Nhân dịp kỷ niệm Ngày chiến thắng chế độ diệt chủng Pôn Pốt (7-1-1979) và Năm Hữu nghị Việt Nam - Cam-pu-chia 2012, nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu - người đã có hơn 11 năm công tác, chiến đấu, giúp đỡ nhân dân Cam-pu-chia đã dành thời gian trò chuyện với phóng viên Báo Quân đội nhân dân một số vấn đề xung quanh sự kiện này. Tạp chí Cộng sản Điện tử trân trọng giới thiệu đến bạn đọc nội dung cuộc trò chuyện trên.

Phóng viên (PV): Kính thưa đồng chí, sự kiện ngày 7-1 gợi lại cho đồng chí điều gì nhớ nhất về nhân dân Cam-pu-chia?

Nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu: Trước hết, tôi phải khẳng định lại điều này: Ba nước Việt Nam - Lào - Cam-pu-chia có lịch sử gắn bó rất lâu đời với nhau trong suốt chiều dài dựng nước và giữ nước của mỗi dân tộc. Trong chiều dài lịch sử ấy, nhân dân ba nước đã “chung lưng đấu cật” để xây dựng mỗi nước phát triển. Đặc biệt, trong nhiều giai đoạn lịch sử, ba dân tộc Việt Nam - Lào - Cam-pu-chia đều có chung một kẻ thù xâm lược. Vị trí địa lý và lịch sử đấu tranh dựng nước, giữ nước của mỗi dân tộc đã gắn kết ba nước trở nên gần gũi, thân thiện. Theo đó, quá trình chiến đấu của mỗi nước phải dựa vào nhau để chống kẻ thù chung, bảo vệ dân tộc, bảo vệ đất nước. Vì vậy, nhân dân Cam-pu-chia đối với nhân dân Việt Nam, cũng như nhân dân Cam-pu-chia đối với Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam luôn sát cánh bên nhau chống lại kẻ thù chung vì độc lập của mỗi nước, vì hạnh phúc của nhân dân và mỗi dân tộc.

Đặc biệt, trong các cuộc kháng chiến trường chinh của dân tộc Việt Nam, nhân dân Việt Nam, QĐND Việt Nam luôn được nhân dân Cam-pu-chia ủng hộ, giúp đỡ với một sự giúp đỡ vô tư, trong sáng, hết mình. Sự giúp đỡ của nhân dân Cam-pu-chia cũng giống như nhân dân Lào giúp đỡ chúng ta trong kháng chiến là điều hết sức đáng quý, đáng trân trọng. Vì thế, nhân dân Việt Nam không bao giờ quên sự giúp đỡ của nhân dân Cam-pu-chia. Cũng như nhân dân Việt Nam không bao giờ quên sự giúp đỡ của nhân dân Lào. Đó là sự tiếp nối lịch sử truyền thống của ba dân tộc Việt Nam - Lào - Cam-pu-chia. Tuy quá trình phát triển đất nước mỗi nước có đặc thù riêng, nhưng cái chung là khát vọng hòa bình và trong nhiều thời điểm có chung một kẻ thù xâm lược. Khi đã nói tới ba nước cùng chống kẻ thù chung thì không thể đặt vấn đề là ai giúp ai mà đó là trách nhiệm chung của nhân dân ba nước. Nhân dân Việt Nam giúp nhân dân Cam-pu-chia và ngược lại. Vì thế, khi QĐND Việt Nam chiến đấu, công tác trên đất Cam-pu-chia được nhân dân Cam-pu-chia coi như con em của mình. Tình cảm và sự giúp đỡ vô tư, trong sáng của nhân dân Cam-pu-chia đối với nhân dân Việt Nam, QĐND Việt Nam là điều không phải riêng tôi, mà tất cả những ai đã từng có thời gian ở Cam-pu-chia đều luôn ghi nhớ. Điều này không chỉ là sự ghi nhớ đơn thuần mà trong sâu thẳm còn là sự biết ơn nhân dân Cam-pu-chia.

PV: Thưa đồng chí! Đã hơn 30 năm trôi qua, nhưng việc quân tình nguyện Việt Nam giúp đỡ nhân dân Cam-pu-chia lật đổ chế độ diệt chủng Pôn Pốt vẫn bị các thế lực thù địch lợi dụng xuyên tạc. Vậy, theo đồng chí, sự kiện này được hiểu như thế nào cho đúng?

Nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu: Để có được cái nhìn đúng đắn, khách quan về sự kiện này, cần phải nhìn rộng hơn, xa hơn. Thực tế, trước ngày 17-4-1975, QĐND Việt Nam cũng đã giúp các lực lượng của Cam-pu-chia giải phóng đất nước. Thậm chí, lúc đó QĐND Việt Nam và các lực lượng giải phóng của Cam-pu-chia còn cùng ăn, cùng ở với nhau. Lý do để giải thích điều này như phần trên tôi đã đề cập. Phải khẳng định rằng: Đó là sự giúp đỡ hết sức vô tư, trong sáng của QĐND Việt Nam, của nhân dân Việt Nam đối với nhân dân Cam-pu-chia vì độc lập dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân Cam-pu-chia. Thời điểm đó, nhân dân Cam-pu-chia đối với QĐND Việt Nam cũng chính như nhân dân Việt Nam đối với quân đội mình. Chúng tôi cũng ở trong nhà dân, sinh hoạt cùng nhân dân, lao động cùng nhân dân, được nhân dân che chở để đánh giặc cứu nước. Nhân dân Cam-pu-chia không chỉ giúp đỡ, nuôi dưỡng, ủng hộ, mà còn hy sinh tính mạng để bảo vệ QĐND Việt Nam, nhân dân Việt Nam. Tuy nhiên, sau ngày 17-4-1975, khi đã giành được chính quyền, thì tập đoàn Pôn Pốt trở mặt, ra tay sát hại chính đồng bào mình, nhân dân mình. Điều này lúc đầu chúng ta không thể hiểu nổi và cũng chưa bao giờ dự tính tới. Bởi chính nhân dân Cam-pu-chia là những người đã sát cánh cùng các lực lượng, trong đó có cả lực lượng của Pôn Pốt, không tiếc của cải, máu xương của mình đứng lên chống kẻ thù xâm lược, giải phóng đất nước, giải phóng dân tộc. Đặc biệt, sau này khi QĐND Việt Nam theo lời gọi khẩn thiết của nhân dân Cam-pu-chia tiến công đánh đuổi Pôn Pốt, được chứng kiến những gì mà chúng gây ra cho chính nhân dân Cam-pu-chia thì hết sức ghê tởm và căm phẫn. Càng căm phẫn Pôn Pốt bao nhiêu, chúng tôi càng thương người dân Cam-pu-chia bấy nhiêu.

Tôi xin trở lại thời điểm ngày 17-4-1975 - ngày mà thủ đô Phnôm Pênh được giải phóng. Sau ngày đó, nhân dân Cam-pu-chia đang hết sức vui mừng thì Pôn Pốt thực hiện chính sách đuổi nhân dân, giết hại đồng bào mình, lập trại lính. Đặc biệt, Pôn Pốt sử dụng các hình thức giết hại nhân dân Cam-pu-chia hết sức dã man. Tiếp đó, chúng mở cuộc tiến công xâm lược trên toàn tuyến biên giới Việt Nam. Trước tình hình đó, chúng ta không thể khoanh tay đứng nhìn kẻ thù xâm lược đất nước, giết hại đồng bào ta trên dọc tuyến biên giới Việt Nam - Cam-pu-chia; đặc biệt càng không thể chấp nhận sự tàn sát dã man của Pôn Pốt đối với nhân dân Cam-pu-chia. Bởi vậy, chúng ta đã đáp trả bằng những trận phản công, đánh bật kẻ thù ra khỏi biên giới. Mặt khác, với tình cảm, trách nhiệm và những giá trị lịch sử đã được nhân dân hai nước vun đắp, tạo dựng nên trong suốt chặng đường dài, cùng lời đề nghị khẩn thiết của chính người dân Cam-pu-chia, QĐND Việt Nam đã tiến công tiêu diệt lực lượng Pôn Pốt đến sào huyệt cuối cùng. Việc làm đó không chỉ là hành động bảo vệ lãnh thổ của Tổ quốc chúng ta, mà còn là trách nhiệm của lương tri, là ý nguyện của người dân Cam-pu-chia và là hành động diệt trừ một mầm họa lớn cho nhân loại. Đó là một thực tế lịch sử không thể phủ nhận.

Sau chiến thắng 7-1-1979, nhân dân Cam-pu-chia thực sự được giải phóng. QĐND Việt Nam đã giúp đỡ nhân dân Cam-pu-chia xây dựng lại cuộc sống của mình. Một cuộc sống mới mà suốt những năm Pôn Pốt cầm quyền, họ chưa từng một ngày ăn ngon, ngủ yên. Tôi nêu một ví dụ này để minh chứng. Nhiều em bé vì đói, vì rét, vì bị thương đang kêu khóc thảm thiết, nhưng nếu nghe ai đó nhắc tới hai tiếng “Pôn Pốt” là nó im bặt. Nỗi khiếp đảm do Pôn Pốt gây ra không chỉ đối với người lớn mà còn hằn rõ trong bộ óc ngây thơ của các em nhỏ. Chúng tàn ác đến thế, sao mình lại không giúp nhân dân Cam-pu-chia trừ họa. Quả thật, trong điều kiện ấy, chỉ những ai không có lương tri; chỉ những ai không phải là “con người” mới thờ ơ khoanh tay đứng nhìn nhân dân Cam-pu-chia bị giết hại. Thật đáng xấu hổ cho những suy nghĩ bẩn thỉu và bần tiện đó.

PV: Đến nay, vẫn có ý kiến cho rằng: Thời điểm đó, chỉ cần chúng ta giúp Cam-pu-chia lật đổ chế độ Pôn Pốt là hoàn thành nghĩa vụ và không cần có một thời gian ở  lại Cam-pu-chia lâu đến thế. Vậy đồng chí có nhận xét gì về điều này?

Nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu: Nếu vẫn suy nghĩ như thế tôi cho rằng, đó là những người chỉ thấy được cái trước mắt, mà không nhìn ra cái lâu dài, cái căn bản. Ngày đó, đất nước Cam-pu-chia dưới chế độ do Pôn Pốt cai trị trở nên hết sức tan hoang, kiệt quệ về nhiều mặt. Thậm chí, khi chúng tôi có mặt ở Phnôm Pênh, nhân dân không còn một chiếc bát tử tế để dùng. Họ chủ yếu lấy vỏ quả dừa để làm bát. Đặc biệt, lực lượng cách mạng do Đảng Nhân dân Cách mạng Cam-pu-chia lãnh đạo còn hết sức non trẻ. Nếu khi đó, QĐND Việt Nam rút về ngay thì thảm họa do Pôn Pốt trút xuống đầu người dân Cam-pu-chia còn tàn bạo hơn, dã man hơn trước đó. Đặc biệt, khi đó QĐND Việt Nam không chỉ tiếp tục giúp đỡ lực lượng cách mạng truy đuổi tàn quân Pôn Pốt, mà còn trực tiếp tham gia tổ chức lại cuộc sống cho nhân dân. Nhiều loại giống cây trồng, vật nuôi, thậm chí là những công cụ lao động thô sơ nhất như cái cuốc, cái cày, con trâu… đều được đưa từ Việt Nam sang để giúp bạn. Đó là lý do vì sao mãi tận năm 1989, chúng ta mới quyết định rút toàn bộ quân tình nguyện Việt Nam từ Cam-pu-chia về nước. Và kể từ ngày đó, mối đoàn kết, gắn bó giữa hai nước, nhân dân hai nước Việt Nam - Cam-pu-chia càng trở nên mật thiết. Mối đoàn kết gắn bó đó không phải ngẫu nhiên mà có, mà nó được xây đắp bằng những giá trị của lịch sử, bằng máu xương của nhân dân và quân đội hai nước. Một sự hợp tác toàn diện, thủy chung, vô tư, trong sáng vì mục tiêu cao cả: Sự phát triển phồn vinh của mỗi nước, vì hạnh phúc của nhân dân, vì lợi ích của mỗi dân tộc. Tôi cho rằng: Dù có nói bao nhiêu cũng không hết, viết bao nhiêu cũng không đủ, lịch sử phát triển của hai dân tộc, hai nước chính là bằng chứng sinh động, cho chúng ta câu trả lời xác thực nhất. Đúng như Thủ tướng Hun Xen đã khẳng định tại lễ khánh thành Khu di tích lịch sử địa điểm thành lập Đoàn 125 vừa qua: Đó là một phần lịch sử không thể lãng quên…

PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!