TCCSĐT - Ngày 13-9-2010, Ngân hàng Thế giới (WB) đã công bố một loạt báo cáo, nghiên cứu, tổng kết, đánh giá về các mục tiêu được Liên hợp quốc đề ra từ năm 2000. Các báo cáo, nghiên cứu, tổng kết mới công bố của WB cho biết khủng hoảng tài chính thế giới đã đẩy 64 triệu người trên thế giới lâm vào cảnh nghèo đói trong năm 2009, trong đó có tới 40 triệu người vô gia cư. Nếu căn cứ theo dự đoán của các chuyên gia WB, tương lai đạt được các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ không mấy sáng sủa.
 
1. Ngân hàng Thế giới công bố một loạt báo cáo, nghiên cứu, tổng kết, đánh giá về các mục tiêu được Liên hợp quốc đề ra từ năm 2000

Ngày 13-9-2010, Ngân hàng Thế giới (WB) đã công bố một loạt báo cáo, nghiên cứu, tổng kết, đánh giá về các mục tiêu được Liên hợp quốc đề ra từ năm 2000. Các báo cáo, nghiên cứu, tổng kết mới công bố của WB cho biết khủng hoảng tài chính thế giới đã đẩy 64 triệu người trên thế giới lâm vào cảnh nghèo đói trong năm 2009, trong đó có tới 40 triệu người vô gia cư. Nếu căn cứ theo dự đoán của các chuyên gia WB, tương lai đạt được các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ không mấy sáng sủa. WB nhận định trong năm 2015, gần 38% dân số châu Phi thuộc khu vực Nam sa mạc Xahara, khoảng 336 triệu người sẽ sống dưới mức 1,25 USD/ngày và 1,2 triệu trẻ em tử vong khi chưa tròn 5 tuổi. Ngoài ra, khoảng 100 triệu người sẽ không được cung cấp nước sạch. Theo đánh giá của WB, nguyên nhân chính của tình trạng bi đát trên là do khủng hoảng tài chính và kinh tế thế giới đã đẩy hàng chục triệu lao động mất việc làm. Các chuyên gia WB cho rằng, nếu không có sự cố này, thế giới có thể có được bước tiến tích cực trong việc đạt được các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ vào năm 2015. Trong số 84 quốc gia đang phát triển, có tới 45 nước đã hoặc đang đạt được Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ. Tuy nhiên, khu vực đáng lo ngại nhất vẫn là nam sa mạc Xa-ha-ra ở châu Phi và các quốc gia Nam Á, đặc biệt là Pa-ki-xtan, Băng-la-đét, Áp-ga-ni-xtan.

2. ITU cảnh báo nguy cơ chiến tranh trên không gian mạng

Ngày 13-9-2010, Tổng Thư ký Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) A-ma-đun Tu-rê (Hamadoun Touré) đã cảnh báo nguy cơ một cuộc chiến tranh trên không gian mạng và kêu gọi các nước thành viên Liên hợp quốc nhanh chóng thỏa thuận và ký kết hiệp ước an ninh mạng toàn cầu. Ông nhấn mạnh cuộc chiến tranh tổng lực trên không gian mạng toàn cầu là một hiểm hoạ rất rõ ràng và không một nước nào miễn trừ được mối đe doạ tiềm tàng này. Hiệp ước an ninh mạng toàn cầu cần bao gồm khuôn khổ quy chế và pháp lý quốc tế chặt chẽ, trong đó xác định rõ những hành động được phép và không được phép trên không gian mạng, nghĩa vụ của các nước giám sát không gian mạng của họ cũng như các kế hoạch hành động khẩn cấp liên lục địa để phòng ngừa các cuộc tấn công quy mô lớn trên không gian mạng. Tổng Thư ký ITU lưu ý rằng, không gian mạng đã có những thay đổi rất căn bản, nhưng thế giới hiện vẫn chưa được trang bị tốt để đối phó với những thay đổi này. Ngay cả những cường quốc về an ninh mạng như Mỹ cũng dễ bị tổn thương. Theo Người phát ngôn của ITU Xa-ra Pa-két (Sarah Parkes), nhu cầu nâng cao nhận thức của toàn cầu về cuộc chiến tranh trên không gian mạng đã trở thành một thách thức toàn cầu về an ninh mạng. ITU cần tiếp tục thúc đẩy nhu cầu đối thoại quốc tế về vấn đề này để sớm thông qua hiệp ước đảm bảo hoà bình và an ninh trên không gian mạng toàn cầu.

3. OECD đánh giá kinh tế ASEAN tăng trưởng tích cực

Ngày 13-9-2010, trong báo cáo kinh doanh hàng quý công bố Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển (OECD) đánh giá khu vực Đông Nam Á mặc dù phục hồi kinh tế khiêm tốn, nhưng vẫn có đà tăng trưởng tốt sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Báo cáo của OECD dựa trên các số liệu của 5 nước thành viên ASEAN là In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a, Phi-líp-pin, Xin-ga-po và Thái Lan. Mặc dù vậy, OECD cũng cảnh báo đà tăng trưởng của một số nước ASEAN có thể sẽ yếu đi trong quý tới. Báo cáo nhận định: "Dấu hiệu chững lại trong nền kinh tế Trung Quốc, một thị trường xuất khẩu chủ lực, góp phần tạo yếu tố tiêu cực đối với triển vọng cho các nền kinh tế ASEAN, trong khi triển vọng tăng trưởng của các nền kinh tế OECD vẫn không chắc chắn”. Dự báo của OECD cũng cùng hướng với nhận định của các chuyên gia kinh tế khu vực tư nhân dự báo tốc độ phục hồi kinh tế tại Đông Nam Á trong 6 tháng cuối năm 2010 sẽ giảm, mặc dù tăng trưởng cả năm vẫn mạnh.

4. OPEC kỷ niệm 50 năm thành lập

Ngày 14-9-2010, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã kỷ niệm 50 năm thành lập. Kể từ khi ra đời năm 1960 tại một hội nghị ở Bát-đa, OPEC đã có tầm ảnh hưởng rất lớn trên các thị trường dầu mỏ, đặc biệt trong lĩnh vực khai thác, kiểm soát sản lượng và đảm bảo nguồn cung ổn định trên thị trường. Từ chỗ chỉ có 5 thành viên (gồm I-rắc, I-ran, Cô-oét, A-rập Xê-út và Vê-nê-xu-ê-la), nửa thế kỷ sau, OPEC đã có 12 thành viên, kiểm soát 60% trữ lượng dầu mỏ thế giới và đáp ứng khoảng 40% nhu cầu tiêu thụ toàn cầu. Trong những năm gần đây, các nước công nghiệp phát triển đã đẩy mạnh nghiên cứu và áp dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng, lựa chọn sử dụng các nguồn năng lượng thay thế, song OPEC hiện vẫn là tổ chức lớn nhất chi phối thị trường dầu mỏ thế giới, bởi lẽ sản lượng từ các nước ngoài OPEC có xu hướng giảm dần và nhu cầu tiêu thụ năng lượng hóa thạch vẫn rất lớn. Theo số liệu của Bộ Năng lượng Mỹ, doanh thu của 12 nước thành viên OPEC trong 8 tháng đầu năm 2010 đạt 487 tỉ USD, tăng so với gần 340 tỉ USD cùng kỳ năm 2009. Cơ quan này dự báo tổng thu nhập của OPEC sẽ tăng gần 160 tỉ USD, lên 731 tỉ USD trong cả năm 2010 so với 571 tỉ USD năm 2009. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia dầu mỏ nhận định mức độ tiêu thụ nguồn năng lượng này trên thế giới sẽ sớm đạt đỉnh điểm và bắt đầu xu hướng giảm, có thể vào năm 2030.

5. FAO: Vẫn còn gần một t người thiếu đói trên toàn cầu

Ngày 14-9-2010, Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO) cho biết nhờ kinh tế tăng trưởng trở lại, số người đói trên toàn cầu trong năm 2010 đã giảm xuống còn 925 triệu người so với 1,02 tỉ người của năm 2009. Tuy nhiên, FAO và Chương trình lương thực thế giới (WFP) cho rằng, tình trạng thiếu đói này vẫn là mức cao “không thể chấp nhận được”. Tổng Giám đốc FAO Giắc Đi-úp (Jacques Diouf) cho biết với việc mỗi 6 giây có một trẻ em tử vong do các vấn đề liên quan đến việc thiếu ăn, nạn đói vẫn là bi kịch và là bê bối lớn nhất của thế giới. Tại Hội nghị thượng đỉnh thế giới về lương thực năm 1996, các bên lần đầu tiên đưa ra mục tiêu giảm số người đói ăn từ 800 triệu người từ năm 1990 đến năm 1992, xuống 400 triệu người vào năm 2015. Tiếp đó, mục tiêu đầu tiên trong 8 MDG của Liên hợp quốc là giảm tỷ lệ đói nghèo trên thế giới từ mức 20% xuống 10% dân số thế giới vào năm 2015. Theo FAO và WFP, dù số người thiếu ăn trong năm 2010 đã giảm được 10% so với năm 2009, nhưng vẫn là 925 triệu người, chiếm 16% dân số thế giới ở trong tình trạng này. Do đó, để có thể đạt được mục tiêu đã đề ra, trong 5 năm tới phải tiếp tục giúp khoảng 500 triệu người, tức 6% dân số thế giới, thoát khỏi diện thiếu ăn. Theo FAO, việc số người thiếu ăn tiếp tục tăng trong thời gian kinh tế tăng trưởng tốt và giá lương thực tương đối thấp cho thấy thiếu đói là vấn đề có tính hệ thống.

6. Nga và Na-uy ký hiệp định biên giới Bắc Cực

Ngày 15-9-2010, Nga và Na-uy đã ký hiệp định biên giới tại khu vực Bắc Cực nhằm mở đường cho các hoạt động khai thác dầu mỏ và khí đốt tại đây đồng thời đặt dấu chấm hết cho cuộc tranh chấp lãnh thổ kéo dài suốt 40 năm qua. Tổng thống Nga Đ.Mét-vê-đép và Thủ tướng Na-uy Gin Xtôn-ten-bớc (Jens Stoltenberg) đã chứng kiến lễ ký hiệp định tại Muốc-man-xcơ (Murmansk), một thành phố cảng trên biển Ba-ren, gần biên giới bờ Bắc vành đai Bắc Cực của Na-uy. Trong tuyên bố của mình, Điện Crem-li nêu rõ lễ ký kết thỏa thuận trên đã đánh dấu một bước đột phá lịch sử trong quan hệ song phương. Đây là một ví dụ thực tiễn về phương châm tất cả tranh chấp tiềm ẩn ở khu vực Bắc Cực cần phải được chính các quốc gia ở khu vực giải quyết thông qua đàm phán dựa trên nền tảng luật pháp quốc tế hiện hành. Trước đó, lãnh đạo hai nước đã ký thỏa thuận sơ bộ hồi tháng Tư vừa qua. Khu vực được phân định là vùng lãnh thổ tranh chấp rộng 175.000 km2, phần lớn nằm trên biển Ba-ren và được cả hai nước chứng minh là khu vực có dầu mỏ.
Ca-na-đa, Mỹ, Nga, Na-uy và Đan Mạch là 5 quốc gia giáp Bắc Cực. Theo luật pháp quốc tế, các nước này được quyền tuyên bố khu vực đặc quyền kinh tế trong phạm vi bán kính 320 km kể từ lãnh hải phía Bắc. Theo các nhà kinh tế thế giới, trữ lượng dầu khí tại khu vực này là rất lớn, với khoảng 100 tỉ đến 200 tỉ thùng dầu thô, chiếm khoảng 30% trữ lượng dầu mỏ thế giới. Lượng khí thiên nhiên ở đây cũng rất dồi dào, khoảng từ 50.000 tỉ đến 80.000 tỉ mét khối.

7. Liên minh châu Âu giành thắng lợi trong vụ kiện với Mỹ

Ngày 15-9-2010, Liên minh châu Âu (EU) các quan chức đã tuyên bố giành thắng lợi trong vụ tranh cãi kéo dài nhiều năm qua giữa hai "gã khổng lồ" trong ngành sản xuất máy bay là Boeing và Airbus khi Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) ra phán quyết sơ bộ cho rằng việc Mỹ trợ cấp cho Boeing là bất hợp pháp. Trong phán quyết, được gửi cho các bên và chưa công bố chính thức, Uỷ ban giải quyết tranh chấp của WTO đã ủng hộ quan điểm của EU cho rằng, các khoản trợ cấp trị giá 23 tỉ USD mà chính quyền Mỹ dành cho Boeing theo một dự án nghiên cứu quốc phòng là bất hợp pháp. Tuy nhiên, phán quyết mới nhất này của WTO lại càng khiến cuộc tranh cãi kéo dài 6 năm qua về vấn đề nhận trợ cấp giữa 2 hãng Airbus và Boeing trở nên phức tạp vì cuối tháng 6 vừa qua, WTO cũng đưa ra phán quyết rằng những khoản hỗ trợ của các chính phủ EU cho hãng Airbus là sai quy định. Oa-sinh-tơn và Boeing khi đó cũng tuyên bố thắng trong vụ tranh cãi này. Ngày 6-10-2004, EU đệ đơn kiện lên WTO về việc Mỹ tài trợ bất hợp pháp cho hãng sản xuất máy bay Boeing của nước này và cùng trong ngày này, Oa-sinh-tơn cũng khiếu nại lên WTO, cáo buộc EU đã cung cấp các khoản trợ cấp không công bằng lên tới 200 tỉ USD cho hãng Airbus của châu Âu. WTO cho rằng việc đưa ra hai phán quyết như vậy là để cân bằng lại tình hình, song các chuyên gia cho rằng việc đưa ra song song hai phán quyết đối với hai bị đơn, đồng thời là nguyên đơn, cho phép hai phía cùng tuyên bố thắng cuộc và cùng tiếp tục kháng cáo. Trước tình hình này, hãng Airbus ngày 15-9 đã kêu gọi đối thủ của mình, hãng Boeing, đàm phán để chấm dứt những tranh cãi này

8. Mỹ - Nga ký kết thoả thuận tăng cường hợp tác quốc phòng

Ngày 15-9-2010, tại Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Rô-bớt Ghết (Robert Gates) và người đồng cấp của Nga A-na-tô-li Xéc-điu-cốp đã ký kết hai thỏa thuận nhằm tăng cường hợp tác quốc phòng và đối phó với các thách thức toàn cầu giữa Mỹ và Nga. Những thỏa thuận này được ký tại Lầu Năm Góc - trụ sở của Bộ Quốc phòng Mỹ - như là một phần trong kế hoạch của Chính quyền Tổng thống B.Ô-ba-ma nhằm tái khởi động quan hệ giữa hai nước sau nhiều năm căng thẳng. Bộ trưởng Ghết phát biểu: "Chúng tôi tin rằng, điều này sẽ dẫn tới các hoạt động, các cuộc tập trận, trao đổi và chương trình chung nhiều hơn giữa hai bộ quốc phòng trong một loạt các lĩnh vực". Trong khi đó, ông Xéc-điu-cốp bày tỏ hy vọng chuyến thăm Mỹ lần này sẽ "tạo ra một động lực rất mạnh mẽ đối với sự phát triển quan hệ giữa hai nước".

10. Tổ chức Minh bạch Quốc tế cảnh báo thất bại trong cuộc chiến chống tham nhũng

Ngày 15-9-2010, Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) đã công bố nghiên cứu nhan đề "Chất xúc tác chống tham nhũng là thực hiện các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ vào năm 2015" trong đó nhấn mạnh thất bại của các chính phủ trong cuộc chiến chống tham nhũng đang đe dọa tiến trình thực hiện các MDG. Tổ chức này kêu gọi các chính phủ, các nhà tài trợ, và các tổ chức phi chính phủ tăng cường các biện pháp chống tham nhũng trong tất cả các kế hoạch hành động thực hiện MDG. Phân tích tiến trình thực hiện MDG về nước sạch ở 48 nước, nghiên cứu của TI cho thấy hối lộ và tham nhũng ít hơn sẽ cải thiện tốt hơn nguồn nước sạch cho người nghèo. Các nước có điểm tốt về luật chống tham nhũng còn giảm mạnh được tỷ lệ tử vong của các bà mẹ và trẻ sơ sinh. Người dân được tiếp cận thông tin lớn hơn thì tỷ lệ người mù chữ giảm mạnh, nhất là đối với thanh niên. Nước nào càng công khai hóa những phát hiện về tham nhũng, kết quả thực hiện MDG càng cao, bất kể nước đó giàu hay nghèo hoặc ngân sách chi cho tiến trình MDG cao hay thấp. Nghiên cứu của TI cũng cho biết trách nhiệm chống tham nhũng là trách nhiệm của tất cả các bên, từ chính phủ và các nhà tài trợ đến các tổ chức xã hội dân sự và công dân. Công ước Liên hợp quốc chống tham nhũng là khuôn khổ pháp lý toàn cầu toàn diện nhất để chống tham nhũng.

11. Diễn đàn Đa-vốt mùa Hè 2010

Từ ngày 13-9 đến ngày 16-9-2010, tại Thiên Tân (Trung Quốc), diễn ra Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) còn gọi là Diễn đàn Đa-vốt (Davos) mùa Hè. Tại Diễn đàn, các chuyên gia kinh tế và lãnh đạo doanh nghiệp thế giới nhận định rằng suy thoái kép khó có khả năng xảy ra bởi trong lúc các nền kinh tế Mỹ và châu Âu phục hồi chậm thì các nền kinh tế ở châu Á vẫn tăng trưởng nhanh chóng; nhiều tín hiệu lạc quan cũng xuất hiện ở các thị trường đang nổi lên, đặc biệt là Trung Quốc. Theo dự đoán, sự phục hồi của kinh tế toàn cầu sẽ dựa nhiều hơn vào các nền kinh tế đang nổi và đến năm 2014, kinh tế châu Á có thể đóng góp vào sự phát triển của kinh tế toàn cầu nhiều hơn là sự đóng góp của các nền kinh tế G7. Mặc dù khá lạc quan về tình hình kinh tế thế giới, các chuyên gia kinh tế và các nhà quản trị doanh nghiệp cũng thừa nhận kinh tế toàn cầu tiếp tục đối mặt với nhiều bất ổn do hậu quả lâu dài của cuộc khủng hoảng tài chính vừa qua. Trong số những nguy cơ chính có mất cân bằng thương mại, chủ nghĩa bảo hộ thương mại và khủng hoảng nợ công. Để giảm thiểu những nguy cơ trên, các chuyên gia kinh tế kêu gọi Hội nghị thượng đỉnh G20 sắp tới ở Xơ-un (Hàn Quốc) thảo luận về tăng cường giám sát toàn cầu đối với các luật lệ tài chính quốc tế, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phối hợp giữa các quốc gia, sớm hoàn thành các vòng đàm phán Đô-ha tiến tới đạt được một hiệp định thương mại đa phương.

12. ECCC chính thức kết tội bốn thủ lĩnh Khơme Đỏ

Ngày 16-9-2010, Tòa án xét xử tội ác Khơ-me Đỏ (ECCC) tại Cam-pu-chia đã chính thức ra phán quyết buộc bốn thủ lĩnh Khơ-me Đỏ là Nuôn Chia (Nuon Chea), I-êng Xa-ri (Ieng Sary), I-êng Thi-rít (Ieng Thirith) và Khiêu Xăm-phon (Khieu Samphan) các tội diệt chủng, tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người. Thẩm phán Iu Bun-leng (You Bunleng) cho biết, ECCC đã quyết định đưa bốn bị cáo này ra xét xử, và đưa ra danh sách những cáo buộc đối với các nhân vật chóp bu của chế độ Khơ-me Đỏ, trong đó có tội danh tra tấn, giết người và cưỡng hiếp. Trong chế độ Khơ-me Đỏ, Nuôn Chia được biết tới với biệt danh "Anh Số 2" sau Pôn Pốt (Pol Pot). Nuôn Chia sẽ phải đối mặt với việc bị xét xử vào năm 2011 cùng với I-êng Xa-ri, I-êng Thi-rít và Khiêu Xăm-phon. Những thủ lĩnh Khơ-me Đỏ này bị bắt giữ từ năm 2007. Trước đó, hồi tháng 7, ECCC đã kết án cựu cai ngục nhà tù S-21 khét tiếng Cang Kếch Yêu (Kaing Guek Eav), biệt danh "Duch", 35 năm tù giam.

13. Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ thông qua Hiệp ước START mới

Ngày 16-9-2010, với kết quả 14 phiếu ủng hộ và 4 phiếu chống, Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ đã thông qua Hiệp ước cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược (START) mới với Nga, đánh dấu một thắng lợi của Tổng thống B.Ô-ba-ma khi ông muốn phê chuẩn văn kiện này trong năm nay. Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Thượng viện Mỹ Giôn Ke-ri bày tỏ tin tưởng cơ quan lập pháp này sẽ sớm phê chuẩn START mới ngay sau cuộc bầu cử Quốc hội giữa kỳ vào ngày 2-11 tới. Để được thông qua tại Thượng viện, hiệp ước mới này cần nhận được ít nhất 67 phiếu ủng hộ trong tổng số 100 thượng nghị sĩ, nghĩa là đảng Dân chủ cần nhận được sự ủng hộ của ít nhất 8 thượng nghị sĩ thuộc đảng Cộng hòa. Tuy nhiên, các thượng nghị sĩ Cộng hòa lại muốn có thêm thời gian để xem xét lại Hiệp ước, đồng thời dành nhiều tiền hơn để duy trì và hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân.

14. Liên hợp quốc và IMF: Khủng khoảng tài chính toàn cầu tác động mạnh đến việc viện trợ cho các nước nghèo

Ngày 16-9-2010, Liên hợp quốc và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết cuộc khủng khoảng tài chính toàn cầu đã giáng một đòn mạnh vào việc viện trợ cho các nước nghèo và cần phải có hàng tỉ USD để bù đắp những thiếu hụt do cuộc khủng hoảng này gây ra. Thế giới cần phải trở lại sự tăng trưởng bền vững để hy vọng đạt được những mục tiêu về giảm nghèo đói và sức khỏe. Theo Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki Mun, sự biến động về kinh tế đã gây ra tình trạng thâm hụt các khoản viện trợ, thương mại và các khoản nợ, cũng như khả năng tiếp cận các loại dược phẩm và công nghệ. Ảnh hưởng này đặc biệt mạnh ở châu Phi. Mặc dù viện trợ phát triển chính thức (ODA) đã ở mức cao chưa từng thấy, nhưng "chúng tôi vẫn thiếu 200 tỉ USD viện trợ theo những cam kết đã đưa ra đối với năm nay, trong đó phần lớn là viện trợ cho châu Phi". Báo cáo "Đối tác Toàn cầu vì Phát triển trong tình hình gay go" của Liên hợp quốc dự đoán ODA sẽ tăng từ 120 tỉ USD trong năm 2009 lên tới 126 tỉ USD trong năm nay, tuy nhiên, sự gia tăng này sẽ không thể đáp ứng được những cam kết mà các nước công nghiệp phát triển (G8) đã đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh G8 ở Gle-ni-gơn (Gleneagles), Xcốt-len hồi năm 2005. Theo báo cáo này, các nước G8 đã cam kết tăng gấp đôi số viện trợ (50 tỉ USD/năm) trong năm nay và số viện trợ cho châu Phi (25 tỉ USD). Tuy nhiên, những nước này cũng cho biết họ còn viện trợ thiếu 16 tỉ USD cho châu lục trên.

15. Hội nghị Thượng đỉnh EU

Ngày 16-9-2010, tại Búc-xen (Bỉ), Hội nghị Thượng đỉnh EU đã kết thúc. EU đã đạt đồng thuận về hai chủ đề chính gồm gói viện trợ thông qua thương mại giúp Pa-ki-xtan khắc phục hậu quả lũ lụt và hiệp định thương mại tự do với Hàn Quốc. Tuyên bố kết thúc Hội nghị khẳng định mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng thiên tai tại Pa-ki-xtan đòi hỏi phải có phản ứng ngay lập tức và thực chất, có tính đến tầm quan trọng chiến lược của sự phát triển, an ninh và ổn định của quốc gia này trong khu vực. Theo hãng tin AFP, lãnh đạo 27 nước thành viên EU nhất trí cho phép Pa-ki-xtan tiếp cận nhiều hơn thị trường khu vực thông qua các biện pháp giảm thuế ngay lập tức hoặc trong một thời gian nhất định đối với những mặt hàng nhập khẩu quan trọng từ Pa-ki-xtan, nhưng phải phù hợp với quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Các nhà lãnh đạo đồng ý đề nghị WTO dành cho Pa-ki-xtan một số ưu tiên đặc biệt, với điều kiện I-xla-ma-bát phải đáp ứng những tiêu chí cần thiết và sau khi đã tham vấn các đối tác khu vực như Ấn Độ. Các nước EU còn nhất trí đưa ra một số biện pháp thương mại giúp I-xla-ma-bát chống các phần tử Hồi giáo cực đoan. Hội nghị tán thành EU ký hiệp định thương mại tự do với Hàn Quốc vào ngày 6-10 tới để thỏa thuận có hiệu lực từ ngày 1-7-2011.

16. Bắt đầu bầu cử quốc hội tại Áp-ga-ni-xtan

Đúng 7 giờ sáng giờ địa phương (9 giờ 30, giờ Hà Nội) ngày 18-9-2010, các điểm bỏ phiếu bầu cử Quốc hội Áp-ga-ni-xtan đã bắt đầu mở cửa trong bối cảnh an ninh được đặt ở mức cao nhất. Đây là cuộc bầu cử thứ hai tại quốc gia Nam Á này kể từ khi chế độ Ta-li-ban bị lật đổ năm 2001. Cuộc bầu cử có sự tham gia của 2.545 ứng cử viên từ 34 tỉnh trên cả nước, trong đó có hơn 400 phụ nữ, cạnh tranh 249 ghế trong Hạ viện (Wolesi Jirga). Sự kiện này được xem là một "phép thử" đối với sự ổn định ở Áp-ga-ni-xtan, trước khi Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma xem xét lại chiến lược chiến tranh tại quốc gia này vào tháng 12 tới để xác định tốc độ và quy mô rút lính Mỹ, dự kiến vào giữa năm 2011. Hơn 115.000 binh sĩ và nhân viên cảnh sát, với sự hỗ trợ của 144.000 binh sĩ thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), đã được triển khai nhằm đảm bảo an ninh cho 11,4 triệu cử tri và tất cả các điểm bỏ phiếu trên toàn quốc. Chính phủ Áp-ga-ni-xtan cũng đã quyết định đóng cửa hơn 1.000 điểm trong tổng số 5.816 điểm bỏ phiếu theo kế hoạch, vì lý do an ninh. Dự kiến, kết quả bầu cử chính thức sẽ được công bố vào ngày 31-10 tới./.

*** Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần từ ngày 6-9 đến ngày 12-9-2010