TCCSĐT - Ngày 30-8, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm Phát triển nông thôn bền vững (SRD) phối hợp với Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam (IAS) tổ chức Hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm ứng phó với biến đổi khí hậu”.

Mục đích của Hội thảo nhằm hỗ trợ các đại diện các tổ chức phi chính phủ, cơ quan quản lý... các tỉnh phía Nam có hiểu biết tốt hơn về những bài học và mô hình thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu ở Việt Nam.

Hội thảo đã hội tụ được gần 100 đại biểu là những nhà hoạch định chính sách, những người trực tiếp lãnh đạo và thực thi vì chương trình dự án, các nhà nghiên cứu khoa học từ các viện, trường và những cư dân đang sinh sống ở những vùng đang hàng ngày phải đối mặt và gánh chịu những tác động nghiêm trọng từ biến đổi khí hậu.

Những tác động lớn nhất của biến đổi khí hậu đến nông nghiệp toàn cầu được xác định là:

- Giảm năng suất nghiêm trọng đối với những cây lương thực và thực phẩm. Vùng Nam Á là nơi chịu thiệt hại lớn nhất, ngay cả những vùng có nước tưới, năng suất vẫn bị ảnh hưởng.

- Làm tăng giá lúa gạo (bình quân giá lúa gạo năm 2000 là 200USD/tấn, do biến đổi khí hậu, giá gạo đến năm 2050 dự kiến sẽ là 450USD/tấn), giá lúa mì, giá bắp cũng tăng (năm 2000 giá bắp khoảng 100USD/tấn, thì đến năm 2050 dự kiến giá bắp sẽ tăng lên 230USD/tấn), giá đậu nành, giá thịt cũng sẽ tăng cao do chi phí chăn nuôi tăng. Hậu quả là giảm lượng tiêu thụ thịt và ngũ cốc.

- Lượng Calory tiêu thụ hàng ngày giảm ở các nước đang phát triển (năm 2000 là 2.696 kcal; dự kiến năm 2050 là 2.432 kcal). Tăng số trẻ em (dưới 5 tuổi) suy dinh dưỡng lên đến 29% vào những năm 2050.

Dự báo về tác động của biến đổi khí hậu đến Việt Nam cũng được xác định là: đã và sẽ làm cho nước biển dâng, lượng mưa thay đổi, hạn hán và lũ lụt tăng; nhiệt độ sẽ tăng từ 0,3 - 0,5 độ C năm 2010, 1- 2 độ C vào năm 2020, từ 1,5 - 2 độ C vào năm 2070. Theo dự báo, các vùng ven biển ở miền Nam chịu tác động mạnh của hiện tượng nước biển dâng.

Theo IRRI (Viện Nghiên cứu chính sách lương thực thế giới), nếu nhiệt độ tăng 10C thì sản lượng nông nghiệp sẽ giảm đến 10%. Như vậy, khả năng đến năm 2020 sản lượng vụ đông xuân sẽ giảm 2,4%; đến năm 2070 sẽ giảm 11,6% và vụ hè thu sẽ giảm 4,5%. ở Đồng bằng Sông Cửu Long số ngày nóng trên 40oC sẽ tăng trong mua hè. Lượng mưa giảm vào đầu vụ và giữa vụ hè thu gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất lúa và chí phí sản xuất lúa.

Biến đổi khí hậu được xem là thảm họa lớn nhất trên toàn cầu mà loài người phải đối mặt trong thế kỷ XXI.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã cùng nhau chia sẻ những kinh nghiệm quý báu về việc lồng ghép, thích ứng với biến đổi khí hậu vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; đề ra những biện pháp để khắc phục những thách thức còn tồn tại; đưa ra các giải pháp và đề xuất hướng khắc phục những khó khăn; thúc đẩy sự hợp tác giữa các tổ chức phi chính phủ, chính phủ, các nhà nghiên cứu và cộng đồng địa phương; tạo mạng lưới cộng đồng ứng phó với biến đổi khí hậu có hiệu quả góp phần giảm nhẹ biến đổi khí hậu. Cụ thể là:

+ Nâng cao nhận thức của cộng đồng về biến đổi khí hậu và nước biển dâng cùng với những tác động nhiều mặt của nó.

+ Tạo được mối liên kết vùng trong đối phó với tác động của biến đổi khí hậu.

+ Ứng dụng những mô hình sản xuất kinh doanh phù hợp, tận dụng những mặt lợi của tình trạng biến đổi khí hậu và nước biển dâng, làm cho ổn định sinh kế, tăng thu nhập và nâng cao đời sống người dân.

+ Góp phần tích cực trong việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất, thích ứng với những thay đổi, phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

+ Giảm thiểu việc tích tụ khí gây hiệu ứng nhà kính góp phần giảm nhẹ biến đổi khí hậu./.