Góp phần tăng cường quan hệ Việt Nam - Nam Á

Phương Trà
08:13, ngày 17-10-2011

TCCSĐT - Chiều ngày 15-10-2011, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức hai nước Nam Á là Ấn Độ và Sri Lanka từ ngày 11 đến ngày 15-10.

Tại hai quốc gia Nam Á, trên cương vị lãnh đạo đứng đầu Nhà nước Việt Nam, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam luôn nhận được sự đón tiếp nồng nhiệt, trọng thị theo nghi thức cao nhất dành cho nguyên thủ Quốc gia. Các cuộc hội đàm chính thức giữa Chủ tịch nước Trương Tấn Sang với các nhà lãnh đạo cấp cao của hai nước đã diễn ra trong bầu không khí hữu nghị, tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau. Chính phủ Ấn Độ và Chính phủ Sri Lanka đánh giá cao những thành quả chính trị, kinh tế - xã hội mà Việt Nam đạt được trong những năm qua. Hai nước đã bày tỏ ngưỡng mộ về sự quả cảm của nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp bảo vệ độc lập dân tộc, thống nhất và xây dựng đất nước; chúc mừng thắng lợi của Đại hội XI của Đảng Cộng sản Việt Nam và Quốc hội khóa XIII.

Tăng cường thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược song phương Việt Nam - Ấn Độ

Trong 3 ngày ở thăm Ấn Độ, từ ngày 11 đến ngày 13-10, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có cuộc hội kiến với Tổng thống Ấn Độ Pratibha Devisingh Patil và Phu quân, hội đàm với Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh; gặp Chủ tịch Hạ viện Ấn Độ Meira Kumar; Bộ trưởng Quốc phòng A.K.Antony; lãnh đạo Đảng Quốc đại, Đảng Cộng sản Ấn Độ (CPI); Đảng Cộng sản Mác-xít Ấn Độ (CPI-M). Ngoài ra, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tham dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Ấn Độ tổ chức tại thành phố Mumbai, có buổi gặp lãnh đạo Hiệp hội các phòng thương mại và công nghiệp Ấn Độ (FICCI) và lãnh đạo 13 tập đoàn, công ty lớn của Ấn Độ.

Trong chuyến thăm lần này, nhiều thỏa thuận hợp tác giữa Việt Nam và Ấn Độ đã được ký kết. Về hợp tác chính trị, lãnh đạo hai nước nhấn mạnh việc đưa quan hệ đối tác chiến lược song phương đi vào thực chất hơn, thông qua thúc đẩy các cuộc trao đổi các đoàn cấp cao giữa hai nước, củng cố quan hệ tốt đẹp giữa hai Quốc hội. Bên cạnh đó, Việt Nam và Ấn Độ đã cam kết đẩy mạnh mục tiêu hợp tác trong các lĩnh vực mà hai bên có nhiều tiềm năng: về thương mại, phấn đấu tăng tổng kim ngạch thương mại song phương lên 7 tỉ USD vào năm 2015; về tài chính, chú trọng hợp tác trong các lĩnh vực hải quan, thuế, quản lý ngân sách, quản lý nợ công nhằm thúc đẩy hai Bộ Tài chính sớm ký kết hiệp định hợp tác… Ngoài ra, hai bên cũng thống nhất củng cố hợp tác trong các lĩnh vực quốc phòng và an ninh. Cụ thể, Ấn Độ khẳng định sẽ tiếp tục ủng hộ Việt Nam trong đào tạo nhân lực, tăng cường năng lực và hiện đại hóa lực lượng quốc phòng, nhất là trong các lực lượng hải quân và không quân; tiếp tục duy trì đối thoại chiến lược về quốc phòng, tăng cường trao đổi các đoàn và thực hiện tốt các thỏa thuận hợp tác đã ký vì mục tiêu hòa bình, ổn định và hợp tác ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Hai nước khẳng định tiếp tục ủng hộ nhau phát huy vai trò tại các diễn đàn khu vực đa phương như Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), Hội nghị cấp cao Á - Âu (ASEM), Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), cũng như tại các tổ chức quốc tế như Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và Liên hợp quốc. Là những nước đang phát triển và có nhiều triển vọng, lãnh đạo hai nước có chung nhận định cần tích cực phối hợp với nhau và tận dụng lợi thế này để đối phó hiệu quả với những thách thức đang trở thành một trụ cột quan trọng trong “Chính sách hướng Đông” của Ấn Độ. Chuyến thăm Ấn Độ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khép lại với sự nhất trí cao giữa hai nước về việc lấy năm 2012 là “Năm hữu nghị Việt - Ấn” hướng tới kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 5 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược.

Việt Nam - Sri Lanka: hướng tới phát triển hợp tác toàn diện hơn

Kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1970, chuyến thăm nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Dân chủ Sri Lanka của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang từ ngày 13-10 đến 15-10 đã ghi dấu ấn mạnh mẽ trong bối cảnh Sri Lanka đã vãn hồi hòa bình sau nhiều năm nội chiến, đang tích cực tái thiết và xây dựng đất nước. Chuyến thăm đã được ghi nhận với cuộc hội kiến giữa Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng Tổng thống Sri Lanka Mahinda Rajapaksa; các cuộc hội đàm chính thức với các nhà lãnh đạo cấp cao của Sri Lanka như Thủ tướng D.M Jayaratne, Bộ trưởng Ngoại giao Xri Lanca, Giáo sư G.L Peiris, Bộ trưởng Nguồn Nhân lực D.E.W.Gunasekera…; các hoạt động của Diễn đàn doanh nghiệp Sri Lanka - Việt Nam có sự góp mặt của đại diện giới doanh nghiệp và quan chức cao cấp của chính phủ hai nước.

Với tầm nhìn về quan hệ đối tác chiến lược trong tương lai, lãnh đạo hai nước nhất trí cần tiếp tục tăng cường hợp tác trên cơ sở chia sẻ, hài hòa các mối quan tâm và lợi ích chung, tạo nên sự kết nối và gia tăng sức mạnh tổng hợp của hai nền kinh tế, củng cố các thể chế hợp tác sẵn có. Theo đó, hai nước cam kết tăng cường hơn nữa hợp tác kinh tế và thương mại song phương thông qua việc khai thác triệt để tiềm năng của mỗi nước. Cụ thể, phấn đấu đạt 1 tỉ USD kim ngạch thương mại hai chiều trong những năm tới, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho giao dịch thương mại, bao gồm việc xác định và dỡ bỏ hàng rào phi quan thuế; đa dạng hóa các mặt hàng; thành lập các liên doanh nhằm tăng cơ hội xuất khẩu; nghiên cứu trao đổi về Hiệp định Thương mại ưu đãi giữa hai nước.

Trên cơ sở Thỏa thuận Khuyến khích và Bảo hộ Đầu tư được ký kết năm 2009, Chính phủ Sri Lanka khuyến khích Việt Nam đầu tư vào dịch vụ viễn thông, thiết bị công nghệ, khách sạn và mời các doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm các cơ hội đầu tư sẵn có của Sri Lanka. Hai bên thống nhất hướng tới phát triển hợp tác toàn diện trong lĩnh vực năng lượng, bao gồm thăm dò và khai thác, chia sẻ công nghệ và kinh nghiệm; khai thác hơn nữa tiềm năng hợp tác về nông nghiệp, nghề cá, nuôi trồng thủy sản và chăn nuôi gia cầm; tăng cường quan hệ giáo dục, trao đổi văn hóa, du lịch; thúc đẩy đối thoại về các vấn đề an ninh, quốc phòng. Về các lĩnh vực hợp tác đa phương, hai nước đánh giá cao sự hợp tác chặt chẽ song phương trên các diễn đàn khu vực và quốc tế, nhất là tại Liên hợp quốc, Phong trào không liên kết, Hợp tác Nam-Nam, Kế hoạch Cô-lôm-bô, WTO. Nhân dịp này, Tổng thống Sri Lanka đã công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường và ủng hộ Việt Nam là thành viên của Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2013 - 2016. 

Tạo bước phát triển mới trong quan hệ giữa Việt Nam với các quốc gia khu vực Nam Á 

Chuyến thăm hai nước Ấn Độ và Sri Lanka của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang diễn ra chưa đầy 1 tuần, song đã đạt được những kết quả tốt đẹp, thực chất. Các chuyến thăm đã mang lại nhiều ý nghĩa quan trọng cho quan hệ của Việt Nam với khu vực Nam Á, được coi đây là bước đột phá mới làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam - Ấn Độ cũng như quan hệ hữu nghị, hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam - Sri Lanka. Đặc biệt là những Tuyên bố chung đạt được đã đề ra những nội dung rất cơ bản, phương hướng lớn và biện pháp thiết thực nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác Việt Nam - Ấn Độ, Việt Nam - Sri Lanka.

Hàng loạt hiệp định, văn kiện quan trọng cũng đã được ký kết, như Hiệp định dẫn độ giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa Ấn Độ; Bản ghi nhớ giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Ấn Độ về Năm Hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ; Chương trình hành động 2011-2013 giữa Hội đồng Nghiên cứu nông nghiệp Ấn Độ và Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam về nghiên cứu và giáo dục trong lĩnh vực nông nghiệp; Thỏa thuận hợp tác giữa PetroVietnam và Ongc Videsh Limited về dầu khí; Nghị định thư về hợp tác văn hóa giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam với Hội đồng Quan hệ văn hóa Ấn Độ; Chương trình trao đổi văn hóa giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam và Bộ Văn hóa Ấn Độ giai đoạn 2011-2014. Với Sri Lanka, Việt Nam đã đạt được Bản ghi nhớ về Tham vấn chính trị song phương giữa hai Bộ Ngoại giao, Bản ghi nhớ về hợp tác chế tạo máy, Bản ghi nhớ về hợp tác xúc tiến đầu tư hai chiều, Hiệp định về hợp tác giáo dục 2011-2015, Bản ghi nhớ về hợp tác tài chính, Bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng, Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực dầu khí và hợp đồng bán dầu khí.

Với những tín hiệu tích cực từ các chuyến thăm hai nước Nam Á lần này của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng rằng, với sự cố gắng và quyết tâm của cả hai bên, những nhận thức chung và thỏa thuận đã đạt được sẽ được triển khai thực hiện mạnh mẽ, thực chất và có hiệu quả, đưa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ, quan hệ Việt Nam - Sri Lanka tiếp tục phát triển lên một tầm cao mới, vì lợi ích của nhân dân mỗi nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển trong khu vực và trên thế giới./.