TCCSĐT - Nhân dịp Festival Cồng chiêng quốc tế năm 2009 tại Gia Lai, ngày 14-11-2009, tại thành phố Pleiku (tỉnh Gia Lai), Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam (Bộ văn hóa, Thể thao và Du lịch) và Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Sự thay đổi đời sống kinh tế - xã hội và bảo tồn văn hóa Cồng chiêng ở Việt Nam và khu vực Đông nam Á”.

Tham gia Hội thảo có đại diện bộ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; lãnh đạo Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai; đại diện các nước tham dự Festival Cồng chiêng quốc tế năm 2009 tại Gia Lai; đại diện các ban, ngành Trung ương và địa phương; các nhà khoa học trong và ngoài nước…

Đây là một trong 15 hoạt động chính thức của Festival Cồng chiêng quốc tế năm 2009 tại Gia Lai; cũng là hội thảo khoa học quốc tế đầu tiên về tác động của những thay đổi kinh tế - xã hội đối với việc bảo tồn văn hóa Cồng chiêng ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á kể từ ngày không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên được tổ chức UNESCO vinh danh là kiệt tác của nhân loại (năm 2005).

Gần 70 bản tham luận của các nhà khoa học, nhà quản lý văn hóa trong và ngoài nước đã được gửi đến và trình bày tại Hội thảo; tập trung vào 4 nội dung chính: Những nghiên cứu về Cồng chiêng Việt Nam và các nước Đông Nam Á nói chung, Cồng chiêng Tây Nguyên nói riêng; vai trò xã hội của Cồng chiêng và văn hóa Cồng chiêng của Việt Nam và Đông Nam Á; những tác động của kinh tế - xã hội đối với văn hóa Cồng chiêng, những thích nghi và hạn chế, du lịch và di sản văn hóa dân tộc; bảo tồn và phát huy giá trị của văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên và các nước Đông Nam Á.

Hội thảo là dịp để các nhà nghiên cứu, nhà quản lý văn hóa Việt Nam và quốc tế cùng nhau đánh giá rõ hơn những giá trị của không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên và của văn hóa Cồng chiêng các nước Đông Nam Á; nhìn nhận lại những gì đã làm được và chưa làm được trong quá trình bảo tồn và phát huy những giá trị của không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên trong gần 5 năm qua. Sự hiện diện của các nhà khoa học, nhà quản lý văn hóa cùng các đại biểu là minh chứng cho sự tôn vinh giá trị của di sản văn hóa này trong đời sống xã hội Việt Nam hiện nay, đồng thời thể hiện tinh thần và trách nhiệm của toàn xã hội đối với một phần trong danh sách di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại trước những biến động về kinh tế - xã hội trong điều kiện hội nhập quốc tế.

Tại đây, các nhà khoa học, nhà quản lý văn hóa trong và ngoài nước đã cùng thảo luận, thống nhất nhận thức, trao đổi kinh nghiệm trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa nói chung, không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên nói riêng; trên cơ sở đó, làm rõ quan điểm, đề xuất những phương thức, giải pháp để làm tốt hơn nữa công tác bảo tồn và phát huy giá trị không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên trong thời gian tới; từ đó, hoàn thiện hơn nữa các chính sách bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên.

Ngay trong đêm khai mạc Festival Cồng chiêng quốc tế năm 2009 tại Gia Lai, có thể thấy, ý nghĩa tôn vinh giá trị không gian văn hóa Cồng chiêng đã thu được hiệu quả rất lớn lao. Vấn đề quan trọng đặt ra là, sau lễ hội, cần phải làm gì và làm như thế nào để văn hóa và âm nhạc Cồng chiêng mãi mãi khẳng định giá trị của mình trước những biến động về kinh tế - xã hội trong điều kiện hội nhập quốc tế? Để góp phần giải quyết vấn đề này, tại Hội thảo, các nhà khoa học, nhà quản lý văn hóa đã thống nhất đề xuất một số phương hướng, giải pháp như sau:

- Ở cấp trung ương, cần có tầm nhìn, định hướng cụ thể, đồng thời có sự đầu tư thích đáng để tiếp tục duy trì và bảo vệ những thành quả đã được công nhận.

- Đối với các nhà khoa học, cần có sự tập trung nghiên cứu và tư vấn một cách hiệu quả đối với giá trị không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên của đất nước.

- Đối với đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên - trong tư cách là chủ thể trọng tâm của không gian văn hóa Cồng chiêng, cần có ý thức phát huy, giữ gìn những giá trị văn hóa đã được quốc tế công nhận./.