Quảng Trị phấn đấu thực hiện vượt mức các chỉ tiêu nghị quyết đại hội đảng bộ tỉnh lần thứ XIV
TCCS - Trên cơ sở kết quả và những bài học kinh nghiệm rút ra sau hơn 4 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, Đảng bộ và nhân dân Quảng Trị quyết tâm phấn đấu cuối năm 2010, đạt và vượt tất cả các chỉ tiêu do Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đề ra, lập thành tích thiết thực chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng.
Hơn bốn năm qua, tuy phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do yếu kém nội tại của nền kinh tế; thiên tai, dịch bệnh; diễn biến phức tạp của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới... nhưng với truyền thống cách mạng kiên cường, tinh thần chủ động, sáng tạo, Đảng bộ và nhân dân Quảng Trị đã nỗ lực vươn lên, tập trung khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế, tạo nên những chuyển biến tích cực, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực; đạt và vượt được một số chỉ tiêu quan trọng do Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đề ra.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2005 - 2009 đạt gần 10,6% (dự ước cho cả giai đoạn 5 năm 2005 - 2010 là 10,8%). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng công nghiệp - dịch vụ. Công nghiệp và xây dựng chiếm tỷ trọng 37,5% trong GDP; dịch vụ chiếm 35,1%; nông - lâm - ngư nghiệp chiếm 27,4%. Trong từng ngành kinh tế cũng có sự chuyển dịch cơ cấu sản xuất theo hướng tăng hàm lượng sử dụng công nghệ mới, các ngành có giá trị gia tăng cao, gắn sản xuất với thị trường. GDP bình quân đầu người năm 2009 đạt 13,7 triệu đồng (vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XIV của Đảng bộ tỉnh đề ra). Thu ngân sách trên địa bàn tỉnh đạt 810,4 tỉ đồng (chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XIV là 600 tỉ đồng).
Nông nghiệp phát triển theo hướng toàn diện và bền vững. Cơ cấu kinh tế nông nghiệp và nông thôn chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa. Tỉnh đã đầu tư mở rộng được một số vùng cây chuyên canh gắn với công nghiệp chế biến. Đến nay, toàn tỉnh đã trồng được 15.000 ha cao su; 5000 ha cà-phê và trên 10.000 ha sắn nguyên liệu... bảo đảm nguồn nguyên liệu cho các nhà máy chế biến trên địa bàn. Tổng sản lượng lương thực có hạt bình quân hằng năm đạt 22,05 vạn tấn, vượt chỉ tiêu bình quân do Nghị quyết Đại hội đề ra. Công tác trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng được đầu tư thích đáng, nâng độ che phủ rừng từ 38,8% năm 2005 lên 46,5% năm 2009 (vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XIV đề ra). Nuôi trồng thủy sản đang dần trở thành ngành kinh tế mạnh của tỉnh. Tổng sản lượng nuôi trồng và đánh bắt thủy sản năm sau cao hơn năm trước. Là một địa phương có nhiều diện tích phù hợp cho nuôi tôm công nghiệp, tỉnh đã có nhiều chủ trương, tạo điều kiện thuận lợi để người dân phát triển nuôi trồng thủy sản. Nghề nuôi tôm trên cát đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều hộ gia đình, cải thiện đáng kể đời sống người dân vùng cát bãi ngang và ven biển.
Công nghiệp - xây dựng tăng trưởng khá. Giá trị công nghiệp - tiểu, thủ công nghiệp giai đoạn 2005 - 2009 tăng bình quân 20,6%. Các ngành sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến nông - lâm - thủy sản tiếp tục đóng góp chủ yếu vào giá trị ngành công nghiệp. Nhiều công trình đầu tư trọng điểm của tỉnh như: quảng trường và nhà văn hóa trung tâm tỉnh đang được đẩy nhanh tiến độ; nhà máy xi-măng công suất 60 vạn tấn/năm, nhà máy bia Hà Hội - Quảng Trị công suất 15 triệu lít/năm, nhà máy may Phong Phú đã được khởi công xây dựng... Một số công trình khác như: nhà máy thủy lợi - thủy điện Quảng Trị, nhà máy may Hòa Thọ - Đông Hà, nhà máy sản xuất gỗ MDF... đã đi vào hoạt động, đóng góp tích cực cho ngân sách và giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương. Khu kinh tế Đông - Nam của tỉnh và cảng biển Mỹ Thủy đã được Chính phủ đồng ý bổ sung vào quy hoạch phát triển các khu kinh tế biển của cả nước. Trên cơ sở đó, tỉnh đang tập trung lập quy hoạch xây dựng và kêu gọi đầu tư vào khu kinh tế Đông - Nam, các khu công nghiệp của tỉnh, khu kinh tế - thương mại đặc biệt Lao Bảo, xem đây là một quyết sách lớn, có tính đột phá, nhằm thực hiện định hướng đưa Quảng Trị tham gia kết nối vào chuỗi giá trị gia tăng liên hoàn của hành lang kinh tế Đông - Tây.
Thương mại - dịch vụ và du lịch phát triển đa dạng, ngày càng trở thành ngành kinh tế có vai trò là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Quảng Trị có lợi thế đặc thù về du lịch hoài niệm, thăm chiến trường xưa và đồng đội, du lịch sinh thái biển nên tỉnh đã có nhiều chủ trương để tiếp tục giữ gìn, bảo tồn và phát triển tiềm năng này. Cùng với việc hoàn thành quy hoạch và triển khai các dự án đầu tư phát triển thương mại - dịch vụ - du lịch, tỉnh đang tiếp tục đẩy mạnh đầu tư xây dựng để Đông Hà và Lao Bảo thực sự trở thành những trung tâm thương mại lớn của khu vực, đón đầu chiến lược phát triển hành lang kinh tế Đông - Tây.
Hơn bốn năm qua, nhờ phát huy lợi thế, khai thác tiềm năng, huy động tối đa mọi nguồn lực; tích cực phát triển, khuyến khích và khai thác tốt các nguồn thu, nên thu ngân sách trên địa bàn và huy động vốn đầu tư phát triển tăng nhanh. Đây là yếu tố quan trọng tạo điều kiện cho nền kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển ổn định và bền vững. Nếu như năm 2006 tổng thu ngân sách là 515,5 tỉ đồng thì năm 2009 tăng lên 810,4 tỉ đồng, trong đó thu nội địa đạt 562,439 tỉ (chỉ tiêu của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV về thu ngân sách đạt từ 550 tỉ đến 600 tỉ đồng). Tổng mức đầu tư toàn xã hội trong bốn năm 2005 - 2009 đạt trên 12.000 tỉ đồng (chỉ tiêu đề ra cho cả 5 năm là 12.000 tỉ đồng).
Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng những năm gần đây, bằng nội lực của mình và sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh đã có sự phát triển khá và tương đối đồng bộ. Nổi bật là mạng lưới giao thông trong tỉnh được cải thiện đáng kể. Đến nay, 100% số xã có đường ô-tô đến trung tâm.
Các lĩnh vực văn hóa - xã hội có những chuyển biến tiến bộ. Chất lượng dạy và học từng bước được nâng cao. Cơ sở vật chất trường học phát triển nhanh. Phong trào xã hội hóa giáo dục được đẩy mạnh. Các chế độ, chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với học sinh nghèo, học sinh con em đồng bào dân tộc thiểu số, học sinh vùng đặc biệt khó khăn, vùng bị thiên tai được chú trọng thực hiện.
Công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm. Cơ sở vật chất và mạng lưới y tế được mở rộng. Hoạt động văn hóa, văn nghệ phong phú, sôi nổi; nhiều lễ hội cách mạng, lễ hội văn hóa truyền thống cùng với nhiều hoạt động chính trị, văn hóa khác được tổ chức chu đáo, hình ảnh về con người và mảnh đất Quảng Trị kiên cường, thủy chung được tôn vinh và quảng bá, để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng bạn bè trong nước và quốc tế.
Công tác xóa đói, giảm nghèo, thực hiện các chính sách xã hội đạt nhiều kết quả tốt. Đời sống của các tầng lớp nhân dân từng bước ổn định. Đến cuối năm 2009, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 13,7% (vượt chỉ tiêu Đại hội XIV đề ra). Tạo việc làm mới hằng năm đạt khoảng 7.500 - 8.000 lao động (đạt chỉ tiêu Đại hội XIV). Các chính sách đối với gia đình liệt sĩ, thương binh, người có công với nước, các hoạt động nhân đạo, từ thiện... được quan tâm và đang trở thành nếp sống đẹp, mang tính nhân văn sâu sắc, được các tầng lớp nhân dân đồng tình hưởng ứng.
Quốc phòng - an ninh được tăng cường, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân được củng cố vững chắc; an ninh chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Công tác xây dựng Đảng được tập trung xây dựng vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức, nhất là nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Hệ thống chính trị các cấp được xây dựng, củng cố ngày càng vững mạnh; năng lực tổ chức, quản lý điều hành của các cấp chính quyền được nâng lên, phát huy tốt quyền làm chủ của nhân dân và tạo sự đồng thuận cao trong xã hội.
Từ thực tiễn hoạt động trong những năm qua, Quảng Trị rút ra bài học kinh nghiệm sau:
Thứ nhất, quán triệt sâu sắc, vận dụng sáng tạo đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào hoàn cảnh cụ thể địa phương; xây dựng các chương trình, kế hoạch hành động có tính khả thi cao, từ đó khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế.
Thứ hai, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân, huy động có hiệu quả mọi nguồn lực; tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo và giúp đỡ của Trung ương; tăng cường liên kết, hợp tác toàn diện với các tỉnh bạn và hợp tác quốc tế, tạo tiền đề để phát triển.
Thứ ba, trong điều kiện nguồn lực hạn hẹp, cần xác định rõ những vấn đề trọng tâm, vùng trọng điểm để tập trung các nguồn lực phát triển. Vận dụng các chủ trương, cơ chế chính sách của Đảng và Nhà nước để tập trung chỉ đạo cải thiện môi trường đầu tư, khai thác tốt tiềm năng và huy động các nguồn lực của các thành phần kinh tế; xây dựng những đề án thực sự có tác dụng phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ đời sống nhân dân.
Thứ tư, gắn tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, coi đây là động lực của sự phát triển toàn diện, vững chắc.
Thứ năm, tăng cường sự đoàn kết thống nhất trong nội bộ Đảng; sự quản lý điều hành có hiệu lực, hiệu quả của chính quyền các cấp; sự phối hợp chặt chẽ trong hành động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể nhân dân; xây dựng khối đại đoàn kết trong Đảng bộ, từ tỉnh đến cơ sở, tạo sự nhất trí cao giữa ý Đảng và lòng dân.
Những thành quả trên tuy khả quan, nhưng xét về tổng thể vẫn còn nhiều vấn đề trăn trở: Quảng Trị vẫn đang là một tỉnh nghèo, quy mô nền kinh tế nhỏ bé, chất lượng tăng trưởng chưa cao, thiếu bền vững; tích lũy từ nội bộ nền kinh tế thấp; cân đối ngân sách còn gặp khó khăn, phụ thuộc nhiều vào sự hỗ trợ của Trung ương. Thu nhập bình quân đầu người còn thấp so với bình quân chung của cả nước. Kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu của sự phát triển. Nguồn lực phát triển chưa được khai thác đầy đủ. Văn hóa, xã hội còn một số mặt chưa được giải quyết tốt... Ngoài những hạn chế nội tại của nền kinh tế, những tác động tiêu cực của suy thoái kinh tế, thiên tai, dịch bệnh, những âm mưu "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch... là những khó khăn, thách thức lớn nhất cho năm cuối nhiệm kỳ, cũng như việc định hướng phát triển cho những năm tiếp theo của nhiệm kỳ 2010 - 2015.
Năm 2010 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, năm cuối thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, năm tiến hành Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV. Phát huy truyền thống tốt đẹp cùng những thành tựu đạt được, Quảng Trị tiếp tục tập trung mọi nguồn lực thúc đẩy kinh tế tăng trưởng nhanh và bền vững, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về sức cạnh tranh và hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các thành phần kinh tế. Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng; chủ động khai thác các lợi thế hiện có; tranh thủ đón đầu các cơ hội đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Bảo đảm an sinh xã hội, đẩy mạnh công tác xóa đói, giảm nghèo và giải quyết các vấn đề xã hội. Quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường. Tập trung xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, nhất là ở cơ sở trong sạch, vững mạnh; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp; đẩy mạnh cải cách hành chính, phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng an ninh và trật tự, an toàn xã hội...
Với sự nỗ lực vượt khó, vươn lên của Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh cùng với sự quan tâm hỗ trợ tích cực của Trung ương và các địa phương bạn, nhất định Quảng Trị sẽ đạt và vượt các chỉ tiêu mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đã đề ra./.
Tăng cường phòng, chống tham nhũng hiệu quả hơn nữa, vì sự phát triển bền vững của đất nước  (15/06/2010)
Việt Nam được kỳ vọng tại Hội nghị về TPP  (15/06/2010)
Năm 2011 lấy lại đà tăng trưởng của nền kinh tế  (15/06/2010)
Thông cáo số 20, kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khoá XII  (15/06/2010)
Giới thiệu chính sách mới số 203  (15/06/2010)
- Quảng Ngãi phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trọng tâm là xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
- Đóng góp của phụ nữ Việt Nam qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới
- Một số nội dung chủ yếu trong đường lối, chủ trương của Đảng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa liên quan đến chuyển đổi công nghiệp
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên