Người biểu tình ở Pháp
Ảnh: Reuters
Người dân không bằng lòng với cách thức xử lý chậm trễ và kém hiệu quả của chính phủ nhiều châu Âu trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
 
Nhiều nước châu Âu, trong đó nổi bật là Pháp, Anh, Hy Lạp, Tây Ban Nha… vừa trải qua một “ngày thứ năm đen tối” do các cuộc biểu tình quy mô lớn diễn ra rầm rộ trên khắp đất nước với sự tham gia của hàng triệu người.

Một số chính phủ đã có những nỗ lực cụ thể nhưng không mấy khả quan, một số khác vẫn bối rối chưa tìm ra lối thoát.

Cuộc khủng hoảng tài chính lan rộng toàn cầu đã đánh trực tiếp vào lợi ích của người lao động châu Âu, thể hiện rõ nét qua tỷ lệ thất nghiệp cao kỷ lục, 8% trung bình ở 15 nền kinh tế thuộc khu vực sử dụng đồng euro với tổng cộng 12,5 triệu người không có việc làm.

Trong đó cao nhất là tại Tây Ban Nha với gần 14,5% vào cuối năm 2008. Các nền kinh tế lớn nhất khu vực là Pháp, Anh, Đức… cũng đau đầu vì thất nghiệp. Các quốc gia Đông Âu thành viên mới của Liên minh châu Âu thì lâm vào tình trạng thất nghiệp do chế độ bảo hộ lao động tại các nước phát triển hoặc do các tập đoàn lớn giảm bớt đầu tư.

Điều làm người lao động châu Âu bất bình nhất là cách thức xử lý của chính phủ mà họ cho là “không hợp lòng người”; đó là không ngăn chặn được các tập đoàn lớn cắt giảm việc làm; để mặc các ngân hàng thực hiện các biện pháp hạn chế cho vay bóp nghẹt hoạt động của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Tuy nhiên, không phải đến bây giờ, khi nổ ra khủng hoảng, người lao động châu Âu mới bất bình với chính phủ, mà từ trước đó, họ đã mất lòng tin trước tình hình kinh tế ngày một sa sút tại châu lục này. Điển hình tại Pháp, trước khi nhậm chức vào tháng 5-2007, Tổng thống N.Xác-cô-di từng cam kết sẽ cải thiện điều kiện sống cho người dân, kích thích kinh tế, song kế hoạch không hợp lòng dân của ông chẳng những không phát huy hiệu quả mà còn tiêu tốn khoản ngân sách trị giá tới 360 tỷ euro (tương đương 477 tỉ USD) của nhà nước để cứu hệ thống ngân hàng trước nguy cơ sụp đổ và ước tính tăng trưởng kinh tế của Pháp ở mức 0% trong năm 2009.

Tại Anh - nơi nền kinh tế chính thức bước vào suy thoái sau hai quý 3 và 4 năm 2008 tăng trưởng âm, đang có một diễn biến nguy hiểm, khi người biểu tình ra đường phản đối người lao động nước ngoài với khẩu hiệu “Việc làm ở Anh là dành cho người Anh”. Bản thân Thủ tướng Anh G.Brao đã phải lên tiếng chỉ trích tư tưởng “bảo hộ việc làm” này của người lao động Anh.

Là tâm điểm bùng nổ biểu tình, Pháp cũng là nước nhanh chân nhất trong việc công bố kế hoạch tăng trưởng kinh tế trị giá 26 tỷ euro vào ngày 1-2-2009, theo đó, đầu tư cho 1000 dự án lớn nhỏ trên khắp cả nước. Bộ trưởng Tài chính Pháp tuyên bố kế hoạch này sẽ giúp tạo ra 120.000 việc làm đồng thời sẽ kích thích tăng trưởng thêm khoảng 1,3 điểm.

Kế hoạch tăng trưởng của Pháp ngay lập tức trở thành ví dụ được đem ra mổ xẻ, xem xét để các nước châu Âu khác học tập. Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, kế hoạch này chỉ được xem là giải pháp tạm thời do dự án thì nhiều mà tổng giá trị thì chẳng đáng bao nhiêu (26 tỷ euro cho 1000 dự án), các dự án chủ yếu là khôi phục các thư viện, công trình văn hóa, đường xá… nên tính kích thích đối với nền kinh tế không lớn, chủ yếu chỉ giúp giữ hoặc tạo mới việc làm.

Ông Giắc Mác-xen (Jack Marseille) - Giám đốc Viện lịch sử kinh tế và xã hội Pháp cho rằng, một kế hoạch giải cứu kinh tế hợp lý cần thiết phải chú ý đến hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ: “Kể từ khi khủng hoảng bùng nổ, chưa thấy một kế hoạch khôi phục kinh tế nào ở châu Âu được đánh giá là hiệu quả. Kế hoạch của Pháp cũng vậy. Một điểm đáng chú ý là lực lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng và giải quyết việc làm nhưng lại không được chú trọng hỗ trợ trong kế hoạch đó”.

Ông Joaquín Almunia, Ủy viên châu Âu phụ trách các vấn đề kinh tế và tiền tệ cũng không thể tỏ ra lạc quan: “Theo đánh giá của chúng tôi, khủng hoảng kinh tế sẽ gây tác động nặng nề hơn nữa mà các kế hoạch phục hồi kinh tế chưa thể cải thiện ngay được. Cuối năm 2008, có một sự sa sút lớn giáng mạnh vào các nền kinh tế châu Âu. Kế hoạch phục hồi mới của nước Pháp vì thế cũng không tạo ra những hy vọng lớn cho tình hình khó khăn hiện nay”.

Châu Âu đang lâm vào một cuộc khủng hoảng toàn diện, trong đó dường như khủng hoảng về tài chính không nặng nề bằng khủng hoảng lòng tin. Tại Hội nghị lần thứ 39 của Diễn đàn kinh tế thế giới tại Đa-vốt vừa qua, các nhà lãnh đạo chính phủ và doanh nghiệp đã nói tới cuộc khủng hoảng của mô hình kinh tế tư bản chủ nghĩa mà Mỹ và hầu hết các nước châu Âu thực hiện bấy lâu nay. Câu chuyện buồn về sự sụp đổ của nền kinh tế Ai-len (Ireland) - từng một thời được coi là hình mẫu phát triển ở châu Âu - cũng khiến người dân trên khắp châu lục này hoảng sợ.

Để vượt qua khủng hoảng hiện nay, rõ ràng các kế hoạch trị giá nhiều tỉ ơ-rô là không đủ. Và các nước châu Âu vẫn đang loay hoay tìm lối thoát cho riêng mình./.