Ngày 20-9-2011, tại Giơ-ne-vơ (Geneva) của Thụy Sĩ, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đã công bố nghiên cứu chung nhấn mạnh nhu cầu thiết yếu của toàn cầu hóa là phải bảo đảm ngày càng bền vững hơn về xã hội.

Tổng Giám đốc WTO, Pa-xcan La-mi (Pascal Lamy) và Tổng Giám đốc ILO, Hoan Xô-ma-vi-a (Juan Somavia), nêu bật 3 chủ đề chính của nghiên cứu chung là việc làm, sự bất ổn định của thị trường việc làm và sự bất bình đẳng, trong đó nhấn mạnh tác động ngắn hạn của toàn cầu hóa đến tỷ lệ thất nghiệp, tác động dài hạn của toàn cầu hóa đến cấu trúc việc làm ở các nước đang phát triển, vai trò của giáo dục và chính sách trọng dụng nhân tài trong việc khuếch trương lợi ích của toàn cầu hóa, năng lực của các chính phủ trong xử lý các vấn đề phân phối trong thế giới toàn cầu hóa,….

Nghiên cứu chung khẳng định tiềm năng to lớn của toàn cầu hóa trong việc thúc đẩy năng suất và tăng trưởng nhưng cũng nêu bật vai trò quan trọng của các chính sách xã hội, thương mại và tạo việc làm giúp tận dụng và phát huy được tiềm năng này. Các chuyên gia hàng đầu thế giới đã phân tích các kênh khác nhau, theo đó toàn cầu hoá tác động đến việc làm và thu nhập của người lao động.

An sinh xã hội, đầu tư tăng phúc lợi công cộng, và các thị trường được vận hành tốt có tầm quan trọng sống còn để toàn cầu hóa ngày càng bền vững hơn về xã hội. Nghiên cứu đề cao vai trò của tự do thương mại trong việc tăng cường hiệu quả sản xuất và thông qua đó để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cũng như vai trò quan trọng của an sinh xã hội như là một nhu cầu không thể thiếu để điều chỉnh các hệ thống bảo vệ xã hội phù hợp với các điều kiện ở mỗi địa phương.

Nghiên cứu cũng nêu bật 3 thách thức đối với các chính phủ trong nỗ lực đảm bảo sự bền vững xã hội của toàn cầu hoá. Một là cấu trúc và các trình độ của việc làm trong bối cảnh thế giới ngày càng mở cửa và điều này có thể thúc đẩy lực lượng lao động và tăng trưởng kinh tế. Hai là mở cửa kinh tế dù có thể giúp giải quyết các khó khăn trong nước nhưng làm tăng nguy cơ tổn thương của thị trường lao động trong nước trước các nhân tố bên ngoài. Ba là những thành quả toàn cầu hoá không được phân phối bình đẳng. Nghiên cứu có thể giúp các chính phủ phát triển các phản ứng chính sách thích hợp đối với 3 thách thức này để thúc đẩy mạnh mẽ khía cạnh xã hội của toàn cầu hóa./.