xăng. Nhưng nay không có tiền, mọi khoản chi công, cũng như nhu cầu chi tiêu của người dân chỉ còn cách “cắn răng chịu đựng!”.

Tuy nhiên, khó khăn dù chồng chất như vậy, song cũng không thể đe dọa nền kinh tế Iran sụp đổ. Dòng ngoại tệ từ xuất khẩu dầu lửa và khí đốt bị thu nhỏ lại, nhưng vẫn còn nhiều nguồn khác tiếp tục chảy vào Iran. Những con “suối ngầm”, và cũng có thể là cả những dòng “sông ngầm ngoại tệ” vẫn đổ vào Tehran từ những nguồn buôn lậu - từ ma túy, vũ khí… đến những phương tiện khoa học - kỹ thuật, công nghệ tiên tiến. Các khoản thu nhập của giới thân cận với Tổng thống Ahmadinejad, các quan chức cao cấp và quân đội trung thành với chế độ Cách mạng Hồi giáo vẫn rất cao. Đương nhiên, nhân dân Iran là người phải hứng chịu hậu quả nặng nề nhất của các cuộc trừng phạt quốc tế.

Thế nhưng, chính các nước tham gia trừng phạt Tehran cũng phải chịu những tổn thất không nhỏ. Trước hết, đấy là các nước Nam Âu như Italia, Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha…, mà hiện nay họ cũng đang phải chịu sức ép rất nặng nề từ cuộc khủng hoảng nợ công chồng chất. Đó là những nước EU tiêu dùng dầu lửa lớn nhất của Iran. Thực hiện nghị quyết cấm vận dầu lửa chống Iran, các nước này phải chịu thiệt hại kép. Thứ nhất, phải chịu mức tăng giá chung, mà hiện đã lên tới 110 USD/thùng. Và cũng không loại trừ khả năng còn tiếp tục tăng hơn nữa. Thứ hai, đang dùng dầu lửa của Iran - một loại nhiên liệu đặc biệt với những tiêu chuẩn về thành phần hóa học rất cụ thể - nay thay đổi bằng nguồn dầu lửa khác, đương nhiên phải có những điều chỉnh sao cho thích ứng. Rõ ràng, phải chi thêm tiền. Về mặt này, người Italia và Hy Lạp phải chịu sức ép nặng nề nhất.

Người hưởng lợi 

Nghị quyết cấm vận của EU rõ ràng là sẽ đem lại lợi ích cho các nước xuất khẩu dầu lửa khác, cũng như một số nước đang nhập dầu của Iran. Đáng chú ý hơn cả là những nước có nền kinh tế mới nổi. Trung Quốc là nước tiêu thụ dầu lửa của Iran nhiều nhất, bởi vậy, họ sẽ khai thác tối đa các mối lợi từ cuộc cấm vận này. Trong khi các nước châu Âu từ chối nhập dầu của Iran, nếu Washington cũng thành công trong việc thúc ép Nhật Bản và Hàn Quốc tham gia cấm vận chống Iran, thì Trung Quốc sẽ càng hưởng lợi lớn. Theo dự đoán của ông Mark Dubovits, chuyên gia Quỹ Bảo vệ dân chủ Mỹ, trong trường hợp này, Trung Quốc có thể sẽ mua được dầu của Iran rẻ tới 40%, trong khi giá dầu thế giới lại đang gia tăng. 

Nga cũng là nước được hưởng lợi trong cuộc cấm vận dầu lửa chống Iran. Cho đến nay, Moscow rất ổn định hưởng lợi từ tất cả các cuộc khủng hoảng chính trị ở Trung Đông, bây giờ lại có thêm cơ hội bán dầu lửa giá cao cho các nước EU. Còn một lợi thế khác cho nước Nga mà ít người biết đến, đó là vì thành phần hóa chất loại “dầu nặng” của Nga rất giống với dầu của Iran. Nếu các nước EU bị thiệt đơn, thiệt kép vì phải thay đổi dầu của Iran bằng một loại dầu có những thành phần hóa chất khác, thì chính trong vấn đề này Nga lại đang có lợi thế để mặc cả với EU. “Dầu nặng” của Nga sẽ lên ngôi trên thị trường tiêu thụ dầu châu Âu.

Công ty dầu khí BP của Anh cũng là người có thể sẽ được hưởng lợi lớn trong cuộc cấm vận chống Iran. Các chuyên gia lobbyism giàu kinh nghiệm nhất của BP đang tất bật tới Washington để cố vận động các quan chức Nhà Trắng, cũng như các nhà hoạch định luật pháp Mỹ cho phép Công ty của họ được hưởng một “ngoại lệ”. BP hợp tác với Công ty Quốc gia Iran Naftiran Intertrade đang khai thác dầu ở Shah Deniz, trên biển Caspian. Nếu các nhà vận động hành lang thành công, sẽ tạo một lỗ hổng mà qua đó, BP cùng với Naftiran Intertrade giành được siêu lợi nhuận.

Danh sách những người được hưởng lợi từ lệnh cấm vận dầu lửa chống Iran có thể còn kéo dài hơn nữa, song chỉ một điều chắc chắn, đó không bao giờ là người dân Iran./.