Trường Sa - Đất nước nơi đầu sóng

Tuấn Anh
15:05, ngày 07-12-2011
TCCSĐT - "Không xa đâu Trường Sa ơi! Vẫn gần bên em vì Trường Sa luôn bên anh. Vẫn gần bên anh vì Trường Sa luôn bên em...". Không hiểu sao trong suốt hải trình hơn 1100 hải lý, giai điệu của bài hát "Gần lắm Trường Sa" của nhạc sĩ Hình Phước Long cứ trở đi trở lại day dứt mãi trong tôi kể cả trong giấc ngủ chập chờn chao lắc của đại dương mênh mông...

Chuyến đi lịch sử đến với Trường Sa

Sáng 18-4-2011,  lần đầu tiên trong lịch sử 4000 năm của dân tộc, đoàn đại biểu gần 150 người đại diện cho 54 dân tộc Việt Nam trên khắp mọi miền Tổ quốc từ Hà Giang đến Hà Tiên với đủ mọi thành phần, lứa tuổi, giai cấp, tầng lớp, dân tộc, tôn giáo, nghề nghiệp... đến với vùng hải đảo ngàn năm sóng vỗ để khẳng định khối đoàn kết "đồng bào" triệu người như một, toàn dân một ý chí, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc giữ gìn, bảo vệ vững chắc an ninh Tổ quốc và chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa.

Đúng 8 giờ 5', con tàu kéo một hồi còi dài, trang nghiêm, trầm hùng tạm biệt đất liền, ra với Trường Sa.

Vâng, chúng tôi đang đến với một vùng biển đảo đất trời thiêng liêng của Tổ quốc. Nơi ấy từ mấy trăm năm trước... các triều đại phong kiến Việt Nam đã nhiều lần khẳng định chủ quyền lãnh thổ. Từ hơn 300 năm nay, đã có hàng ngàn lần hải trình của người Việt Nam qua nhiều triều đại lịch sử đến với vùng đất thiêng liêng ấy của Tổ quốc để khai thác tài nguyên, trồng cây, xây miếu thờ, dựng chùa chiền, lập bia, đào giếng, xây hải đăng, làm khí tượng, lập trạm thuế, làm nhà, lập ấp, sinh sống bảo vệ và khẳng định chủ quyền biển đảo quốc gia.

Từ đầu Triều Nguyễn, những đội Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa đã được thành lập hằng năm đều ra bảo vệ và khai thác tài nguyên ở hai quần đảo "thuộc hải cương nước nhà" ấy. Thời vua Minh Mạng, triều đình nhà Nguyễn đã cho dựng miếu bằng đá để thờ cúng, đào giếng lấy nước ngọt... và đã cho trồng cây tại các đảo để cho thuyền bè ở đằng xa nhận thấy, tránh bị nạn. Nhiều nhà nghiên cứu thừa nhận các thực vật cây cối ở Hoàng Sa, Trường Sa phần lớn có nguồn gốc ở miền Trung Việt Nam. Từ năm 1816, việc xem xét và đo đạc thủy trình... để vẽ bản đồ ở Hoàng Sa do Bộ Công chỉ đạo thủy quân phối hợp với giám thành, với địa phương Quảng Ngãi. Đến năm Minh Mạng thứ 14 (1833), Vua Minh Mạng đã chỉ thị cho Bộ Công đẩy mạnh việc dựng bia chủ quyền, cắm cột mốc ở Hoàng Sa...

Sau 3 ngày 2 đêm lênh đênh trên sóng nước từ cảng Cát Lái Thành phố Hồ Chí Minh qua hơn 873 km (480 hải lý) chúng tôi đã đến đảo Song Tử Tây điểm dừng chân đầu tiên trên hải trình thăm huyện đảo Trường Sa. Không dấu nổi xúc động nhiều tiếng hát cùng nghẹn ngào đồng thanh cất lên:"Không xa đâu Trường Sa ơi! Vẫn gần bên em vì Trường Sa luôn bên anh. Vẫn gần bên anh vì Trường Sa luôn bên em...,". Nơi chúng tôi đến đây sau hành trình hàng trăm hải lý trên Biển Đông là Trường Sa, là Tổ quốc tôi đây - là "Đất nước nơi đầu sóng" nơi có các đồng chí, đồng đội, đồng bào tôi đang ngày đêm canh giữ. Một tình cảm thân ái, chân tình, tự nhiên như gặp người thân trong gia đình, chúng tôi ôm nhau ríu rít giọng Nam, giọng Bắc, giọng Trung, giọng Hà Nội, giọng đồng bào Tây Bắc, Tây Nguyên nói tiếng phổ thông còn lơ lớ...: chào bác, chào cô, chào em, chào chị, chào chú, chào anh, có khoẻ không, mạnh giỏi hả...? Từ trong sâu thẳm tâm hồn tôi ghi nhận và nhắc nhở mình, đừng bao giờ và không bao giờ được quên những giờ phút thiêng liêng này. Tổ quốc ta, nhân dân ta cũng sẽ không bao giờ quên những người lính, những người dân Từ tuyến đầu Tổ quốc - Đất nước nơi đầu sóng.

Sự có mặt của đại diện tất cả các dân tộc Việt Nam ở huyện đảo Trường Sa hôm nay chính là sự khẳng định rằng bà con huyện đảo luôn là một phần máu thịt trong khối đại đoàn kết dân tộc chúng ta. Nhân dân cả nước quyết không phụ lòng chiến sỹ, đồng bào đang ngày đêm xây dựng, bảo vệ, canh giữ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

 Gần lắm Trường Sa

Sau mấy ngày lênh đênh trên sóng nước, cảm giác khi chúng tôi ở trên đảo thật bình yên, gần gũi, thân thiết. Trừ một số bãi cát, đá gần bờ và một vài điểm đang xây dựng còn lại khắp mặt đảo được phủ một màu xanh của cây phong ba, cây bàng quả vuông, cây bão táp, cây bàng lá đỏ, cây nho biển, cây nhàu, cây phi lao... Nhiều vị trí trên đảo, cây lớn chùm tỏa rộng xen nhau như những tán rừng nhỏ là những vườn rau muống, rau cải biển, đu đủ, chuối, bầu, bí, rau muống biển và nhiều loại rau xanh khác. Tôi may mắn được thưởng thức nước cây sâm đất là đặc sản của đảo mà bộ đội và nhân dân dùng làm nước uống giải nhiệt và tăng cường thể lực. Trên đảo có nhiều nước lợ thuận tiện cho tắm giặt, nước tưới cho sản xuất và sinh hoạt. Vì thế ngoài cây cối và rau xanh cán bộ và nhân dân trên đảo còn nuôi được lợn, gà và cả đàn bò... Đảo trưởng Phạm Văn Hoà cho biết, đảo thường xuyên duy trì tốt bữa ăn tập trung cho bộ đội, tích cực cải tiến, chế biến nhiều món ăn như đậu phụ, giá sống, nâng cao chất lượng bữa ăn, bảo đảm tiêu chuẩn thường xuyên cũng như các ngày lễ, tết. Vườn rau, vườn cây ăn quả có trên 2.000m2, cây xanh các loại có trên 2.590 cây, đàn lợn có 29 con, gia súc khác 42 con, gia cầm 60 con, đàn bò 9 con... Đảo Song Tử Tây là đảo cao nhất trong quần đảo Trường Sa, vì vậy tàu ngược xuôi Nam - Bắc đều nhìn thấy. Anh Nguyễn Văn Tiến - Trạm trưởng trạm Hải đăng cho biết Hải đăng Song Tử Tây là ngọn hải đăng cấp 1 thuộc hệ thống bảo đảm an toàn hàng hải quốc tế được xây dựng đầu tiên trên quần đảo Trường Sa. Hải đăng có chiều cao 38m, tầm hiệu lực ban ngày 21 hải lý, ban đêm 22 hải lý. Hải đăng Song Tử Tây cũng được các nhà hàng hải dùng làm tiêu điểm chuyển hướng cho các tàu qua lại trên tuyến hàng hải quốc tế từ Singapore đi Hồng Kông và Mannila. 

Đảo Song Tử Tây là 1 trong 3 xã, thị trấn của huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hoà. Bên cạnh các đơn vị quân đội, trên đảo có khu dân cư, có công trình văn hoá, công trình dân sự phục vụ đời sống, sinh hoạt, sản xuất của cán bộ, chiến sỹ và nhân dân. Âu tàu trên đảo có sức chứa hàng chục tàu cá công suất lớn có dịch vụ sửa chữa máy tàu thuyền, cứu hộ cứu nạn (miễn phí), cung cấp dầu diezen, nước ngọt, lương thực, thực phẩm, dịch vụ y tế phục vụ bà con ngư dân các tỉnh miền Trung đánh cá trên biển với giá cả như trong đất liền. Hệ thống năng  lượng gió và năng lượng mặt trời đã hoàn chỉnh, cung cấp điện ổn định phục vụ tốt nhu cầu sản xuất, sinh hoạt và bảo vệ đảo. Trong tương lai gần sẽ mở ra nhiều dịch vụ tiện ích khác như thu mua, chế biến hải sản tại chỗ, sản xuất và cung cấp nước đá, cung cấp lương thực, thực phẩm cho ngư dân... 

Khu dân cư trên đảo Song Tử Tây nằm sát ven bờ biển ngay gần ngọn Hải Đăng, xung quanh có nhiều cây bàng quả vuông, phong ba và phi lao rất đẹp. Các hộ dân trên đảo được đầu tư quy hoạch, xây dựng với tổng diện tích 200m2 mỗi hộ, kiến trúc phù hợp với cảnh quan, môi trường xung quanh. Mỗi hộ đều có cổng xây, có sân trước, sân sau, phòng khách, phòng ngủ, công trình phụ, tiện nghi đầy đủ... thiết kế rộng rãi, thoáng mát, chất lượng công trình tốt phù hợp với điều kiện sinh hoạt của gia đình. Khu dân cư có sân chơi, có cầu trượt, ghế đu, bập bênh... cho trẻ em vui chơi. Nghề nghiệp chính của bà con là ngư nghiệp, chủ yếu nuôi trồng và đánh bắt hải sản. Riêng chị em nữ làm thêm dịch vụ quân nhu hậu cần cho các đơn vị trên đảo. Thu nhập bình quân mỗi hộ gần 10,8 triệu đồng/tháng. Toàn bộ nhân dân trên đảo đều có bảo hiểm y tế miễn phí, được khám bệnh, kiểm tra, chăm sóc sức khoẻ định kỳ. Các cháu trong độ tuổi đều được đến trường. Các hộ dân đều vui vẻ, yên tâm sinh sống lập nghiệp, gắn bó lâu dài với huyện đảo.

Lung linh ánh sáng nơi đảo xa

Suốt hành trình thăm huyện đảo Trường Sa qua các đảo Song Tử Tây, Đá Nam, Sơn Ca, Nam Yết, Đá Đông, Đá Tây, Trường Sa... và các nhà dàn DK chúng tôi đều hết sức ngạc nhiên và bất ngờ vì ánh điện đêm lung linh của những cột đèn năng lượng mặt trời và những hàng cột turbine điện gió... Những chiếc cột turbine thu năng lượng gió và những cột đèn pin mặt trời chạy dài xung quanh các đảo và những cột ăng ten tiếp sóng điện thoại di động, tiếp sóng truyền hình qua mạng di động 3G của Viettel, đã thực sự trở thành điểm nhấn mới của các đảo thuộc huyện đảo Trường Sa. Như đảo Song Tử Tây hiện có 175 cột đèn năng lượng mặt trời xen kẽ thắp sắng toàn đảo và 21 tháp turbine điện gió, công suất 848 Kw cùng 640 ắc quy tích điện. Mỗi cột chiếu sáng gồm một tấm pin mặt trời, một bộ điều khiển tự động, một ắc quy, một đèn chiếu sáng. Quân và dân trên đảo có thể sử dụng khá thoải mái các thiết bị điện như ti vi, quạt máy, nồi cơm, ấm nước, tủ lạnh... bằng điện xoay chiều 220V.  

Tin tức, phóng sự truyền hình, phát thanh, bài viết và ảnh của anh em báo chí chúng tôi đều được tranh thủ truyền về đất liền qua mạng di động 3G của Viettel. Các chiến sỹ trên các đảo nổi, đảo chìm, nhà dàn DK đều có thể gọi điện về thăm gia đình qua mạng di động. Sự xuất hiện của điện sạch và công nghệ thông tin đã thực sự thay đổi cuộc sống nơi đảo xa. Khoảng cách giữa Trường Sa và đất liền trên nhiều phương diện đã trở nên rất gần.

Để đạt được điều đó ngoài sự quan tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước, quân đội và nhân dân cả nước còn có sự đóng góp rất lớn của những người lính đảo đang ngày đêm vững chắc tay súng gìn giữ biên cương.

Từ Bắc vô Nam...  vòng tay lớn mãi để nối Sơn Hà

Trong hải trình thăm huyện đảo Trường Sa của Đoàn đại biểu 54 dân tộc Việt Nam, thời gian lưu tại Trường Sa lớn là lâu nhất với nhiều hoạt động phong phú. Tại thị trấn Trường Sa, Đoàn đã tổ chức các hoạt động: viếng nghĩa trang liệt sỹ đảo Trường Sa lớn; làm lễ dâng hương tại Nhà tưởng niệm Bác Hồ; làm lễ cầu an cho quốc thái dân an và cầu siêu cho anh linh các liệt sỹ tại chùa Trường Sa lớn; tổ chức trao quà của Đoàn và kỷ vật đặc trưng của các dân tộc cho quân và dân thị trấn Trường Sa tại cột mốc chủ quyền quốc gia; thăm và làm việc với chính quyền thị trấn đảo Trường Sa; thăm và tặng quà các hộ dân tại khu dân cư trên Đảo; thăm Trạm khí tượng thủy văn, Trạm Hải đăng và các lực lượng đang công tác tại thị trấn đảo Trường Sa và đặc biệt ấn tượng là đêm giao lưu văn nghệ của Đoàn đại biểu 54 dân tộc Việt Nam với cán  bộ, chiến sỹ và nhân dân trên đảo Trường Sa.

Trước cột mốc chủ quyền của nước CHXHCN Việt Nam ở Trường Sa có gắn lá cờ Tổ quốc và mặt chiếc trống đồng có hình "chim Lạc", đã có những tặng vật đầy ý nghĩa vô cùng quý giá của đại biểu 54 dân tộc anh em trong cả nước tặng quân và dân Trường Sa. Đó là bức tranh thêu "Khuê các Văn miếu" của Kinh thành Thăng Long xưa, biểu tượng của nền văn hiến Đại Việt do đại biểu dân tộc Kinh - Lê Bá Trình trao tặng. Đó là bức ảnh cột cờ Tổ quốc mô phỏng Cột cờ Hà Nội trên đỉnh Núi Rồng, xã Lũng Cú, Đồng Văn, Hà Giang điểm cao nhất tiếp giáp với Trung Quốc được ví như nóc nhà Tổ quốc với lá cờ có diện tích 54 m2 tượng trưng cho 54 dân tộc Việt Nam do đại biểu dân tộc Dao - Bàn Đức Vinh trao tặng. Đó là bức ảnh Bác Hồ về thăm quê hương làng Sen - Nghệ An sau hơn 50 năm xa quê do đại biểu dân tộc Thổ - Trương Văn Muôn trao tặng. Đó là bức tranh Thác Bản Giốc một danh thắng nổi tiếng của Việt Nam ở tỉnh Cao Bằng giáp biên giới Trung Quốc do đại biểu dân tộc Tày - Hoàng Thị Bình trao tặng. Đó là chiếc đàn Tơ Rưng và bức tranh Nhà Rông nổi tiếng của đồng bào Tây Nguyên do đại biểu dân tộc Ba Na - Măng Đung trao tặng. Đó là chiếc chiêng đồng, một nhạc cụ nổi tiếng của người Mường - Hoà Bình do đại biểu dân tộc Mường - Đinh Quang Phòng trao tặng. Đó là bức tranh cây đa Tân Trào bên đình Hồng Thái nơi quốc dân Đại hội do Hồ Chí Minh triệu tập, lập ra Chính phủ lâm thời nước Việt Nam mới do đại biểu dân tộc Dao - Bàn Xuân Triều trao tặng. Đó là chiếc gùi và những túi Thổ cẩm đặc trưng Tây Nguyên do đại biểu dân tộc Ê đê - Linh Nga NiêK Dam trao tặng. Đó là những chiếc khăn Piêu thêu chỉ hồng do đại biểu dân tộc H'Mông - Thào Sếnh Páo trao tặng. Đó là bức tượng Vũ nữ Áp sa ra do Thượng tọa Danh Lung - dân tộc Khơme trao tặng. Đó là bức tranh vẻ đẹp sắc xuân hoa đào Sa Pa - Lào Cai do đại biểu dân tộc Giáy - Sí Xuân Kìn trao tặng... và còn rất nhiều, rất nhiều những tặng vật quý giá, thiêng liêng của đại biểu đại diện các dân tộc trao tặng quân và dân Trường Sa.

Theo nguyện vọng của quân và dân Trường Sa cũng như của đại biểu các dân tộc, trong một tương lai gần sẽ có một Ngôi nhà Đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam sẽ được xây trên mảnh đất Trường Sa thiêng liêng này để trưng bày các tặng vật quý giá của các dân tộc Việt Nam, để khẳng định ý chí của toàn thể dân tộc Việt Nam triệu người như một đoàn kết bên nhau, khẳng định và bảo vệ chủ quyền của Hoàng Sa - Trường Sa là máu thịt của Tổ quốc Việt Nam, không một thế lực nào có thể chia cắt.

Trong không khí ấm áp, đậm đà tình quân dân nơi đảo xa, những làn điệu dân ca, dân vũ của các dân tộc, các vùng miền, những khúc hát, điệu múa, lời ca về Trường Sa, về quê hương đất nước, về tình cảm của nhưng cô gái vùng cao Tây Bắc với anh bộ đội cụ Hồ, tình yêu "xóm nhỏ trên đảo nhỏ", "Việt Bắc nhớ Bác Hồ", "Người Chăm ơn Đảng", "Tây Nguyên có Bác"... do các cán bộ, chiến sỹ, nhân dân trên đảo và đại biểu các dân tộc Việt Bắc, Tây Bắc, Tây Nguyên, Trung bộ, Nam Bộ cùng diễn viên Đoàn Ca múa nhạc tổng hợp Đam San (tỉnh Gia Lai)... trình bày đậm đà bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam với tất cả tình cảm yêu thương, cảm phục dành cho những người đang sống và làm việc nơi đảo xa - tuyến đầu Tổ quốc đã làm ấm lên biết bao "Trái tim chiến sỹ". Các đại biểu và quân dân đảo Trường Sa cùng nhau uống chung chén rượu cần của bà con các dân tộc Tây Nguyên; Quân và dân các dân tộc anh em Kinh, Mường, Hoa, Thái, Ba Na, Ê Đê, Gia Rai, La Hủ, , Tày, Dao, H'Mông, Hà Nhì, Vân Kiều, Tà Ôi, Khơme... cùng nắm chặt tay nhau ca hát "Từ Bắc vô Nam nối liền nắm tay. Ta đi vòng tay lớn mãi để nối sơn hà...", “Không xa đâu Trường Sa ơi…", "Đây Trường Sa, kia Hoàng Sa, ngàn bão tố phong ba, ta vượt qua, vượt qua..." cứ ngân vang mãi, vang mãi giữa trời biển bao la của Tổ quốc nơi đầu ngọn sóng./.