Chiều 11-1, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về biến đổi khí hậu đã chủ trì Phiên họp lần thứ nhất của Ủy ban Quốc gia về biến đổi khí hậu. 
Dự phiên họp có Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Quốc gia; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia; lãnh đạo các bộ, ngành là ủy viên Ủy ban Quốc gia; các chuyên gia quản lý, các nhà nghiên cứu khoa học liên quan đến biến đổi khí hậu… 

Phát biểu tại Phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, biến đổi khí hậu là vấn đề toàn cầu, theo dự báo Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, đặc biệt là nước biển dâng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống của nhân dân. Do vậy, để bảo đảm cho sự phát triển bền vững của đất nước, chúng ta phải có những hành động quyết liệt, những giải pháp hiệu quả trong ứng phó với biến đổi khí hậu ngay từ bây giờ; coi việc ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng là vấn đề đại sự, mang tính sống còn, đồng thời là vấn đề vừa mang tính cấp bách, vừa mang tính lâu dài…đối với sự phát triển bền vững của đất nước. 

Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nhận thức rõ tầm quan trọng ứng phó với biến đổi khí hậu, trong những năm qua, Việt Nam đã xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó đã xây dựng Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, cập nhật kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho Việt Nam, xây dựng kế hoạch hành động quốc gia, đàm phán và vận động tài trợ quốc tế, nghiên cứu khoa học công nghệ về biến đổi khí hậu…Tuy nhiên, sự gắn kết, tính toán, đặc biệt là nguồn lực có hạn nên việc thực hiện còn nhiều hạn chế.

Trên tinh thần này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường hoàn thiện quy chế làm việc của Ủy ban Quốc gia về biến đổi khí hậu, chương trình nhiệm vụ công tác năm 2012 của Ủy ban và những năm tiếp theo. Tiếp thu hoàn thiện kế hoạch hành động quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt triển khai thực hiện, đồng thời cập nhật kịch bản biến đổi khí hậu để công bố công khai toàn dân biết. 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì thẩm định các các dự án, đề án liên quan đến đối phó về biến đổi khí hậu; phối hợp với các bộ, ngành chức năng xây dựng, ban hành các thông tư liên quan đến việc hướng dẫn, quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn phục vụ cho hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu. 

Bên cạnh đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng yêu cầu Bộ Kế hoạch - Đầu tư tiếp tục tiếp thu, sớm hoàn thiện Khung Chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các bộ, ngành chức năng cần đẩy mạnh hơn nữa hoạt động hợp tác quốc tế, vận động tài trợ quốc tế cho triển khai thực hiện các chương trình, dự án đối phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. 

Ủy ban Quốc gia về biến đổi khí hậu được thành lập ngày 9-1-2012, có chức năng tư vấn, giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc nghiên cứu, đề xuất, chỉ đạo, điều hòa, phối hợp, đôn đốc giải quyết những công tác quan trọng, mang tính liên ngành, lĩnh vực, các chương trình, chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu; chỉ đạo, điều phối thực hiện các chiến lược, chương trình quốc gia về biến đổi khí hậu… 

Báo cáo về các kết quả chính của Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu (NTP-RCC) và Chương trình hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu (SP-RCC) cho thấy, trong 2 năm vừa qua các bộ, ngành đã khẩn trương triển khai đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến các lĩnh vực quản lý, nghiên cứu, xác định các giải pháp ứng phó cho các giai đoạn ngắn hạn, trung hạn, dài hạn và xây dựng kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của bộ, ngành. 

Trên cơ sở đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổng hợp, xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về biến đổi khí hậu. Trong dự thảo Kế hoạch hành động đã xác định những nhóm nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai trong giai đoạn 2012-2020 như thích ứng với biến đổi khí hậu; chủ động ứng phó với thiên tai và nước biển dâng; bảo đảm an ninh lương thực, an ninh về nước; ưu tiên chống ngập cho các thành phố lớn; củng cố đê sông, đê biển và an toàn hồ chứa. Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện quốc gia và mục tiêu phát triển bền vững của đất nước. 

Tăng cường năng lực quản lý về biến đổi khí hậu, hoàn thiện cơ chế, chính sách và phát triển nguồn nhân lực; huy động sự tham gia của các thành phần kinh tế, phát huy vai trò của các tổ chức chính trị-xã hội-nghề nghiệp và các tổ chức phi chính phủ trong ứng phó với biến đổi khí hậu; nâng cao nhận thức cộng đồng. Triển khai các hoạt động khoa học và công nghệ làm cơ sở cho việc xây dựng chính sách về biến đổi khí hậu, đánh giá tác động, xác định các giải pháp thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm nâng cao vị thế và vai trò của Việt Nam trong các hoạt động về biến đổi khí hậu, đa dạng hóa các nguồn lực và tài chính ứng phó với biến đổi khí hậu.

Dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia đang được gửi các bộ, ngành để lấy ý kiến góp ý. Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ trình Thủ tướng Chính phủ Kế hoạch này trong quý I năm 2012. 

Tại các địa phương, đến hết năm 2011, đã có 15/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành được kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về biến đổi khí hậu đã bước đầu được triển khai ở một số địa phương. 

Đối với Chương trình hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu (SP-RCC), hiện Hội đồng liên ngành và các chuyên gia tư vấn độc lập đã thẩm định, đánh giá gần 240 dự án do các địa phương đề xuất triên cơ sở tiêu chí đánh giá dự án ưu tiên theo Chương trình SP-RCC. Kết quả có 19 dự án ưu tiên cấp bách, tập trung giải quyết các vấn đề cấp thiết, không thể trì hoãn, bảo đảm tính lồng ghép, đa mục tiêu nhằm ứng phó với các tác động do thiên tai, biến đổi khí hậu gây ra ở các địa phương, trọng tâm là các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và một số tỉnh ven biển đã được lựa chọn đề xuất với các nhóm dự án chính như xây dựng, nâng cấp các đoạn đê biển, đê sông xung yếu, kết hợp làm đường giao thông ven sông, ven biển; xây dựng, gia cố các đoạn kè đã hoặc có nguy cơ sạt lở cao, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của nhân dân; gia cố kè sông, biển kết hợp trồng, phục hồi rừng ngập mặn ven biển… 

Đánh giá chung về kết quả thực hiện các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang cho biết: các chủ trương, chính sách, cơ chế về ứng phó với biến đổi khí hậu đã được khẩn trương xây dựng, ban hành và bước đầu phát huy hiệu quả. Các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu đã được triển khai đa dạng, toàn diện từ Trung ương đến địa phương. Nhận thức của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và toàn xã hội về biến đổi khí hậu được nâng lên rõ rệt. 

Đặc biệt, thông qua các diễn đàn quốc tế về biến đổi khí hậu, vai trò và vị thế, uy tín của Việt Nam trong hoạt động biến đổi khí hậu được tăng cường; theo đó, công tác vận động tài trợ quốc tế, hợp tác quốc tế đạt được một số thuận lợi cơ bản./.