VIAEP đến với nông dân bằng những sáng chế thiết thực
Thích hợp với đồng ruộng Việt Nam
Theo Viện Nghiên cứu lúa Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), tốc độ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp ở nước ta còn rất chậm. Tất cả các khâu làm đất, bơm tưới, gieo cấy, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản, chế biến… bước đầu đã được cơ giới hóa, song tỷ lệ đạt rất thấp do hạ tầng nông thôn còn nhiều bất cập, đồng ruộng bị chia cắt manh mún. Chính vì vậy, trong nhiều năm qua VIAEP đã chọn riêng cho mình một hướng đi là tập trung vào chế tạo những thiết bị vừa và nhỏ, phù hợp với hạ tầng nông thôn, với đồng ruộng và túi tiền người nông dân. Điển hình là các loại máy cấy, máy gặt lúa, máy thu gom lúa, máy gieo lạc đa năng, máy thu hoạch lạc liên hoàn, máy thu hoạch ngô, máy tẽ ngô…
Theo đánh giá của Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, các loại máy của VIAEP có ưu điểm hàng đầu là nhỏ gọn, được nghiên cứu, chế tạo thích hợp với từng loại vùng đất, thổ nhưỡng nước ta. Tiêu biểu là máy gặt đập liên hợp GĐL-0,3 gồm các khâu liên hoàn: gặt, tách, đập, đóng bao. Máy có khả năng làm việc trong điều kiện phức tạp của mùa thu hoạch ở ĐBSCL với đồng ruộng sình lầy có lượng bùn, nước sâu tới 10 cm, cây lúa đổ rạp ngọn. Qua thu hoạch lúa ở Long An, các chỉ tiêu kỹ thuật đều đạt khá, tổng hao hụt thóc giảm còn 3% (so với 15%-18% thu hoạch thủ công), độ sạch hạt thóc đạt 97%-99%. Hiện, máy được dùng khá phổ biến ở vùng đất Chín Rồng do có thể thu hoạch nhanh các diện tích chạy lũ, lại được đóng bao trọn gói, không còn phải lo phơi phóng, có thể bán ngay sau khi thu hoạch.
Một loại máy khác được ưa chuộng ở Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) là máy cấy 6 hàng MC6H-250. Điểm nổi trội của máy này là cùng một lúc cấy được 6 hàng, tiêu hao nhiên liệu ít (3,5 lít/ha), nhưng cho năng suất cao (6 sào/giờ); mật độ cấy lúa phù hợp với thời tiết nóng ẩm ở đồng bằng Bắc Bộ, và đặc biệt có kích thước nhỏ gọn (160kg) rất thích hợp với mảnh ruộng nhỏ. Cũng là máy cấy, nhưng ở Nam Bộ, Viện cho ra đời loại MC 08, cấy cùng lúc 8 hàng, mỗi ngày cấy được 1,5 ha, giảm chi phí cho công cấy gấp 5 lần so với làm thủ công. Hơn nữa, giá máy 25 triệu đồng, bằng 1/8 so với của Nhật Bản, chỉ cần đưa máy đi cấy thuê chưa đầy một vụ đã có thể thu hồi vốn, nên được bà con ĐBSCL đầu tư khá nhiều.
Với chức năng nghiên cứu - chế tạo - chuyển giao công nghệ, VIAEP đã phối hợp với nhiều tổ chức nhằm đẩy nhanh tốc độ cơ giới hóa nông nghiệp. Mới đây, VIAEP đã chuyển giao công nghệ sản xuất lạc bằng cơ giới cho Viện Nghiên cứu Dầu thực vật Việt Nam (OPI). Các mẫu máy được chuyển giao gồm: máy gieo lạc đa năng, có tính năng vun luống, bón phân, gieo hạt, phủ bạt ni lông và phun thuốc; máy đào lạc, với năng suất 0,3 ha/giờ, tỷ lệ đào sót quả dưới 1%, làm sạch trên 80% đất bám trên quả; máy bứt lạc 5 tạ/giờ, tỷ lệ quả vỡ dưới 1,5%; máy thu hoạch lạc 0,25 ha/giờ, độ hao hụt dưới 1%. TS. Lam Giang, Phó Viện trưởng OPI cho rằng, việc ứng dụng các mẫu máy của VIAEP tiết kiệm được 50% chi phí nhân công, rất có ý nghĩa với những vùng trọng điểm sản xuất lạc.
Trong lĩnh vực bảo quản sau thu hoạch, VIAEP đã có những đóng góp rất lớn. Hiện, tổn thất sau thu hoạch lúa gạo ở nước ta khoảng 12%, cao hơn nhiều so với những nước trong khu vực. Trong đó, tổn thất cao nhất là khâu bảo quản, với 2,6%, tức khoảng gần 1 triệu tấn lúa. Để giảm tổn thất, nếu nhập khẩu hệ thống tháp bảo quản silo của ngoại thì đầu tư quá lớn. Theo tính toán, chi phí đầu tư ban đầu khoảng 300 USD/tấn sức chứa. Với vụ đông - xuân ở riêng ĐBSCL khoảng 10 triệu tấn thì vốn đầu tư lên đến 3 tỉ USD. Vì lý do này, đã hơn 10 năm nay, các nhà khoa học đã nói nhiều đến tháp bảo quản silo, nhưng nông dân trong nước chưa mặn mà lắm. Trong bối cảnh đó, VIAEP đã điều chế thành công chất silicagen, có tác dụng bảo quản hạt lương thực mà không gây độc cho người và động vật. Kết quả thực nghiệm cho thấy, với nồng độ 0,1% silicagen trộn đều vào thóc, hiệu lực diệt mọt đạt 100%, tỷ lệ tổn thất dưới 2%, trong khi thóc không sử dụng silicagen, tỷ lệ tổn thất 2,8%. Theo TS. Trần Thị Mai, Phó Viện trưởng VIAEP, quy trình bảo quản thóc bằng silicagen đơn giản, phù hợp với quy mô nhỏ tại hộ nông dân, nhất là chi phí đầu tư gần như không đáng kể.
Sử dụng kỹ thuật đơn giản
Hiện mỗi năm, nước ta sản xuất khoảng 6,5 triệu tấn trái cây, đây là nguồn sống chính của hơn 3 triệu hộ nông dân. Nghịch lý là cả nước có khoảng 60 nhà máy chế biến rau, củ, trái cây các loại với công suất 313 ngàn tấn/năm, nhưng thực tế nhiều nhà máy chỉ hoạt động với 50% công suất, và một số khác có nguy cơ đóng cửa trong thời gian tới. Theo ông Đới Xuân Quảng, Phó Cục trưởng Cục Chế biến nông sản, việc thu hái và bảo quản sau thu hoạch của người nông dân không áp dụng tiến bộ kỹ thuật nên tổn thất sau thu hoạch lên đến 25%, do đó các nhà máy không dám mua trái cây về chế biến vì giá thành bán ra cao, không cạnh tranh được với các nước trong khu vực. Nhằm tháo gỡ nút thắt này, VIAEP đã chuyển giao công nghệ bảo quản những trái cây có giá trị kinh tế cao ở nước ta. VIAEP đã chế tạo màng bọc mới cho phép giữ rau quả tươi như mới. Đây là loại dung dịch lỏng có thể dùng trực tiếp bằng cách phun, xoa để tạo một lớp mỏng trên bề mặt quả. Qua thực nghiệm với loại quả có múi (bưởi, cam, quýt…) cho hiệu quả tốt, cuống vẫn xanh, quả không bị biến đổi về độ cứng và hương vị. Ưu điểm nổi bật của công nghệ này là rẻ tiền, sử dụng kỹ thuật đơn giản, không yêu cầu nhân lực trình độ cao, thay thế cho tập quán sử dụng hóa chất trong bảo quản. Ông Nguyễn Xuân Động, Chủ nhiệm Hợp tác xã Quảng Châu (Hưng Yên) cho biết, nhờ công nghệ bọc màng mà kéo dài được thời gian quả chín trên cây, rải sản lượng quả cung ứng ra thị trường, tránh được ép giá khi phải thu hoạch rầm rộ.
Ngoài ra, VIAEP còn điều chế thành công nhiều loại dung dịch an toàn để bảo quản các loại trái cây chủ lực như sầu riêng, nhãn, măng cụt, bưởi… Trong sản xuất, mới đây, Viện đã chế tạo thành công hệ thống tưới nhỏ giọt dùng cho hộ gia đình. Hệ thống này được sử dụng trong các khu sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ để trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Công nghệ này nhanh chóng đi vào đời sống người nông dân do giúp nâng cao hiệu quả trong trồng cây ăn quả, hoa, rau; chế tạo bằng vật liệu trong nước và vật liệu nhập khẩu giá thành chỉ bằng một phần hai giá của hệ thống có tính năng tương tự; tiết kiệm tối đa nguồn nước.
Với hàng trăm mẫu máy được chuyển giao mang lại hiệu quả kinh tế cao, VIAEP xứng đáng được vinh danh là cơ quan nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ đầu ngành trong phục vụ sản xuất nông nghiệp, bảo quản và chế biến nông sản, thúc đẩy sản xuất theo hướng thâm canh, tăng năng suất, giảm chi phí lao động, tăng giá trị nông sản hàng hóa.
Để đóng góp thiết thực hơn nữa vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn, phương châm chính của VIAEP trong thời gian tới là tiếp tục tập trung vào chuyển giao các loại máy móc, thiết bị vừa và nhỏ, phù hợp với đồng ruộng nước ta. Kỹ thuật cần đơn giản hóa để người nông dân dễ sử dụng. Theo đó, VIAEP sẽ ưu tiên phát triển nhanh cơ giới hóa trong các lĩnh vực canh tác, thu hoạch, chế biến nông sản và chế biến giống. Trước mắt, VIAEP hiện đại hóa công nghệ chế biến gạo, rau, quả, dầu thực vật, sản phẩm chăn nuôi để nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước. Đối với nghiên cứu cơ giới hóa sản xuất cho cây trồng chính, sẽ hoàn thiện thiết kế và chế tạo máy liên hợp thu hoạch lúa và máy cấy lúa, công nghệ và thiết bị đồng bộ sản xuất mạ khay công nghiệp; lựa chọn mô hình sản xuất lúa theo cơ giới hóa đồng bộ ở Đồng bằng sông Cửu Long và Đồng bằng sông Hồng... Ngoài ra, trong nghiên cứu cơ bản, Viện tập trung vào lĩnh vực công nghệ sinh học sau thu hoạch và công nghệ tự động hoá trong cơ điện nông nghiệp và xử lý sau thu hoạch; đẩy nhanh ứng dụng một số công nghệ cao như làm khô nông sản bằng kỹ thuật bơm nhiệt, bức xạ hồng ngoại.../.
Tăng cường hợp tác giữa Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Việt Nam - Lào  (14/09/2011)
Hội thảo khoa học về đường Hồ Chí Minh trên biển  (14/09/2011)
Hội thảo khoa học về đường Hồ Chí Minh trên biển  (14/09/2011)
Nguy cơ mất đà tăng trưởng của các nền kinh tế lớn nhất thế giới  (14/09/2011)
Nguy cơ mất đà tăng trưởng của các nền kinh tế lớn nhất thế giới  (14/09/2011)
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
- Đóng góp của phụ nữ Việt Nam qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới
- Một số nội dung chủ yếu trong đường lối, chủ trương của Đảng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa liên quan đến chuyển đổi công nghiệp
- Mối quan hệ giữa già hóa dân số và tăng trưởng kinh tế: Kinh nghiệm của Nhật Bản và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên