Nhân dịp đầu xuân Nhâm Thìn, tỉnh Yên Bái đã tổ chức Hội thi thể thao truyền thống với chủ đề “Mừng Đảng, Mừng Xuân, mừng đất nước quê hương đổi mới" năm 2012. Tham gia Hội thi lần này có 43 đoàn với gần 600 vận động viên đến từ các sở ban ngành, các huyện thị, thành phố của tỉnh Yên Bái. Các vận động viên tham dự 6 môn thi gồm: Bóng đá, Bóng bàn, Bóng chuyền, Cầu lông, Cờ tướng, Quần vợt.
Sau ba ngày tranh tài sôi nổi, kết quả: Giải nhất toàn đoàn thuộc về đoàn thành phố Yên Bái, nhì toàn đoàn thuộc về đoàn huyện Văn Chấn và ba toàn đoàn thuộc về đoàn huyện Yên Bình. 

Đây là hoạt động vừa thiết thực kỷ niệm 82 năm ngày thành lập Đảng cộng sản Việt Nam (3-2-1930 – 3-2-2012), vừa nhằm phát triển phong trào thể dục thể thao trong cán bộ thực hiện cuộc vận động "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại" và phong trào: "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá tại khu dân cư". 

* Ngày 29-1 (tức ngày 7-1 âm lịch), lễ hội Chạy lợn làng Duyên Yết, xã Hồng Thái, huyện Phú Xuyên (Hà Nội), lại tưng bừng tổ chức với sự tham dự của hàng nghìn người dân trong vùng.

Ba đội gồm toàn nam giới đại diện cho 3 khu dân cư trong làng trổ tài rước lợn và mổ tế thần. Tất cả các thao tác, nghi lễ đều thực hiện đúng với truyền thống cổ. Trong vòng vài phút, những bộ phận ngon nhất của con lợn được lấy ra, nấu chín và bày lên mâm, gồm: thủ, đuôi, tề vai (thịt vai), tề mông (thịt mông), gầu o (ức), gầu bụng, đĩa tiết và đĩa ngũ tạng (tim, gan, phổi, lá lách, cật). Đuôi được gắn vào miệng lợn với hàm ý khuyên răn người dân sống có trước, có sau, có đầu, có đuôi. Những miếng thịt cắt thật vuông vắn, kích cỡ 10 x 10 cm được bày vào đĩa tròn tượng trưng cho “trời tròn, đất vuông”. Lá mỡ chài ngoài dạ dày lợn được tráng nước nóng, phủ lên thủ lợn với ý nghĩa “nhiễu điều phủ lấy giá gươm”…

Theo tích dân gian để lại, lễ hội Chạy lợn xuất hiện ở làng Duyên Yết hàng ngàn năm nay, từ ngày Đức Cao Sơn Đại Vương trên đường dẫn quân đi giúp Hùng Vương thứ 18 đánh quân Thục nghỉ chân tại làng. Các bô lão khẩn khoản xin làm lễ khao quân. Đức Thánh đồng ý với điều kiện dân làng phải sửa soạn thật nhanh. Khi mọi người chưa kịp uống xong chén trà, các bô lão làng Duyên Yết đã dâng lên Đức Thánh mâm lễ làm từ con lợn đang sống. Thấy được thành ý của người dân, Đức Thánh truyền dừng chân, thụ lễ. 

Sau một thời gian mai một, lễ hội Chạy lợn mới được phục dựng và định kỳ 5 năm tổ chức một lần. Tuy nhiên, từ năm 2009 đến nay, lễ hội tiếp tục được tổ chức mừng sự kiện Duyên Yết là làng đầu tiên của Hà Nội được đón nhận Huân chương Lao động hạng ba với thành tích xuất sắc trong phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa". 

* Năm nay, ở Thừa Thiên - Huế, Tết tương đối no ấm đối với các cơ sở nuôi dạy trẻ em đường phố, bởi có rất nhiều nhà hảo tâm chung tay giúp đỡ thực hiện chương trình "Xuân yêu thương 2012". 

Đoàn trường Đại học Sư phạm Huế phối hợp với Công ty trách nhiệm hữu hạn Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Đăng Tuấn tổ chức chương trình vui chơi với nội dung "Xuân yêu thương 2012", trao 100 phong bì lì xì cho các em học sinh ở các lớp tình thương trị giá 10 triệu đồng. Doanh nghiệp tư nhân Thành Lợi tổ chức đi thăm trao quà tặng các Trung tâm bảo trợ trẻ em ở huyện Phú Vang và thành phố Huế. Cơ sở nuôi dạy trẻ em đường phố Chi Lăng tạo mọi điều kiện tốt nhất cho các em, tạo nên không khí Xuân đầm ấm như trong một gia đình. 
Nhiều độc giả của mạng Netcodo thuộc Viễn thông Thừa Thiên - Huế tặng các em 15 chiếc chăn, quần áo đồng phục, cặp sách kèm 10 tập vở cùng các dụng cụ học tập khác... Cơ sở nuôi dạy trẻ em đường phố Chi Lăng hiện đang nuôi dạy 18 em có hoàn cảnh rất đặc biệt. Các em đều được nuôi dưỡng, chăm sóc và được tạo mọi điều kiện tốt nhất trong việc học văn hóa và học nghề. 

Hội bảo vệ quyền trẻ em tỉnh Thừa Thiên - Huế đang tìm kiếm nguồn tài trợ để giúp đỡ Nhà bảo trợ trẻ em nghèo hiếu học Phú Thượng - một cơ sở còn gặp nhiều khó khăn, cơ sở vật chất còn thiếu thốn, địa điểm phải thuê nhà và đất của người dân. Hiện nay Nhà bảo trợ đang nuôi ăn học cho 40 em từ lớp 6 đến lớp 9./.