TCCSĐT - Theo Bảng xếp hạng các liên minh kinh tế thế giới mới công bố của Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và kinh doanh (CEBR), Brazil đã vượt qua Anh để trở thành nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới nhờ xuất khẩu mạnh sang Trung Quốc và châu Á.

Theo một báo cáo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) công bố hồi đầu năm nay, Brazil cũng được dự báo là sẽ chiếm ngôi của Anh trong năm 2011.

Mặc dù kim ngạch xuất khẩu của Brazil sang Trung Quốc cao hơn kim ngạch nhập khẩu, các nhà sản xuất Brazil vẫn phàn nàn rằng, ngành công nghiệp của họ bị ảnh hưởng bởi hàng hóa sản xuất mậu dịch giá rẻ của các đại gia châu Á. Trong khi đó, sự sụp đổ của một số ngân hàng giàu có vào năm 2008 và cuộc khủng hoảng nợ công tiếp diễn ngay sau đó đã buộc Anh phải xuống vị trí thứ 7 trong bảng xếp hạng kinh tế thế giới năm 2011, đứng sau nền kinh tế lớn nhất Nam Mỹ là Brazil.

CEBR của Anh cũng dự đoán rằng, nhờ tốc độ tăng trưởng vượt bậc trong 10 năm tới đây, Nga và Ấn Độ sẽ đẩy Anh xuống vị trí thứ 8.

Cùng chung hoàn cảnh với hầu hết các nền kinh tế toàn cầu, Ấn Độ cũng đang phải vật lộn với tỷ lệ lạm phát cao và tăng trưởng chậm nhưng với lực lượng lao động trình độ cao và có chuyên môn giỏi trong các lĩnh vực công nghệ, kỹ thuật và dịch vụ, Ấn Độ được dự báo là sẽ lên vị trí thứ 5 trong bảng xếp hạng kinh tế thế giới. Còn Nga sẽ chiếm được vị trí thứ 4 nhờ xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt cho cả châu Âu và nhiều khu vực khác của châu Á.

Cũng theo nghiên cứu của CEBR, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Pháp sẽ giảm đến chóng mặt. Mặc dù Tổng thống Nicolas Sarkozy vẫn khẳng định, Pháp sẽ là nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới sau Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Đức nhưng theo nghiên cứu của các nhà kinh tế thuộc CEBR, đến năm 2020, Pháp thậm chí còn phải đứng ở vị trí thứ 9 sau Anh. Trong khi đó, Đức sẽ trượt xuống vị trí thứ 7.

Giám đốc của CEBR Douglas McWilliams cho biết: “Từ lâu Brazil đã đánh bại các nước châu Âu về bóng đá nhưng vượt mặt về kinh tế thì đây là một hiện tượng mới.” Theo ông D.McWilliams, “bảng xếp hạng liên minh kinh tế thế giới của CEBR cho thấy, bản đồ kinh tế đang biến đổi. Theo đó, các nước châu Á và các nền kinh tế sản xuất hàng hóa đang tăng hạng còn châu Âu lại đi xuống”.

Châu Âu được cho là đang phải hứng chịu một “thập kỷ mất mát” vì tăng trưởng chậm do khủng hoảng tín dụng. Việc cố trả các khoản nợ công trong khoảng thời gian ngắn sẽ kìm hãm tăng trưởng và cản “bước” nhiều nước trong việc lấy lại những thiệt hại về tín dụng ngân hàng trong 20 năm qua, trong đó có Anh.

Liên minh châu Âu vẫn duy trì được vị trí là khối kinh tế tập thể lớn nhất thế giới, mặc dù theo dự báo cuộc khủng hoảng nợ công ở khu vực này sẽ tác động ngược trở lại kinh tế toàn cầu. CEBR nhận định, tỷ lệ tăng trưởng của toàn thế giới sẽ giảm còn 2,5% năm 2012.

Bên cạnh đó, CEBR cũng cảnh báo rằng, có thể “một hoặc nhiều nước bị phá sản, phải rời khỏi Eurozone, các ngân hàng sẽ vỡ nợ và cần đến cứu trợ”. Viễn cảnh này sẽ làm con số tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu giảm xuống 1,1% năm 2012.

Các nước châu Âu thậm chí sẽ còn tăng chậm hơn cả năm nay, chỉ số GDP giảm 0,6% và có khả năng giảm tới 2% nếu Eurozone sụp đổ.

Theo dự báo của CEBR, kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng lạc quan hơn, ước đạt 1,8% trong năm 2012. Các nền kinh tế mới nổi mà giá cổ phiếu liên tục giảm những tháng gần đây do ảnh hưởng của khủng hoảng nợ công ở Eurozone sẽ lấy lại được đà tăng trưởng trong năm 2012.

CEBR cho rằng, Trung Quốc sẽ tăng 7,6% và Ấn Độ tăng 6% trong năm tới. Tuy nhiên những nền kinh tế kỳ cựu có mối quan hệ khăng khít với Liên minh châu Âu có thể sẽ giảm tăng trưởng, trong đó Thổ Nhĩ Kỳ chỉ tăng 2,5% năm 2012 so với 7,1% của năm nay; tương tự các nước Saudi Arabia chỉ tăng 4% so với 6,1% của năm nay; Nga tăng 2,8% so với 3,8% của năm nay; Brazil tăng 2,5% so với 2,8% của năm 2011./.

Mức tăng GDP của Brazil đạt: 2,52 nghìn tỉ USD (theo ước tính của CEBR năm 2011), chủ yếu xuất khẩu: hàng hóa, quặng sắt, cà phê, cam và các nông sản khác. Tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2010 của Brazil đạt 201,9 tỉ USD. Tổng kim ngạch nhập khẩu năm 2010 đạt 181,6 tỉ USD. Đối tác xuất khẩu chính của quốc gia này là Trung Quốc, Mỹ và Argentina. Chính phủ dự báo Brazil sẽ tăng trưởng 3,5% năm 2011, (năm 2010 là 7,5%). (Nguồn: Bộ Phát triển, Công nghiệp và Xuất khẩu Brazil)