Hội nghị trực tuyến về cải tiến, đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, Nghị quyết số 271/NQ-UBTVQH13 ngày 1-11-2011 (Nghị quyết) là văn bản quan trọng, đề ra nhiều giải pháp cụ thể để cải tiến, đổi mới trong tổ chức kỳ họp Quốc hội, phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoạt động của Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội; hoạt động tiếp xúc cử tri, cung cấp thông tin phục vụ đại biểu Quốc hội; công tác bảo đảm tài chính... với mục đích để Quốc hội hoàn thành chương trình, nội dung công việc có chất lượng nhưng vẫn giảm thiểu được thời gian và chi phí.
Hội nghị đã tập trung vào một số vấn đề: Làm rõ cơ chế phối hợp thực hiện trong việc xây dựng các chương trình kỳ họp Quốc hội, phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội; cơ chế, hình thức, cách thức để Hội đồng Dân tộc, các ủy ban tham gia ngay từ đầu quá trình soạn thảo dự luật; cơ chế phối hợp thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, dự thảo các nghị quyết...
Báo cáo về việc triển khai Nghị quyết, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã trình bày rõ dự kiến cách thức triển khai, phân công trách nhiệm cụ thể và đề xuất cơ chế phối hợp của các cơ quan, đơn vị hữu quan trong việc thực hiện các quy định của Nghị quyết. Cụ thể là trong chuẩn bị chương trình kỳ họp; chuẩn bị và trình bày văn bản tại Hội trường; thảo luận tại kỳ họp; chất vấn và trả lời chất vấn; xây dựng dự thảo nghị quyết; hoạt động báo chí.
Thảo luận về việc chuẩn bị kỳ họp Quốc hội và phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các ý kiến phát biểu đều đồng tình cần chủ động chuẩn bị sớm chương trình, trong đó giao trách nhiệm chính cho Văn phòng Quốc hội, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Trung ương Đảng, các bộ, ngành, sớm gửi xin ý kiến các đoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội trước khi trình. Việc gửi tài liệu muộn đến các vị đại biểu Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội sẽ làm hạn chế, gây khó khăn cho việc nghiên cứu, đóng góp ý kiến, ảnh hưởng đến chất lượng thảo luận. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Ngô Đức Mạnh kiến nghị tăng cường tính cộng đồng trách nhiệm và phát huy hơn nữa vai trò của bộ, ngành trong việc bảo đảm tiến độ soạn thảo, gửi các dự án luật cho đại biểu Quốc hội.
Nhiều ý kiến cũng đề nghị tăng cường hoạt động thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội, cần có tính phản biện cao hơn, phân tích rõ lý lẽ, căn cứ cơ sở lý luận, thực tiễn, nêu lên được chính kiến của cơ quan thẩm tra và đề xuất được phương án xử lý đối với những vấn đề còn ý kiến khác nhau. Về cơ chế phối hợp, một số ý kiến cho rằng, cơ quan thẩm tra tham gia ngay từ đầu quá trình soạn thảo nhưng đồng thời cũng phải bảo đảm được tính độc lập của các cơ quan thẩm tra.
Một số ý kiến cũng đề xuất giảm bớt thời gian của kỳ họp Quốc hội; tiếp tục thực hiện việc đọc báo cáo tóm tắt tại hội trường (10-15 phút) để tiết kiệm thời gian; giãn khoảng cách giữa phiên thảo luận tổ với phiên họp toàn thể để Đoàn Thư ký có thời gian tập hợp đầy đủ ý kiến của các đại biểu, tổng hợp được những vấn đề cần tập trung thảo luận, tránh trùng lặp; cần nghiên cứu cân đối thời gian thảo luận các dự án tại hội trường bởi hiện nay, nhiều dự án không đủ thời gian trong khi nhiều dự án lại thừa; đề nghị truyền hình trực tiếp và tăng thời gian thảo luận một số dự án được xã hội và cử tri quan tâm.
Liên quan đến hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn, các đại biểu đồng tình với tinh thần đổi mới thể hiện ở câu hỏi chất vấn ngắn, rõ, trực tiếp, không quá 2 phút; một số ý kiến đề nghị giới hạn mỗi đại biểu chỉ nêu 1 câu hỏi trong 1 phút. Trả lời chất vấn cần trực tiếp, đi thẳng vào vấn đề, không vòng vo. Chất vấn cần làm rõ được tình hình, trách nhiệm và đề xuất được giải pháp; có tính chất đối thoại, tranh luận chứ không dừng lại ở việc hỏi để biết thông tin; tạo được không khí dân chủ, thoải mái nhưng nghiêm túc. Các đại biểu cũng đề nghị tăng cường hơn nữa hoạt động điều trần để vừa làm rõ, nâng cao trách nhiệm của các bộ, ngành, đồng thời tăng cường vai trò của các ủy ban của Quốc hội.
Tại Hội nghị, các đại biểu cũng đồng tình với nội dung đổi mới về hoạt động tiếp xúc cử tri, nhất là điểm mới: Thông báo rộng rãi, công khai và tạo điều kiện thuận lợi để mọi người dân có thể tham dự; tổ chức tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, lĩnh vực, đối tượng, địa bàn mà đại biểu Quốc hội lựa chọn.
Trong đổi mới hoạt động của Quốc hội, việc nâng cao năng lực hoạt động đại biểu Quốc hội là rất quan trọng, nhưng muốn vậy phải có cơ chế để các đại biểu có thể sử dụng sự hỗ trợ của các chuyên gia, nếu không sẽ không thể đủ thời gian, trình độ, kinh nghiệm để tham gia tất cả các vấn đề lớn, phức tạp và quan trọng của đất nước. Ngoài ra, nhiều đại biểu cũng đề nghị tiếp tục nghiên cứu và xác định rõ địa vị pháp lý của các đoàn đại biểu, trong đó có đại biểu Quốc hội chuyên trách và cho rằng, cần quan tâm tới 3 khâu: tổ chức, bộ máy; công nghệ; quản lý và điều phối trong cải tiến, đổi mới hoạt động của Quốc hội./.
Đoàn Việt Nam dự Đại hội Đảng "Nước Nga Thống nhất"  (28/11/2011)
Thanh niên là lực lượng xung kích thực hiện các nhiệm vụ cách mạng của Đảng, của dân tộc  (28/11/2011)
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp Thái tử kế vị Đan Mạch Frederic  (28/11/2011)
Tin buồn  (28/11/2011)
Thủ tướng V.Putin chấp nhận ra tranh cử Tổng thống Nga  (27/11/2011)
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tiếp xúc cử tri tại Bắc Giang  (27/11/2011)
- Tỉnh Yên Bái nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân: Từ nghị quyết đến thực tiễn
- Vai trò của Hội Xuất bản Việt Nam trong việc phát triển ngành xuất bản và nguồn nhân lực ngành xuất bản
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 2)
- Nâng cao chất lượng công tác phát triển đảng viên trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương
- Một số giải pháp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập ở Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên