Tiếp tục chương trình thăm, làm việc tại các tỉnh miền Trung, ngày 4-9, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Đoàn công tác của Chính phủ đã làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Quảng Bình về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2011.

Báo cáo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Đoàn công tác Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Quảng Bình Nguyễn Hữu Hoài cho biết, trong 8 tháng năm 2011, Quảng Bình đã thực hiện quyết liệt Nghị quyết số 11 của Chính phủ về các giải pháp cơ bản kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và đạt được những kết quả khá trên các mặt kinh tế - xã hội. Nhờ vậy, giá trị sản xuất công nghiệp 8 tháng tăng 14,6%, xuất khẩu tăng 116%, tỷ lệ hộ nghèo giảm 2,36%, giải quyết việc làm cho trên 17.360 người… Hoạt động du lịch được quan tâm đẩy mạnh, một số tuyến, điểm du lịch mới như: động Thiên Đường, sông Chày – Hang Tối… được đưa vào khai thác, vì vậy, lượng du khách tới Quảng Bình tăng khá nhanh.

Thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 11 của Chính phủ, đến nay Quảng Bình đã  đình hoãn, giãn tiến độ 55 công trình dự án với số vốn cắt giảm trên 87,4 tỉ đồng và bổ sung vốn cho các công trình, dự án cấp bách cần đẩy nhanh tiến độ. Tỉnh cũng đã thực hiện tiết kiệm 10% chi thường xuyên với số tiền là 23,794 tỉ đồng.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Nguyễn Hữu Hoài cũng đề xuất, kiến nghị với Chính phủ về việc cho chủ trương, tháo gỡ khó khăn về vốn đối với một số công trình giao thông, dự án cung cấp điện năng… của tỉnh. 

Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao những kết quả khá toàn diện mà Quảng Bình đã đạt được trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực. Mặc dù trong điều kiện khó khăn nhưng các lĩnh vực xã hội của tỉnh được triển khai có hiệu quả như giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo, phổ cập THCS đạt gần 100%, giải quyết việc làm cho trên 17 nghìn lao động, 71% xã phường đạt chuẩn quốc gia về y tế… 

Thủ tướng nêu rõ, Quảng Bình là tỉnh có nhiều thế mạnh về đất đai, Di sản Thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng, bờ biển dài, hệ thống giao thông thuận lợi. Đây là những lợi thế sẵn có để phát triển sản xuất lâm nghiệp, nông nghiệp, vật liệu xây dựng và các dịch vụ du lịch. Do vậy, Quảng Bình cần khai thác, tận dụng tối đa những tiềm năng đã có để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, đồng thời cần xây dựng quy hoạch phát triển cụ thể đối với các ngành công nghiệp mũi nhọn nhằm có chiến lược phát triển kinh tế bền vững, lâu dài. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Quảng Bình cần đưa khoa học công nghệ nâng cao năng suất trong nông nghiệp, lựa chọn phát triển công nghiệp vùng phía Tây và vùng cát, đưa cây keo phủ xanh đất rừng gắn với công nghiệp chế biến, xây dựng Khu công nghiệp xi măng sông Gianh trở thành trung tâm xi măng lớn của đất nước, hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ cao vào đầu tư khu kinh tế Hòn La… 

Là địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao (trên 52 nghìn hộ, chiếm 25% theo chuẩn mới), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu lãnh đạo Quảng Bình quan tâm hơn nữa trong công tác xóa đói giảm nghèo theo hướng giảm nhanh và bền vững hộ nghèo, triển khai có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, đặc biệt là quan tâm chăm lo đời sống cho các đối tượng chính sách, đặc biệt quan tâm chương trình xây dựng nông thôn mới. 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương đã cho ý kiến về chủ trương đầu tư cầu Nhật Lệ 2, Trung tâm nhiệt điện Quảng Trạch, 8 tuyến đường cứu hộ cứu nạn, dự án đầu tư hệ thống tín hiệu dẫn đường tự động tại cảng hàng không Đồng Hới, dự án năng lượng mặt trời, dự án đường ven biển… Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Quảng Bình phối hợp với các bộ, ngành chức năng rà soát lại các dự án, thứ tự ưu tiên đầu tư nhằm triển khai có hiệu quả từng dự án phù hợp với điều kiện thực tiễn của đất nước./.