Việt Nam đề xuất tăng vai trò trung tâm của ASEAN
- Xin Bộ trưởng cho biết ý nghĩa, trọng tâm chính của Hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM Retreat) tại Siem Reap lần này?
Bộ trưởng Phạm Bình Minh: Đây là hội nghị khởi đầu Năm Chủ tịch ASEAN 2012 của Campuchia, là dịp để các Ngoại trưởng bàn bạc, xây dựng kế hoạch và định hướng công tác cho cả năm 2012 theo chủ đề được Campuchia đề xuất: “ASEAN: một Cộng đồng, một Vận mệnh”.
Trên cơ sở đó, Hội nghị lần này đã bàn phương hướng nhằm phát huy các kết quả đạt được trong năm 2010 và 2011 và tiếp tục đẩy mạnh triển khai hiệu quả các ưu tiên của ASEAN, nhất là về tăng cường đoàn kết, xây dựng cộng đồng, liên kết, kết nối và tăng cường quan hệ với các đối tác, nâng cao vai trò trung tâm trong cấu trúc khu vực, cũng như chủ động, tích cực hợp tác nhằm ứng phó hiệu quả với các thách thức đang đặt ra.
- Xin Bộ trưởng cho biết những kết quả chính đạt được tại Hội nghị?
Bộ trưởng Phạm Bình Minh: Theo chương trình nêu trên, các Bộ trưởng đã có các cuộc trao đổi thẳng thắn, cởi mở về nhiều vấn đề chiến lược đang đặt ra với ASEAN, và đã đạt được nhiều nhận thức chung quan trọng.
Thứ nhất, về xây dựng Cộng đồng, các Bộ trưởng nhất trí trên cơ sở phát huy những thành quả đã đạt được trong các năm 2010 và 2011, ASEAN cần đẩy mạnh thực hiện Lộ trình xây dựng Cộng đồng, tăng cường liên kết đi đôi với thu hẹp khoảng cách phát triển. Cùng với việc nâng cao hiệu quả thực thi, củng cố thể chế, ASEAN cần phải chú trọng yêu cầu bảo đảm phát triển bền vững, xây dựng Cộng đồng hướng tới người dân, ứng phó hiệu quả với các thách thức như thiên tai, dịch bệnh, an ninh năng lượng, lương thực, an ninh biển.
Thứ hai, trong quan hệ đối ngoại, các Bộ trưởng nhất trí cần tăng cường quan hệ hợp tác với các đối tác, tranh thủ sự giúp đỡ hiệu quả của các đối tác về xây dựng Cộng đồng ASEAN; khuyến khích các nước lớn tham gia, đóng góp xây dựng cho hòa bình, an ninh và phát triển ở khu vực, cũng như ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong khuôn khổ cấu trúc hợp tác khu vực đang định hình, với ASEAN giữ vai trò trung tâm.
Thứ ba, về hòa bình, an ninh khu vực, các Bộ trưởng nhất trí tiếp tục tăng cường, phát huy hiệu quả các công cụ, cơ chế hợp tác vì hòa bình, an ninh khu vực như Hiệp ước thân thiện và hợp tác ở Đông Nam Á (TAC), Hiệp ước về khu vực Đông Nam Á phi vũ khí hạt nhân (SEANWFZ), Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+); nhất trí, trên cơ sở thỏa thuận đạt được tháng 11-2011, ASEAN sẽ tiếp tục thúc đẩy năm cường quốc có vũ khí hạt nhân sớm tham gia Nghị định thư của Hiệp ước SEANWFZ.
Thứ tư, trao đổi về tình hình quốc tế và khu vực, các Bộ trưởng đã chia sẻ ý kiến về những phát triển gần đây ở Myanmar, bán đảo Triều Tiên, Trung Đông, Biển Đông... Các Bộ trưởng hoan nghênh những tiến triển tích cực tại Myanmar trong thực hiện lộ trình dân chủ hóa, hòa hợp dân tộc và phát triển đất nước; ủng hộ Myanmar làm Chủ tịch ASEAN năm 2014.
Về bán đảo Triều Tiên, các Bộ trưởng khẳng định lại lập trường về hòa bình và phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, ủng hộ sớm nối lại đàm phán sáu bên. Về vấn đề Biển Đông, các Bộ trưởng khẳng định lập trường chung của ASEAN, nhấn mạnh đến hòa bình, ổn định và an ninh ở Biển Đông, trong đó có an ninh và an toàn hàng hải; các bên liên quan cần giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), thực hiện đầy đủ DOC, sớm xây dựng một bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
- Xin Bộ trưởng cho biết sự tham gia và đóng góp của Việt Nam tại Hội nghị lần này?
Bộ trưởng Phạm Bình Minh: Triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XI về chủ động hội nhập quốc tế, tham gia hợp tác ASEAN với phương châm “tích cực, chủ động và có trách nhiệm,” tại Hội nghị lần này Việt Nam đã tham gia tích cực và có nhiều đóng góp quan trọng.
Tại các phiên họp, Việt Nam đã phát biểu đóng góp vào các vấn đề thuộc quan tâm chung của Hội nghị, đề xuất nhiều phương hướng, biện pháp thúc đẩy triển khai cụ thể và được các nước đánh giá cao, trong đó có xây dựng cộng đồng, tăng cường đoàn kết, liên kết và kết nối ASEAN, nâng cao vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực, tăng cường hợp tác vì hòa bình, ổn định ở khu vực và ứng phó với các thách thức chung đang nổi lên.
Về xây dựng cộng đồng, Việt Nam đã đề nghị ASEAN cần nỗ lực triển khai hiệu quả Lộ trình xây dựng cộng đồng tới năm 2015 thông qua nâng cao hiệu quả công tác điều phối, giám sát thực thi cũng như lồng ghép các ưu tiên, trọng tâm của ASEAN vào chương trình phát triển quốc gia.
Về liên kết và Kết nối ASEAN, Việt Nam đề nghị ASEAN tiếp tục nỗ lực thực hiện Kế hoạch công tác thực hiện Sáng kiến Liên kết ASEAN giai đoạn hai và Kế hoạch tổng thể Kết nối ASEAN, trong đó chú trọng vấn đề huy động đủ nguồn lực, tạo nền tảng vững chắc cho một Cộng đồng thịnh vượng, phát triển bền vững và đồng đều; hợp tác thu hẹp khoảng cách phát triển cần hướng vào đáp ứng các yêu cầu thiết yếu của các nước CLMV (gồm Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam).
Về vai trò trung tâm trong cấu trúc khu vực, Việt Nam đề nghị ASEAN cần tiếp tục tăng cường đoàn kết, giữ vai trò chủ đạo và định hướng tại các khuôn khổ, tiến trình hợp tác khu vực, khuyến khích các đối tác tham gia, đóng góp xây dựng vào hòa bình, an ninh và phát triển ở khu vực; tiếp tục phát huy vai trò và sự hỗ trợ lẫn nhau của các diễn đàn khu vực như ASEAN+1, ASEAN+3, EAS, ARF, ADMM+ vì hòa bình, an ninh và phát triển ở khu vực.
Về tình hình Biển Đông, Việt Nam nhấn mạnh lập trường chung của ASEAN về việc bảo đảm hòa bình, an ninh, an toàn và tự do hàng hải; giải quyết các tranh chấp thông qua biện pháp hòa bình; tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS, thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC, sớm xây dựng COC. ASEAN cần tiếp tục đoàn kết và chủ động, đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định ở Biển Đông; chủ động xây dựng lập trường chung về COC, thúc đẩy đối thoại với Trung Quốc để triển khai đầy đủ và hiệu quả DOC, hướng tới xây dựng COC; đồng thời cần tiếp tục tăng cường hợp tác về các vấn đề trên biển khác, trong đó có an ninh và an toàn cho các tuyến đường hàng hải, cứu hộ, cứu nạn trên biển, phòng chống cướp biển, các tội phạm trên biển... thông qua các khuôn khổ khu vực, cũng như Tuyên bố ASEAN năm 2010 về hợp tác tìm kiếm và cứu hộ người và tàu thuyền bị nạn trên biển, trên cơ sở phù hợp với luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc Luật Biển 1982./.
Thanh niên Việt-Lào tăng cường phối hợp hoạt động  (12/01/2012)
Cả nước lo Tết cho gia đình chính sách, hộ nghèo  (12/01/2012)
Đồng chí Đinh Thế Huynh làm việc và chúc Tết Ban Chỉ đạo Tây Bắc  (12/01/2012)
Chủ tịch Thượng viện Mexico thăm chính thức Việt Nam  (12/01/2012)
Thủ tướng chỉ đạo đẩy mạnh đợt trấn áp tội phạm  (12/01/2012)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển