Công cuộc đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước của chúng ta đang tiến những bước rất cơ bản, hết sức quan trọng, cả về quy mô, tính chất, chiều sâu, và đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, tạo tiền đề vững chắc chuyển sang một giai đoạn phát triển mới. Trong bước quyết định và mạnh mẽ đó, giai cấp công nhân góp phần rất cơ bản, là một trong những nhân tố quyết định sự thành bại.

Bước vào năm 2008 - năm “bản lề” thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng, trong xu thế toàn cầu hóa, nhất là trước đòi hỏi mới của thời kỳ mới, giai cấp công nhân Việt Nam phải tiếp tục xứng đáng là lực lượng lãnh đạo tiên phong, là người đứng mũi chịu sào trước lịch sử. Đó là đòi hỏi của sự nghiệp đổi mới, quyết tâm của Đảng, ý chí và nguyện vọng của nhân dân và của dân tộc. Đó là cương lĩnh hành động của 9,5 triệu công nhân và người lao động ở hơn 61 nghìn tổ chức công đoàn cơ sở. Đó cũng là một trong những quyết sách lớn của Trung ương Đảng tại Hội nghị 6, khóa X, họp tháng 1-2008, tất cả vì sự lớn mạnh của giai cấp công nhân và sự thắng lợi của tiến trình đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Hơn 20 năm đổi mới, nhất là một thập kỷ qua, trong sự lớn mạnh của đất nước, giai cấp công nhân trưởng thành mạnh mẽ về số lượng, chất lượng và cơ cấu. Đặc biệt, một đội ngũ có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, khoa học - kỹ thuật cao trong các ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, ở tất cả các thành phần kinh tế... đã hình thành và phát triển. Với bản chất cách mạng, sự kiên định, vững vàng về chính trị, giai cấp công nhân là lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, là cơ sở chính trị - xã hội căn bản của Đảng, chỗ dựa vững chắc của Nhà nước, giữ vai trò nòng cốt trong khối liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức - nền tảng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần cơ bản và to lớn tạo nên tầm vóc mới, thế và lực mới của đất nước.

Nhưng, giai cấp công nhân còn không ít hạn chế, gặp không ít khó khăn và thách thức không nhỏ. Một bộ phận chưa có chí tiến thủ; trình độ học vấn, tay nghề của bộ phận trực tiếp sản xuất còn hạn chế; thể chất chưa đáp ứng yêu cầu của nền sản xuất công nghiệp phát triển; kỷ luật lao động và tác phong công nghiệp còn yếu; tỷ lệ đảng viên là công nhân còn thấp... Trong khi đó, vấn đề đào tạo nghề và việc làm vẫn đang là một thách thức không nhỏ; tiền lương và thu nhập là một điều đáng quan tâm; vấn đề nhà ở đang hết sức bức xúc và không ít nan giải; điều kiện và môi trường làm việc chậm được cải thiện; tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp còn xảy ra nghiêm trọng; tình trạng vi phạm kỷ luật lao động còn khá phổ biến; sự tranh chấp lao động tập thể và đình công vẫn diễn ra phức tạp; một số tổ chức công đoàn chưa thực sự là chỗ dựa đáng tin cậy, là người đại diện và bảo vệ lợi ích hợp pháp và chính đáng, chưa ngang tầm với sự trưởng thành và đòi hỏi của giai cấp công nhân, với yêu cầu mới. Một số cấp ủy, chính quyền và không ít tổ chức xã hội chưa quan tâm thỏa đáng tới đội ngũ công nhân và tổ chức công đoàn...

Tình hình đó trước hết thuộc về trách nhiệm của cấp ủy các cấp, các cấp chính quyền; cũng thuộc về chính giai cấp công nhân, trực tiếp là tổ chức công đoàn các cấp và các thành viên của hệ thống chính trị và của cả dân tộc.

Trước nhiệm vụ mới của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trong bối cảnh quốc tế và trong nước diễn biến nhanh chóng và phức tạp, các cấp ủy, chính quyền các cấp, các đoàn thể chính trị từ trung ương tới cơ sở phải đổi mới mạnh mẽ, sâu sắc hơn nữa từ nhận thức tới hành động một cách sáng tạo, thiết thực và hiệu quả, vì sự phát triển của giai cấp công nhân. Giai cấp công nhân phải vươn lên không ngừng; tổ chức công đoàn phải nắm vững tình hình thực tế, đề ra mục tiêu, phương hướng và nhiệm vụ cụ thể, sát hợp. Đó là vấn đề có ý nghĩa sống còn đối với giai cấp công nhân nói riêng, là trách nhiệm của toàn thể dân tộc trong những năm tới. Tất cả phải nhằm tập trung xây dựng giai cấp công nhân phát triển toàn diện, xứng đáng là lực lượng nòng cốt, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trực tiếp nâng cao bản chất giai cấp công nhân và vai trò lãnh đạo của Đảng, sự trong sạch và vững mạnh của Nhà nước; củng cố và phát triển sâu rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trên cơ sở liên minh vững chắc giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức.

Để làm tròn trọng trách đó, trước hết cấp ủy các cấp tăng cường nghiên cứu, tuyên truyền giáo dục về giai cấp công nhân và xây dựng giai cấp công nhân vững mạnh toàn diện, xứng đáng là lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao vai trò lãnh đạo cách mạng; giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong xây dựng Đảng, Nhà nước và chế độ...

Nhà nước, trực tiếp là các cấp chính quyền đổi mới mạnh mẽ hơn nữa về cơ chế, chính sách vĩ mô, nhất là chính sách đào tạo nghề, chế độ lương và bảo hiểm, chế độ nhà ở... một cách cụ thể, vì sự phát triển mạnh mẽ, toàn diện và vững chắc của giai cấp công nhân, theo hướng trí thức hóa.

Tổ chức công đoàn các cấp đổi mới mạnh mẽ và hiệu quả hơn nữa về nội dung và phương thức hoạt động một cách hệ thống, đồng bộ và thiết thực. Chủ động tham gia xây dựng, tổ chức thực hiện và kiểm tra, giám sát hiệu quả việc thực hiện pháp luật, chế độ, chính sách có liên quan trực tiếp đến công nhân; chăm lo đời sống, làm tốt chức năng đại dịên và bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của công nhân, viên chức và người lao động, từ mỗi cơ sở, ở các thành phần kinh tế. Mở rộng hoạt động đối ngoại hữu nghị, hợp tác chặt chẽ, đa dạng và hiệu quả trong khu vực và quốc tế, vì quyền công đoàn và vì cuộc sống tốt đẹp của giai cấp công nhân và người lao động...

Các bộ, ngành, tỉnh, thành phố, các doanh nghiệp ở mọi thành phần kinh tế, các tổ chức đoàn thể, trước hết là Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ phối hợp chặt chẽ, tạo nên sức mạnh tổng hợp và thống nhất nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất, chăm lo giai cấp công nhân một cách cụ thể và hiệu quả.

Toàn thể dân tộc tiếp tục chăm lo đời sống mọi mặt của giai cấp công nhân một cách tương xứng nhằm phát triển giai cấp công nhân cả về số lượng, chất lượng, cơ cấu, thiết thực nâng cao trình độ giác ngộ và bản lĩnh chính trị, trình độ học vấn và nghề nghiệp, theo hướng trí thức hóa, nâng cao năng lực ứng dụng và sáng tạo công nghệ mới, lao động đạt năng suất, chất lượng và hiệu quả ngày càng cao, đi tiên phong trong công cuộc đổi mới.

Với quyết tâm của Hội nghị Trung ương 6, khóa X của Đảng, tiến tới Đại hội X của Công đoàn Việt Nam, với những giải pháp hiệu quả, phù hợp, giai cấp công nhân Việt Nam tiếp tục vươn lên toàn diện, mạnh mẽ, xứng đáng với trọng trách lịch sử giao phó, với sự quan tâm của toàn dân tộc. Trong sức Xuân Mậu Tý 2008, tất cả các cấp ủy, chính quyền các cấp, đội ngũ công nhân và người lao động, tổ chức công đoàn các cấp năng động, sáng tạo, đồng lòng tiếp tục xây dựng nước ta thành nước công nghiệp, theo hướng hiện đại trong tầm nhìn 2020, vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, nhịp bước cùng thời đại.