Nghị viện châu Âu (EP) và các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã đạt được một thỏa thuận cả gói siết chặt các quy định ngân sách, được xem là yếu tố hết sức quan trọng để ngăn chặn các cuộc khủng hoảng nợ trong tương lai.

Trong một thông báo đưa ra ngày 15-9-2011, Ba Lan, nước giữ chức Chủ tịch luân phiên EU cho biết, sau các cuộc thảo luận hiệu quả, EP, Ủy ban châu Âu (EC) và chính phủ các nước thành viên EU đã đi đến một thỏa thuận cả gói, được gọi là "gói sáu điểm". Thỏa thuận này sẽ được thông qua tại cuộc họp các bộ trưởng tài chính EU, dự kiến diễn ra ngày 16-9 tại Ba Lan.

Theo thỏa thuận trên, những nước thành viên EU bị thâm hụt ngân sách quá mức sẽ phải ký gửi tiền vào các tài khoản ngân hàng bị khóa, đồng thời sẽ phải hứng chịu thêm một số biện pháp trừng phạt. EC đã đề nghị xem xét lại toàn bộ Công ước Ổn định và Phát triển của EU sau khi bùng nổ cuộc khủng hoảng nợ công ở Hy Lạp hồi năm ngoái. Công ước này quy định thâm hụt ngân sách của các nước thành viên EU không được vượt quá mức 3,0% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và nợ không được vượt quá 60% GDP. Tuy nhiên, trong số 27 nước thành viên EU chỉ có một số nước tuân thủ các quy định này.

Cũng trong ngày 15-9, tại Luân Đôn và Tô-ki-ô, 5 ngân hàng lớn trên thế giới gồm Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Ngân hàng Trung ương Anh (BoE), Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) và Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ (SNB) đã thực hiện một hành động phối hợp mạnh mẽ nhằm ngăn chặn cuộc khủng hoảng nguồn vốn cho vay bằng đồng USD có nguy cơ xuất hiện ở châu Âu, giữa lúc Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), bà Cri-xtin La-gác-đơ (Christine Lagarde), cảnh báo về một giai đoạn kinh tế mới “nguy hiểm”.

Năm ngân hàng trung ương hàng đầu thế giới tuyên bố sẽ cho các ngân hàng thương mại vay USD bổ sung kỳ hạn 3 tháng bắt đầu từ tháng 10-2011. Hành động chung này nhằm ngăn chặn sự leo thang tình trạng căng thẳng trên thị trường tài chính, đồng thời phát đi tín hiệu cho thấy các nhà lãnh đạo đã chuẩn bị hành động để tăng cường niềm tin vào thị trường.

Phát biểu tại Oa-sinh-tơn cùng ngày, bà Cri-xtin La-gác-đơ nói, nếu không có một hành động tập thể và táo bạo, thế giới sẽ phải đối mặt với mối nguy hiểm thực sự là các nền kinh tế chính sẽ thụt lùi thay vì tiến lên phía trước. Ngay sau tuyên bố của 5 ngân hàng trung ương hàng đầu, cổ phiếu của các ngân hàng thương mại tăng vọt, dẫn đầu là BNP Paribas, một ngân hàng của Pháp đang phải chịu sức ép nhiều nhất về tin đồn đang gặp phải những vấn đề về nguồn vốn, đã tăng cao tới 22%. Trong khi đó, cổ phiếu của Ngân hàng Intesa Sanpaolo và UniCredit của I-ta-li-a tăng tương ứng là 10% và 7%.

Hành động phối hợp trên của 5 ngân hàng trung ương được thực hiện sau khi có lo ngại về khả năng các ngân hàng, chủ yếu ở châu Âu, bị ảnh hưởng từ tình trạng nợ công ở Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Sự lo ngại này đã làm các ngân hàng ở châu Âu miễn cưỡng cho vay lẫn nhau, tạo ra nguy cơ thiếu vốn ngắn hạn.

Trong vài tháng gần đây, các ngân hàng châu Âu và các đối tác Mỹ đã chuyển tiền ra khỏi châu Âu vì những lo ngại trên, khiến tình trạng thiếu vốn trong hệ thống ngân hàng ở khu vực Eurozone ngày càng tồi tệ hơn. Các nhà phân tích chào đón động thái trên của 5 ngân hàng trung ương, nhưng cũng cảnh báo rằng, còn nhiều việc cần phải làm để xử lý vấn đề chính là mức nợ công cao trong Eurozone./.